221
484
Chuyện giảng đường
chuyengiangduong
/giaoduc/chuyengiangduong/
752653
Một ngày "lê la" phòng giáo vụ
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Một ngày 'lê la' phòng giáo vụ
,

(VietNamNet) - Giải đáp thắc mắc cho SV, trả lời điện thoại, xem xét các đơn từ, thu tiền thi lại... 12h trưa, vẫn có những cuộc điện thoại thiếu nhã nhặn. Để cận cảnh chuyện SV "mệt mỏi chạy theo các thầy", chúng tôi đã xâm nhập tới phòng giáo vụ các trường ĐH và ghi nhận thực tế...

Soạn: AM 671161 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Làm thủ tục nhập học (Ảnh: Cam Lu)

 Thắc mắc và điện thoại

Mới 8h sáng, cả chục SV đã đứng đợi trước cửa phòng đào tạo trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Cửa phòng vừa mở, các bạn đã ùa vào. Thắc mắc về lịch thi thay đổi, ý kiến về lịch thi nằm cận ngày về Tết, nộp đơn xin thi lại, làm đơn hoãn thi, đóng tiền thi lại... Từ sáng đến trưa, không thời gian nghỉ.

Một SV đang học năm IV, nhưng không biết rằng sau 4 năm học, mình phải hoàn thiện 210 tín chỉ. Muốn nghỉ học phải có giấy xin phép. Một SV khác phải được nhân viên phòng nhắc nhở đọc lại bảng thông báo trước khi bước vào phòng.

Nghe ngóng các câu hỏi của SV, có những câu mà theo chúng tôi, không biết phải trả lời thế nào. Cụ thể: "Tại sao em bị cấm thi?" trong khi lại thừa nhận mình đã nghỉ học quá số tiết quy định. Cũng có SV, gần hết học kỳ, vẫn không biết môn học mình chuẩn bị thi có bao nhiêu tín chỉ. Ngồi quan sát, tôi đọc được một sự kiên nhẫn trên nét mặt của các nhân viên phòng đào tạo.

Cũng không ít SV đến phòng đào tạo với những thái độ thiếu nhã nhặn: "Tại sao thế này, tại sao thế kia..." Câu hỏi hoàn toàn trống không, không chủ ngữ, cũng không biết mình đang thắc mắc chuyện gì. Có người, "Em nghe nói thế này, có đúng thế không?" trong khi nhân viên phòng giáo vụ lắc đầu vì nhà trường chưa bao giờ ra thông báo như thế cả.

Chiếc điện thoại thì không bao giờ im tiếng. Người này đặt máy xuống, người kia lập tức phải nhấc máy lên, nếu không muốn nó reng inh ỏi. Điện thoại ở phòng đào tạo là tổng đài chung cho cả trường, nếu chịu khó ngồi đếm, một ngày chắc cả trăm cuộc gọi.

Đang mùa thi học kỳ của SV, các phòng đào tạo trở nên bận rộn hơn. Bố trí phòng thi, giám thị coi thi, sao in đề thi, nhắc nhở các giảng viên nộp đề thi. Rồi giải quyết những tình huống phát sinh ngoài quy chế.

Các nhân viên của phòng đào tạo trường ĐH Văn Hiến luôn để sẵn bên mình cuốn quy chế học vụ dành cho SV. Bởi nhiều SV không chịu đọc quy chế để rồi có những thắc mắc, kiện cáo trong khi mình là người phạm quy chế. Những thắc mắc có trong quy chế thì các nhân viên sẽ giải thích. Còn những tình huống phát sinh, SV được hướng dẫn đến trình bày với trưởng phòng.

Thầy trưởng phòng đào tạo của trường phải lật từng trang trong cuốn quy chế để chỉ cho 1 SV thấy rằng, bạn nghỉ học quá thời gian quy định thì không được phép thi học kỳ. Và nếu muốn nghỉ học, bạn phải được phép của phòng với những lý do chính đáng.

Dạo một vòng qua phòng đào tạo của vài trường ĐH, đâu đâu cũng thấy không khí tất bật, nóng bức của phòng làm việc. Vài nhân viên cứ phải quay như chong chóng. Mỗi trường, có vài nhân viên nhưng phải phục vụ hàng ngàn SV, áp lực công việc quá cao, nên phòng giáo vụ trở thành nỗi ám ảnh của không ít SV.

Một nhân viên phòng đào tạo kể: giờ nghỉ trưa, nhưng vẫn có người gọi điện đến làm phiền. Khi chúng tôi thông báo hết giờ làm việc thì bên kia phúc đáp: "Giờ mới rảnh nên gọi" hoặc "Thích gọi vào giờ này". Nhiều khi phải kiên nhẫn để lắng nghe hết. Cũng có SV, phụ huynh đến liên hệ công việc vào 12h trưa, chúng tôi cũng phải nán lại để giải quyết cho xong.

SV sợ, vì đâu?

Phải công nhận rằng, ở một vài trường quan niệm ban - phát còn đọng lại trong một vài nhân viên giáo vụ. Họ tự cho mình cái quyền được hạch sách SV. Nhưng những gì chúng tôi tiếp cận trong những ngày qua, nguyên nhân cáu gắt của giáo vụ cũng do một phần bởi SV. Khá nhiều SV thắc mắc những điều rất "linh tinh". Cũng khá nhiều SV bắt nhân viên phòng đào tạo phải giải thích những điều mà đã quy định rõ ràng trong quy chế học vụ.

Mỗi đầu năm học, các trường đều có những buổi thông báo quy chế cho SV và phát miễn phí cho SV cuốn quy chế học vụ. Trong đó có ghi đầy đủ bổn phận, quyền lợi, nghĩa vụ của SV. Những điều SV được và không được làm... Nhưng dường như nhiều SV không quan tâm đến những quy định này.

Theo thống kê của phòng đào tạo trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, có đến 20% những thắc mắc của SV là "không đáng hỏi". Ngày nào cũng phải giải thích lại cho SV những quy chế đã có trong cuốn quy chế học vụ. Nên gặp những lúc căng thẳng, công việc đuổi sau lưng, nhân viên cũng không tránh khỏi sự bực bội, thiếu nhã nhặn.

Thầy Trần Tịnh Đức, phó trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết: "Cơ chế ban, phát còn tiềm ẩn. Mặt khác nhiều SV đến với phòng giáo vụ với thái độ thiếu tôn trọng nên hình thành một văn hoá giao tiếp không đúng mực. Rất nhiều SV không hiểu biết về quy chế học vụ, dễ gây khó chịu cho nhân viên phòng đào tạo".

Công việc nhiều, áp lực quá lớn cũng làm cho nhân viên giáo vụ dễ gắt gỏng. Với một trường ĐH, phòng đào tạo là phòng phải làm việc quanh năm suốt tháng. Hiếm nhân viên phòng đào tạo trường nào có thời gian nghỉ hè. Hết nhập học thì đến thi học kỳ, hết thi học kỳ lại đến mùa tuyển sinh. Cứ thế, công việc luôn trong tư thế chạy đuổi.

Trước cửa phòng đào tạo của mỗi trường, đều có thông báo về giờ giấc tiếp SV liên hệ công việc gì: lấy bảng điểm vào ngày nào, từ mấy giờ đến mấy giờ, nộp đơn từ mấy giờ đến mấy giờ... Nhưng khá nhiều SV đến không đúng giờ, đúng ngày. Cứ thấy phòng mở cửa là bước vô. Cũng có những SV được hẹn ngày giờ hẳn hoi, nhưng đến tuỳ theo ý thích. Điều này cũng làm cho các nhân viên giáo vụ... khó chịu.

Cũng nêu lên lý do này, thầy Nguyễn Quốc Hợp, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Văn Hiến thừa nhận: "SV không chịu đọc quy chế, mặc dù chúng tôi đã khuyến cáo đó là quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của SV, nhưng các bạn vẫn không quan tâm". Cũng bởi thế, các thắc mắc của SV luôn được thầy mở quy chế ra để giải thích. Những phát sinh không nằm trong quy chế thì tuỳ tình huống để linh hoạt.

Trao đổi với thầy Trần Tịnh Đức về những phản ánh của SV, thầy chia sẻ: "Chúng tôi luôn ghi nhận những phản ánh của SV. Và chúng tôi luôn phục vụ SV trên tinh thần minh bạch, rõ ràng, công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bạn. Vấn đề gì giải quyết được là chúng tôi giải quyết ngay, không neo lại. Nhưng cũng có những lúc, những tình huống nằm ngoài quy chế, chúng tôi phải trao đổi để tìm ra cách giải quyết thỏa đáng nhất".

  • Đoan Trúc
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,