,
221
1301
Bàn tròn - Trực tuyến
bantrontructuyen
/bantrontructuyen/
226488
Bàn tròn trực tuyến ''Nửa thế kỷ Điện Biên Phủ''
1
Article
null
,

Bàn tròn trực tuyến ''Nửa thế kỷ Điện Biên Phủ''

Cập nhật lúc 17:34, Thứ Năm, 11/03/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Chỉ còn vài chục tiếng nữa là tròn 50 năm kể từ giờ phút quân ta nổ súng đánh cứ điểm Him Lam, mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ - trận quyết chiến "chấn động địa cầu"... Nhân dịp này, VietNamNet mở cuộc bàn tròn trực tuyến để độc giả thảo luận với các nhân chứng và chuyên gia về tầm vóc sự kiện. (Nghe)  (Xem)

Trung tướng Phạm Hồng Cư, nhà sử học Dương Trung Quốc và nhà báo, người dẫn chương trình Nguyễn Anh Tuấn.

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày ấy. Đã có hàng trăm công trình nghiên cứu được biên soạn, hàng chục cuộc hội thảo được tổ chức, hàng trăm cuốn sách, hàng nghìn bài báo được viết ra, hàng chục tác phẩm văn học nghệ thuật, đủ thể loại từ thơ ca, truyện đến kịch, phim... được xuất bản, dàn dựng, cả ở trong nước và ở nước ngoài.

Nhưng hình như ngần ấy giấy mực, ngần ấy hình ảnh và lời nói vẫn chưa đủ, vẫn chưa xứng với tầm vóc lớn lao, chưa thể bao quát được những câu chuyện muôn mặt của sự kiện đặc biệt này. Không chỉ bây giờ mà cả trong tương lai, Điện Biên Phủ vẫn sẽ là một điều gì đó thật sống động, có sức cuốn hút với mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội. Phải chăng đó là vì thời gian ngày càng lùi xa, nhưng Điện Biên Phủ vẫn luôn luôn là một đề tài thời sự, tinh thần Điện Biên Phủ vẫn sống, vẫn lan toả mọi lúc, mọi nơi. Phải chăng đó còn là vì, ngoài những kiến thức chung, những cảm xúc chung về Điện Biên Phủ, mỗi thế hệ, mỗi nhóm người lại có những cảm xúc riêng, có những suy nghĩ riêng và có nhu cầu được hiểu về Điện Biên Phủ riêng theo sự quan tâm của mình.

Nhân dịp này, VietNamNet mở chuyên trang kỷ niệm 50 năm Điện Biên Phủ, mở đầu bằng cuộc bàn tròn Trực tuyến về chủ đề "Nửa thế kỷ Điện Biên Phủ". Với người dẫn chương trình - Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, mời các bạn tham gia cuộc trò chuyện với Trung tướng Phạm Hồng Cư, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với cương vị Phó Chính uỷ trung đoàn 36, đại đoàn 308, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội sử học Việt Nam và Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Tổng Biên tập tạp chí Lịch sử Quân sự. 

Nội dung cuộc bàn tròn: 

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Hôm nay ngày 11/3, chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày kỷ niệm mở màn chiến dịch ĐBP. Chúng tôi muốn hỏi Trung tướng Phạm Hồng Cư , lúc đó trung tướng có cảm giác thế nào, cái cảm giác của một người lính trước khi vào trận?

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Tôi cũng vinh dự được tham dự chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 50 năm. 50 năm đã trôi qua, nhưng ấn tượng về chiến dịch này vẫn còn sống động trong thế hệ chúng tôi.

Nếu nói về kỷ niệm thì nhiều lắm, nhưng thế hệ chúng tôi biết ơn thứ nhất là câu chuyện huyền thoại về năm ngón tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh (sau này chúng tôi mới biết, còn lúc bấy giờ thì hoàn toàn phục tùng); thứ hai là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thứ ba là quân lệnh như sơn của đại đoàn trưởng chúng tôi là Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, thứ tư là sáng kiến của trung đoàn trưởng Hồng Sơn (của trung đoàn tôi) đánh lấn (bây giờ đúc rút thành một tổng kết lịch sử về vây lấn) và thứ năm là người anh cả của tôi đánh ở hướng Đông, tôi đánh ở hướng Tây, hẹn nhau sẽ gặp ở Mường Thanh, nhưng cuối cùng, anh ấy hi sinh trước bình minh (vào 16h ngày 7/5, cách chiến thắng 1 tiếng rưỡi).

Những ấn tượng ấy kể thì dài, nhưng xin nói ngay một điều mà tôi cảm phục. Lúc bấy giờ, chúng tôi ở đại đoàn 308 (một trong những đại đoàn được xây dựng đầu tiên), nên chúng tôi cứ đi hướng nào là lập tức quân Pháp theo dõi đến đó. Vậy nên đại đoàn phải náu mình. Đến một hôm được lệnh vượt sông Hồng, đi hành quân cấp tốc, ban ngày nghỉ ban đêm đi, liên tục hàng tháng. Lúc đầu, chúng tôi nghĩ trong mùa Đông - Xuân này cũng có khả năng đánh vào tập đoàn cứ điểm, nhưng khi lên đường, cũng chẳng ai thật rõ sẽ đi đâu. Vì có khi đã đi, nhưng lại vòng trở lại (có nhiều cuộc hành quân như vậy, ví dụ cuộc hành quân nghi binh). Nhưng hôm đó vượt sông Hồng nên tôi biết chắc chắn là lên Tây Bắc. Vượt sông Hồng ban đêm, những chuyến đò, chuyến phà thì không có, chỉ toàn bằng thuyền của dân. Trong một đêm, gần một vạn quân qua sông (một sư đoàn). Người chèo thuyền toàn nhân dân ở Yên Bái. Có những em bé Yên Bái chỉ khoảng 15 tuổi, cứ gục người xuống, lấy hết sức chèo thuyền. Tôi không thể quên được. Tôi hỏi thanh niên, phụ nữ đi đâu mà toàn ông già và đám thiếu niên chèo đò, thì họ trả lời là đi mặt trận, (tức là khi đó, ngoài những sư đoàn chủ lực thì các đoàn dân công cũng đã được chuẩn bị). Đi một tháng trời như vậy, thì anh Đỗ Nhuận sáng tác bài "Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ". Chính bài hát đó là nói đến cuộc hành quân ấy.

Khi lên ĐBP thì nhận được tin ngày 20/11 địch đã nhảy dù xuống ĐBP. Về sau mới ngẫm ra, thời gian ấy Nava có kế hoạch tập trung một đội chủ lực, một đội quân mà  viên tướng này coi như "quả đấm" để giành thế chủ động. Trong hội nghị của Bộ Chính trị (sau này mới biết), khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về kế hoạch Nava tập trung để giành thế chủ động, Bác Hồ nói rằng: ''Địch tập trung ta không sợ (và bàn tay của Bác thì nắm lại thế này), ta phân tán ra thì sức mạnh của chúng không còn''. Câu chuyện đó về sau chúng tôi coi là một câu chuyện ứng vào năm đòn chiến lược, mà mũi chúng tôi đi là một đòn (cùng với 316). Chính trong lúc có cuộc hành quân ấy (316 đi trước, 308 đi sau), đã xảy ra vụ gọi là "nhảy dù Điện Biên Phủ", còn trước đó, trong kế hoạch của ta và cả kế hoạch Nava, đều chưa có kế hoạch "nhảy dù Điện Biên Phủ". Cuối cùng chính mũi nhọn (tấn công lên Tây Bắc là hướng chính) đã gây ra chuyện ĐBP. Về sau này có nhiều người bình luận về mặt khoa học, tại sao Pháp đánh ĐBP, thì có thể  trả lời là chính ta đã thúc chúng nhảy vào ĐBP. Còn những lý do như bảo vệ thượng Lào... đó là lý do người ta nói thế mà thôi, còn lý do chính là vì mũi nhọn của ta hành quân lên Tây Bắc giải phóng Lai Châu, vì khi đó chỉ còn có Lai Châu bị chiếm.

Còn 5 đòn chiến lược, một là giải phóng Lai Châu, bao vây Điện Biên Phủ. Trong việc bao vây này thì chính trung đoàn chúng tôi được giao nhiệm vụ vòng xuống Him Lam, vây ngang ĐBP. Còn các hướng chiến lược khác là đánh vào Trung Lào, sau đó còn một mũi khác chuyển xuống Hạ Lào, thứ tư nữa là mũi đánh vào Tây Nguyên (trong khi biết địch sẽ đánh chiếm vùng tự do liên khu 5, nhưng quân đội chủ lực của khu 5 vẫn đánh lên Tây Nguyên, chính điều đó làm cho địch bất ngờ nhiều) và thứ 5 chính là mũi của sư đoàn chúng tôi. Khi Đại tướng ngừng lại không đánh theo kế hoạch cũ nữa và hạ lệnh cho 308 hành quân sang Thượng Lào, thì trung đoàn tôi đi đầu tiên. Lúc bấy giờ đang chuẩn bị đánh theo hướng đánh nhanh thắng nhanh, trang bị gọn gàng, trên vai đã có ít nhất hai ngày gạo (gạo rang) để đánh thẳng vào kế hoạch hai đêm ba ngày, thì được lệnh rút, và lập tức đi sang Lào, không đánh nữa. Khi đó có thể nói  rằng, 5 đòn chiến lược, trong đó có đòn thứ 5 của chúng tôi cũng tạo một cái bất ngờ nữa, chúng tôi quét một đoạn, giải phóng lưu vực, làm cho ĐBP bị cô lập. Nói đến Điện Biện Phủ bây giờ người ta thường nói đến trận đánh ở trong thung lũng, nhưng không ai biết trước đó có ''tiền Điện Biên Phủ''. ''Tiền Điện Biên Phủ'' chính là năm đòn chiến lược, mà nó ứng với năm ngón tay huyền thoại của Bác Hồ.

Ở đây tôi muốn lưu ý một điều là, khi nói đến Điện Biên Phủ phải nói đến ''tiền Điện Biên Phủ'', rồi nói đến chuyện trong thung lũng. Mà trong thung lũng, chuyện hay nhất là chuyện thay đổi cách đánh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Bây giờ bình tâm ngồi nghĩ lại trong lúc chuẩn bị ra trận, chẳng hạn ngày 12, tâm lý của anh em binh sĩ, những người lãnh đạo cấp trung đoàn như trung tướng, thì thấy hoàn toàn tự tin, vậy thực ra lúc ấy các chiến sĩ có nghĩ là 100% sẽ chiến thắng không? Hay có gì đó băn khoăn lo lắng một chút?

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Trước khi ra trận thì rất lo. Vì khi nhận được kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh, sư đoàn 308 (lúc bấy giờ gọi là đại đoàn) đánh chủ yếu từ hướng Tây. Lúc bấy giờ trung đoàn của chúng tôi cũng ở trong đội hình ấy, đã sẵn sàng chiến đấu rồi, và rất tin vào chiến thắng. Nhưng về sau, khi đánh rồi, hoá ra chặng đường mà định đi hai ngày ba đêm, thì chúng tôi đi mất 55 ngày đêm mới tới. Nhưng bây giờ nghĩ lại, nếu đánh theo kiểu đánh nhanh thắng nhanh, thì thế hệ trung đoàn có lẽ không còn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Quyết định khó khăn nhất, và có lẽ cũng là vĩ đại nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch này là dừng lại không đánh, và đánh chắc, lấn từng bước, lúc đó trái với ý kiến của cố vấn. Vai trò của cố vấn Trung Quốc lúc đó thế nào? Họ sang và họ tác động chúng ta như thế nào? Cố vấn ở đây theo ý nghĩa như thế nào? Giả sử chúng ta không nghe theo ý cố vấn của họ, thì có vấn đề gì khiến phật lòng, làm mất đoàn kết lẫn nhau hay không?

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Tôi xin nói ngay, lúc bấy giờ cố vấn chỉ có ở trên cấp bộ tổng, còn cấp trung đoàn và sư đoàn thì trong chiến dịch không có. Ngay thời kỳ chúng tôi, có những đoàn cố vấn Trung Quốc giúp, thì quan hệ giữa hai bên rất là tốt. Có thể nói là bạn đã giúp mình rất nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm đánh công kiên.

Khi có việc địch nhảy dù Điện Biên Phủ, thì đoàn cố vấn tham mưu và đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường của ta do anh Hoàng Văn Thái và cố vấn tham mưu Mai Gia Sinh đi trước. Khi các anh ấy lên, chúng tôi chuẩn bị phương án đánh nhanh thắng nhanh (lợi dụng lúc địch mới đứng chân chưa vững). Trong kế hoạch ấy, sư đoàn chúng tôi đánh thẳng vào tim địch, qua tâm chiến thuật, còn 312 đánh từ phía Bắc xuống, 316 đánh từ phía Đông và từ đó đánh bung ra. Kế hoạch như vậy mọi người nghe chừng rất phấn khởi, vì khi ấy biết rằng có 24 khẩu pháo lựu, 24 khẩu pháo cao xạ của 2 trung đoàn đã được đào tạo ở Trung Quốc. Anh em về đã giúp chúng tôi nhiều, lần đầu tiên hiệp đồng bộ pháo. Có thể nói, lúc đó lợi dụng địch đứng chân chưa vững, đánh nhanh thắng nhanh là một phương án. Lúc đó toàn quân đều tin tưởng chiến thắng, toàn bộ đã dàn trận, hàng vạn quân đã sẵn sàng, súng lên nòng rồi, chỉ chờ có lệnh là đánh. Khi kế hoạch dừng lại không đánh nữa, đại đoàn chúng tôi được lệnh sang Lào, thì quân lệnh như sơn, không phải bàn luận gì cả, cứ bình tĩnh làm theo.

Khi Đại tướng lên, thì trong đầu ông đã suy nghĩ có hai cách đánh. Lần đầu tiên, đánh một tập đoàn 49 cứ điểm, mà đánh nhanh thì ông không tin. Nhưng lúc bấy giờ chưa đủ thực tế để thuyết phục, nên vẫn họp cán bộ ở hang Thẩm Púa và phổ biến kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh. Sau đó 11 ngày suy nghĩ (đêm cuối cùng thức trắng), thì Đại tướng thấy rằng dứt khoát phải thay đổi. Nếu không thay đổi thì không thể thắng, nên ông mời Đảng uỷ họp lại. Cuộc họp diễn ra rất gay go và sôi nổi, vì toàn quân chuẩn bị rồi, phương diện động viên chính trị sẵn sàng xung trận rồi, nếu kéo dài thì rất khó khăn. Nhưng Đại tướng đã thuyết phục, và nói rằng, những khó khăn cũng chưa có biện pháp khắc phục, và nếu đánh thì có chắc 100% là thắng không? Khi đó cả Đảng uỷ thấy rằng đánh như thế thì không thể thắng được, và thay đổi cách đánh. Về sau chúng tôi mới được biết, còn lúc bấy giờ chỉ chấp hành mệnh lệnh thôi, nhưng nếu đánh theo cách cũ thì nhất định sẽ thất bại.

Sau này đại đoàn trưởng của tôi có nói với tôi: ''Nếu không thay đổi cách đánh thì sư đoàn 308 sẽ bị tiêu diệt trên quãng đường ấy, và cuộc kháng chiến sẽ lùi lại 10 năm, tức là bắt đầu lại từ đầu, vì bao nhiêu vốn đều đưa vào đấy''. Nhưng chính Đại tướng với một trí tuệ, tinh thần quả cảm và trách nhiệm cao trước dân tộc, đã thay đổi cách đánh. Nên chuyện này nó cũng trở thành một câu chuyện có tính huyền thoại. Thế hệ chúng tôi, ngẫm lại chuyện này rút ra nhiều bài học, trong đó có một bài học là: Có khi có nghị quyết rồi đấy, nhưng tình hình thay đổi, nhất định phải thay đổi. Nếu cứ bám vào nghị quyết, cứ tôn trọng nghị quyết thì có ngày thất bại. Đối với tôi, rút ra bài học về quan điểm thực tiễn, tình hình thực tiễn thay đổi thì phải thay đổi theo.

Còn cố vấn Trung Quốc, khi Đại tướng có ý thay đổi, trao đổi với ông Lưu Quốc Thanh (cố vấn Trung Quốc), ông này đã đồng ý với Đại tướng, và thuyết phục lại các cố vấn. Khi thắng lợi, ông Lưu Quốc Thanh còn tặng Đại tướng một bức trướng, và quan hệ rất tốt.

Tôi muốn nói thêm là, kinh nghiệm đào hầm như thế nào, làm trận địa như thế nào (vì thay đổi cách đánh là làm trận địa), thì chúng tôi làm theo kinh nghiệm của bạn giúp (theo cuốn sách Thượng Cam Lĩnh). Ta thấy cố vấn giúp ta rất nhiều, nhưng những ý kiến nào không phù hợp với Việt Nam, thì Đại tướng không chấp nhận. Quan hệ với cố vấn nước bạn rất tốt, nhưng quyết định vẫn là chúng ta, người Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Về vai trò của nước bạn Trung Quốc đối với chiến dịch ĐBP, và kháng chiến chống Pháp nói chung. Nước CHND Trung Hoa ra đời năm 1949, và chúng ta thấy rằng qua chiến dịch ĐBP, có một dấu ấn của họ đã giúp chúng ta. Vậy các nhà nghiên cứu lịch sử, như anh Mạnh Hà và nhà sử học Dương Trung Quốc, các anh đánh giá thế nào về vai trò giúp đỡ từ nước bạn Trung Quốc?

TS Nguyễn Mạnh Hà: Nghiên cứu tương đối lâu và kỹ về lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp, và đặc biệt là chiến dịch ĐBP, đúng như anh nói, năm 1949 thì Trung Quốc thành lập nước CHND Trung Hoa. Đầu năm 1950, Trung Quốc là nước đầu tiên công nhận Chính phủ của Hồ Chí Minh (Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà), rồi đến Liên Xô và các nước khác. Bắt đầu từ năm 1950, thế bị bao vây của Việt Nam đã bị tháo bỏ. Sau khi chúng ta được các nước XHCN và dân chủ nhân dân công nhận như vậy, số các đơn vị chủ lực của quân đội ta đã được sang Trung Quốc tập huấn, và trang bị vũ khí. Sau 1950, sự giúp đỡ của Trung Quốc không chỉ bằng tinh thần, mà bằng cả vật chất. Cũng không thể không kể đến sự giúp đỡ của Liên Xô (dù ở xa hơn Trung Quốc), không trực tiếp như Trung Quốc, nhưng Liên Xô và Trung Quốc cũng có những sự phối hợp để giúp đỡ cuộc kháng chiến của chúng ta. Khi chúng ta đánh thắng Chiến dịch Biên giới thì toàn bộ tuyến biên giới nối với Trung Quốc được thông. Lúc đó sự giúp đỡ từ bên ngoài cho cuộc kháng chiến của chúng ta rất là tốt. Đó cũng là một điều rất quan trọng để chúng ta đẩy cuộc kháng chiến tiến tới, dù ta vẫn xác định dựa vào sức mình là chính.

Tôi cũng xin nói thêm ý kiến của Trung tướng Phạm Hồng Cư, là sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với chúng ta rất quý và rất quan trọng. Nhưng quan điểm của chúng ta là quan điểm nghiên cứu và xét trên tính khách quan thực tiễn, thì quyết định bao giờ cũng phải thuộc về chúng ta. Chính trong những bài viết, bài nói, chúng tôi cũng đã nghiên cứu thấy rất nhiều sự giúp đỡ của Trung Quốc, không chỉ là phương hướng giúp đỡ về cách đánh, đào hào... Trung Quốc hướng dẫn ta đánh tập đoàn cứ điểm. Trước đó chúng ta định dùng tập đoàn cứ điểm Nà Sản để đánh, nhưng quân Pháp rút khỏi cứ điểm Nà Sản (8/1953), nên ta không có cơ hội đánh, nhưng vẫn tập hình thức đánh tập đoàn cứ điểm như thế nào, vì trước trận Điện Biên Phủ, các tập đoàn (hình thức phòng ngự cao nhất của quân Pháp) là ta không đánh được, và có đánh vào thì tổn thất rất lớn. Nên chính Pháp tin rằng, với vũ khí không hiện đại, không tối tân của ta, thì không thể nào quân ta đánh được ĐBP. Nhưng bằng phương án tác chiến chuẩn xác, quyết định đúng vào thời điểm quan trọng, chiến thuật phù hợp, cuối cùng ta đã đánh tan tập đoàn cứ điểm, làm cho ý chí chiến tranh của quân Pháp tan rã. Ngày 8/5 (1 ngày sau chiến thắng ĐBP), Pháp phải quay lại bàn đàm phán Giơneve về đình chiến tại Việt Nam và Đông Dương.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Tôi có cảm giác là lần nào chúng ta sao chép hay bắt chước nguyên bản, là chúng ta cũng gặp những trục trặc và phải rút kinh nghiệm. Nhân đây chúng tôi muốn hỏi nhà sử học Dương Trung Quốc về vấn đề vai trò cố vấn?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Với tư cách một nhà sử học, tôi có cách nhìn về chiến thắng ĐBP như một sự kiện lịch sử trong cả một chuỗi phát triển liên tục của dân tộc VN. Cho đến những năm 40, 45 khi xảy ra Thế chiến thứ 2, cả thế giới bị xáo trộn và đặt chung trên một bàn cờ chính trị lớn. Cuộc chiến tranh ấy là sự phân cực làm hai phía đối đầu nhau. Chúng ta cũng biết rằng, đối với Cách mạng tháng 8, hơi có một nghịch lý là lực lượng nước ngoài duy nhất đứng bên cạnh Cách mạng VN, Chủ tịch Hồ Chí Minh là Hoa Kỳ - với tư cách là người đứng đầu của lực lượng đồng minh. Rõ ràng lúc đó, chúng ta rất muốn chìa tay ra để bắt với mọi lực lượng trên thế giới, để bảo vệ độc lập của mình. Nhưng do bối cảnh chung, với sự hình thành 2 cực, với lợi thế của những nước lớn, cuối cùng Hoa Kỳ quay lưng lại với chúng ta. Và chúng ta phải đặt trong một tình thế, mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp dùng một ý niệm rất hay, là chiến đấu giữa vòng vây, một mình chống chọi với chủ nghĩa thực dân trở lại đoạt thuộc địa cũ, cũng như là sức tấn công vào nền độc lập dân tộc của Việt Nam.

Với chiến thắng lớn từ sau năm 50, chúng ta mở ra cục diện mới. Chúng ta mở rộng quan hệ với TQ. Việc mở thông ra từ TQ đến Liên xô, rồi khối Đông Âu, rõ ràng Việt Nam thực sự đã nằm trên bàn cờ quốc tế. Đối phương của chúng ta, Pháp cũng vậy thôi, đằng sau hoàn toàn là Mỹ. Và đến năm 53, 54, rõ ràng lúc đó, Pháp đánh hộ Mỹ, vì hoàn toàn cơ sở vật chất là dựa vào Mỹ. Nên sự có mặt của các lực lượng quốc tế phía này, phía kia trên chiến trường Đông Dương là rất lớn. Và sự hỗ trợ của Liên Xô, TQ và Đông Âu trong sự đối trọi này, tôi nghĩ để đánh giá, vấn đề quan trọng là vai trò của họ trong từng thời điểm, lúc đó thế nào và giờ đây, sau 50 năm thì ta sẽ nhìn nó thế nào. Và thường cái nhìn hay bị chi phối bởi những biến cố của mỗi thời kỳ. Đã có một thời gian dài chúng ta đánh giá rất cao sự giúp đỡ của yếu tố nước ngoài, nước bạn Trung Quốc và Liên Xô - với tư cách là cộng đồng phe XHCN, phe dân chủ. Có thể nói trong thời điểm đó, tình hữu nghị Việt - Trung - Xô được coi là một chỗ dựa tinh thần to lớn trong chiến tranh chống Pháp.

Vấn đề mà chúng ta đặt ra là vai trò của TQ trong chiến dịch ĐBP, vấn đề này bắt đầu được quan tâm đến (nếu nhìn vào lịch sử), tôi nghĩ là từ năm 1978 - 1979 (khi giữa ta và Trung Quốc đang có xung đột với nhau). Nếu tôi nhớ không nhầm trên tờ Changming của Trung Quốc, lần đầu tiên phía Trung Quốc đưa ra khẳng định vai trò của các cố vấn Trung Quốc như là sự quyết định của chiến thắng ĐBP. Cũng như anh Phạm Hồng Cư, trước đó tôi nghĩ tinh thần quốc tế vô sản mang ý nghĩa trong sáng thực, lúc đó cả hai bên đều có một đối tượng chung là chống chủ nghĩa đế quốc, chống xâm lược. Cả Trung Quốc và ta đã trải qua thời kỳ bị các nước phương Tây xâu xé rồi, nên tôi cho rằng những chi tiết lúc đó, mà ngày hôm nay chúng ta nhìn nhận lại bằng thực tiễn, là hoàn toàn phù hợp. Tức là có một sự sát cánh bên nhau thực, sự giúp đỡ nhau thực. Nên những chi tiết như khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra một phương án mới có tính thuyết phục, thì cả phía cố vấn TQ họ cũng chấp nhận, vì lúc đó đều có cái chung là phải chiến thắng. Đến lúc có những lợi ích quốc gia, có xung đột với nhau thì mới khai thác những khía cạnh khác. Đây là vấn đề có thể còn lâu dài đối với các nhà sử học, nhằm phân tích cho được thực tế lịch sử VN. Thực ra, sau khi chúng ta chiến thắng chiến dịch ĐBP, chúng ta còn phải thực hiện một cuộc chiến tranh dài nữa. Vậy vai trò của các lực lượng bên ngoài, yếu tố quốc tế như thế nào với thực tiễn công cuộc giải phóng của VN, nếu chúng ta có con mắt biện chứng, thì chúng  ta sẽ thấy được tính xuyên suốt là tinh thần tự chủ. Chúng ta đã tranh thủ hết sức  những sự viện trợ quốc tế, kể cả sự ủng hộ của nhân dân thế giới, ngay cả nhân dân các nước đang là đối thủ của chúng ta. Việc đánh giá vai trò của TQ, Liên Xô, chúng ta phải đặt trong từng bối cảnh, chứ không bị khúc xạ bởi những biến cố trong quan hệ giữa hai nước, thậm chí trong những lợi ích của chúng ta hôm nay, thì mới thấy được bản chất của vấn đề.

Từ sau ý kiến đầu tiên trên tờ Chamming, một nhà sử học người Pháp, ông là nhà Việt Nam học rất nổi tiếng, đã từng là hàng binh và chiến đấu trong đội ngũ của Pháp, chính ông này đã viết bài "Tướng Giáp suýt nữa thất trận ở ĐBP". Đó cũng là lần đầu tiên có một ý kiến nói lại, để khẳng định ngay rằng, có sự có mặt của cố vấn Trung Quốc, vì trước đó chúng ta không nói đến và phía TQ cũng không nêu ra. Nhưng mà có vai trò đến mức độ nào, thực chất việc xoay chuyển lối đánh là ở đâu? Một thời gian rất dài sau này, với những nguồn tư liệu mới, với những công trình nghiên cứu, đặc biệt là với hồi ký của Đại tường Võ Nguyên Giáp, tôi nghĩ rằng chuyện quá rõ ràng. Giờ đây tôi biết có những người trở lại vấn đề như thế, cũng là chuyện kích thích chúng ta phải nghiên cứu đâỳ đủ hơn, nhưng có lẽ lịch sử không thay đổi. Vì nếu chúng ta phải có Trung Quốc mới thắng được ĐBP, thì với cuộc kháng chiến chống Mỹ, quy mô còn lớn hơn rất nhiều, có phải cứ có yếu tố nước ngoài chúng ta mới giải phóng được miền Nam đâu?

Tôi là người làm sử, tôi chỉ có thể tập hợp những tư liệu lịch sử, và phân tích nó để tìm ra những logic để đánh giá vấn đề, và nhìn nhận chính xác vấn đề. Và chúng ta rất may mắn là những thế hệ liên quan đến thời đó còn có một người rất quan trọng, người đó cũng là một nhà sử học, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng ta có thể có được một cơ sở rất khoa học và thực tiễn để đưa ra những nhận định chuẩn xác.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Ban nãy Trung tướng đã nói nhiều về tinh thần, không khí, những hồi  tưởng về một thời mà có lẽ không thể nào quên trong cuộc đời của mình. Hồi nhỏ chúng tôi cũng đã được học những gương anh hùng như anh Bế Văn Đàn, anh Phan Đình Giót... thể hiện một tinh thần xả thân vì đất nước, không quản hy sinh, dũng cảm. Nhưng nếu dũng cảm không chưa chắc chúng ta đã đủ để chiến thắng, vì đây là một cuộc chiến tranh, mà cuộc chiến tranh này đòi hỏi khoa học công nghệ, đòi hỏi những binh khí hiện đại có hàm lượng khoa học công nghệ trong đó. Vậy chúng tôi mong Trung tướng và các nhà nghiên cứu lịch sử ở đây làm rõ thêm vai trò của khoa học công nghệ, và chúng ta vận dụng khoa học công nghệ như thế nào để đối phó với những vũ khí hiện đại và lợi thế của quân Pháp ở trong căn cứ, để ta có thể chiến thắng?

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của TBT là, nếu chỉ có anh hùng thôi thì ta không thể chiến thắng được. Về sau này có một nhà chính khách của Mỹ cũng nói rằng: ''Nếu Việt Nam chỉ anh hùng thôi thì sức mạnh bom đạn của Mỹ sẽ bóp chết, nhưng vì các ngài thông minh quá''. Bài học rút ra ở chiến dịch Điện Biên Phủ là anh dũng nhưng phải thông minh, tức là phải có trí tuệ. Riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, việc tìm ra cách đánh độc đáo (trong lịch sử không có chuyện bày sẵn ra như vậy), nhưng ở đây hoàn toàn xuất phát từ thực tiễn để tìm ra biện pháp có hiệu quả nhất.

Nói về cái đặc trưng của ĐBP, thì nổi bật là cách đánh. Tôi có đọc một số tư liệu, xem bài của Hitamac Donal so sánh trận Điện Biên Phủ với các trận vây hãm trên thế giới trong Đại chiến thế giới thứ 2, thì ông ấy nói đại ý là:  55 ngày đêm của Điện Biên Phủ chưa phải là dài, người Anh bị vây hãm ở Tobruc là 241 ngày; người Mỹ bị vây hãm ở Batang (Philippines) 76 ngày; Đức vây Stalingrat hơn 70 ngày... Nhưng chính do cách đánh, diễn biến của chiến cuộc, đã làm cho Điện Biên Phủ trở thành một trong những trận quyết định nhất của mọi thời đại. Câu này tôi đọc và ngẫm đến tận bây giờ. Đó là người ngoài nói, không phải chúng ta nói. Mà họ đứng trên tầm thế giới, tầm thế kỷ để đánh giá. Trong đó ngoài những yếu tố về chính trị, tinh thần, sự lãnh đạo của Đảng, đường lối chính trị, đường lối chiến lược, thì có yếu tố về phương diện cách đánh, và đó là bài học về khoa học và nghệ thuật quân sự.

Cách đánh thì ta có thể nói là dàn trận giữa hai quân đội chính quy, nhưng chỉ có một điều khác, một bên là một nước đế quốc có lịch sử hàng trăm năm, một bên là một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, lúc đó mới được 9 tuổi. Một bên là quân đội đã từng tham gia nhiều đại chiến và đi chinh phục nhiều nước, một bên là một quân đội nhân dân từ gậy tầm vông với chân đất đi lên. Mức chênh lệch ghê gớm đến mức, người ta không thể nào tưởng tượng rằng một quân đội như thế có thể thắng được đội quân náu mình trong tập đoàn cứ điểm (41 cứ điểm giằng với nhau phòng ngự). Cuối cùng 1,6 vạn quân Pháp đã bị bắt và bị tiêu diệt. Có thể nói rằng, đó là do cách đánh. Cách đánh đó là sáng tạo hoàn toàn từ thực tiễn mà ra.

Về vũ khí của ta, lúc bấy giờ vũ khí mới thật, tức là có 24 khẩu lựu pháo lần đầu tiên được huấn luyện ở Trung Quốc đưa về, và lần đầu tiên chúng tôi có hiệp đồng bộ pháo. Còn trước đó, chúng tôi toàn phá công sự bằng DKZ và hoả khí, đánh bộc phá. 24 khẩu pháo cao xạ và trung đoàn 45, trung đoàn 367 là những đơn vị pháo binh đầu tiên. Chúng tôi rất tin tưởng và vui mừng vì khi làm đường, nhìn thấy những chiếc xe ô tô đằng sau có đuôi, chúng tôi hét lên "Xe có đuôi, chúng mày ơi". Lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường những loại xe này. Chính lòng tin ấy đã làm cho chúng tôi tin rằng, có thể đánh nhanh thắng nhanh (vì mình có hoả lực mới). Nhưng sau cũng phải thấy là không ăn thua gì, vì đứng về phương diện vũ khí, chính Pháp cũng thấy không có cách gì để ta đưa vũ khí lên trên núi được. Nếu đưa lên núi, thì anh bầy lộ trên sườn Điện Biên Phủ, sẽ bị tiêu diệt ngay. Nhưng những cuộc hoả lực pháo đã làm cho quân địch không thể tưởng tượng được tại sao ta có thể dùng pháo giỏi và lại kiếm đâu ra lắm đạn như thế.

Còn phòng không, sau khi Him Lam, Độc Lập thắng rồi, thì tôi phụ trách vấn đề chính trị, được chỉ thị của trên là hoàn toàn có khả năng không cần đánh mà thắng. Khi đó, bao vây tăng cường địch vận, dùng loa, và đặc biệt địa phương đã cho tôi mấy cán bộ nói tiếng Thái, gọi ngay vào loa, và trong đó có một phụ nữ gọi luôn chồng con về vui cùng bản mường. Những việc như vậy là sáng kiến của mình, và cuối cùng tiểu đoàn đó đã bung ra tự chạy về mình. Sau đó 3 tập đoàn phía Bắc, Him Lam, Độc Lập bị vỡ coi như cánh cửa Điện Biên Phủ phía Bắc mở toang. Chúng tôi nhận được lệnh của Đại tướng là tiến vào đào hầm, tiếp cận, vây, lấn, tấn, diệt, cuối cùng bóp nghẹt tập đoàn. Sáng kiến như vậy phát huy tất cả những thông minh của nhân dân ta. Như vậy để nói rằng, chỉ anh dũng không chưa đủ, phải thông minh. Tôi rất tin là dân Việt Nam chúng ta có trí tuệ, và điều này đã gây cho tôi niềm tin về việc hiện nay chúng ta sẽ xây dựng đất nước.

Nguyễn Mạnh Thắng, nam 20 tuổi, ĐH KT TP.HCM: Thưa các bác, ngày đó có phải xe tăng của ta mạnh hơn xe tăng của Pháp không? Khi Đơ Cát khiêu khích Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì Đại tướng đã phản ứng thế nào?

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Khi đó ta không có xe tăng. Còn về phía Pháp có một đại đội xe tăng (10 xe tăng mới của Mỹ), loại này địch đã dùng trong nhiều cuộc phản kích, nhưng trong cuộc phản kích Độc Lập (chính tôi trông thấy) có cảnh một tiểu đoàn dù và 8 xe tăng bị pháo binh và một lực lượng đánh tạp sườn của ta đánh cháy một chiếc. Số còn lại quay về, hai bên sườn xe tăng đẫm máu, và những người lính Pháp sống sót trên đồi Độc Lập nhảy lên xe tăng, bám lấy xác pháo hy vọng thoát. Có thể nói, trên chiến trường bằng phẳng như thung lũng Điện Biên, thì xe tăng phát huy được, nhưng nó lại nằm trong cuộc bao vây của pháo binh, lực lượng của ta tiếp cận bằng vũ khí gần, thì xe tăng cũng không thể phát huy như nó tưởng tượng.

Pham Van Phac - Nam - Thai Binh: Thưa nhà sử học Nguyễn Mạnh Hà, trong lịch sử không có chữ "nếu". Tuy nhiên, xin hỏi giả sử quân ta không thắng, thậm chí THUA trong trận Điện Biên Phủ thì mọi việc sẽ ra sao?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Tôi đồng ý với bạn đọc đã hỏi là lịch sử không có chữ ''nếu''. Nên ta phải nhớ lại câu nói của Bác Hồ dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 5/1/54: ''Giao cho chú toàn quyền tướng quân tại ngoại, có chắc thắng mới đánh, không chắc thì không đánh''. Vì thế, giờ phút cuối cùng, đáng lẽ theo chủ trương đánh nhanh thắng nhanh vào chiều tối ngày 26/1, nhưng sáng 26/1 Đại tướng họp Đảng uỷ mặt trận, và quyết định thay đổi phương châm từ đánh nhanh giải quyết nhanh sang đánh chắc thắng chắc. Tức là Đại tướng nghĩ rằng, nếu đánh nhanh thắng nhanh thì sẽ tổn thất rất lớn, và Đại tướng nhớ lời Bác Hồ dặn. Trong Đảng uỷ mặt trận có rất nhiều đồng chí băn khoăn, thậm chí là phản đối chuyển phương châm, Đại tướng hỏi một câu rất hay: ''Nếu đánh theo phương án đánh nhanh giải quyết nhanh thì các đồng chí có đảm bảo thắng 100% không?''. Và đồng chí phụ trách chính trị mặt trận ĐBP nói: "Nếu Đại tướng nói như thế thì thật khó, vì không ai dám đảm bảo chắc thắng 100% nếu đánh nhanh thắng nhanh, và thế thì chúng ta phải đánh chắc thắng chắc".

Chúng ta chọn đúng cách đánh chắc thắng và chiến thuật phù hợp. Qua nghiên cứu thấy có 3 điểm ta rất giỏi: Thứ nhất là kéo pháo lên triền núi cao để tấn công. Sau này có một nhà báo hỏi Bác Hồ vì sao thắng Pháp ở Điện Biên Phủ, Bác đưa ra một cái bát và nói, quân tôi ở phía trên miệng bát, quân Pháp ở dưới, chúng tôi có khẩu pháo ở trên nên nhìn rất rõ họ bố trí như thế nào, nên chúng tôi nắm được quyền chủ động. Mà sở dĩ chúng ta nắm được quyền chủ động, là do ta kéo được pháo vào, bố trí ở điểm hiểm yếu (chúng ta làm được hầm cho pháo). Pháo binh là lực lượng rất quan trọng góp phần vào chiến thắng ĐBP.

Thứ hai là lực lượng cao xạ của ta bắn rơi 57 máy bay và 5 chiếc ở Tây Bắc, tổng cộng 62 chiếc. Pháp chỉ còn mỗi đường tiếp tế hàng không, mà chúng ta triệt được đường hàng không, như vậy nên Pháp không thể chống đỡ nổi.

Thứ ba là cách đánh hay, thể hiện là chúng ta đào hàng trăm km đường hào, lấn dần cho đến khi cắt đôi cả sân bay Mường Thanh, máy bay Pháp không hạ cánh được. Phạm vi của quân Pháp ở lòng chảo Mường Thanh ngày càng thu hẹp lại, khi Pháp thả dù xuống, thì rơi vào trận địa của quân ta rất nhiều, thậm chí cả lon tướng và rượu của Đờ Cát chuẩn bị ăn mừng.

Một điều nữa cũng rất hay trong chiến dịch ĐBP là đánh đồi A1 (đánh từ 30/3/1954 đến 6/5/1954 chúng ta mới giải quyết được đồi A1). Để đánh đồi A1, ta phải đào hầm ngầm 49m và đưa vào đó gần 1 tấn thuốc nổ. Khối bộc phá đó khi nổ cũng đồng thời là hiệu lệnh xung phong cho toàn ĐBP vào 20h30 ngày 6/5, để đến ngày hôm sau là chúng ta tổng công kích trên toàn mặt trận, và đã giành được thắng lợi.

Ta chuẩn bị chiến dịch từ khi Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ (20/11/1953). Đây cũng là trận ta tập trung lực lượng lớn nhất, thời gian chuẩn bị dài nhất (tổng cộng 3 tháng 20 ngày), binh khí chiến lược cao nhất, coi như dốc toàn lực vào chiến dịch. Chính vì thế nên lịch sử không có chữ "nếu". Chúng ta đã thực hiện thắng lợi được phương châm mà Bác Hồ đã chỉ đạo Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cho toàn quân, là phải chắc thắng mới đánh. Thắng lợi này chứng minh sự chỉ đạo đúng đắn của Bác Hồ và Bộ Chỉ huy.

Nguyen Manh Duy - Nam - [manhduy_2001@yahoo.com]: Cháu là Nguyễn Mạnh Duy. Cháu có một câu hỏi gửi tới nhà sử học Dương Trung Quốc. Trong các sách viết về Điện Biên Phủ cũng như những ngày gần đây, Đài Truyền hình VN có đề cập những sự kiện trong chiến dịch ĐBP, có nói đến lúc 17h30 ngày 7/5, quân ta bắt sống toàn bộ ban chỉ huy địch, và lá cờ quyết chiến quyết thắng bay trên nóc hầm Tướng Đờ Cát. Vậy cháu muốn biết ai là người cầm lá cờ đó, hiện nay người đó còn sống không, và cuộc sống như thế nào. Xin chân thành cám ơn.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Bạn hỏi tôi một câu hết sức là cụ thể, nghe tưởng là dễ trả lời, nhưng tôi thấy khó trả lời quá. Tất cả chúng ta đều biết đến biểu tượng ngày chiến thắng của ĐBP là cảnh đoàn quân chúng ta ào lên nóc hầm Đờ Cát, và phất lá cờ quyết chiến quyết thắng, cũng như khi chúng ta kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh, bằng hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Nhưng theo tôi biết, với tư cách người làm sử, những hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy là những hình ảnh được dựng lại. Cách đây không lâu tôi có được làm việc với một nhà làm phim người Pháp, quay 1 bộ phim tài liệu về 1 trong số những nhà điện ảnh nổi tiếng thế giới có mặt trong trận ĐBP - là ông Các Men. Hồi ký của ông cũng để lại rất rõ, khi chiến trận kết thúc, trong lúc vẫn còn vương khói đạn trên chiến trường, thì chúng ta dựng lại hình ảnh đó để lấy 1 biểu tượng. Tôi cho việc làm đó là rất cần thiết để lấy 1 biểu tượng cho chiến thắng. Điều này cũng giống như thời kỳ kết thúc trận công phá Béclin, kết thúc Đại chiến thế giới thứ 2 ở châu Âu, hình ảnh chiến sĩ Xô viết leo lên nóc toà nhà Quốc hội Đức Quốc xã, cũng là được dựng lại thôi. Nó là biểu tượng thì hoàn toàn chính xác.

Cá nhân tôi là người làm sử, tôi luôn muốn kiến nghị mọi người rằng, những hình ảnh nào dựng lại thì ta nên có ghi chú là được dựng lại, nó phản ánh đúng thực tế, bản chất của sự kiện lịch sử ấy, nhưng nếu đi vào chi tiết thì rất khó trả lời câu hỏi của bạn. Ai là người cắm lá cờ vào thời điểm kết thúc trận ĐBP ấy. Đây là vấn đề mà khi thời gian càng xa đi thì đọng lại trong chúng ta là biểu tượng thôi, còn nếu hỏi cái gì cụ thể, lại không đơn giản.

Còn người cùng đơn vị vào bắt sống Tướng Đờ Cát, theo tôi biết, là anh Hoàng Đăng Vinh. Tôi cũng có may mắn gần đây cũng tham gia xác minh một chi tiết về đơn vị kết thúc cuộc chiến tấn công vào hầm Đờ Cát. Vẫn là những dữ liệu, giả thiết cũ thôi, và nhờ đó tôi gặp lại anh Hoàng Đăng Vinh và các chiến sĩ xe tăng năm xưa gặp lại nhau vẫn là tình nghĩa đồng đội nguyên vẹn, nhưng những vấn đề lịch sử cần làm chính xác. Chính vì thế lịch sử là một khoa học đòi hỏi có đầy đủ chứng cứ lịch sử và tư liệu lịch sử để chúng ta làm cho lịch sử ngày càng sáng tỏ. Chỉ có điều ở đây tôi cũng nói tâm sự của người làm sử. Đến nay chúng ta quan tâm rất nhiều đại tiết, mà đôi khi ít quan tâm đến tiểu tiết. Để làm sáng tỏ tiểu tiết cũng không phải đơn giản chút nào. Chắc câu trả lời của tôi không đáp ứng hết câu hỏi của bạn Duy, nhưng ít nhất bạn cũng hiểu, chiến thắng lịch sử ĐBP kết thúc bằng hình ảnh hào hùng như chúng ta thấy, là biểu tượng hoàn toàn phản ánh đúng sự kiện lịch sử ấy.

Nguyễn Ngọc Lâm - Nam 45 tuổi - Cục Cơ yếu 893 - Ban Cơ yếu CP: Tôi đã nhiều lần thăm và nghe các hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về chiến thắng Điện Biên. Khi thăm đồi A1, được biết quân ta phải mất rất nhiều ngày để đánh mục tiêu này, đào hàng trăm mét đường hầm, đặt bộc phá... Một thông tin tôi còn nhớ mãi là quân ta lúc đầu cứ nghĩ A1 mới là nơi đồn trú của Đờ Cát, chứ không nghĩ Sở chỉ huy cứ điểm trên cánh đồng Mường Thanh, nên chúng ta mới mất thời gian, hy sinh nhiều chiến sỹ khi công phá A1. Nhưng thông tin trên chưa thấy báo chí nào công bố. Xin hỏi có phải lúc đầu quân ta nghĩ đồi A1 là mục tiêu Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm không? Xin hỏi thêm đánh phá A1, chúng ta phải hy sinh bao nhiêu chiến sỹ công binh? Ai có công lớn nhất khi đánh A1?

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Tôi xin trả lời thế này. Trước hết về giá trị chiến thuật của A1 nói riêng, và cả dãy đồi phía Đông nói chung (dãy đồi phía Đông bao gồm cả 5 ngọn đồi rất lớn và nó khống chế phía Đông của Mường Thanh). Chúng ta đều hiểu trong quân sự, ai chiếm được điểm cao, thì là nơi rất có giá trị về chiến thuật. Đợt 1 đánh đồi phía Bắc, đợt 2 đánh đồi phía Đông. Xin nói một tư liệu rất hay: Khi nghiên cứu về ĐBP, thì Cục tác chiến lúc bấy giờ đã nghiên cứu đến giá trị của đồi phía Đông, và việc hỏi 1 tù binh người Pháp thì anh ta cũng có ý kiến giống như thế, nghĩa là ở ĐBP, đồi phía Đông có giá trị chiến thuật rất quan trọng, ai chiếm được nó sẽ khống chế toàn bộ phía dưới, nhưng đó không phải là Sở chỉ huy.

Sở chỉ huy của Đờ Cát ở dưới Mường Thanh rất dễ nhận. Nó có một bao bằng tôn cuốn. Đến bây giờ trông vào đấy biết được ngay đó là hầm Đờ Cát. Thời kỳ ấy, chúng tôi biết đấy là hầm Đờ Cát, chứ không phải nhầm với phía Đông đâu. Chỗ này bạn nói là một thông tin chưa công bố, thì xin nói thật, là thông tin chính thức kể cả trong lịch sử và những người như chúng tôi, chỗ chỉ huy của Đờ Cát ở dưới chỗ Mường Thanh.

Còn giá trị của A1 thì quan trọng lắm, vì thế chúng ta phải mất 3 lần đánh A1. Lần thứ nhất là trung đoàn 174 đánh, chiếm được rồi, nhưng sau đó địch phản kích, phản kích ở đâu thì không rõ, nhưng nó dùng pháo binh. Mình chiếm được đồi, nhưng địch dùng pháo binh dập, anh em bị thương nhiều. Đêm hôm sau, trung đoàn đánh công binh giỏi của chúng tôi ở sư đoàn 308 đi theo đường hào đã được đào  từ phía Tây sang phía Đông mà chiếm lĩnh trận địa đánh tiếp trong điều kiện chưa rõ cả địch và địa hình. Trung đoàn trưởng Hùng Sinh trực tiếp ra mép hào đầu tiên để quan sát và chỉ huy anh em, nhưng chiếm được rồi, sau đó nó lại dập pháo. Có một mũi phản kích ở đâu đó chưa biết, chỉ biết nó nổi lên và đặt hoả lực, anh em mình bị thương vong nhiều. Đấy là lần thứ 2.  Sau 2 lần đó, không thành công thì chỉ còn 1 tổ của Chu Văn Mùi ngồi lại và quan sát việc địch lên cũng như các mũi phản kích, rồi gọi về cho sư đoàn, cho pháo binh dập và đánh. Anh hỏi ai là người có công thì trả lời là Chu Văn Mùi, anh Mùi được phong Anh hùng. Còn các mũi tiến công của 174, của 102 không thành công, anh em thương vong nhiều. 174 tôi không rõ, còn 102 của tôi trận đó bị thương, vong, mất sức chiến đấu 800 người, sau phải về củng cố lại để chiến đấu tiếp.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Có một câu hỏi của bạn đọc Trung Quốc viết bằng tiếng Anh tạm dịch như sau. Xin dành câu hỏi này trước tiên cho nhà sử học Dương Trung Quốc. Jiang xiaohai - Nam - [jxhaihai@hotmail.com]: Tôi là độc giả VNN đang ở Trung Quốc. Tôi đã nghe về chiến dịch ĐBP. Như tôi được biết, chiến thắng đó là kết quả của sự chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự trợ giúp của một nhóm cố vấn quân sự người TQ, như vậy có đúng không? Nhân dân Trung Hoa và Việt Nam đã cùng nhau trên một mặt trận chống thực dân Pháp, có đúng không?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Rất cám ơn một bạn độc giả người TQ quan tâm tới sự kiện này. Tôi cũng hoàn toàn chia sẻ với ý kiến của bạn, là vai trò của TQ đối với cách mạng VN nói chung, và đối với cuộc kháng chiến chống Pháp, cũng như đối với chiến dịch ĐBP, là điều người VN chúng tôi hết sức ghi nhận, nhưng với sự trung thực lịch sử, đóng góp tới đâu thì chúng tôi nghĩ rằng đấy là vấn đề mà các nhà lịch sử cần làm cho sáng tỏ. Cũng như câu trước đây chúng tôi đã trả lời: Bên cạnh những người lãnh đạo, Bộ chỉ huy của chiến dịch ĐBP, có 1 nhóm các nhà cố vấn quân sự TQ. Tôi có dịp được gặp Đại tướng  Võ Nguyên Giáp, và khi nói chuyện, Đại tướng luôn dành những tình cảm tốt đẹp với những vị cố vấn này, như ông Vi Quốc Thanh. Mỗi lần Đại tướng sang thăm TQ, ông cũng gặp lại với tình cảm hết sức thân mật và có cả tình cảm đồng đội năm xưa nữa, nhưng ở đây vấn đề là đóng góp của các vị ấy đến mức độ nào, thì đấy là vấn đề chỉ có lịch sử mới trả lời được.

Còn điều nữa bạn hỏi về mối quan hệ hữu nghị. Đó là điều người VN chúng tôi luôn luôn khẳng định, và dịp Kỷ niệm 50 năm lần này, tôi nghĩ một lần nữa, chúng tôi khẳng định điều đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đã xây dựng mối quan hệ này. Từ quan điểm quốc tế ấy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai thác triệt để sức mạnh của thời đại, cũng như sức mạnh của những người có chung mục tiêu - như tôi đã trả lời, mục tiêu của cả TQ lẫn VN, đều là chống chủ nghĩa đế quốc.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Hy vọng câu trả lời của nhà sử học Dương Trung Quốc đã giải đáp phần nào câu hỏi của bạn. Nếu bạn quan tâm, theo dõi từ đầu, thì trước đó Trung tướng Phạm Hồng Cư và anh Nguyễn Mạnh Hà cũng đã đề cập tới vấn đề này, tức là tình hữu nghị, tinh thần quốc tế là quan trọng. Nhưng tinh thần tự chủ, sáng tạo đã quyết định, nhất là trong chiến thắng ĐBP. Có thể nói, người VN chúng ta có tinh thần tự chủ và tính sáng tạo rất cao.

Như Tố Hữu viết:

Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam

Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng

50 năm rồi, ĐBP ngày nay đã khác xa. Chúng ta nhìn về ngày hôm nay với một di sản lịch sử. Chúng ta rất tự hào vì ĐBP. Nhìn ra mỗi nước, mỗi quốc gia, khi đi với bè bạn, thì thấy người ta thường nhìn những điểm gì đó, một địa danh, một lịch sử nào đó, để nhận ra một dân tộc. Một trong những nét độc đáo của VN, để bạn bè nhận ra, đó là ĐBP. Bây giờ chúng ta sẽ ứng xử với di sản này thế nào, sẽ phát huy, tận dụng nó trong công cuộc kiến thiết đất nước, cũng như thời đại ngày hôm nay thế nào? Chúng tôi muốn hỏi nhà sử học Dương Trung Quốc.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Trên Tạp chí Xưa và nay, mà chúng tôi sẽ phát hành vào dịp kỷ niệm chiến thắng ĐBP, có bài viết của một cán bộ hoạt động ở Hà Nội thời kỳ ĐBP (tức là thời kỳ tạm chiếm), viết khi người dân nghe tin trên báo chí nói đến chữ ĐBP, thì họ đi lục tìm bản đồ, và không thể nào tìm nổi trên bản đồ phổ thông địa danh ấy. Và ngay cả tài liệu của người nước ngoài cũng vậy. Ngay Bộ chỉ huy quân đội Pháp khi thấy quyết định như vậy, họ cũng tìm và thấy đó chỉ là điểm rất nhỏ. Vậy mà với chiến thắng, ĐBP trở thành nơi nổi danh trên thế giới như là 1 biểu tượng. Và đối với ĐBP ngày nay chúng ta đang chứng kiến không còn là địa danh nhỏ bé nữa. ĐBP không chỉ là biểu tượng cho chiến thắng nữa, mà đó là hiện tượng phát triển của đất nước. 

Gần đây nhất ĐBP đã trở thành 1 thành phố, và lại là thành phố thủ phủ của 1 tỉnh mang tên ĐBP. Đó là điều chúng ta hết sức mừng cho sự phát triển của một vùng Tây Bắc rất chiến lược, không chỉ trong quá khứ, trong chiến tranh, mà ngay trong sự nghiệp xây dựng của chúng ta. Nhưng đi đôi với nó, gần như là 1 cặp bài trùng, mà đối với những nhà làm sử chúng tôi luôn quan tâm đến, là mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, luôn là sự hỗ trợ thúc đẩy nhau, nhưng đồng thời cũng là một nguy cơ để tác động vào nhau.

Trong những năm gần đây, khi chúng tôi tới thăm Điện Biên Phủ, thấy bên cạnh sự thay đổi rất lớn của 1 đô thị, thì cũng phải nói hết sức băn khoăn, thậm chí lo lắng trước nguy cơ đô thị hóa đang tác động tiêu cực tới những di sản vật thể rất quý, dấu tích của chiến trường xưa. Đừng nói ĐBP là nơi rất xa xôi, ngay giữa Thủ đô Hà Nội, chúng ta thấy đó là cuộc đấu tranh không đơn giản.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Anh Dương Trung Quốc có bài xót xa về đào Nhật Tân...

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Chính vì thế mà tôi nghĩ rằng, cùng với sự phát triển của TP. ĐBP, nếu nhà lãnh đạo có tầm nhìn thấy được những di sản lịch sử không phải chỉ mang tính biểu trưng, mà nó thực sự là nguồn lực phát triển, nhất là trong thời đại ngày nay, với sự phát triển của du lịch, rất nhiều giá trị văn hóa và tinh thần trở thành động lực vật chất, thì chúng ta sẽ khai thác được di sản xưa như một nguồn lực cho ngày nay. Phải nói hết sức lo lắng, nhất là dịp 50 năm này, chúng ta có cơ hội để đầu tư tập trung sửa sang, xây dựng lại những di tích. Chúng ta đã thấy một thời gian rất dài, chúng ta buông lỏng, và giờ đây điều kiện hết sức khắc nghiệt, ấy là quá trình đô thị hóa.

Chúng tôi thấy cần nhìn lại quy hoạch phát triển. Vừa rồi TP. Điện Biên có những quyết định hết sức khó khăn, như di chuyển toàn bộ tháp truyền hình của tỉnh đi nơi khác để định vị cho bức tượng kỷ niệm 50 năm. Nếu chúng ta có tầm nhìn xa hơn, có quy hoạch, thì chắc chắn không những khắc phục được hạn chế tiêu cực hiện nay, mà quan trọng hơn, sẽ phát huy được tất cả, rất nhiều lợi thế của 1 thành phố gắn liền với chiến công 50 năm trước.

Tuy nhiên, đây là bài toán rất khó. Tôi nghĩ là các nhà lãnh đạo, không phải chỉ riêng của Điện Biên, mà phải có sự quan tâm chung của cả nước để hỗ trợ cho ĐB phát triển, ngày càng CNH - HĐH, nhưng phải giữ gìn tối đa được di sản.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi rất đồng cảm và chia sẻ với những suy nghĩ, tâm tư của nhà sử học Dương Trung Quốc về vấn đề Điện Biên. Chúng tôi nghĩ rằng, đúng là ra nước ngoài, ta rất tự hào về Điện Biên. Có lẽ Điện Biên không chỉ là chiến thắng trong quá khứ, mà còn là tiềm năng trong tương lai, bằng cách khai thác chiến lược du lịch. Nhưng du lịch như thế nào thì các nhà quy hoạch du lịch phải tính tới tổ chức dịch vụ và  quy hoạch phát triển theo hướng nào đó. Quả là không đơn giản. Ngay cả công tác ''đánh bóng'' thương hiệu ĐBP trong lòng bè bạn quốc tế, tôi nghĩ cũng chưa có. Đây là suy nghĩ, là mong muốn của chúng tôi, không biết có ai đồng cảm. Xin hỏi Trung tướng và nhà báo Nguyễn Mạnh Hà cùng anh Dương Trung Quốc, trên thế giới, người ta tổ chức những đêm nhạc giao hưởng dưới chân Vạn Lý Trường Thành, dưới chân Kim Tự Tháp, thì sao dịp 7/5 này, chúng ta không tổ chức đêm nhạc giao hưởng truyền trực tiếp tới toàn thế giới, thậm chí là bản Giao hưởng Anh hùng số 3 của Beethoven chẳng hạn, hoặc bản trường ca, anh hùng ca nào đó của VN rồi truyền đi toàn thế giới. Đây chỉ là một công việc, hoặc 1 sự kiện ta có thể tổ chức, nhưng tôi nghĩ cho cùng, cái để làm sao tạo ra thương hiệu ĐBP trên thế giới, để người ta nhận ra VN qua ĐBP, thì nên chăng chúng ta phải làm nhiều hơn nữa. Ý kiến mọi người thế nào? Đây là suy nghĩ của tôi.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi trả lời luôn, và đặt lại câu hỏi cho anh. Những ý kiến anh nêu ra rất hay, nhưng nó nằm ngoài tầm tay của chúng ta ngồi đây. Có ý tưởng mà bản thân anh có thể làm được, mà anh chưa làm, là tại sao với chiến công lớn như ĐBP, đến nay trên mạng của chúng ta chưa có website nào riêng cả?

TBT Nguyễn Anh Tuấn: VietNamNet sẽ khai trương 1 website về ĐBP.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Chính tôi muốn hỏi là tại sao đã 50 năm mà hôm nay mới bắt đầu. Tất nhiên 10, 20 năm trước chưa có Internet, nhưng ít nhất là chúng ta chưa quan tâm đúng mức, ngay cả 1 chiến trường lớn như thế này. Tôi xin nói, nếu chúng ta đọc Tổng thư mục người Pháp làm, thì chúng ta phải suy nghĩ rằng những công trình nghiên cứu của chúng ta chưa tương xứng, chưa có bộ sử, bộ bách khoa toàn thư nào viết riêng về ĐBP. Rất nhiều những câu hỏi mà chúng tôi chưa trả lời được. Bạn đọc hỏi chúng tôi, nhà làm sử cũng chưa trả lời được, chứng tỏ chúng ta chưa quan tâm đến 1 di sản rất lớn, mà bằng biết bao máu và nước mắt của thế hệ trước đã làm nên.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vậy thì ai sẽ là người viết sử, tổ chức nên những công trình, hay đặt ra kiến nghị lên cơ quan chức năng?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ trong xã hội của chúng ta hiện nay ít nhất phải có sự chỉ đạo. Điều đó hết sức quan trọng. Và ý thức, lương tâm của những nhà chuyên môn, trong đó có nhà làm sử, rất quan trọng. Tôi cũng đưa 1 thông tin này. Ngày hôm qua tôi nói chuyện với anh Thanh Lâm ở Đài truyền hình VN, anh nói rằng, anh sang Pháp thì rất ngạc nhiên gặp được một người bạn trẻ Pháp mới 20 tuổi tên là Wiliam Sten bị liệt. Do hoàn cảnh, do ngẫu nhiên tiếp cận thông tin về ĐBP, và từ nhiều năm nay, anh đưa lên mạng một website về ĐBP ở địa chỉ www.dienbienphu.com. Anh ấy đang mong muốn, ao ước dịp kỷ niệm ĐBP lần này có thể ai đó giúp anh ấy có mặt ở VN. Tôi rất muốn đặt vấn đề này ra để mong các bạn có thể hỗ trợ, giúp đỡ tôi mời anh bạn trẻ, một người bạn Pháp bị tàn tật đã suy nghĩ rất nhiều về ĐBP, và đã có những hành động hết sức cụ thể. Trong khi đó, chính chúng ta còn chưa thấy hết được giá trị chính di sản mình đang sử dụng.

Ở thời điểm 50 năm này có ý nghĩa rất lớn, vì 50 năm tức là thế hệ như bác Phạm Hồng Cư đã ở tuổi ngót 80. Chỉ 1 ngày nào đó không xa, theo đúng quy luật của cuộc sống, tất cả trở thành lịch sử, và thế hệ còn lại sẽ tiếp nhận cái gì. Tôi muốn đặt câu hỏi như thế để chúng ta đưa ra sáng kiến, nhưng nó phải bắt nguồn từ thôi thúc của chúng ta đối với di sản. Nó phải được sự quan tâm đúng mức, sự chỉ đạo, đầu tư thì chúng ta mới có thể có được hiệu quả.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Theo anh, vậy thì cần sự chỉ đạo của cơ quan nào, Bộ Chính trị hay Ban Bí thư, hay Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội hay là Chủ tịch nước?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Anh hỏi tôi câu này rất khó trả lời. Tôi nghĩ không ít cá nhân đầu tư sức lực vì lòng tha thiết họ làm, nhưng rõ ràng để có những công trình lớn có tính chất nhà nước, thì Nhà nước chỉ đạo. Đương nhiên Chính phủ là cơ quan quản lý nhà nước. Tôi có cảm giác điều này không chỉ riêng ĐBP đâu, mà với rất nhiều sự kiện lịch sử, chúng ta cứ thường nước đến chân mới nhảy, khâu chuẩn bị rất ít và chậm.

Tôi xin nói điều này. Năm 2000, ở Mỹ đã làm trò chơi điện tử ĐBP, rồi lấy chủ đề là Thung lũng chết. Họ dùng trò chơi ấy truyền đạt lại một sự kiện lịch sử trong rất nhiều sự kiện lịch sử họ muốn giới trẻ tiếp cận. Chúng ta biết rằng, những bộ phim về ĐBP họ làm cách đây lâu rồi. Chúng tôi đã nhận được tập mục lục của các nhà sử học Pháp chứa hàng vạn tên sách và tài liệu thống kê, nhiều công trình ĐBP của họ đã ra đời, còn bây giờ, chúng ta vẫn ở trong tâm thức là theo tình huống, đến sát ngày chúng ta mới kỷ niệm, bảo đảm chất luợng không thể cao. Sự thực, là người trong cuộc, tôi cũng cảm nhận điều đó. Tôi rất muốn có sự nhìn nhận lâu dài, chắc chắn giá trị ĐBP là giá trị rất lâu dài. Sẽ không muộn, nếu ngay sau kết thúc kỷ niệm này, chúng ta có 1 chương trình nghiên cứu để chuẩn bị trước 10 năm cho 60 năm ĐBP. Tôi thấy ở các nước, thậm chí một sự kiện như ĐBP có thể trở thành một viện nghiên cứu ĐBP.  ĐBP mới là bảo tàng tại chỗ thôi. Cảm giác chúng ta vẫn chưa thấy hết tầm vóc và giá trị lâu dài, vẫn cảm thấy nó là việc của quá khứ. Tôi nói luôn điều này, hơn 200 năm rồi, cả trận đánh vĩ đại của Quang Trung Nguyễn Huệ vào Thăng Long, giờ còn lại cái gì? Còn đúng 1 cái gò, và một vài công trình chúng ta xây sau này. Tôi đặt 1 câu hỏi là, 200 năm nữa, nếu chúng ta không quan tâm đúng mức, thì ĐBP còn cái gì?

TS Nguyễn Mạnh Hà: Tôi có ý kiến thế này. Câu hỏi anh đặt ra là thưong hiệu ĐBP. Tôi nghĩ là thương hiệu này có được 50 năm rồi, vì thế giới nói đến VN là gắn với 3 cụm: VN - Hồ Chí Minh - ĐBP, có lúc là HCM - Võ Nguyên Giáp - ĐBP, tức là người ta nghĩ đến ĐBP là nghĩ đến thắng lợi của dân tộc nhỏ đánh thắng 1 cường quốc thực dân.

Cách đây chưa đầy 1 tuần, tôi lên ĐBP dự hội thảo quốc gia về chiến thắng ĐBP, tôi thấy ĐBP đã thay đổi rất nhiều. Đầu tư của Nhà nước cho ĐBP dịp này cũng rất lớn, các công trình công sở khang trang mọc lên, nhưng quả thật, cuộc sống của người dân ĐBP, mà tôi đi ra xung quanh, vẫn còn rất nghèo. Trao đổi với đồng chí lãnh đạo tỉnh, nhất là các anh trong ban tuyên giáo tỉnh, tôi cũng hỏi như anh Duơng Trung Quốc đã hỏi: Tại sao chúng ta không làm website ĐBP, thì các anh thanh minh ngay, chúng tôi có làm, nhưng vì chúng tôi không đưa lên mạng lớn như VietNamNet, nên người ta không tìm được. Cũng như anh trả lời mấy hôm nữa đưa lên, lúc ấy mọi người sẽ truy cập được vào.

Các anh cũng rất lo những việc đã làm được ở ĐBP này không được phổ biến, quảng bá. Chính vì thế, đến ngày 13 tới, ngày khai trương Năm du lịch Điện Biên rất lớn. Khi chúng tôi lên quảng trường trước hội trường của tỉnh thấy các cháu thiếu nhi đang tập cho lễ khai trương, rất đẹp. Các công ty du lịch, hãng sản xuất đang  mang hàng lên, lập các gian hàng hôm khai trương Năm du lịch Điện Biên. Đoàn văn công các dân tộc Hoa Ban trắng biểu diễn rất hay. ĐB có đặc sản gạo, kể cả gạo tẻ, gạo nếp. Phong cảnh ĐB cực kỳ đẹp, nên họ muốn khai trương Năm du lịch ĐB để thu hút khách.

Những công trình tôn tạo lịch sử trên đó cũng đang theo hướng làm cho đúng sự thật lịch sử, như khẩn trương làm lại hầm chỉ huy, nhà làm việc của Tổng tư lệnh. Bây giờ họ đã tìm được đường hầm dài 49m đưa thuốc nổ vào đánh A1. Trước đây không gọi là bảo tàng, đến hôm 8/3, tôi đến vẫn là Nhà truyền thống chiến thắng ĐBP. Trước đây, họ làm hố rất to để coi đó là cửa hầm đào vào đồi A1. Hiện nay, Bảo tàng Quân đội VN và Viện Bảo tàng lịch sử tìm ra đường hầm chính để phục chế hơn 30m thực địa.  Trước đây họ làm ở nơi khác hẳn, mà tôi là người viết sử lên cũng không thể hiểu vì sao đào được khoảng rất xa.

Những sự thật lịch sử dần dần được tôn tạo lại cho đúng sự thật khách quan, kể cả di tích. Ví dụ, một trận địa pháo cao xạ được yêu cầu làm lại, lập lại một trận địa pháo binh bắn xuống lòng chảo Mường Thanh, tức là tất cả những gì liên quan đến chiến thắng ĐBP, bây giờ phải làm lại. Các bia của đồi Him Lam, Độc Lập trước đây ta làm sai, còn thiếu cũng được khắc phục. Đó là tất cả cố gắng để làm cho đúng sự thật lịch sử, để kéo du khách lên. Người ta nhìn thấy ở đó cái  thắng lợi vô cùng oanh liệt của chúng ta, nhưng cũng vô cùng gian khổ để người ta tự hào hơn. Tôi nghĩ thương hiệu ĐBP có lẽ bây giờ thế giới biết đến là thương hiệu về chiến thắng và lòng tự hào dân tộc. Người ta lên và sẽ thấy người dân ĐBP vô cùng tự hào về mảnh đất đã sản sinh ra chiến thắng của dân tộc rất lớn như vậy.

Còn như ý anh nói tại sao không tổ chức nhạc giao hưởng, hoặc một cái gì đó, thì tôi nghĩ rất khó, vì điều kiện cơ sở ở ĐBP rất nghèo nàn, dù khi chúng tôi đi đã có 4 chuyến bay/ngày của VN Airlines, mà chuyến nào cũng đông khách. Như thế rất nhiều du khách lên ĐBP hành hương về nơi họ đã chiến đấu, nhưng để thu hút được khách du lịch đến nữa, mà dựa vào tiềm năng như thế, thì còn thời gian rất dài, mà trách nhiệm ở đây không phải chỉ có mỗi địa phương đó, mà phải toàn thể đất nước chúng ta. Tuyên truyền về ĐBP hiện nay, thì tôi nhớ lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói gần đây: Phải tuyên truyền ĐBP làm sao được như SEA Games 22, để các thế hệ người VN biết về ĐBP rõ hơn.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: ĐB đang được sự quan tâm, hỗ trợ của cả nước cho kỷ niệm 50 năm, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, tự thân ĐB cũng phải vươn lên, chứ không nên ngồi chờ Trung ương. Quanh vấn đề này ý kiến của các vị như thế nào?

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Tôi nghĩ tinh thần ĐB chính là tinh thần vươn lên. Cái mà các thế hệ sau này có thể hiểu là, nếu trước đây, ĐBP đã đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ, thì tiếp theo đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng là 1 ĐB. Bây giờ, nếu các thế hệ hiểu là, cũng phải có tinh thần ĐB để đánh lui cái nghèo nàn lạc hậu, thì tôi nghĩ rằng nên tuyên truyền, thúc đẩy cái đó.

Chúng ta là nước nhỏ thắng đế quốc to, một nước lạc hậu không thể đuổi kịp các nước phát triển, câu hỏi đặt ra như vậy thì trí tuệ ở đâu, chủ nghĩa anh hùng ở đâu, sự lãnh đạo thế nào, những nhân tố tạo nên thắng lợi ĐB ấy có áp dụng vào bây giờ được không? Những câu ấy sẽ thúc đẩy nội lực lên.

Chúng tôi nghĩ nếu nói về ĐB bây giờ, thì ở trên thế giới tôi cảm thấy người ta đánh giá cao hơn. Có lẽ như thế thật, vì người ta đứng ở tầm thế giới, và tầm thế kỷ người ta nói. Chẳng hạn như Chủ tịch Phidel Castro có nói, mà tôi mới đọc lại, là ở trên thế giới, ông đã đọc lịch sử thế giới, lịch sử chiến tranh, nhưng mà chưa từng có một nước nào nghèo nàn, kinh tế chậm phát triển mà lại bị cuốn theo một cơn lốc đô thị hóa. Và phần nào chưa có sự nhận thức đầy đủ về giá trị của chiến thắng ĐBP. Các anh đến thì thấy, đô thị hóa lấn chiếm sát cả mọi công trình. Tôi đã gặp không ít người khách, kể cả nước ngoài, họ rất thất vọng nếu như thời điểm này họ nhìn vào tất cả các giá trị, di tích. Mặc dù giờ đây chúng ta đã đầu tư để kỷ niệm 50 năm ĐBP, để điều chỉnh nâng cấp lại, nhưng phải làm sao để nó nằm trong quy hoạch lâu dài, và khắc phục được những hạn chế do thời gian dài chúng ta chưa quan tâm. Xin nhắc lại, tôi sợ nhất chỉ ngày hội, kỷ niệm ta mới quan tâm, sau đó lại thôi.

TS Nguyễn Mạnh Hà: Tôi có dịp sang Pháp thăm các địa danh lịch sử, mới rút ra kinh nghiệm, có lẽ người Pháp là một trong những nước giỏi nhất về kinh doanh di sản. Họ mang đủ các thứ của thế giới về trưng bày ở đấy, và thu tiền với giá cao mà người ta vẫn xếp hàng nườm nượp để vào.

Khi tôi vào điện Lurvere, cung điện Véc sai chẳng hạn, hay lăng mộ của Napoleon... Tôi thấy rất đông khách, mà quy ra tiền của mình rất đắt, thế mà người ta cứ vào, kể cả những hòm quan tài bằng đá họ trưng bày ở một khu vực xếp tất cả các loại quan tài trong lịch sử nhân loại thành hệ thống cho mình xem. Ai đến cũng trầm trồ, xuýt xoa khen Pháp giỏi, hoặc là họ mang cả mảnh vỡ của đền thờ ở La mã, Hy Lạp, các tảng đá để trưng bày. Mà có thể những cái đấy chưa chắc là đúng, cái thật có khi ở dưới tầng hầm mà khách vẫn tranh nhau đứng bên cạnh để chụp ảnh. Rồi tượng thần vệ nữ Milo, bản thân tôi cũng đứng chụp ảnh, vì mình cũng muốn có ghi nhận ở đấy, tức là mình đã đến đấy và xem, khi về rất hể hả. Chưa kịp xem hết thì họ đã dồn dần, mặc dù chưa xem hết người ta đã đuổi dần mình ra, và hôm sau lại hăm hở đi chỗ khác, bỏ tiền ra rất tự nguyện. Chính vì thế mà chúng ta phải học người Pháp. Chúng ta có địa danh nổi tiếng như thế mà chưa có đầu óc kinh doanh di sản. Tôi nghĩ đây là điều mà ngành du lịch, và những người làm công tác quy hoạch nói chung, phải thiết kế lại. Lịch sử của mình hào hùng ghê lắm, mà cứ để mai một dần. Đó cũng là điều tôi có suy nghĩ, trăn trở.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vâng, nói cho thay đổi không khí một chút. Trong kinh tế, nhà sử học thấy liệu ta có thể làm được 1 ĐBP trong kinh tế không? Kinh tế của ta chưa phát triển mạnh, và phải cạnh tranh với những tập đoàn lớn để len chân vào, ta có thể phát triển và thành công như ĐBP được không?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Một số nhà sử học nước ngoài, khi nhìn lại ĐBP ở thời điểm 50 năm này, họ đánh giá, như ý tưởng của nhóm người tổ chức cuộc hội thảo ở Paris vừa rồi, là ĐBP mang lại cái nhìn mới, trong cái nhìn ấy họ thấy được vị thế của nước nhỏ. Rõ ràng tất cả những cái gì thấy sau ĐBP là sự khẳng định của nước nhỏ trong đời sống quốc tế. Người ta hay nói câu ''Biến thương trường thành chiến trường''. Tôi cho rằng câu đó không đúng, thương trường quyết liệt hơn, thậm chí còn hơn cả chiến trường, nhưng thương trường đó phải có luật chơi và chơi đúng luật. Và đó là thử thách rất lớn với chúng ta. Nhưng tinh thần ĐBP nó thể hiện như anh Phạm Hồng Cư nói, là tính sáng tạo và ý chí quyết tâm vươn lên của người VN chúng ta. Nó được chứng minh trong toàn bộ cuộc đáu tranh giữ nước, trong đó đỉnh cao là chiến dịch ĐBP. Tôi nghĩ điều đó mang lại niềm tin cho chúng ta, và chúng ta đã có thể tìm thấy bài học thành công: Một số nước nhỏ vẫn có thể vươn tới vị thế nhất định, phù hợp với điều kiện của họ. Tôi nghĩ đây là bài toán rất khó, nhưng sẽ được kích thích bởi tinh thần ĐBP. Nhưng tôi cũng nghĩ đây là vấn đề không đơn giản, để thấy trước mắt chúng ta còn khó khăn rất lớn.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Anh có tin?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi tin chứ, vì người làm sử có thể rút ngắn khoảng thời gian. Sự sốt ruột của chúng ta thường kéo dài thời gian, và chắc là khi bắt đầu chiến dịch ĐBP, cũng như không phải chỉ phía đối phương, mà chính chúng ta cũng phải hiểu: Không đơn giản chút nào. Nhưng tư tưởng, tôi cho rất quan trọng, là phải biết đánh chắc thắng chắc. Đây là tinh thần cũ, nhưng trong cuộc sống xây dựng kinh tế bây giờ chúng ta cũng phải học. Nó không hạn chế sự sáng tạo, nhưng hạn chế phiêu lưu.

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Tôi cho Tổng biên tập có câu nói vui là xuất khẩu theo tư duy của kinh tế thị trường. Tôi nghĩ tinh thần ĐBP đã đánh thức rất nhiều dân tộc nhược tiểu đứng dậy. Trong ý nghĩa nào đó, nó toả ra, không phải xuất khẩu đâu, nhưng nó đã lan rộng thật, và tôi đã nghe thấy có đại biểu đoàn quân sự Angieri sang, đã bảo ĐBP giúp chúng tôi ngẩng đầu lên. Tôi nghĩ dù không quan niệm theo kiểu thương trường, nhưng rõ ràng tác dụng của ĐBP đã tràn ngập thế giới, và nó đã thay đổi thế giới, vì Cụ Hồ có nói đó là cái mốc mà. Tôi nghĩ cái mốc thì trước đó là khác, và sau đó là khác. Cái mốc ở chỗ trước ĐBP, VN không có tên trên bản đồ thế giới, sau ĐBP như anh Hà đã nói, VN - Hồ Chí Minh - ĐBP - Võ Nguyên Giáp. Giáp Giáp - Hồ Hồ, người ta hô như thế để cổ vũ tinh thần đứng dậy. Đó là tác dụng, ý nghĩa quốc tế của ĐBP mà lâu nay người ta nói nhiều, ta cũng khiêm tốn nên ít nói.

Chuyện anh hỏi có ĐBP trong kinh tế không, tôi nghĩ hiểu theo ý thắng lợi vượt mức, những điều mà người ta cho rằng không làm được, nhưng anh sẽ làm được. Đấy là những ĐBP như chống Mỹ chẳng hạn, người ta nghĩ anh không thể thắng đế quốc mạnh như thế, nhưng anh làm được. Còn trong kinh tế, tôi nghĩ quy luật kinh tế khác quy luật quân sự, nhưng mục đích đều là vì dân hết. Hãy làm những ĐBP trên mọi lĩnh vực, trong đó khoa học kỹ thuật là đầu tàu, còn văn hóa và kinh tế là những ĐBP lớn, nhỏ. Kỷ niệm lần này mà làm được những việc như vậy, thì chúng ta có thể đuổi kịp các nước ở mức trung bình khác.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Có một câu hỏi của bạn đọc. Mời nhà sử học. Nguyen - Nam - [nguyan@yahoo.com]: Thưa các ông, tôi có một băn khoăn liên quan đến ĐBP. Tôi rất muốn đề nghị Chính phủ và Quốc hội rằng chúng ta cần có thêm ngày nghỉ 7/5. Chiến thắng ĐBP có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Tôi đang ở nước ngoài nên biết rằng họ biết đến VN qua ĐBP hơn là qua ngày 2/9 hay 30/4. Thế nhưng ngày này dường như không được coi trọng bằng những ngày khác, đó không phải là ngày nghỉ. Theo tôi nên cho CBCNV nghỉ để họ đưa con cái đi thăm chiến tích xưa, để con cháu nghe kể về một ĐBP "chấn động địa cầu". Ở các nước châu Âu, họ đều có ngày nghỉ nhân kỷ niệm ngày kết thúc Đại chiến I, Đại chiến II, chẳng lẽ chúng ta lại không có ngày 7/5 sao?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ đây là ý rất thiện chí, và có lẽ người đặt câu hỏi đã nhìn thấy địa chỉ rồi thì tôi nghĩ anh cứ chuyển đề nghị này lên cho Chính phủ, Quốc hội.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Ý kiến của anh thế nào?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng ngày nghỉ cũng là hình thức để cho người ta có cơ hội, thời gian chia sẻ ý tưởng gắn với sự kiện nào đó, nhưng cũng có thể hiểu nên biến ngày nghỉ trong điều kiện ta đang phải nỗ lực vươn lên của đời sống, thì nên tìm hình thức nào đó, cũng thể hiện được ý tưởng đó, nhưng không nhất thiết phải là ngày nghỉ.

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Tôi không có sáng kiến gì về nghỉ hay không, vì thực ra thế hệ chúng tôi không có ngày nghỉ .

TS Nguyễn Mạnh Hà: Tôi thấy cũng đúng. Tôi cũng đồng cảm với suy nghĩ của bạn đọc. Tôi thấy tại sao chúng ta có ngày nghỉ 30/4 và 1/5 kết hợp luôn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chính bạn đọc đã có suy nghĩ gợi cho tôi. Tôi nghĩ ngày 7/5 cũng có thể, cũng nên trở thành ngày nghỉ, ngày lễ chiến thắng của dân tộc. Bản thân chúng tôi đang ở trong quân đội có ngày nghỉ 22/12. Ngày 7/5 coi như  đánh dấu kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp thần thánh của dân tộc. Tôi cũng đồng cảm với ý nghĩ của bạn đọc, là tại sao không có thêm 1 ngày nghỉ, khi mà cuộc sống của chúng ta ngày càng được nâng cao.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta hãy kỷ niệm, gìn giữ ĐBP không chỉ bằng lễ hội mà bằng giá trị đích thực của nó. Giá trị đó là cả quá trình lâu dài và có ý nghĩa kinh tế, du lịch, cho đến ý nghĩa lịch sử dài lâu. Chúng tôi cám ơn nhà sử học Dương Trung Quốc đã nêu vấn đề này, và có lẽ VietNamNet cũng sẽ kỷ niệm ĐBP theo cách thức đó. Chúng tôi sẽ tuyên truyền cổ vũ đợt kỷ niệm 50 năm chiến thắng ĐBP trên nền suy nghĩ như vậy. Rất cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi, cám ơn các vị khách mời có mặt trong ngày hôm nay.

  • VietNamNet
,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,