,
221
1842
Trực tuyến
tructuyen
/chinhtri/tructuyen/
470178
Hai bên bờ Hiền Lương - hôm qua và ngày mai
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
,

Hai bên bờ Hiền Lương - hôm qua và ngày mai

Cập nhật lúc 11:55, Thứ Tư, 21/07/2004 (GMT+7)
,
(VietNamNet) -  Cuộc giao lưu trực tuyến với  với chủ đề " Hai bên bờ Hiền Lương  - hôm qua và ngày mai" đã được thực hiện tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).
Đồn trưởng đổi bờ Nguyễn Xuân Bái.

Những câu chuyện lịch sử cụ thể và sinh động đã từng tồn tại trong suốt 19 năm (1954 -1973) ở hai bờ Hiền Lương - Bến Hải kể từ khi  Hiệp định Geneve ký kết được tái hiện qua những nhân chứng sống đang có mặt tại mảnh đất này? Khát vọng tương lai cho mảnh đất giới tuyến (DMZ) lịch sử qua cách nhìn của một trí thức trẻ, thế hệ thứ ba của DMZ - thế hệ  sinh ra vào những năm cuối cùng của cuộc chiến, trải tuổi thơ qua những năm tháng khó khăn nhất của thời hậu chiến và trưởng thành trong thời kỳ đổi mới?

Mời các bạn trò chuyện với ba nhân vật: nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô, người viết sử 50 năm của Hiền Lương - Bến Hải bằng ống kính, đồn trưởng đổi bờ đồn Cửa Tùng từ năm 1960 -1964, trung tá quân đội Nguyễn Kế Bái và tiến sĩ trẻ nhất của Vĩnh Linh (bờ Bắc của Hiền Lương - Bến Hải), anh Nguyễn Trường Khoa 39 tuổi, hiện là phó giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Quảng Trị và ông Lê Đức Yên, tân Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh. Cuộc giao lưu này được thực hiện vào lúc 16h chiều nay (19/7) tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Tiến sĩ trẻ nhất của Vĩnh Linh - anh Nguyễn Trường Khoa.

Dù đã biết nhiều qua sách báo về Hiền Lương - Bến Hải sau ký kết Hiệp định Geneve - (21/7/1954) nhưng chúng tôi vẫn thấy hết sức thú vị với những câu chuyện của các nhân chứng sống tại mảnh đất này. Hình như, khi nhìn lại sự kiện lịch sử Geneve từ góc nhìn sau nửa thế kỷ và sau gần hai thập kỷ đón nhận luồng gió đổi mới, những con người đã từng hi sinh xương máu và cả tuổi thanh xuân của mình cho sự đoàn tụ của hai bên cầu Hiền Lương cũng bình thản và cởi mở hơn. Khi kể lại với chúng tôi những câu chuyện đau thương và anh dũng của vùng đất giới tuyến  trong suốt 19 năm, họ không chỉ bộc lộ cảm xúc của người trong cuộc mà còn phần nào thể hiện sự khách quan của nhân chứng lịch sử. Có lẽ vì vậy mà những câu chuyện của họ cũng sinh động và mới mẻ hơn những gì mà chúng ta đã từng được nghe, được đọc.

Nhà nhiếp ảnh Sỹ Sô đang tác nghiệp.
Dù đã qua Hiền Lương - Bến Hải trên dưới chục lần, thì lúc này đây, những phóng viên VietNamNet đang có mặt tại mảnh đất Vĩnh Linh rát bỏng gió Lào và những hồi ức lịch sử cũng có một cảm giác hết sức mới mẻ: sự đòi hỏi lột xác cho vùng đất giới tuyến. Những vạt đất hai bên bờ Bến Hải đã phải gánh cái gánh quá nặng câu chuyện lịch sử đau thương của dân tộc - chiến tranh. Giờ đây, nơi ấy cần được tiếp sức nhiều lần để có thể hồi sinh mạnh mẽ. Để không lâu nữa, Quảng Trị có thể trở thành nơi phồn vinh trong sự phát triển hành lang kinh tế Đông -Tây,  mà trong đó có sự đóng góp lớn của những thương hiệu du lịch lịch sử trên vùng giới tuyến.
Tân chủ tịch Vĩnh Linh Lê Đức Yên.

Ý nghĩ đó của chúng tôi đã nhận được sự chia sẻ của nhiều người ở đây. Anh Nguyễn Trường Khoa, một người của thế hệ thứ ba của DMZ tâm sự: "Làm thế nào để vùng đất này giàu có, đó là khát vọng và là trách nhiệm của chúng tôi. Những câu chuyện lịch sử trên mảnh đất này không còn là ám ảnh về sự đau thương và thù hận đối với chúng tôi. Chính những câu chuyện lịch sử đó là giá trị của mảnh đất này, là một phần gia tài quý trên  con đường đưa Vĩnh Linh - Quảng Trị đi lên".

Nhân 50 năm ký kết Hiệp định Geneve, để kỷ niệm không chỉ là kỷ niệm, mong rằng các bạn chia sẻ khát vọng đó với những nhân vật giao lưu trực tuyến hôm nay và những người quan tâm tới câu chuyện lịch sử Hai bên bờ Hiền Lương.

Nội dung cuộc giao lưu trực tuyến

dang minh tuan - Nam 27 tuổi - Buu dien tien giang
- Chào các chú. Cho con hỏi lịch sử hình thành và phát triển cầu? Tại sao gọi là cầu Hiền Lương?
- Nghệ sĩ Sỹ Sô và Trung tá Nguyễn Kế Bái:

- Có thể cháu nên dành câu hỏi này cho nhà sử học Dương Trung Quốc hoặc Hội Kiến trúc Việt Nam. Khi chúng tôi lớn lên thì đã thấy cây cầu Hiền Lương tồn tại rồi. Chúng tôi cũng chỉ biết về những gì liên quan đến cầu Hiền Lương sau năm 1954 mà thôi.

Nguyễn Đình Thiết - Nam 30 tuổi - Tx Hà Tĩnh
- Trong thời gian tạm chiếm nhân dân vùng bờ Nam sông Hiền Lương có cuộc sống ra sao so với bên bờ Bắc? Trong thời gian chia cắt, đi lại trên cầu Hiền Lương có được không và cần điều kiện gì?
- Trung tá Nguyễn Kế Bái: - Trong thời gian chia cắt, việc đi lại không được vì đã có quy chế, ngoại trừ việc trao bưu thiếp tại điểm trung tâm cầu do cảnh sát bờ Nam và công an bờ Bắc thực hiện.

Nguyên Ngọc Hải - Nam 23 tuổi - Hà Nội
- Cháu chào bác nguyễn Xuân Bái . Cháu có một câu hỏi như sau: Hiện nay cột cờ mà những năm ta cắm cờ đó hiện nay có cắm cờ không? Tổ cắm cờ đó hiện nay còn những ai? Cháu xin cảm ơn
- Trung tá Nguyễn Kế Bái: - Từ khi có giới tuyến tạm thời ở vĩ tuyến17, cột cờ Hiền Lương vẫn tồn tại, cờ Tổ Quốc vẫn tung bay trước gió. Trách nhiệm treo cờ là do anh em công an đồn Hiền Lương chịu trách nhiệm treo và hạ cờ hàng ngày.

- Tổ cắm cờ thay đổi nhiều lần, qua nhiều lần chuyển đổi, hiện giờ ở Vĩnh Linh, và cả Quảng Trị cũng chỉ còn vài người.

Nghệ sĩ Sĩ Sô: Cột cờ cũ ngày đầu bị bom Mỹ đánh gãy vào năm 1968, chúng ta đã thay đổi cột cờ mới, vẫn vị trí cũ.  Nhưng trong thời kỳ Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam ra đời, Quảng Trị được giải phóng, cột cờ được chuyển về thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, Quảng Trị từ năm 1969 đến 1972. Lúc này lá cờ được treo là cờ giải phóng: hai màu xanh đỏ. Năm 1973, cột cờ lại được chuyển về vị trí cũ ở cầu Hiền Lương, treo cờ đỏ sao vàng. Hiện nay cột cờ không còn vì cơn bão năm 1985 làm hỏng. 

ĐINH TIÊN HOÀNG - Nam 25 tuổi - HVHCQG - SỐ 10 ĐƯỜNG 3/2 - Q. 10 TP.HCM
- Bến Hải có nghĩa là Bến ở Miền biển hay không? Sông Bến Hải có đoạn gọi là Rào, xin hỏi Rào dài bao nhiêu, thuộc địa phận thôn, xã nào?
- Nghệ sĩ  Sĩ Sô: -  Cháu nhầm rồi, Bến Hải là tên riêng chứ không phải như cháu nghĩ.

- Chữ Rào ở miền Trung có nghĩa là sông cạn, chỗ có thể lội qua được mà không cần dùng phương tiện khác. Còn trên sông Bến Hải, phần thượng nguồn, cũng có đoạn gọi là Rào: Rào Thanh, Rào Nậy... Tôi không nắm được độ dài.

Nguyễn Ngọc Lâm - Nam 45 tuổi - Ban Cơ yếu Chính phủ
- Thế hệ tuổi chúng tôi ai cũng biết đến tên cầu Hiền Luơng và có lẽ bài hát với câu đầu là: Bên bên bờ Hiền Luơng... không ai là không thuộc vì Đài Tiếng nói VN phát bài này rất nhiều. Tôi đã nhiều lần đi qua cây cầu này, nhưng không phải là cây cầu có từ thời chia cắt hai miền. Gần đây thấy cây cầu kiểu như cây cầu thời chia cắt 2 miền đã đuợc phục chế. Xin hỏi phục chế lại cầu có phục chế lại cảnh quan 2 bên cầu nữa không? Hai cột cờ của hai miền có đuợc phục chế lại không? (Dĩ nhiên là chỉ phục chế lại cột cờ bờ nam còn cờ thì không). Có bảo tàng (hoặc nhà truyền thống) để các thế hệ khắp các miền đất nuớc qua đây ghé thăm, tìm hiểu không?
- Nghệ sĩ Sĩ Sô: Cầu cũ đã bị sập  vào những năm 1968, 1968, 1973 và không làm lại được. Đến khi HIệp ĐỊnh Pari có hiệu lực thì ta bắc cầu phao nối bờ. Đến năm 1976 hợp nhất tỉnh Bình Trị Thiên thì ta có cây cầu mới bằng sắt, nền lát ván, đổ bê tông. Năm 1991, cầu được xây mới bằng công nghệ hiện đại.

- Tỉnh Quảng Trị đã thông qua kế hoạch lập lại cảnh quan hai bờ. Bờ Bắc cố gắng  phục chế gần với nguyên trạng. Bờ Nam chủ yếu là biểu tượng.

- Di tích ở cả hai bờ đều có bảo tàng.

pham vu hoang (29 tuổi), hoangpl@yahoo.com, Hà Nội.
- Kính gửi ông Bái. Ông có thể mô tả lại hình ảnh đồn Cửa Tùng khi ông còn là đồn trưởng được không? Đời sống lúc đó như thế nào?
- Trung tá Nguyễn Kế Bái: - Đồn Cửa Tùng hồi đó nhỏ hơn bây giờ nhiều. Đó là 6 ngôi nhà cấp 4, lợp ngói, ba gian, có một hội trường, có một CLB, có một nhà cảnh sát qua đổi bờ. Đồn có 80 sĩ quan, chiến sĩ và những nhân viên làm công tác hậu cần. Đội liên hợp được lựa chọn gồm 18 người (kể cả đồn trưởng) để thay phiên đổi bờ. Ban đầu chúng tôi không có lương. Tiêu chuẩn ăn mỗi ngày là 700 đồng. Cực khổ nhưng cuộc sống rất vui vì có nhiều đoàn văn nghệ đến biểu diễn. Nói chung khách trong nước và Quốc tế qua lại thăm viếng nhiều.

nguyen son (19 tuổi), Bắc Giang (sonnguyen@yahoo.com)
- K/g ông Bái, trong bài viết về ông, có rất nhiều cuộc đấu trí giữa ông và đồn trưởng bờ Nam. Ông còn những bí mật gì nữa không?
- Trung tá Nguyễn Kế Bái: Cái gì đã gọi là bí mật thì chắc là bây giờ cũng vẫn còn là bí mật, chưa thể nói được. Những gì nói được thì tôi đã nói trong bài viết ấy rồi.

Hoang Lan (28 tuổi), nhhoang@hotmail.com, Quảng Bình
- Kính gửi đồn trưởng đổi bờ. Bộ phim mà ông tham gia với vai diễn ''đồn trưởng đổi bờ'', nhiệm vụ ông giữ trong suốt 4 năm trời, cụ thể trong bộ phim nào vậy? Ông có thể kể lại quá trình thực hiện vai diễn của ông trong bộ phim này?
- Trung tá Nguyễn Kế Bái: - Trong bộ phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", tôi vào vai đồn trưởng cùng 8 anh em nữa trong chuyến đi từ bờ Bắc sang bờ Nam Bến Hải và từ bờ Nam quay về.

Tran Tung (30 tuổi, Đà Nẵng), trantung@yahoo.com
- Kính gửi bác Bái. Cháu muốn hỏi rằng trong suốt bao nhiêu năm đối mặt với sự khiêu khích như vậy, điều gì khiến bác giữ được bình tĩnh đến lạnh lùng, khi mà phải nói là bác còn khá trẻ?
- Trung tá Nguyễn Kế Bái: Vì phía đối thoại cũng là người Việt Nam cho nên tôi phải kiềm chế hết sức để không xảy ra xung đột. Trong cuộc đấu trí, cái quan trọng là khơi dậy lòng yêu nước của đối phương.

Nguyen Dat (25 tuổi, Cali), datht@yahoo.com
- Kính gửi ông Nguyễn Kế Bái. Sau khi về hưu, ông có thực sự thanh thản với những gì mình đã làm?
- Trung tá Nguyễn Kế Bái: - Khi được cấp trên cho phép nghỉ hưu với cấp hàm trung tá, chức vụ Phó chỉ huy tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam -Đà Nẵng (cũ), tôi cảm thấy sung sướng vì đã hoàn thành nhiệm vụ của một người lính, cả đời quân nhân không phạm khuyết điểm gì. Tôi về hưu, bắt đầu gây dựng lại nhà cửa, sống thanh thản ở quê hương mình, đời sống không vất vả vì đã có chế độ đãi ngộ, thế là thanh thản. So với đời sống của bà con nông dân xung quanh mình, Nhà nước lo cho mình như thế cũng là được rồi. Gia đình tôi có 6 con (5 con trai), một con rể và hai vợ chồng đều là bộ đội.

Hoang Quang Ha - Nam - Dai Hoc Tong Hop Uc
- Chao Chu - Nghe Si Anh Si So. Chuc chu suc khoe, va luon luon dong gop them nhieu hon nua cho be day lich su cua Que Huong Quang Tri va cua dat nuoc Vietnam ta... Chau thay rang, the he chu va chung chau can viet mot tac pham (it nhat la song ngu: tieng Viet va tieng Anh) cho Quang Tri, dai y tieu de cuon sach la: QUANG TRI : DIEM DEN CUA THONG NHAT DAT NUOC, DU LICH CHIEN TRANH & XOA DOI NGHEO, chu nghi sao ve van de nay va nhung du dinh hop tac voi chung chau.. . Chau Hoang Quang Ha, PhD student, tai Uc..
-  Nghệ sĩ Sỹ Sô: Chú hoàn toàn đồng ý và chia sẻ ý tưởng của cháu. Nếu cháu muốn chú thực hiện điều gì thì chắc là chú không từ chối.

Ngo Duc Tung - Nam 24 tuổi - Ha Noi
- Chao bac Sy So, Chau la nguoi Tung Luat day. Khong ngo bac dang o lang cua Chau. Hom nao ve que chau se den tham bac nhe. Chuc Bac khoe.
- Nghệ sĩ Sỹ Sô: -  Cám ơn cháu. Nhà bác ở đầu làng Tùng Luật đấy. Lúc nào cháu về quê, chúng ta cùng đi chụp ảnh nhé!

quoc tuan (20 tuoi, Dien Bien)
- Cháu đang sống ở thành phố Điện Biên Phủ. Cháu cũng nghe rất nhiều về Quảng Trị - Vĩnh Linh. Sau ngày giải phóng đất nước đến nay, Vĩnh Linh như thế nào rồi bác?
- Trung tá Nguyễn Kế Bái: - Bữa cơm của người dân Vĩnh Linh trước đây là "sắn cõng cơm" (sắn nhiều hơn cơm), "ăn cơm bữa diếp" (tức là ăn cơm từ ngày hôm kia!). Đất Vĩnh Linh không rộng, người không đông, nhưng người Vĩnh Linh rất cần cù, siêng năng, thông minh và  sáng tạo trong lao động. Trong thời kỳ chống Mỹ, một cuộc chiến tranh rất không cân sức, và có tính chất huỷ diệt, nhưng quân dân Vĩnh Linh đã đứng vững. Quân dân Vĩnh Linh đã đào được 141 khu vực địa đạo với độ dài 1842m. Địa đạo Vĩnh Mốc là ý chí và trí tuệ của đất và người Vĩnh Linh.

 Sau gần 30 năm giải phóng, hiện nay, đời sống kinh tế đã ổn định, nhà cửa khang trang, bà con đã sắm được gần như đầy đủ các phương tiện nghe, nhìn, đi lại...

Bich Hong - Nữ 40 tuổi - Da Nang
- Nhà báo Kim Ngân-Báo NGuoì Lao động: Thua nhà nhiếp ảnh Sĩ sô, nhân vật nào, tác phẩm nào duọc ông tâm đắc nhất? Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm đó? Kỷ niệm nào trong thời kỳ ấy khiến ông nhớ mãi ?
- Nghệ sĩ Sĩ Sô:- Đó là bức ảnh chụp bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kiện tại làng Tùng Luật. Lúc tôi chụp, mẹ đã 108 tuổi.

- Kỷ niệm nhớ nhất là kỷ niệm làm ngoài nghề: chuyển 2,5 vạn trẻ em Vĩnh Linh ra tuyến sau (K8). Tôi đã kể trong bài viết đăng ở VietNamNet.

Tran Le Son (27 tuổi, NewYork)
- Thưa ông, Ông có làm bạn với người nào từng là đối thủ bên kia chiến tuyến với ông không?
- Trung tá Nguyễn Kế Bái: - Sau ngày giải phóng, đôi bờ được nối liền, bà con đi lại, thăm viếng nhau. Chúng tôi không còn nhắc tới hai chữ "hằn thù" nữa. Bà con cũng không còn để ý ai đã từng ở phía bên kia.

Hoàng Hưng (50 tuổi - California)
- Nếu bây giờ, gặp lại Hữu là một Việt Kiều chẳng hạn thì ông sẽ nói điều gì?
- Trung tá Nguyễn Kế Bái: - Tôi đã có lần gặp Hữu là đồn trưởng cảnh sát Cửa Tùng (bờ Nam) ở Đà Nẵng sau ngày giải phóng, chúng tôi đã vào quán nước trò chuyện vui vẻ. Tôi hỏi Hữu: "Anh còn nhớ tôi không". Anh ấy trả lời: "Tôi thấy anh quen quen". "Anh quen tôi ở đâu?". "Chắc anh là đồn trưởng đồn Cửa Tùng bờ Bắc?".  Tôi giới thiệu lại về mình. Chúng tôi đã cùng nhau ăn bữa cơm rất ngon rồi chia tay vui. Tất cả những gì của quá khứ chỉ là câu chuyện của lịch sử. Nếu không có chiến tranh thì biết đâu ngày ấy, chúng tôi có thể là bạn thân của nhau.

Dat An Thanh - Nam 29 tuổi - Ha Noi
- Chao chu! la nguoi ghi lich su bang anh, biet chu la nguoi co tam huyet voi nghe,voi doi. Nhung lam nghe sy nhiep anh thi ngheo lam, vay nguon thu nhap chu yeu cua chu co giup chu tiep tuc tac nghiep? chu da in duoc may cuon sach ve anh?
- Nghệ sĩ Sỹ Sô: - Tôi sống bằng lương hưu, việc tác nghiệp có gặp khó khăn nhưng chưa bao giờ tôi có ý nghĩ rằng mình sẽ dừng lại. Đối với tôi, khó nhất và mong muốn nhất là chuyển 2000 cuốn phim đã chụp về DMZ vào đĩa.

- Cuốn sách ảnh duy nhất mà tôi có điều kiện in được là: " Sỹ Sô - Quảng Trị - Quê hương"

Nguyễn - Nam 28 tuổi - Hà nội
- Tôi rất nguỡng mộ TS Nguyễn Truờng Khoa, vậy xin TS cho biết có bí quyết nào để trở thành 1 TS trẻ như thế?
- TS Nguyễn Trường Khoa: - Xin cám ơn bạn! Tôi có bằng tiến sĩ khi 37 tuổi. Nhưng tôi biết, nhiều địa phương còn có nhiều tiến sĩ trẻ hơn tôi.

Hiền Luơng và nhóm bạn - Nữ 24 tuổi - Thị xã Đông Hà - Quảng Trị
- chúng cháu xin hỏi TS Nguyễn Truờng Khoa một câu đuợc không ạ? Đuợc biết chú là TS trẻ của Vĩnh Linh, là nguời con có tri thức, chú có suy nghĩ gì khi chiến tranh đã qua lâu rồi mà vùng đát Quảng trị vẫn còn khó khăn và nguời dân thì vẫn còn rất thiếu thốn.
- TS Nguyễn Trường Khoa: -  Đã đến lúc, chúng ta không còn có thể đỗ lỗi, chiến tranh là nguyên nhân của việc quê hương nghèo khó. Việc phát triển kinh tế của tỉnh là cả một câu chuyện dài, trong đó có cả trách nhiệm của những người như tôi và các bạn.

Nguyen Tuong Lam - Nam 25 tuổi - TP Ho Chi Minh
- Qua hon 30 nam ke tu khi Hiep dinh Geneve duoc ky ket chia cat hai mien, va tu khi Mua he do lua (1972), Quang Tri noi chung va Vinh Linh noi rieng da phai gong minh dung day, chap va nhung vet thuong. The nhung thien nhien khong uu dai lam doi voi Vinh Linh, mot vung cat nong gio lao. Toi muon hoi Chu tich UBND huyen Vinh Linh: Chien luoc nao can dua ra de dua Vinh Linh phat trien hon nua ve kinh te-xa hoi trong nhung nam toi?
-  Ông Lê Đức Yên: - Chúng tôi đã xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Vĩnh Linh từ 2000 - 2010, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, mang tính hàng hoá. Đồng thời khai thác thế mạnh của một huyện có truyền thống lịch sử và những công trình văn hoá, lịch sử có trên địa bàn để phát triển du lịch địa phương.

Nam Anh - Nam 24 tuổi - Hà Nội
- Thưa chủ tịch huyện Vĩnh Linh, mảnh đất Vĩnh Linh truớc đây đã chịu nhiềum bom đạn và trở thành di tích của một thời chiến tranh, tại sao ta không biến nơi đây thành địa danh du lịch lịch sử?
- Ông Lê Đức Yên: - Hiện giờ, Vĩnh Linh đang được đầu tư về nhiều mặt để trở thành địa danh di tích lịch sử.

Thái Hà - Nam 34 tuổi - Hòa Bình
- Gửi chủ tịch huyện Vĩnh Linh: Chúng tôi là doanh nghiệp du lịch. Nếu chúng tôi muốn đầu tư vào ngành du lịch thì chúng tôi có thể đầu tư vào đâu? Thủ tục đầu tư có gì thuận lợi khi chúng tôi đầu tư vào mảnh đất lịch sử naỳ?
- Ông Lê Đức Yên: - Rất cảm ơn mảnh đất của huyện dành cho Vĩnh Linh. Bạn có thể liên hệ qua ngành du lịch của tỉnh, sau đó phối hợp với UBND huyện để đầu tư vào những danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử. Nếu bạn thực sự quan tâm thì bạn có thể bắt đầu bằng việc xây dựng dự án.  

Pham Hoai Nam - Nam 24 tuổi - Da Nang
- Di dau toi cung khong the quen duoc que minh ngheo kho. Co ban di hoc khong co tien nop hoc phi phai lam ca nhung viec xau. Nhung nguoi khac thi chat vat kiem song. Lieu Quang Tri co the keu goi dau tu nuoc ngoai hay lam the nao de tao nhieu cong an viec lam cho nguoi lao dong duoc khong?
- Ông Lê Đức Yên: - Chúng tôi đã và đang có kế hoạch đó. Hiện giờ, cũng chưa có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Vĩnh Linh. Sắp tới, chúng tôi sẽ rà soát lại thế mạnh của huyện và  đề nghị Tỉnh giới thiệu các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào huyện.

NguyenDucBinh - Nam - TPHCM
- La nguoi con sinh ra tu manh dat Quang Tri, hien sinh song tai Tp HCM, nhung cung nhu da so nguoi dan Quang Tri sau khi hoc tap o noi khac khong ve que huong cong tac. Vay QT co chinh sach gi de thu hut nhan tai phuc vu cho su phat trien kinh te Tinh nha ngang bang voi cac dia phuong khac?
-  Ông Lê Đức Yên: - Vĩnh Linh nói riêng và Quảng Trị nói chung đã có những chính sách để thu hút chất xám. Nếu ai đó đủ điều kiện và có nguyện vọng về quê hương công tác, Vĩnh Linh sẵn lòng. Nhưng xin nói thêm, vì huyện đang khó khăn, nên chưa thể có đãi ngộ như ở các địa phương có kinh tế phát triển.

Bich Hong - Nữ 40 tuổi - Da Nang
- Thu Hồng_ Báo Đà Nẵng: . Xin hỏi đồng chí chủ tịch huyện Vĩnh Linh, ngành du lịch Quảng Trị đã khai thác đuoc nhưng gi tư lịch sủ hào hùng của Vình Linh trong quá khú. Đối tuợng du khách nào quan tâm đến lịch sủ của Vĩnh Linh ?
- Ông Lê Đức Yên: - Tỉnh đang đầu tư xây dựng các công trình du lịch lịch sử. Đến nay Vĩnh Linh đã và đang đón nhiều du khách trong nước và quốc tế. Và chúng tôi cũng đang sẵn sàng chờ đón bạn ghé thăm.

Nguyen long Chuan - Nam 51 tuổi - Phuc xa Ha noi
- Da bao nam qua nh­ung dia danh cua Vinh Linh, cua doi bo Hien luong da di vao thi ca, di vao lich su cua dan toc. Vay trong tuong lai lieu Hien L­uong co bi quen lang boi nhung toan tinh kinh te nhu viec lam cau moi vua qua?
- Ông Lê Đức Yên: - Những công trình lịch sử như cầu Hiền Lương đang được tôn tạo lại. Đó là những công trình có ý nghĩa lịch sử mang tính giáo dục chứ không hẳn hoàn toàn mang mục đích kinh tế.

Nguyễn Trương Trưởng - Nam 29 tuổi - Vĩnh Linh, Quảng Trị
- Kính gởi ông Yên: Chiến công hào hùng của nhân dân hai bờ Bến Hải nói chung và của nhân dân tuyến lửa Vĩnh Linh thì cả nước và nhân dân thế giời đều biết, tuy nhiên đời sống của nhân dân trong huyện ta vẫn còn rất nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng nói chung còn thua kém nhiều so với các nơi khác. Ông có thể vui lòng cho biết nhiệm vụ của Đảng bộ và Chính quyền Huyện phải làm gì để đưa Huyện nhà phát triển đi lên, xứng đáng với chiến công lừng lẫy của cha ông chúng ta trước đây ?
- Ông Lê Đức Yên: - Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, và tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho phúc lợi xã hội. Việc đó còn nhiều khó khăn nhưng phải làm từng bước.

Bich Hong - Nữ 40 tuổi - Da Nang
Xin cho biết hiện nay kinh tế của huyện Vĩnh Linh có gì nổi bật, các nhà đầu tư trong và ngoaì nuớc đã đến đây chưa, huyện có tiềm năng gì và sự háo hức chờ nối nhịp cầu Xuyên Á thì Vĩnh Linh đang làm gì để hòa vào nhịp cầu ấy ?
- Ông Lê Đức Yên: - Vĩnh Linh có những thế mạnh: Sự phát triển mạnh của cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu... Ngoài ra có nuôi trồng thuỷ hải sản. Đó là những thế mạnh tạo điều kiện cho công nghiệp chế biến phát triển sau này. Vĩnh Linh còn có những danh lam thắng cảnh và những công trình lịch sử để tạo tiền đề cho ngành du lịch phát triển.

Hiện tại, với tiềm năng rất lớn như vậy, huyện đang chờ đón những nhà đầu tư.

Để tham gia "Nhịp cầu xuyên Á", Vĩnh Linh đã và đang tôn tạo, phục hồi và mở rộng các dịch vụ kèm theo để đưa các địa danh lịch sử nằm trên địa bàn huyện hoà nhập với các tuor du lịch, các công trình lịch sử của tỉnh.

Nguyen Tan Anh - Nam 24 tuổi - 108B8Khuat Duy Tien- Thanh Xuan Bac-HN
- Kính thưa nhà nhiếp ảnh Sỹ Sô. Ông có thể cho thế hệ chúng cháu biết hơn nữa về những năm tháng ác liệt của nhân dân ta trên cầu Hiền Lương qua ống kính của ông được không ạ?. Cháu xin trân trọng cảm ơn !
- Nghệ sĩ Sỹ Sô: - Trong cuốn sách ''Quảng Trị - Quê hương'' có một phần đậm nét về đề tài giới tuyến. Số còn lại chưa công bố được, thì tôi cũng chưa biết là đến lúc nào bạn mới có thể chiêm ngưỡng. Bạn chờ nhé!

lê hông nhung - Nữ 23 tuổi - 92 Trần Phú Đông Hà Quảng Trị
- Chu So oi! Nguoi ta bao chu moi cong bo 1/10 nhung buc ảnh chu co phai không? Vì sao chu khong cong bo het buc anh chu da tung chup?
-

Nghệ sĩ Sỹ Sô: - Số ảnh tôi đã công bố từ trước đến nay chưa đủ 1/10 số phim tôi có. Nhưng do điều kiện chưa thể ra ảnh được, tôi cũng đang chờ cơ hội đấy.

thephiet06@yahoo.com - Nam 45 tuổi - ha noi
- Cau hoi danh cho ong Khoa. Chúng tôi hiểu rằng, trong suốt hai muơi năm, nguời và đất Vĩnh Linh phải hứng chịu biết bao đau thuơng hy sinh mất mát vì sự chia cẳt đôi bờ và nhất là vì sự ác liệt của bom đạn. Tuy nhiên, Vĩnh Linh lại có những tiềm năng mà những nơi khác không có đuợc. Tiềm năng ấy gắn với 2 địa danh nay đã thành "thuơng hiệu", đó là DMZ và Vĩ tuyến 17. Rất nhiều người nuớc ngoài biết và quan tâm tới hai thuơng hiệu, có thể biến Vĩnh Linh thành trung tâm du lịch lịch sử tầm cỡ thế giới. Tuy nhiên xem ra lãnh đạo địa phuơng chưa hiểu hết ý nghiã và những tiềm năng mà các thuơng hiệu này có thể đem lại cho sự phát triển kinh tế của vùng đất quê ông. Ông nghĩ sao về điều này và liệu ông có ý tuởng gì không để phát huy các thuơng hiệu trên?
- TS Nguyễn Trường Khoa: - Tôi vẫn biết DMZ và vỹ tuyến 17 đã rất nổi tiếng. Tuy nhiên vấn đề xây dựng và quảng bá thương hiệu còn tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Sự đánh giá của bạn về những người lãnh đạo ở quê hương tôi như vậy, theo tôi là còn rất phiến diện. Mong rằng đây chỉ là ý kiến của cá nhân bạn!

Tôi nghĩ rằng để phát triển các thương hiệu này, cần có sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều người trong tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng.

Việc tôi nhận lời báo VietNamNet tham gia cuộc giao lưu này với độc giả cũng là một hình thức để góp phần quảng bá hình ảnh của DMZ, vĩ tuyến 17 mà bạn quan tâm.

hoàng sơn - Nam 27 tuổi -
- Xin hỏi anh Truờng Khoa: Tỉnh QT có chính sách đãi ngộ nhân tài không?
-TS Nguyễn Trường Khoa: - Quảng Trị có chính sách đãi ngộ nhân tài, rất cụ thể và chi tiết. Mời bạn liên hệ Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, số 30 đường Hùng Vương, Thị xã Đông Hà, Quảng Trị.

Hiền Luơng và nhóm bạn - Nữ 24 tuổi - Thị xã Đông Hà
- Kính gởi Tiến sĩ Nguyễn Trường Khoa. Là một nhà khoa học trẻ, có nhiều thành công trong lĩnh vực nghiên cứu về đa dạng sinh học biển. Đề nghị Tiến sĩ cho biết những dự định của mình nhằm giúp quê huơng Vĩnh Linh trong việc bảo vệ và tái tạo nguồn đa dạng sinh học ven biển Vĩnh Linh .. Là một nguời thành công khá sớm trong con đuờng nghiên cứu khoa học của Quảng Trị, đề nghị tiến sĩ cho một vài lời khuyên đối với thế hệ trẻ Quảng Trị hôm nay .
- TS Nguyễn Trường Khoa: - Những vấn đề liên đến đa dạng sinh học biển nói chung và biển Quảng Trị nói riêng đã đang được rất nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó, cần có sự đóng góp, tham gia cảu nhiều ngành, nhiều cấp để cùng đạt được một mục tiêu chung là: Phát triển bền vững.

Tôi nghĩ rằng, không chỉ riêng cá nhân tôi, việc học và nghiên cứu không ít khó khăn. Tôi chưa dám có lời khuyên chung gửi các bạn, nhưng tôi cho rằng hãy chọn cho mình con đường và kiên nhẫn đi theo con đường mình chọn thì ai cũng có thể thành công.

Hoàng Hân - Nam 26 tuổi - Phuờng 1 Đông Hà
- Xin chào TS Nguyễn Truờng Khoa. Tôi tuy nhỏ tuổi hơn anh nhưng có thể xem là thế hệ với anh vậy. Tôi đuợc biết luận án tiến sĩ của anh là ngcứu về đất ngập nuớc Quảng trị. Tôi rất quan tâm đến nnhưng thú thật là chưa hiểu nhiều lắm về lĩnh vực naỳ. Xin anh cho biết sơ luợc về ĐNN Quảng Trị. Liệu tài nguyên ĐNN Quảng trị có thẻ thu hút đầu tư nuớc ngoài hay không, tình hình khai thác và bảo vệ môi truờng ở đây như thế nào
- TS Nguyễn Trường Khoa: - Rất cám ơn bạn có những quan tâm chung với tôi. Tôi chưa nghĩ đến việc thu hút đầu tư nước ngoài đến với Quảng Trị trong lĩnh vực mà tôi nghiên cứu. Nhưng tôi nghĩ rằng có thể khai thác các vùng đất ngập nước Quảng Trị cho việc phát triển du lịch sinh thái tỉnh nhà như đảo Cồn Cỏ, trằm Trà Lộc...

Do Anh Dzung - Nam 37 tuổi - Vien Sinh thai va tai nguyen sinh vat Ha Noi
- Xin chao T.S Nguyen Truong Khoa, Duoc biet anh duoc sinh ra tren manh dat anh hung va anh duoc dao tao co ban, nay lai co trong trach taij co quan khoa hoc. Xin hoi anh kinh te QT dang tren duong PT nhanh. Dac biet la nuoi trong thuy san, tuy nhien neu PT tu phat va nhanh qua dan toi se mau thuan voi phat trien ben vung, dac biet la nhung vung ngap nuoc. vay anh da co nhung giai phap nao de tu van cho cac ho Kd de lam sao vua PT kinh te vua dan bao moi truong van khong bi o nhiem?. . . .
- TS Nguyễn Trường Khoa: - Cám ơn bạn đã hiểu được một phần về vùng đất Vĩnh Linh - Quảng Trị. Vấn đề bạn quan tâm cũng là mối quan tâm chung của những người làm công tác khoa học, môi trường và những người làm côg tác quản lý ở địa phương chúng tôi.

Chúng tôi đang cùng với nhiều ngành phấn đấu giúp đỡ và định hướng cho người dân, các tổ chức kinh tế khác khai thác và bảo vệ các vùng đất ngập nước theo hướng bền vững.

Nguyễn Văn Hùng - Nam 33 tuổi - Đống Đa, Hà Nội
- Cháu xin chào các chú. Cháu là một nguời con Hà Nội đã từng công tác tại Vĩnh Linh. Cháu thấy nhiều người dân quê ta còn nghèo, quê ta tuy rất đẹp nhưng lại ở địa thế rất khó phát triển nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Là những người đi nhiều và trải nghiệm nhiều các chú có những trăn trở như vậy không, nếu được 3 điều ước các chú sẽ ước gì cho mảnh đất và con người Vĩnh Linh?
- Ông Lê Đức Yên: - Chúng tôi mong Vĩnh Linh - Quảng Trị vẫn được nhân dân cả nước dành cho mảnh đất này những tình cảm yêu thương nhất như từ trước đến nay.

Đó là mong ước lớn nhất và duy nhất của chúng tôi, để cùng với nội lực của mình, nhanh chóng đưa Vĩnh Linh - Quảng Trị phát triển như các địa phương khác trong cả nước.

VietNamNet: Còn rất nhiều câu hỏi nhưng thời gian có hạn, chúng tôi không thể trả lời hết. Những câu hỏi còn lại của các bạn, chúng tôi sẽ chuyển đến các nhân vật để trả lời sau bằng email.

VietNamNet xin cảm ơn sự quan tâm của độc giả với cuộc giao lưu này. Xin cám ơn sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, lãnh đạo huyện Vĩnh Linh và Sở Khoa học Công nghệ, cùng các nhân vật tham gia đã tạo điều kiện để chúng tôi thực hiện được chương trình này ngay tại Vĩnh Linh.

  • VietNamNet
,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

Tin khác của 'Trực tuyến'

,
Quảng cáo
,
,
,