,
221
483
Du học
duhoc
/giaoduc/duhoc/
768543
HSG quốc tế: Bước trên đường sự nghiệp
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

HSG quốc tế: Bước trên đường sự nghiệp

Cập nhật lúc 09:18, Thứ Bảy, 25/02/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Họ còn trẻ. Họ sớm khẳng định mình, với những thành tích học tập. Họ có điều kiện để trau dồi kiến thức và kỹ năng ở những môi trường tốt. Họ sống trong một thế giới thông tin đa chiều, đã bớt đi những rào cản ấu trĩ như thế hệ cha chú. Họ có nhiều cơ hội để nhìn nhận và tự chọn lựa hướng đi cho mình...

Họ là...

Soạn: AM 725813 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Cao Thị Phương Anh

1. Cuối năm 2002, trường THPT Trần Phú, Hải Phòng trở thành danh từ xuất hiện liên tiếp trên báo chí... cùng sự đăng quang của Hoa hậu Việt Nam Phạm Thị Mai Phương. Kỳ thi đại học năm 2003, lại một lần nữa trường này gây xôn xao dư luận với ý kiến xin đặc cách vào đại học cho người đẹp này.

Cùng 2 thời điểm ấy, một nữ sinh của trường, cũng dân chuyên khối ngành tự nhiên, cùng khoá với Hoa hậu lần lượt mang về 2 giải HSG quốc tế trong môn Hoá (HCB năm 2002 tại Groningen, Hà Lan và HCV năm 2003 tại Athens, Hy Lạp).

Một số phóng viên của vài tờ tạp chí Người đẹp, Thời trang... ngay lập tức chú ý đến cô học sinh duyên dáng, thông minh và đa tài: hoạt động phong trào, chơi đàn, hát hay... 

"Em tên là Cao Thị Phương Anh, có một anh trai rất vui tính. Nhà em ở Hải Phòng, trong một ngõ nhỏ, và bố mẹ đều là dân thường". Cô bé ấy đã giới thiệu rất đơn giản về mình như thế ở phần lý lịch trích ngang, trong mail trả lời phỏng vấn.

Học khá các môn tự nhiên từ cấp 1 và cấp 2, Phương Anh chọn chuyên Hoá khi vào lớp 10, vì "nó thú vị và ít nặng nề hơn đối với con gái so với Toán và Lý". 

Tháng 10/2005, đến lớp cử nhân tài năng, khoa Hoá, ĐHKHTN Hà Nội tìm thì được biết, Phương Anh vừa nhận học bổng sang Pháp, học Ecole Polytechnique (ở Việt Nam thường gọi là ĐH Bách Khoa Paris), qua một kỳ thi với sự giới thiệu của các thầy trường ĐHKHTN HN. 

Hiện tại, Phương Anh đang theo khoá học tiếng do trường Polytechnique tổ chức tại Cherbourg, miền Bắc nước Pháp. Cô bé cho biết, sẽ tiếp tục chuyên ngành Hóa ứng dụng.

Soạn: AM 713735 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đỗ Quang Yên (trái)

2. THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hoá là "địa chỉ tạm trú" của khá nhiều HSG quốc tế: Nguyễn Văn Quang, Vũ Xuân Hạ, Đỗ Ngọc Minh, Ngô Diên Hy, Bùi Anh Văn, Cao Văn Hạnh, Nguyễn Thành Vinh, Nguyễn Phi Lê, Lê Đình Hùng... Đỗ Quang Yên (HCB IMO 1998 và HCV IMO 1999) là một trong số đó.

Sang học ở ĐH Công nghệ Sydney, 3 lần liên tiếp Yên có tên trong Dean's List của Khoa Kỹ thuật, dành cho những SV xuất sắc nhất của khoa. "Hầu hết những bạn Việt Nam đi học cùng em đều có tên trong danh sách này. Đây là điều dễ hiểu vì các bạn đều là những SV xuất sắc nhận học bổng của Chính phủ Úc". 

Tuy nhiên, Yên cho biết, việc là thành viên trong Dean's List cũng có ích trong những bước xin học bổng ở các bậc học cao hơn.  

Gửi hồ sơ xin học bổng TS trong 3 ngành: Kỹ thuật điện tử, Khoa học máy tính và Toán lý thuyết và ở cả 3 ngành, đều được nhận vào các trường Top 5 và Top 10 của Mỹ, nhưng Yên chọn học Toán lý thuyết. 

Trường ĐHTH California, Los Angeles (UCLA) chỉ là một chi nhánh của ĐHTH California, tuy nhiên là một trong những trường có lượng SV đông nhất nước Mỹ và là trường rất mạnh về Toán lý thuyết. Tại đây, Yên gặp lại Lê Thái Hoàng, bạn thi IMO năm xưa (cựu SV Ecole Polytechnique, Pháp), cũng theo con đường này.

Quyết tâm theo Toán lý thuyết, Yên có sự tự hào của một SV Toán về đội ngũ giảng viên trường mình, đặc biệt như GS Terence Tao (sinh năm 1975), 11 tuổi thi IMO, 13 tuổi được HCV, 21 tuổi hoàn thành Tiến sĩ tại Princeton, 24 tuổi thành GS đầu ngành, được dự đoán năm nay sẽ được giải thưởng Field.

Trong thời gian học máy tính ở ĐH, Yên đã hoàn tất 3 đề tài nghiên cứu, trong đó có một luận án tốt nghiệp về Lý thuyết truyền dẫn, một về Siêu máy tính, dùng trong xử lý nhân ma trận, một về Trí tuệ nhân tạo và tham gia phát triển một Thư viện nhân ma trận viết bằng C++ trên Unix.  

“Nói chung, những đề tài này đều hay nhưng chẳng hiểu sao em vẫn thích học Toán lý thuyết hơn cả. Đối với em, nơi nào có điều kiện phát triển khả năng khoa học, nơi đó sẽ phù hợp với em nhất" - Yên nói.  

 
 
Soạn: AM 713737 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nguyễn Phương Dung tại IPhO năm 2005 ở Tây Ban Nha

3. Trở về từ IPhO (International Physics Olympiad - kỳ thi HSG quốc tế môn Vật lý) năm 2005. Nguyễn Thị Phương Dung, học sinh PTTH chuyên Vĩnh Phúc trở thành mối quan tâm của báo giới. Lý do: Trong 400 thí sinh của 74 đoàn dự thi, Dung là nữ duy nhất đoạt HCV. Đây cũng là HCV duy nhất của đoàn Việt Nam.

Những ngày sau đó, các hàng tít như “Cô bé vàng”, “Gương mặt vàng” và hình ảnh Dung... liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Được khen ngợi, được lăng xê... đôi khi gây tâm lý tự mãn cho những cô cậu vị thành viên. Nhưng, Dung không phải là cô bé dễ ảo tưởng.

Thi cử, ngoài các yếu tố thuộc về khả năng, trình độ, đôi khi còn là may mắn. Ở kỳ thi Olympic khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Dung chỉ được giải khuyến khích.

"Thằng bạn cùng lớp em nói: Trước đây tao cứ nghĩ bọn HSG quốc tế là kinh khủng lắm, thần tượng lắm. Bây giờ, mày cũng được HCV quốc tế. Hoá ra, bọn ấy cũng chả siêu sao gì, bình thường như ai”.

Hơi đậm người, tóc cắt ngắn, hay tươi cười... Dung hồn nhiên tường thuật lại lời một cậu bạn thân.

Gặp lại vào kỳ thi Olympic sinh viên toàn quốc môn Vật lý cuối năm 2005, cô bé vui mừng khoe “Đội trường em giải Nhất tuyệt đối toàn đoàn”. Một lần nữa, Dung là thành viên nữ duy nhất và đóng vai trò quan trọng trong phần thực hành, kiếm thêm điểm cho đội trường ĐHKHTN Hà Nội".

Căn gác trọ rộng 6m2 ở tầng 3 một ngôi nhà trong khu Nhân Chính, Quận Thanh Xuân là thế giới riêng của Dung, nhưng công suất sử dụng không nhiều. Đi học cả ngày tại lớp Cử nhân tài năng Vật lý, trưa ăn cơm bụi, tụ tập bạn bè học nhóm, và thời gian còn lại dành cho những hoạt động giải trí tất yếu của một người trẻ. 

Tiền thưởng HSG quốc tế của Bộ GD-ĐT được 15 triệu nhưng đưa cho mẹ giữ hộ. Vẫn đi xe đạp mini, đơn giản vì cảm thấy thoải mái hơn và chưa có nhu cầu.

Những năm cấp 3 dành thời gian nhiều cho việc học đội tuyển, ít chú trọng các môn khác, Dung tiếc nhất là mình không giỏi ngoại ngữ. “Ở lớp em có nhiều bạn học rất giỏi, toàn diện. Em muốn đầu tư học tiếng Anh tốt hơn, để có thêm các cơ hội du học".  

Soạn: AM 713743 gửi đến 996 để nhận ảnh này

SV trường ĐHBK Paris khoá 2000, trong đó có nhiều HSG quốc tế: Trần Minh Anh (HCB IMO 1997), Nguyễn Thành Trung (HCĐ IPhO 1999), Đào Thị Thu Hà (HCĐ IMO 1998)...

4. Với đa số những người trẻ ở thế hệ 7X, 8X, huy chương Olympic quốc tế là những kỷ niệm đẹp thời học trò và cũng là bước khởi đầu thuận lợi cho họ trên con đường học vấn và sự nghiệp sau này.

Tốt nghiệp Ecole Polytechnique (ĐH Bách Khoa Paris), Nguyễn Đức Trung Kiên (HCB IPhO 1996 và 1997) làm tiếp Tiến sỹ về Vật lý chất rắn tại ĐH Địa Trung Hải, Marseille. Hiện tại, Kiên đi sâu hơn vào nghiên cứu các chất bán dẫn và cấu trúc nano, cho những đề tài thuộc lĩnh vực Quang điện tử.  

"Mình muốn làm việc ở nước ngoài 3,4 năm tích luỹ thêm kinh nghiệm và kiến thức trước khi về Việt Nam" - Kiên nói.

Nguyễn Thành Trung, cựu học sinh khối chuyên Lý, ĐHTH Hà Nội, HCĐ IPhO năm 1999 tại Italia đang là NCS ngành Vật lý chất rắn tại Trung tâm Năng lượng Nguyên tử Pháp (Commisariat à l'Energie Atomique CEA/Saclay).

Trung cũng là một người tích cực với các hoạt động, hiện là Phó Chủ tịch phụ trách mảng Học tập - Đời sống của Chi hội SV Paris.  

Hoàng Ngọc Thạch, cựu học sinh Quốc học Huế, HCĐ IPhO năm 2000 có hướng đi khác hơn. Tham dự Paris Air Show 2003, ấn tượng về sự phát triển của ngành hàng không Pháp, Thạch quyết định đi theo ngành này.

Tháng 9 tới, Thạch sẽ tốt nghiệp ĐH Hàng không Supaero (trường lớn trong ngành này) và sẽ học tiếp thạc sỹ. Thạch cho biết dự định sẽ tìm hiểu về kinh tế tài chính hàng không để có thể làm việc ở nước ngoài lấy kinh nghiệm trước khi "hồi hương" xây dựng sự nghiệp.

Còn rất, rất nhiều những người khác nữa... 

Có nhiều điều kiện để phát triển cơ hội học tập và nghề nghiệp. Không bị bó buộc bởi những lý tưởng đao to búa lớn... Họ cũng giống như rất nhiều những bạn trẻ ở lứa tuổi 20 đang "walk the line" trong cuộc sống hôm nay.

Thay cho lời kết:  

Sau những bài đầu tiên của loạt bài "Học sinh giỏi quốc tế", một số độc giả viết thư về VietNamNet, mặc định cho sự xuất hiện tiếp theo của những cái tên "một thời vang bóng".

Ý định của chúng tôi khi triển khai đề tài này không phải là làm công việc điểm danh những "niềm hi vọng của nước nhà", theo như cách mà báo chí lâu nay vẫn dùng để nói về họ. Chúng tôi muốn góp thêm những góc nhìn gần gũi hơn về cuộc sống, suy nghĩ, quan điểm và nguyện vọng của họ, dù chưa thật sự đầy đủ.

Có những hướng đi đa dạng, có những quan điểm thậm chí đối lập mạnh mẽ. Dù sao, hi vọng sẽ gợi mở ra nhiều điều.

Tháng 6/2005, có thông tin Bộ GD-ĐT tiến hành thống kê các cựu HSG quốc tế, phục vụ cho đề tài nghiên cứu để xây dựng chế độ chính sách bồi dưỡng, sử dụng đối tượng này.  

Không biết kế hoạch hiện tại triển khai đến đâu? 

HSG quốc tế, nhìn ở góc độ nào đó, cũng chỉ là một bộ phận nhỏ trong một tầng lớp trí thức mà có lẽ việc phát triển xã hội phụ thuộc nhiều vào họ. Có sớm và viển vông khi đòi hỏi một sự quan tâm đầu tư có định hướng, thiết thực và sâu rộng hơn?

  • Hoàng Lê  

Kỳ tới: Tháng 1/2006, Nguyễn Tiến Dũng, nhân vật trong bài  "Cần thêm ít nhất 50 TS Toán mỗi năm" đã hoàn tất bài viết  về Toán học Việt Nam, với 7 phần. Được sự đồng ý của tác giả, VietNamNet đăng tải bài viết này.

*****

Theo dòng sự kiện: 

Kỳ 1: Vũ Đình Hoà: Người gắn bó với Olymic Toán quốc tế

Kỳ 2: Phan Thị Hà Dương: Về nước là điều tất nhiên

Kỳ 3: Nguyễn Thúc Dương-Huy chương Olympic chỉ là bước khởi đầu

Kỳ 4: Ngô Bảo Châu: Mong một cơ sở đào tạo Toán bậc cao

Kỳ 5: Người giỏi làm Toán- Rất lãng phí!

Kỳ 6: "Cần thêm ít nhất 50 TS Toán mỗi năm"

Kỳ 7: Khoa học cơ bản vẫn cần những người giỏi và tâm huyết

Kỳ 8: Khi dân Toán làm kinh doanh

 

Ý kiến của bạn:

 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
Quảng cáo
,
,
,