221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
752279
Những quy định lạ lùng
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Những quy định lạ lùng
,

Mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ trong tình hình hiện nay chỉ có thể đạt được bằng những giải pháp thiết thực qua kiểm tra chặt chẽ chất lượng các luận án.

Giờ làm bài thi môn ngoại ngữ của các thí sinh kỳ thi sau đại học 2005 tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Qua việc nâng cao trách nhiệm của người hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS), của hội đồng chấm luận án và của cơ sở đào tạo, chứ không phải bằng những quy định nặng tính hình thức, quan liêu, gây khó cho NCS.

Cách đây ít lâu, tôi được mời làm chủ tịch hội đồng xét duyệt đề cương NCS ở Viện Nghiên cứu lúa đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi hội đồng nghe, góp ý và thông qua các đề cương do các ứng viên NCS trình bày, tưởng là đã hoàn thành xong nhiệm vụ, nhưng không phải.

Thư ký hội đồng thông báo là theo quy định của Bộ GD-ĐT, hội đồng còn phải đọc và nhận xét các bài báo mà các ứng viên đã công bố. Nghĩ là có sự nhầm lẫn nào giữa xét duyệt đề cương nghiên cứu của NCS và đánh giá luận văn tiến sĩ trước khi bảo vệ, tôi đã hỏi đi hỏi lại nhiều lần.

Tuy nhiên, thư ký hội đồng khẳng định đó là chỉ đạo trực tiếp của người phụ trách vấn đề này ở Bộ GD-ĐT. Để tránh cho các ứng viên NCS gặp phiền phức, thư ký khẩn khoản đề nghị hội đồng thực hiện nốt yêu cầu trên. Không biết quy định trên do ai đặt ra và xuất hiện từ bao giờ. Với quy định muốn làm NCS phải có các bài báo khoa học công bố trước đó, có thể nói: yêu cầu đầu vào đối với NCS VN cao số 1 thế giới!

Một NCS bảo vệ luận án tiến sĩ cấp cơ sở, hội đồng chấm luận án nhận thấy luận văn chưa đạt yêu cầu. Tuy vậy, hội đồng rất lúng túng trong việc đưa ra kết luận đúng với thực chất của luận án. Lý do là các thành viên hội đồng được lưu ý là theo quy định của bộ, nếu luận văn bị đánh giá không đạt yêu cầu, NCS chỉ được bảo vệ lại sau hai năm.

Không biết quy định đó được ban hành trên cơ sở khoa học nào? Bảo vệ luận văn không đạt yêu cầu có thể do nhiều lý do khác nhau: cách trình bày khi bảo vệ kém, hình thức và bố cục luận văn không hợp lý, kết quả nghiên cứu nghèo nàn, kết quả nghiên cứu tốt nhưng phần biện luận và kết luận của luận văn không hợp lý... Đâu phải điều nào trong những lý do trên đều cần đến hai năm mới khắc phục được.

Thế mà chỉ vì quy định hai năm oái oăm nói trên, để tránh bị mang tiếng nhẫn tâm, cuối cùng các thành viên của hội đồng đành tặc lưỡi làm thủ tục thông qua một luận văn yếu kém. Quy định đã phản tác dụng!

Một quy định khác cũng không biết xuất phát từ cơ sở khoa học nào. Trong quá trình nghiên cứu khoa học có khi kết quả thu được không đáp ứng được tên của đề tài được duyệt ban đầu, nhưng lại phát hiện ra những điều mới có giá trị khoa học và thực tiễn. Ở bất cứ đâu kết quả ấy cũng sẽ được trân trọng.

Vậy mà với quy định NCS không được thay đổi tên đề tài đã đăng ký khi bảo vệ, muốn thay phải làm lại thủ tục đăng ký, NCS bị đặt trước hai tình huống: làm lại thủ tục, chờ mấy năm sau bảo vệ, mặc dù kết quả đã sẵn sàng hay tìm bùa phép gì đó giúp bảo vệ một luận văn gượng ép theo hướng đề cương đã đăng ký.

Nếu không có quy định trên thì NCS có thể khai thác kết quả nghiên cứu theo hướng hợp lý hơn, có ý nghĩa khoa học hơn. Hóa ra tên luận văn đã được đăng ký quan trọng hơn giá trị khoa học của luận văn.

Trong tình hình xã hội hiện nay, cũng không có gì khó hiểu khi NCS chọn phương án tìm “bùa” theo “cơ chế thị trường”, mà con đường mờ mờ ảo ảo dường như đã được ai đó vạch sẵn. Khoa học ơi là khoa học!

Lại có chuyện NCS sau khi nhận được quyết định cho bảo vệ luận án ở hội đồng cấp nhà nước đã cho đăng báo công bố đề tài và ngày bảo vệ theo đúng quy định.

Đột nhiên NCS hớt hải thông báo lại cho các thành viên hội đồng là ngày bảo vệ phải dời lại, vì theo ý kiến của người có trách nhiệm từ Bộ GD-ĐT là chỉ được phép bảo vệ ít nhất sau một tháng từ ngày ra quyết định, nếu trước thời gian đó thì kết quả bảo vệ không được công nhận.

Có vẻ như quy định này nhằm chờ xem có ý kiến khiếu nại nào chăng? Nếu vậy cũng không đúng, vì thời hạn khiếu nại đâu chỉ giới hạn trong một tháng. Bộ cũng đã không chỉ một lần xử lý những luận án bị khiếu nại rất lâu sau ngày bảo vệ. Chắc chẳng có nước nào lại có kiểu quy định như vậy.

Những quy định lạ lùng nói trên đều mang danh nghĩa Bộ GD-ĐT, nhưng không biết lãnh đạo bộ có biết, có đồng tình không? Những quy định khắt khe kiểu đó có lợi cho việc nâng cao chất lượng đào tạo hay cho ai? Lời giải chắc không khó tìm ra, nhất là ở bộ.

Hằng năm Bộ GD-ĐT có thể tổ chức chấm kiểm tra 10% trong số hàng triệu bài thi tuyển sinh đại học, thiết nghĩ việc tổ chức đánh giá lại một số lượng nhỏ hơn rất nhiều luận án tiến sĩ không phải là quá khó. Có thể đó là phương án thiết thực, hữu hiệu để nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, ít nhất là trong tình hình hiện nay.

(Theo TS TRẦN THƯỢNG TUẤN - Tuổi Trẻ)

 Theo dòng sự kiện:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,