,
221
483
Du học
duhoc
/giaoduc/duhoc/
767634
Khoa học cơ bản vẫn cần những người giỏi và tâm huyết
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

Khoa học cơ bản vẫn cần những người giỏi và tâm huyết

Cập nhật lúc 05:29, Thứ Năm, 23/02/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Đoạt giải quốc tế. Du học: Thành tích giỏi hay xuất sắc. Có bằng Tiến sỹ hay cao hơn. Ở lại xứ người làm giảng viên hoặc nghiên cứu viên. Vài năm sau lên Associate rồi Full Professor. Không hay chưa trở về Việt Nam vì môi trường khoa học trong nước chưa đáp ứng nhu cầu làm việc và nghiên cứu.

Soạn: AM 711911 gửi đến 996 để nhận ảnh này
TS Đoàn An Hải

Nhiều nhân vật có chung một đáp án như thế cho câu hỏi: Làm gì, ở đâu sau thành tích thời học trò.

Những câu chuyện có thể khác nhau đôi chút. Nhưng có chung một lộ trình, dành cho nhiều cựu HSG Toán: làm khoa học, làm thầy.

1. TS Đoàn An Hải đi thi IMO năm 1986 khi còn học chuyên Toán Phan Bội Châu, Nghệ An. Năm 1987, anh sang Hungary học ĐH và năm 1993 là người duy nhất trong Khoa tốt nghiệp bằng đỏ. Sau đó, anh sang Mỹ học thạc sỹ tại ĐH Winconsin.

Lúc đó, xin đi Mỹ học rất khó khăn vì Mỹ chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của GS Judith Ladinsky, chủ tịch Ban hợp tác khoa học Mỹ Việt, anh hoàn thành việc xin visa và sang học tại đây.

Năm 1996, anh chuyển sang ĐH Washington học ngành Trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) và quản lý dữ liệu (database). ĐH Washington được xếp thứ 7 ở Mỹ về ngành máy tính.

Tốt nghiệp năm 2002, luận án của anh được trao giải William Chan Memorial Dissertation của Khoa và được giải ACM Doctoral Dissertation Award 2003, là giải trao cho luận án Tiến sỹ xuất sắc nhất trên thế giới hàng năm. Đây là lần đầu tiên trường ĐH Washington nhận được giải thưởng này.

Với thành tích này, anh nộp đơn vào vị trí Assistant Professor (một chân giảng dạy tenure-track, biên chế chưa chính thức) và được 5 trường ĐH lớn của Mỹ chấp nhận. Anh chọn trường ĐHTH Illinois.

Mỗi năm, Khoa máy tính ĐH Illinois nhận khoảng 300 đơn dự tuyển vào vị trí này. Chỉ 15-20 hồ sơ được mời phỏng vấn. Mỗi người sẽ đến gặp và nói chuyện với khoảng 15 GS trong Hội đồng tuyển chọn (mỗi GS gặp khoảng 30 phút). Sau đó, phải trình bày một đề tài nghiên cứu khoa học kéo dài khoảng 1 tiếng. Cuối cùng, sẽ có 3-5 người được chọn.

Hiện nay, Đoàn An Hải là Assistant Professor người Việt duy nhất (tính cả Việt kiều) về ngành máy tính trong số 30 khoa máy tính hàng đầu ở Mỹ.

Anh cho biết, hiện đang phân vân vì được ĐH Wisconsin Madison (trường đứng đầu về quản lý dữ liệu) mời về làm việc với mức lương khá ưu đãi, trong khi ĐH Illinois cũng giữ chân bằng lời hứa sẽ đặc cách lên Associate Professor với biên chế ngay lập tức (sớm 2 năm) và sắp xếp cho vợ anh (đang học thạc sỹ máy tính) một công việc trong trường.

Soạn: AM 711913 gửi đến 996 để nhận ảnh này
GS, TSKH Vũ Kim Tuấn (phải)

2. GS, TS khoa học Vũ Kim Tuấn, HCB IMO năm 1978 cũng là một ví dụ.

Năm 1975, cậu học sinh chuyên Trần Đăng Ninh, Nam Định đỗ thủ khoa vào trường chuyên Toán của Bộ với số điểm tuyệt đối 20/20 và được chia về Khối chuyên Toán ĐH Sư phạm Hà Nội. Hồi đó, Bộ tổ chức thi chung, sau đó, học sinh sẽ được chia về 2 Khối chuyên trực thuộc Bộ là ĐHTH và ĐHSP.

Là người đoạt điểm cao nhất trong 8 học sinh Việt Nam thi Toán quốc tế năm 1978, năm sau, anh được cử sang Minsk, Belarus học Toán tại ĐHTH Belarus. Hai bộ trưởng Hoàng Văn Phong (Bộ KH-CN) và Nguyễn Minh Hiển (Bộ GD-ĐT) đã từng học ở đây.

Anh kể: "Những năm đầu, ngày nào tôi cũng lên lớp từ 10-12 tiếng, thời gian giữa các tiết thì đọc sách. Mỗi ngày, tôi phấn đấu đọc từ 70-150 trang sách Toán. Chủ nhật lại ra thư viện".

Vũ Kim Tuấn tốt nghiệp ĐH năm 1984 với luận văn được đánh giá đặc biệt xuất sắc, dù chỉ có 8 trang đánh máy. Bài báo đó đã được đăng trên tạp chí Báo cáo của Viện Hàn Lâm khoa học Xô Viết, một trong những tạp chí uy tín nhất của Liên Xô cũ. Năm sau, anh hoàn thành luận án tiến sỹ về Lý thuyết Hàm đặc biệt. Và chỉ mất một năm sau để anh viết xong luận án TS khoa học. Anh trở thành TSKH ở tuổi 26, là TSKH trẻ nhất ở Liên bang Xô Viết khi đó. 

Năm 1988, anh về nước, đúng vào thời điểm bỏ chế độ phân công công tác. Mất hơn nửa năm, anh mới có quyết định về phòng Giải tích Số, Viện Toán với mức lương khởi điểm ĐH bậc 2, nhưng được miễn tập sự.

Năm 1993, anh sang Đức với học bổng sau tiến sỹ tại trường ĐH Tự do Berlin và một năm sau, lại bắt gia đình chuyển nhà vì nhận vị trí Phó GS tại ĐH Kuwait, sau đó lên GS. 9 năm sống trên đất Kuwait, đến khi chiến tranh Iraq sắp nổ ra, tình hình Trung Đông bất ổn khiến anh một lần nữa xê dịch.

Năm 2003, lần đầu tiên ĐH Tây Georgia, Mỹ có mở một ghế GS đặc biệt (Distinguished Chair). Vũ Kim Tuấn trở thành GS ưu tú đầu tiên của trường với  mức lương hơn 100.000 $/năm, cao nhất Khoa.

Những vấn đề anh quan tâm hiện nay liên quan đến bài toán ngược trong lý thuyết phổ và ứng dụng trong CNTT. Anh có hơn 120 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế, vẫn giữ quan hệ khoa học với Viện Toán, và tham gia tổ chức và báo cáo tại một số hội nghị Toán quốc tế ở Việt Nam, đồng thời đã hướng dẫn thành công 2 NCS tại Việt Nam bảo vệ luận án Tiến sỹ.

Soạn: AM 711915 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Trần Hoài Linh (đứng thứ 5 từ phải sang) và vợ tại Lễ bảo vệ luận án TS.

3. Đoạt giải Nhì IOI (International Olympiad in Informatics) năm 1990, Trần Hoài Linh, học sinh chuyên Toán Tin ĐHTH Hà Nội sang du học tại Ba Lan, tại ĐHTH Wasava, trường kỹ thuật hàng đầu tại đây. Anh đi liền một mạch 12 năm, để rồi về làm giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội.

"Mình luôn quan niệm đi học là tạm thời còn công tác trong nước là đương nhiên cho nên không phải cân nhắc quyết định gì. Khi nào học xong thì về".

Thu nhập từ lương giảng viên khoa Điện, bộ môn Kỹ thuật đo và Tin học công nghiệp không cao so với việc làm tại nước ngoài (ở Ba Lan, anh có thu nhập tương đối từ việc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học), nhưng TSKH trẻ này khá hài lòng "Có nhiều yếu tố khác có thể bù trừ. Ở đâu cũng vậy, thu nhập từ giảng dạy thường thấp hơn với mặt bằng thu nhập chung của xã hội, nhưng nghề này cho mình rất nhiều kinh nghiệm và điều kiện nghiên cứu. Mình cũng thích làm theo nghiệp bố mẹ (bố mẹ anh đều là giảng viên ĐHBK)".

Toàn bộ các nghiên cứu của anh đều làm về cùng một chủ đề. Đó là ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý tín hiệu, cụ thể là việc ứng dụng các mạng nơ-rôn nhân tạo.

Trong giai đoạn ở Ba Lan, anh đã xây dựng các thiết bị tự động phát hiện rò rỉ khí gas, tự động phân loại chất lượng đồ uống có cồn thông qua mùi, tự động phân loại chất lượng đồ uống không cồn nhưng có mùi như sữa, nước hoa quả... tự động phân loại chất lượng thực phẩm qua mùi (kiểm tra độ tươi/độ ôi thiu...).

Hiện nay, Trần Hoài Linh đang tìm các hướng nghiên cứu mới có liên quan tới Tin học công nghiệp là chuyên ngành của bộ môn nơi anh đang công tác.

4. Đi du học ở Đông Âu, trở về làm giảng viên tại các trường, nghiên cứu viên trong các Viện... là con đường của nhiều HSG quốc tế nói riêng, nhiều trí thức trẻ Việt Nam nói chung ở thời trước đổi mới.

Vẫn còn những phàn nàn về thực trạng giảng dạy và nghiên cứu. Vẫn còn rất nhiều bất cập trong cách thức sử dụng và đãi ngộ. Nhưng, vẫn có những người trong số họ tiếp tục gắn bó với khoa học, giáo dục, theo cách này hay cách khác. 

Họ là TS Hoàng Lê Minh (HCV IMO 1974) hiện là Phó GĐ Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM. Là TS Nguyễn Long (HCĐ IMO 1975 tại Hungary) hiện giữ chân Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam. Là TS Lê Bá Khánh Trình (HCV IMO 1979: 40/40 điểm) hiện phụ trách đào tạo học sinh đội tuyển của khối PT năng khiếu, ĐHQG TP.HCM...

Bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ (tương đương với tiến sỹ trong hệ thống của Mỹ, Anh) ĐHTH Lomonoxop, Trần Nam Dũng (HCB IMO 1983) lưu lại Nga 2 năm để thực tập. Ngay khi về nước, anh cũng xác định tinh thần đi dạy "một cách hết sức tự nhiên, vì đây là truyền thống gia đình và cũng là sở thích của tôi". 

TSKH Đỗ Đức Thái (HCĐ IMO 1978) do thành phần lý lịch, không được đi nước ngoài học, nhưng đã nỗ lực phấn đấu. Ở tuổi 42, anh được công nhận GS trẻ nhất trong đợt xét phong năm 2003.

Trong thế hệ những HSG sau, đã có thêm, tuy chưa nhiều những người chọn bục giảng, như thạc sỹ Trần Ngọc Nam (HCB IMO 1994), giảng viên khoa Toán - Cơ - Tin, ĐHKHTN Hà Nội, tiến sỹ Bùi Thế Duy (HCĐ IOI 1996), giảng viên ĐH Công nghệ... Họ còn trẻ, nhiều hoài bão, có kiến thức, mang tư duy mới mẻ và ý thức nghề nghiệp. Có quyền tạm hi vọng thế!

5. Một điều rõ rệt là những người đoạt giải cao nhất, gây ấn tượng nhất của đoàn Việt Nam trong các kỳ thi hầu như đều đi theo con đường khoa học cơ bản, và một phần trong số họ chuyển sang khoa học ứng dụng.

Đa phần họ lập thân, lập nghiệp ở các nước có nền khoa học tiên tiến, như Pháp, Mỹ, Canada, Nhật... Và, chuyện về Việt Nam công tác gần như là "nhiệm vụ bất khả thi".

Ngô Đắc Tuấn (42/42 tại IMO năm 1995) và Đinh Tiến Cường (42/42 tại IMO 1989) đã là GS tại Pháp ở tuổi trên dưới 30 và cùng với Ngô Bảo Châu, đang được nhiều người đặt niềm tin vào những kết quả xa hơn trên con đường sự nghiệp.

Phạm Hữu Tiệp (HCB IMO 1979) đang là GS Toán tại ĐH Florida. Lê Tự Quốc Thắng (42/42 IMO 1982) hiện cũng là GS Toán tại Viện Công nghệ Georgia.

Đỗ Ngọc Minh (HCB IMO 1991) đang là Assitant Professor trong ngành Điện tại ĐH Illinois. Hà Huy Tài (HCB IMO 1991) đang ở vị trí tương tự tại khoa Toán, ĐH Tulane, Mỹ...

Nhiều người từ chối đưa ra con số về thu nhập chính thức, nhưng theo tìm hiểu thì tại các trường ĐH Mỹ, mức lương trung bình của Assistant Professor ngành Máy tính là 80-95 ngàn đô/năm, Associate Professor: 95-120 ngàn. Full Professor: 100-140 ngàn.

Trong ngành Toán, theo số liệu của Hội Toán học Mỹ năm 2005: Assistant Professor 48-64 ngàn đô/năm, Associate Professor: 58-86 ngàn. Full Professor: 76-126 ngàn.

Ở Pháp, các mức lương tính theo ngạch công chức, không cao bằng, tuy nhiên, đa số những người chúng tôi hỏi đều cho biết, hài lòng với mức thu nhập của họ.

Làm việc trong lĩnh vực mình có khả năng, say mê và phù hợp về nhiều yếu tố cá nhân khác. Có thu nhập ổn định. Sống trong một môi trường mở. Đó là lựa chọn hợp lý của rất nhiều người.

GS Vũ Kim Tuấn nói: "Khoa học, nhất là Toán học và các khoa học cơ bản vẫn cần những người giỏi và tâm huyết, vì khoa học cơ bản mới chính là lĩnh vực làm thay đổi căn bản sự phát triển của xã hội loài người".

Từ kỳ thi HSG quốc tế đầu tiên năm 1974, đến nay đã được hơn 30 năm. Tạm cho là ngần ấy năm (kể từ sau giải phóng), chúng ta đầu tư đào tạo một cách có định hướng cho đội ngũ học sinh ưu tú.

30 năm thi HSG quốc tế cũng đồng hành với ngần ấy năm trưởng thành của nhiều thế hệ trí thức Việt Nam. Đề tài "Học sinh giỏi quốc tế" là một cái cớ để từ đó nhìn rộng ra...

  • Hoàng Lê

Kỳ tới: Học sinh giỏi quốc tế? Lê Bá Khánh Trình, Lê Tự Quốc Thắng, Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu, Đinh Tiến Cường, Ngô Đắc Tuấn,  Đào Hải Long, Hà Huy Tài... Không chỉ là những cái tên quen thuộc thường được nhắc đến mỗi khi người ta điểm lại thành tích đào tạo. Có rất nhiều người trong số họ đã chọn một hướng đi khác.  

*****

Theo dòng sự kiện: 

Kỳ 1: Vũ Đình Hoà: Người gắn bó với Olymic Toán quốc tế

Kỳ 2: Phan Thị Hà Dương: Về nước là điều tất nhiên

Kỳ 3: Nguyễn Thúc Dương- Huy chương Olympic chỉ là bước khởi đầu

Kỳ 4: Ngô Bảo Châu: Mong một cơ sở đào tạo Toán bậc cao

Kỳ 5: Người giỏi làm Toán- Rất lãng phí!

Kỳ 6: "Cần thêm ít nhất 50 TS Toán mỗi năm"

Ý kiến của bạn?


 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
Quảng cáo
,
,
,