221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
720578
Mệt mỏi chạy theo các thầy
1
Article
null
Mệt mỏi chạy theo các thầy
,

Các phòng hành chính trong trường có mục đích làm việc là: phục vụ SV. Nhưng đã rất lâu rồi SV không được biết đến khái niệm ấy. SV đến gõ cửa các phòng là để “đi xin” dấu, chữ ký, xin được nộp tiền. Họ có “bổn phận” phải nghe mắng mỏ và gây khó dễ?

Nhiều sinh viên tốt nghiệp đã phải chạy khắp nơi để xin dấu "không nợ" - Ảnh minh họa

SV có “nghĩa vụ” nghe mắng mỏ để xong việc?

Một bạn SV năm thứ 4 đã viết thư cho một tòa soạn báo về hành trình đi xin xác nhận “tôi là SV” của mình. Cậu bị giật túi trong 1 lần hớt hải ở bến xe. Toàn bộ giấy tờ và tiền bạc mất trắng. Cậu năm lần bảy lượt lên Khoa, lên Phòng Công tác chính trị SV của trường để làm lại thẻ SV, thẻ thư viện... Và đến khâu xin xác nhận là SV của trường để về địa phương nhận tiền trợ cấp thì mọi việc dường như ách tắc lại:

“...Tôi 22 tuổi và bị những người có gương mặt lạnh lùng ngồi sau những chiếc bàn giấy dày cộp mắng mỏ. Họ mắng tôi là “bất cẩn” “gây phiền nhiễu” “đã cấp một lần giờ phải cấp lại”.

Họ bảo tôi: “Có cái giấy mà không biết giữ thì sau này ra trường biết làm gì!”. Lần thứ nhất tôi đã chào họ và bỏ đi ngay lập tức. Tôi uất ức. Nhưng sự thật là nếu không có số tiền trợ cấp ấy tôi sẽ khó xoay xở với học phí. Tôi đã quay lại, quay lại rất nhiều lần. Và vì đó là số tiền đúng ra tôi phải được hưởng và chính xác là tôi đã được lĩnh trong 3 năm.

Sau hơn 1 tháng tôi mới hoàn thành được các thủ tục. Trong 1 tháng đó tôi không nhớ nổi mình đã lên xuống khu vực Phòng Công tác chính trị SV bao nhiêu lần, chờ đợi bao nhiêu tiếng và nghe bao nhiêu lời nhiếc móc. Riêng số tiền xe cộ vì phải về địa phương xác nhận thì tôi nhớ vì tôi phải về Thọ Xuân, Thanh Hoá đến 2 lần...”

Bách đang chuẩn bị thủ tục để bảo vệ luận văn thạc sĩ trong thời gian tới của khoa Ngân hàng. Cậu đã đứng ở tầng 1 khu nhà 10, trường ĐH Kinh tế quốc dân 4 buổi sáng. Trong danh sách các thủ tục trước khi bảo vệ Bách đưa tôi xem thì có 8 đầu mục đã hoàn thành với một đống giấy tờ dày cộp. Thủ tục ngốn nhiều thời gian nhất của Bách là xin chữ ký và dấu của thầy trưởng khoa Sau ĐH:

“Đây là buổi thứ 4 tôi phải xin nghỉ việc ở cơ quan để đến đây “đón lõng” và xin chữ ký của thầy vào bảng điểm trước khi bảo vệ. Tôi đã phải đi từ khu Mỹ Đình, nơi tôi làm việc, đến trường khá nhiều lần mà lần nào phòng thầy cũng đóng cửa. Thầy rất bận họp, có lẽ thế. 3 người bạn cùng lớp tôi, cùng đợt bảo vệ với tôi, trưa hôm qua cũng đã đợi đến 11h30 và họ quay về tay trắng. Chúng tôi thực sự mệt mỏi vì cơ chế “xin cho” theo kiểu này.

Bạn nhìn thấy đấy, trước cửa phòng của thầy trưởng khoa Sau ĐH có 1 tấm bảng khá lớn dùng để ghi lịch công tác trong tuần. Nếu có ai đó dành 3 phút để ghi các nội dung lên đấy, hoặc dành 1 dòng để ghi ngày giờ tiếp SV của thầy thì hẳn chúng tôi đã không phải rơi vào trạng thái chầu chực như thế này. 

SV đi “xin” chứ không phải “được phục vụ”?

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp chúng tôi đã thu thập được trong một vòng khảo sát tại các Phòng Tài vụ, Phòng Hành chính-Tổng hợp, Phòng Công tác chính trị SV của các trường. Chưa ở trường nào SV muốn dừng lại khi liệt kê những bất cập, khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính trong trường ĐH.

Bách đã thực sự bức xúc khi nói rằng: “Có rất nhiều người quên: các phòng ban ấy sinh ra là để phục vụ SV chứ không phải sinh ra để quát mắng hay gây cản  trở cho SV”.

Không hiểu từ khi nào, SV đã bị “mặc định” trong bộ dạng lo lắng, sợ sệt, khi bước vào các phòng ban hành chính. Nguyễn Vân Anh, Q13 D4, khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Công đoàn phải hít thật sâu và nói với người bạn đi cùng là “sợ lắm” trước khi bước vào Phòng Công tác chính trị. Dù rằng công việc của cô chỉ là nộp Bản khai nhân khẩu và lệ phí 5.000đ.

Còn đây là phần chúng tôi ghi âm lại trong phòng thu học phí, tầng 1 nhà 7, ĐH KTQD, một căn phòng chật chội có đến 21 SV đang chờ đợi và chỉ có 2 người thu, 2 nhân viên hành chính còn lại ngồi  nghe điện thoại.

Tiếng của người thu tiền hỏi, tiếng SV trả lời: “Khoá?” - “Dạ, cháu khoá 46”; “Tên?” - “Dạ, Đinh Xuân Hưng”... (Một giọng nữ rất gay gắt): “Ai là Nguyễn Thị Ngọc Anh đây?” “Hả?”... “Tên gì? Khoa?” - “Cháu là Nguyễn Thị An Bình, khoa Hợp tác quốc tế”; “Hợp tác quốc tế nào?”- “Cháu khóa đầu tiên ạ”; “Trả lời thế à? Trường có bao nhiêu hệ chính qui, tại chức, văn bằng 2”-“Dạ, ơ...” “Nộp đi, 1000 USD, tỷ giá hôm nay bao nhiêu ấy nhỉ?.” “Cô ơi, cháu hỏi, bàn làm vé xe buýt ở đâu ạ?” “Phòng Hành chính- Tổng hợp” “Dạ?”. (Lại rất gay gắt) “ơ, sao thế, không nghe thấy à?”

Nguyễn Thị An Bình bảo: “Mình mới năm thứ nhất, lần đầu tiên đến trường là đến Phòng Tài vụ nộp tiền. Choáng.”

SV năm nhất chính qui, Kế toán A thì than vãn: “Cả lớp mình chờ dài cổ để đợi 1 ông thợ ảnh đến chụp chân dung để làm thẻ SV”. “Sao không tự nộp ảnh như các trường khác?”- “Không, trường mình thu đến 20.000đ lệ phí làm thẻ và SV phải chụp ảnh chân dung kỹ thuật số tập thể”.

Hành trình thủ tục nào trong trường cũng dài?

Cũng trải qua một hành trình dài, chúng tôi mới đem được những khúc mắc của các bạn SV đến các phòng ban, những nhà quản lý của trường ĐH KTQD.

Sau nhiều lần không gặp các thầy, chúng tôi đã vui mừng khi thấy phòng của Th.s Ngô Văn Hiền, phó trưởng phòng HC-TH hé cửa. Nhưng thầy Hiền nói rằng vấn đề này cần phải gặp thầy trưởng phòng. Và sau nhiều giờ chờ đợi, thầy trưởng phòng cũng đi họp về .

Thầy nói: “Vấn đề này phải gặp thầy trưởng phòng Công tác Chính trị và quản lý SV”. Ngay cả khi chúng tôi muốn đăng ký để gặp Ban Giám hiệu thì thầy cũng nói “Cứ gặp thầy trưởng phòng CTCT và QL SV” dù rằng trước khu vực phòng Ban Giám hiệu có ghi rõ: “Khách đến liên hệ làm việc với Ban Giám hiệu đăng ký qua phòng HC-TH”.

Thầy Nguyễn Chí Tuệ, Trưởng phòng CTCT và QLSV cho rằng: “Cả SV chính quy lẫn học viên cao học của trường có đến 2 vạn người. Các thầy đâu có thể ngồi trực hàng ngày hàng giờ để tiếp các em. Các em gặp khúc mắc thường là những em không đi nghe phổ biến nội quy, quy trình đầu năm học.

Các em phải chờ đợi xếp hàng lâu trong việc nộp học phí là vì các em cứ để dồn đến gần hết hạn mới kéo nhau đi nộp. Đành rằng trong lúc nóng bức, căng thẳng và quá đông SV đến nộp cùng một lúc, cán bộ tài vụ sẽ có thể bực mình, cáu gắt. Trước đây, SV cũng có phản ánh với chúng tôi về việc này, nhưng chúng tôi đã điều chỉnh.

Thực ra chúng tôi luôn tìm ra các phương án khác để thuận tiện hơn cho SV, ví dụ SV sẽ nộp học phí cho các bạn lớp phó học tập chẳng hạn. Nhưng thường thì các bạn lớp phó này rất khó nhận nhiệm vụ vì sợ mất. Nhà trường cũng sắp trang bị một lượng máy tính lớn để hiện đại hoá công việc hành chính ở các phòng ban.

Thầy cô nào cũng có rất nhiều công việc. Nếu thầy đi giảng, các em phải tìm thầy mà xin chữ ký. Nếu thầy trưởng phòng vắng thì xin thầy phó phòng. Nếu cả thầy phó phòng cũng đi họp thì các em chờ. Chờ bất quá một buổi sáng là cùng chứ gì”.

4000 SV đi xin xác nhận “tôi không nợ gì”

SV trước khi tốt nghiệp của trường KTQD phải qua một loạt công đoạn thủ tục rườm rà chưa từng có. Khoảng 4.000 SV một lúc phải chạy khắp nơi: từ thư viện, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng, tài vụ, văn phòng Đoàn, văn phòng Hội... để xin xác nhận “tôi không nợ gì” trước khi ra trường.

Và đương nhiên, không phải lúc nào họ cũng có thể gặp hay xin được các xác nhận đó. Điều đặc biệt là trong số 4.000 SV đó phần lớn họ chẳng nợ đọng gì. Họ phải mất hàng tuần để chạy mệt phờ các phòng ban và xác nhận “tôi chẳng nợ gì”. Bởi nếu thiếu, dù chỉ một chữ ký, một con dấu họ cũng sẽ không được ký tốt nghiệp, không được ra trường.

Đấy là câu chuyện cách đây 2  năm. Thầy Nguyễn Chí Tuệ nói thế. Các thầy đã cải cách thủ tục hành chính. Và bây giờ thay vì 4.000 SV phải chạy việt dã thì các phòng ban: thư viện, giáo dục quốc phòng, thể chất... sẽ chỉ gửi danh sách các SV nợ đọng lên Phòng CTCT và QLSV. Phòng này sẽ căn cứ vào danh sách đó mà không ký hồ sơ cho số ít này. Đa số còn lại sẽ bình an ra trường mà không phải chạy đi xin xác nhận “tôi không nợ gì”.

Một công đoạn đơn giản sẽ tiết kiệm được vô khối sức lực của SV và cả người làm hành chính. Nhưng chỉ cách đây 2 năm người ta mới nghĩ đến thay đổi này. Và đây chỉ là một khâu trong hàng trăm khâu thủ tục và là 1 trường trong hàng trăm trường ĐH, CĐ. Bao nhiêu SV sẽ tiếp tục bị trói chân trong những mớ bòng bong về thủ tục hành chính ở các trường?

(Theo Sinh Viên Việt Nam)

Ý kiến của bạn về vấn đề này?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,