,
221
1842
Trực tuyến
tructuyen
/chinhtri/tructuyen/
189607
''Đất nước đang có vị thế, vận hội và thời cơ mới''
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
,

''Đất nước đang có vị thế, vận hội và thời cơ mới''

Cập nhật lúc 22:23, Thứ Tư, 21/01/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Năm Quý Mùi đang qua đi với biết bao sự kiện trong quan hệ thương mại quốc tế của Việt Nam. Chúng ta đã tham gia và tổ chức nhiều diễn đàn song phương và đa phương, đặc biệt đẩy nhanh tiến trình gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO. Điểm lại năm qua, bàn về triển vọng năm tới, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã có mặt tại tòa soạn VietNamNet trong chương trình Bàn tròn trực tuyến đêm giao thừa Tết Giáp Thân.

 

Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Giữ nhiệm vụ là tâm điểm của nhiều cuộc đàm phán, diễn đàn thương mại quốc tế của Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Khoan hiểu rõ những thành công, khó khăn và những việc chúng ta cần làm trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong cuộc bàn tròn trực tuyến tối nay, với người dẫn chương trình - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, nhiều câu hỏi trực tiếp đã được gửi tới Phó Thủ tướng.

Bàn tròn trực tuyến với Phó Thủ tướng Vũ Khoan:

(Video - Hình ảnh & Âm thanh) (Audio - Âm thanh)

- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:  Kính thưa quý vị khán giả, độc giả VietNamNet, hôm nay VietNamNet rất hân hạnh và trân trọng giới thiệu với qu‎í vị Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Bí thư Trung ương Đảng, người có thể nói trong năm qua bôn ba, bươn chải trong những chuyến đi dài đến cộng đồng quốc tế, đưa Việt Nam lên một vị thế trên trường quốc tế và tạo ra những điều kiện mới để chúng ta có thể thanh thản, vững tin cho việc hội nhập những năm tới. Hôm nay, ngày cuối năm. Phó Thủ tướng dành chút thời gian trao đổi trực tuyến với chúng ta. Trước hết, xin hỏi Phó Thủ tướng Vũ Khoan, cảm nhận của Phó Thủ tướng trong năm qua. Với những thành công, kết quả trong năm qua, hiện Việt Nam đang ở vị trí nào trên trường quốc tế?

Phó Thủ tướng Vũ Khoan (bên trái ảnh) tại toà soạn VietNamNet

- Tôi nghĩ năm 2003 đánh dấu một bước phát triển mới về thế và lực của Việt Nam. Xét về lực, chúng ta đã duy trì được một tốc độ tăng trưởng tương đối cao, được đánh giá là cao thứ hai châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Đi liền với tốc độ tăng trưởng kinh tế, chúng ta đã giải quyết được một loạt các vấn đề xã hội, trong đó có việc xoá đói giảm nghèo, kể cả việc ngăn chặn dịch bệnh SARS lây lan. Đi liền với kinh tế xã hội, sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội cũng được củng cố. Bên cạnh đó, niềm tin của nhân dân vào chính sách đổi mới được tăng cường. Chính 4 nét chính trong năm 2003 đó góp phần rất quan trọng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà quốc tế đánh giá Việt Nam là nước tăng trưởng cao thứ hai ở châu Á, là nước đi đầu trong việc ngăn chặn dịch bệnh SARS, là nước thuộc loại ổn định nhất ở khu vực. Đồng thời, thành công của SEA Games 22 cũng được dư luận quốc tế đánh giá cao. Như vậy, có đầy đủ căn cứ để nói rằng năm 2003 đánh dấu một bước phát triển mới, cả về thế và lực của Việt Nam. Chính vì vậy mà như tôi đã có lần phát biểu, đất nước ta đang ở trong vận hội mới và thời cơ mới.

- Vậy thì, theo Phó Thủ tướng, năm 2004 chúng ta sẽ có những bước nhảy, có vị thế cao hơn. Vậy, cảm nhận của Phó Thủ tướng về năm 2004 như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng những thành tựu đạt được năm 2003 như là một bệ phóng để chúng ta có những bước phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2004. Như hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc, cũng khẳng định, chúng ta còn nhiều tiềm năng để phát triển nên đã đặt mục tiêu cố gắng đạt mức độ tăng trưởng kinh tế trên 8%. Tất nhiên, tình hình cũng không phải đơn giản, muốn làm như vậy chúng ta phải có rất nhiều nỗ lực để huy động tối đa nguồn lực trong nước, đồng thời mở rộng tối đa quan hệ quốc tế. Cả nguồn nội lực và ngoại lực đó cộng lại sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế Việt Nam phát triển. Tôi nghĩ răng, với vị thế của Việt Nam trong năm 2003 thì vị thế trong năm 2004 cũng sẽ được củng cố, nâng cao, trong đó có một nét mới là chúng ta sẽ nỗ lực, phấn đấu hết sức để gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào những thời điểm tiếp theo.

- Đúng là chúng ta đang chuẩn bị con đường vào WTO. Chúng tôi cũng hy vọng rằng chúng ta sẽ thành công và sớm gia nhập tổ chức này. Phó Thủ tướng cũng thấy là chúng ta có những chông gai trên con đường này, vậy chúng ta lường trước như thế nào?

- Tất nhiên con đường này không chỉ có hoa hồng mà còn có cả chông gai nhưng vì sao chúng ta vẫn kiên trì đi theo con đường này. Theo tôi, có 2 lí do rất đơn giản: một, chúng ta nhận thức được rằng chúng ta không thể đứng ngoài nền kinh tế thế giới mà là môt bộ phận của nền kinh tế thế giới nên tất yếu có nhu cầu hội nhập để phát triển. Lí do thứ hai là chúng ta nhận thức được xu thế của thời đại, đó là 2 lí do thúc đẩy chúng ta chủ động hội nhập với kinh tế thế giới.Chông gai thì rất nhiều nhưng có lẽ chông gai lớn nhất là khả năng cạnh tranh khi hội nhập với kinh tế thế giới. Đây chính là điểm còn yếu của chúng ta và không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ đặt rất cao nhiệm vụ nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế. Đây là một thách thức rất lớn nhưng cũng không nên quá hoang mang vì thực tế gần 20 năm đổi mới cũng đã chứng tỏ Việt Nam có khả năng vươn lên và chiến thắng trong những cuộc cạnh tranh không đơn giản. Nhiều mặt hàng của Việt Nam đã chứng tỏ điều đó và tôi tin rằng, với sự hội nhập vào WTO, Việt Nam có thể đứng vững được, cạnh tranh được và phát triển.

- Có một lần, tôi có tham dự một hội nghị và có một câu Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói mà chúng tôi nhớ mãi, rằng ''chúng ta phải tin vào dân tộc chúng ta, tin vào người Việt Nam chúng ta''. Đó là một lời động viên giúp chúng tôi có thêm khí thế. Vậy, theo Phó Thủ tướng, sắp tới Chính phủ sẽ có những giải pháp gì để nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước?

- Làm bất kỳ việc gì thì nhân tố con người cũng là yếu tố quyết định. Toàn bộ lịch sử dân tộc ta đã chứng tỏ con người Việt Nam có tiềm năng lớn, trí thông minh cao và có khả năng vượt qua nhiều thách thức, gian nan. Điều đó đã được chứng tỏ trong cách mạng, trong chiến tranh và cả trong hoà bình. Với tiềm năng như vậy, tôi tin rằng tất yếu chúng ta sẽ tìm ra phương cách để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình, phát triển trí tuệ của mình để hội nhập kinh tế thế giới. Đây là một niềm tin không phải không có căn cứ mà là niềm tin dựa vào lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Từng ngày, từng ngày, năng lực của người Việt Nam chúng ta đang được chứng minh trên thực tế.

- Thưa Phó Thủ tướng, chúng ta rất tin vào khả năng của con người Việt Nam nhưng để giải phóng năng lực con người và huy động cao nhất khả năng của con người thì một trong những việc cần làm nhất là cải cách hành chính, tạo hành lang thông thoáng để huy động mọi nguồn lực vào công cuộc chấn hưng đất nước. Ý kiến của Phó Thủ tướng ra sao?

- Tôi nghĩ cải cách hành chính cũng là một cách để giải phóng sức sáng tạo của nhân dân ta nhưng đây cũng chỉ là một nhân tố thôi. Tôi thấy còn có nhân tố mà chúng tôi đặt lên hàng đầu, coi như quốc sách, đó là giáo dục. Nếu cho tôi tổng hợp lại, thì có 3 nhân tố để phát huy năng lực của chúng ta. Một, đổi mới một cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục để phát huy trí sáng tạo của con người Việt Nam, từ nhỏ đến lớn. Hai, đặt rất cao việc phát triển khoa học công nghệ, tạo ra một cơ chế để khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, theo sát đòi hỏi của cuộc sống và sản xuất. Thứ ba là cải cách hành chính. Tôi rất đồng ý là phải lấy cải cách hành chính là một trong những khâu đột phá nhưng bên cạnh đó, chắc chắn phải quan tâm hơn nữa đến giáo dục và khoa học công nghệ. Đấy cũng là một trong những tư tưởng lớn của Đại hội 9 và Hội nghị Trung ương 9 vừa kết thúc.

- Thưa Phó Thủ tướng, đúng là hiện nay giáo dục rất được Chính phủ quan tâm nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Vậy theo Phó Thủ tướng, chúng ta có những cách gì để tạo bước nhảy vọt về chất?

- Tất nhiên phải thừa nhận giáo dục đã có những bước tiến đáng kể nhưng vấn đề còn lại cũng rất nhiều. Việc làm sao tạo được đột phá thì mỗi người có cách suy nghĩ khác nhau nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, khâu đột phá quan trọng nhất là giải phóng sức sáng tạo của học sinh, sinh viên. Không học vẹt, học theo khuôn mẫu mà cần tạo dựng một cơ chế học tập để con người có thể sáng tạo. Nếu không giải quyết nhanh vấn đề này trong thời đại KHCN hiện nay thì chúng ta chắc chắn sẽ tụt hậu về giáo dục, tiến tới tụt hậu về KHCN và khi đó thì chắc chắn tụt hậu về kinh tế còn xa hơn.

- Tôi trả lời câu hỏi của bạn Trần Quốc Nam ở Vương quốc Anh, về việc trả lương chưa tương xứng. Phải nói rằng, chúng ta nhận thức rất rõ là chế độ lương của chúng ta chưa hợp lý, chưa tương xứng với việc phát huy tài năng của những người có tài. Chính vì vậy mà chúng ta đã quyết định tiến hành cải cách tiền lương nhưng phải thừa nhận rằng ở đây chúng ta gặp một mâu thuẫn: không trả lương đúng mức thì không khai thác được nguồn sáng tạo nhưng nếu năng suất lao động còn thấp thì cũng không có nguồn để trả lương. Do đó vấn đề hiện nay là tìm kiếm một cơ chế để trả lương đúng với công sức lao động nhưng cũng phải phù hợp với năng lực của nền kinh tế. Chúng ta không thể nhảy qua đầu để làm những việc mà nền kinh tế chưa có.

- Câu hỏi tiếp theo cũng của anh Nam về chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam so với Trung Quốc và gợi ý của anh về việc lập một Hiệp hội người Việt Nam trên toàn thế giới để góp phần xây dựng đất nước. Đây là một câu hỏi rất lí thú và tôi hoàn toàn chia sẻ với ý kiến của anh. Chúng ta đặt rất cao chiến lược phát triển nguồn nhân lực và coi bà con người Việt ở nước ngoài là một nguồn nhân lực rất lớn. Chính vì vậy, nhà nước đã có chính sách thu hút chất xám và sự đóng góp của các trí thức Việt kiều và cũng đã có nhiều người về nước giảng dạy nghiên cứu. Tôi nghĩ rằng, cần tăng cường việc này.

- Câu hỏi của anh Vũ Minh Nam ở Iceland về việc hội nhập và gia nhập WTO. Phải nói rằng nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế thì chúng ta có từ lâu rồi, do đó không phải ngẫu nhiên mà chúng ta gia nhập ASEAN từ năm 1995. Tuy nhiên, chúng ta cần đi từng bước, trước hết là hội nhập khu vực với ASEAN, tiếp đến là tham gia APEC và bước thứ ba là gia nhập WTO. Chúng ta không thể làm tất cả cùng lúc mà phải từng bước. Vấn đề bây giờ không phải là chúng ta không thông suốt về quan điểm mở cửa mà là chúng ta cần chuẩn bị thì mới có thể mở cửa thành công.

- Về những việc chúng ta cần làm để gia nhập WTO, thì có thể nói vắn tắt mấy việc sau. Việc thứ nhất, chúng ta phải hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật, đây là một công việc đồ sộ mà chúng ta đang tiến hành rất mạnh mẽ. Việc thứ hai là nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, đây là một trong những trọng tâm của chính phủ và CP đang tạo ra những cơ chế để phát huy năng lực của mọi thành phần kinh tế. Việc thứ ba là tiến hành đám phán, hiện chúng ta đang chuẩn bị cho vòng đàm phán thứ 8. Việc thứ 4 là đào tạo nguồn nhân lực để hội nhập với nền kinh tế thế giới, việc này cũng đang được tiến hành một cách rộng rãi, tất nhiên chưa đáp ứng hết đòi hỏi nhưng vẫn là một nhân tố rất quan trọng vì hội nhập kinh tế làm việc gì thì yếu tố con người cũng là quyết định. Đây là 4 việc lớn mà chúng ta đang tiến hành để có thể sớm gia nhập WTO.

Phó Thủ tướng Vũ Khoan (bên trái ảnh) tại toà soạn VietNamNet

- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:  Hiện nay khả năng tiếp thị và đặt chân vào thị trường nước ngoài của nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa phải là mạnh. Chúng ta có thể sản xuất rất tốt nhưng quảng bá lại chưa hiệu quả. Chính phủ có giải pháp gì để giúp doanh nghiệp?

- Chính vì nhận thức được rằng chúng ta còn kém trong việc này nên Chính phủ đã thông qua cả một chương trình xúc tiến thương mại (XTTM). Trong chương trình đó, CP có dành ra một khoản ngân sách đáng kể để giúp doanh nghiệp liên hệ với nền kinh tế thế giới, tiếp xúc với đối tác. Việc thứ hai mà chính VietNamNet có thể đóng góp được, đó là phát triển E – Commerce. Điều đó cũng giúp các doanh nghiệp tiếp cận các bạn hàng ở nước ngoài.

- Thưa Phó Thủ tướng, chúng tôi rất cám ơn sự quan tâm trước đây mà Phó Thủ tướng dành cho trang Eximpro của VietNamNet. Mong rằng, thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Phó Thủ tướng.

- Bản thân cá nhân tôi rất quan tâm đến những thông tin kinh tế nên mọi hoạt động liên quan đến việc thông tin kinh tế, tiếp cận thị trường nước ngoài thì chúng tôi rất đẩy mạnh và trợ giúp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đầy việc đó.

- Thưa Phó Thủ tướng, trước thềm năm mới, Phó Thủ tướng có cảm nhận riêng tư gì về ngày xuân của mình?

- Ở tuổi của mình, tôi đã từng trải qua rất nhiều mùa xuân nhưng có thể mùa xuân 2004 này là một trong những mùa xuân tôi cảm thấy phấn khởi nhất bởi vì ngay trước Tết, tôi có đi rất nhiều tỉnh, từ Nam ra Bắc bằng đường bộ và đi đến bất kỳ tỉnh nào, tôi cũng cảm nhận được một không khí phấn khởi của nhân dân trước những thành tựu của đất nước. Tôi cảm thấy không khí hồ hởi đó tràn ngập cả đất nước. Đó là cảm nhận của tôi trong mùa xuân năm nay.

- Nhân dịp năm mới, kính chúc Phó Thủ tướng và gia đình một năm mới mạnh khoẻ, an khang thịnh vượng, tràn đầy hạnh phúc. Chúc Phó Thủ tướng sang năm mới có nhiều chuyến đi hơn nữa để đưa Việt Nam lên vị thế mới, và chúc Việt Nam hội nhập thắng lợi vào WTO.

- Tôi cũng xin cảm ơn và chúc VietNamNet sang năm mới, ngày càng thành đạt, cũng chúc cho độc giả VietNamNet ngày càng nhận được nhiều thông tin tốt từ báo.  

  • VietNamNet
,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

Tin khác của 'Trực tuyến'

,
Quảng cáo
,
,
,