,
221
1842
Trực tuyến
tructuyen
/chinhtri/tructuyen/
189105
Bàn tròn trực tuyến cùng Người phát ngôn của Thủ tướng
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
,

Bàn tròn trực tuyến cùng Người phát ngôn của Thủ tướng

Cập nhật lúc 12:30, Thứ Ba, 20/01/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Từ một phóng viên Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam chuyên trách đưa tin về hoạt động của Thủ tướng, năm 2003 ông Nguyễn Kinh Quốc đã được bổ nhiệm làm người phát ngôn của Thủ tướng. Là người đầu tiên ở Việt Nam 'ngồi' ở vị trí và công việc chưa hề có tiền lệ này, ông sẽ chia sẻ với quý vị về công việc khá khó khăn và nhạy cảm của mình tại bàn tròn trực tuyến VietNamNet sáng 20/1.

Từng là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, chuyển sang làm việc tại Truyền hình Việt Nam, ông Quốc đặc trách mảng thông tin về các hoạt động của Thủ tướng Phan Văn Khải. “Chuyển từ đưa tin về các hoạt động của Thủ tướng sang phát ngôn của Thủ tướng là một bước nâng cao về chất lượng nghề nghiệp chứ không phải là một công việc hoàn toàn xa lạ” - ông nói.

Tại bàn tròn hôm nay, cùng với nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, mời quý vị theo dõi cuộc bàn tròn trực tuyến với Người phát ngôn Kinh Quốc.

Kính thưa quý vị độc giả VietNamNet, chúng ta hân hạnh bàn tròn trực tuyến với ông Nguyễn Kinh Quốc, người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện ông Nguyễn Kinh Quốc 45 tuổi và đang đảm nhiệm vị trí phát ngôn viên Thủ tướng. Có lẽ nhiều người ngạc nhiên khi ông từng là một phóng viên truyền hình. Hôm nay chúng ta bàn luận xung quanh công việc mới của nhà báo Nguyễn Kinh Quốc.

- Xin hỏi anh Quốc, anh có bất ngờ khi được chọn làm người phát ngôn của Thủ tướng không?

Trước hết xin cảm ơn anh Tuấn, cảm ơn bạn đọc VietNamNet. Nói bất ngờ tôi chưa hẳn bất ngờ. Khi nghe tin tôi được chọn làm người phát ngôn Thủ tướng, tôi biết rằng công việc sẽ đè nặng lên vai tôi. Nhưng tôi có một may mắn là từng làm phóng viên truyền hình phụ trách đưa tin về hoạt động chính phủ. Điều này giúp tôi rất nhiều trong công việc mới của mình.

Anh có thể nói cụ thể công việc của người phát ngôn. Mọi người hình dung sáng anh dậy, đi đến văn phòng, song thực sự chưa hiểu rõ công việc của anh?

- Công việc của tôi với tư cách là người phát ngôn của Thủ tướng họat động theo một quy chế riêng. Còn bình thường hàng ngày tôi nhận công việc từ 7 giờ sáng, cập nhật thông tin qua nhiều kênh như báo chí, mạng Internet.  Riêng VietNamNet tôi rất hay đọc vì nội dung phong phú, cập nhật. Như các bạn biết, đối với một con người không phải cái gì cũng biết được mà phải thông qua nhiều kênh.

Đưa ra thông tin về hoạt động điều hành cuả chính phủ, gặp thủ tướng báo cáo những vấn đề dư luận quan tâm. Ngoài ra, tôi nhận chỉ thị từ Thủ tướng, các vị lãnh đạo chính phủ để thông tin cho dư luận những vấn đề quan tâm.

- Muốn hỏi anh chi tiết đời thường một chút. Hàng ngày, ví dụ  như tôi là lãnh đạo một công ty, lãnh đạo VietNamNet, tôi đôi khi không tránh khỏi những bức xúc, không hài lòng với cấp dưới. Vậy đối với Thủ tướng, người đứng đầu Chính phủ, có khi nào ông cũng có những bức xúc, hay bực dọc với cấp dưới hay không?

- Đối với Thủ Tướng, ông là một con người rất gần gũi mà các bạn đã xem trên truyền hình và tiếp xúc thực tế. Tôi nhớ mãi trong suốt thời gian đi đưa tin, ông thường nói với tôi: "Con người sống phải nhân, đức, lễ, nghĩa, hiếu thảo". Thủ Tướng là người đứng đầu CP, ông phải giải quyết nhiều việc rất quan trọng, bức xúc, những việc ông làm liên quan tới cơm áo, gạo tiền của người dân, của doanh nghiệp. Tôi nghĩ rằng không tránh khỏi những lúc Thủ Tướng có bức xúc, không hài lòng trong công việc. Nhưng bản thân tôi thấy, đôi khi sự cáu gắt bị chìm đi, vì con người ông có cái tâm hướng thiện. Khi gặp những điều không hài lòng về cấp dưới, ông không có thái độ làm cấp dưới sợ sệt. Ông có thể gọi cấp dưới lên nhắc nhở sau, vào một dịp khác. Ông rất tránh nói ở những chỗ đông người. Đây không phải là cảm nhận của bản thân tôi mà của tất cả những người từng tiếp xúc với ông. Tôi cảm thấy mình lớn lên rất nhiều sau thời gian đưa tin về các hoạt động của Thủ Tướng. Bản thân tôi là người lính, khi đưa tin vè đường lối chính sách, tôi phải học hỏi nhiều. Việc tôi tiếp xúc với ông đã giúp tôi rất nhiều trong việc đưa tin một cách chính xác.

- Mọi người cũng nghe nhiều rằng Thủ tướng là người nhân hậu, sống có nghĩa tình. Trong các buổi họp với doanh nghiệp, Thủ tướng tỏ ra rất gần gũi

- Qua tiếp xúc hàng ngày tôi có thể nhận thấy cái gần gũi của Thủ tướng  bằng các hành động cụ thể. Chắc các bạn theo dõi những lần xuất hiện trên truyền hình của Thủ tướng cũng có thể nhận ra sự gần gũi ấy. Một con người là Thủ tướng của một đất nước song cũng rất tình cảm, mang phong cách Việt Nam. Ví dụ có điều kiện đi công tác các tỉnh, thủ tướng thường gặp gỡ các bạn bè cũ, thầyg cô giáo. Khi đi học ở trường, Thủ tướng là người lớn tuổi nên có những thầy cô ít tuổi hơn mình, nhưng khi về thăm Thủ tướng vẫn rất kính trọng từ cách xưng hô cho tới phong thái, cử chỉ.

Mỗi lần vào Đắc Lắc có người bạn cũ cùng quê, xa nhau rất lâu nhưng Thủ tướng vẫn tìm đến hỏi thăm sức khoẻ. Lần gần đây nhất khi về Bình Dương, Thủ tướng cũng tìm gặp người bạn của mình đang sinh sống ở đây.

Sự gần gũi trân trọng những tình cảm cũ được thể hiện ở những việc cụ thể khác như Thủ tướng tập kết ra Bắc từ lâu có ở Hải Hưng, hàng năm vẫn về đây chúc Tết. Ở Ba Vì hàng năm Thủ tướng vẫn về thăm những người thân, những người đã một thời cưu mang Thủ tướng.

Các cuộc gặp doanh nghiệp có điều kiện Thủ tướng đều gặp gỡ, tâm sự chân tình. Con người sống khiêm tốn, có tâm. Có những điều Thủ tướng nói rất thật, là những trăn trở của một người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng luôn coi doanh nghiệp là chủ thể của kinh tế. Sự phát triển của doanh nghiệp sẽ kéo theo không chỉ sự phát triển của kinh tế mà cả  xã hội.

- Quay trở lại công việc, anh được quyền phát ngôn những vấn đề gì?

- Trong quy chế quy định rõ, tôi được phát ngôn trong thẩm quyền của mình, những vấn đề liên quan tới cơ chế chính sách. Đối với những vấn đề báo giới quan tâm, công chúng quan tâm tôi sẽ tuỳ vào mức độ phụ trách của mình sẽ cung cấp thông tin cho báo giới, cho người dân. Tất nhiên, đây là một công việc rất nhạy cảm, nhưng tôi xuất thân từ nghề báo, có kinh nghiệm 6 năm làm việc cùng Thủ Tướng, vì thế tôi có thể tổng hợp và xem xét tính chính xác của thông tin.. Nếu những vấn đề không thuộc thẩm quyền của tôi, tôi sẽ xin ý kiến Thủ Tướng, sau đó sẽ truyền đạt lại với báo chí, với dư luận.

Tôi muốn hỏi thêm bên Mỹ cũng có người phát ngôn của Tổng thống. Anh nhìn nhận như thế nào về cơ chế phát ngôn của họ?

- Nước ngoài tôi đi nhiều nhưng để hiểu bộ máy phát ngôn bên đó tôi cũng chưa có điều kiện. Tâm niệm của tôi: mình là lính, sau đó lại làm báo, muốn viết muốn truyền đạt những gì mình nghĩ, được giáo dục đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, được rèn luyện trong môi trường quân ngũ. Đây là những nền tảng cơ bản giúp tôi trong công việc.

Trở lại với chuyện bộ máy người phát ngôn . Đối với tôi đây là công việc hết sức mới mẻ. Ở nước ta đã có người phát ngôn của Bộ Ngoại giao song người phát ngôn Chính phủ thì chưa. Ý tưởng của Chính phủ, của Thủ tướng là làm sao minh bạch hoá các hoạt động của chính phủ.  Do đó, có thể nói công việc là rất khó khăn, đòi hỏi người phát ngôn luôn phải nhạy bén, cập nhật thông tin, học hỏi qua nhiều kênh như sách báo, bạn bè, mạng... Học hỏi để công việc tốt hơn, đồng thời mình cũng là một kênh thông tin giúp Thủ tướng, đáp ứng đòi hỏi của dư luận.

- Thực ra làm thông tin cũng có nhiều cái rất nhạy cảm. Có những thông tin thật ra không sai, nhưng nếu đưa lên.sẽ gây hại cho VN nói riêng và thế giới nói chung. Vậy đối với những thông tin thuộc loại nhạy cảm, anh xử lý thế nào?

Tôi đã gặp nhiều thông tin dạng nhạy cảm. Mình phải biết độ chính xác của thông tin, sau đó mới xử lý. Trong quá trình viết bài, tôi cũng có thể xử lý tương đối phù hợp với định hướng tuyên truyền của trung ương, đem đến cho dư luận những hiểu biết chính xác về vấn đề.

Từ ngày làm người phát ngôn, đối với những thông tin bình thường, tôi sẽ cung cấp thông tin chính xác với dư luận.. Còn những lĩnh vực nhạy cảm như anh vừa đề cập, tức là đưa lên không sai nhưng nhiều khi đưa lên không có lợi cho cộng đồng, thì bản thân nhà báo phải nhạy bén. Về phía cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm định hướng thông tin. Để giải quyết vấn đề này tôi nghĩ cần có sự kết hợp hai hướng, báo chí phải có sự lựa chọn thông tin, còn cơ quan nhà nứoc có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác.

Theo quy chế người phát ngôn thủ tướng được quyền cải chính các thông tin báo chí đưa ra không chính xác?

- Người phát ngôn có quyền cải chính các thông tin không chính xác.

- Vậy nên hiểu theo nghĩa nào? yêu cầu báo chí cải chính hay người phát ngôn cải chính?

- Nói đi nói lại, bản tính của tôi xuất thân từ anh lính. Trong 6 năm làm người đưa tin về hoạt động của Thủ tướng, tôi luôn giữ điều đó. Tôi luôn nghĩ đặt mình trong hoàn cảnh đó, có khi mình cũng mắc phải vì thế mà cái nhìn cũng cảm thông hơn đối với những người sai phạm và có cách nói để họ hiểu hơn, dễ tiếp thu hơn.

Tôi luôn tâm niệm phải hiêm tốn học hỏi. Ví dụ quy chế cho mình làm việc như vậy nhưng không có nghĩa là mình có .... Tôi có nhiều bạn bè là phóng viên. Bản thân tôi cũng say sưa với nghề báo nhưng vì  xã hội, cấp trên phân công nên tôi nhận công việc này.

Nói cách khác, tính tôi làm việc hết mình, đúng quyền hạn, đúng trách nhiệm. Bản thân báo chí cần giúp thông tin, tôi cũng làm hết trách nhiệm. Tất nhiên, quá trình làm việc cũng có người nói nọ, nói kia nhưng tôi gạt ra ngoài, miễn làm sao tôi hoàn thành trách nhiệm. Và tôi nghĩ điều này cũng là làm lợi cho đất nước.

- Anh nói anh làm việc theo cái tâm, sống có tình, có nghĩa. Tôi có cảm giác dường như có nét hao hao nào đó giữa Thủ Tướng và anh. Có phải đó là do anh sống gần Thủ tướng thì học hỏi hay đó là tính cách tự nhiên của anh?

- Nói chung trước nay tôi sống và làm việc luôn có ý nghĩ như vậy. Nhưng trong quá trình làm việc với Thủ Tướng, tôi đã học hỏi được rất nhiều, đặc biệt là kiến thức chuyên môn, cách ứng xử, lối sống. Thủ tướng thường nhắc nhở không chỉ tôi mà các anh em khác: Công việc là chính, song trong lối sống, trong cách ứng xử làm sao thể hiện mình có học vấn, có đạo đức theo truyền thống phương đông.

Quả thực, tôi rất gặp may, khi tôi về truyền hình, tôi được đưa tin về hoạt động của Thủ Tướng. Ông là người tôi hết sức kính trọng, tôn thờ về nhân đức, về tính cách. Ông nhìn nhận vấn đề rất nhanh, rất chuẩn chính vì kiến thức rộng của ông.

- Quay trở lại chuyện gần gũi với Thủ tướng. Cũng như các nhà lãnh đạo của đất nước, Thủ tướng cũng tâm huyết, trăn trở với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, khó tránh khỏi thực tế là có những điều tâm huyết nhưng triển khai chưa được hoặc cấp dưới chưa làm được. Khi đó, tâm tư của Thủ tướng như thế nào? Ông có thể đưa ra một hình ảnh cụ thể?

- Điều này đối với thủ tướng cũng nhiều. Có những việc đến trong ngày, trong giờ. Có những việc hài lòng, không hài lòng. Có những bộ phận làm việc vướng chỗ này, chỗ kia nên công việc không suôn sẻ. Gặp lúc công việc không trọ vẹn cụ cũng đi lại, hút thuốc. Khi đến các tỉnh, khi gặp những công việc không hài lòng, thủ tướng thường ra ngoài hút một hai hơi thuốc rồi sau đó trở vào và đưa ra những nhận xét xác đáng.

Mặc dù vậy, được cái con người Thủ tướng không cáu, luôn bình tĩnh, đúng mực, tôn trọng cấp dưới dù biết cấp dưới có khuyết điểm.

Vẫn tồn tại tình trạng có những chỉ thị của Thủ tướng chưa được thực hiện đến nơi đến chốn hoặc cấp dưới không thực hiện.

Vấn đề này dư luận nói cũng nhiều. Tuy nhiên, tôi nghĩ nước mình mới chuyển đổi cơ chế nên còn nhiều khó khăn, vấp váp không tránh khỏi. Trong qúa trình làm phải có điều chỉnh, bổ sung.

- Trong thời gian làm phóng viên truyền hình, phụ trách dưa tin về Thủ tướng, chắc chắn anh được mọi ngưòi rất tín nhiệm mới giao nhiệm vụ làm phát ngôn viên cho Thủ tướng. Tuy nhiên, như anh cũng biết "Nhân vô thập toàn". Vậy xin hỏi anh có sơ suất nào đáng nhớ trong thời gian đó?

- Trong quá trình làm phóng viên truyền hình, tôi không có sơ suất lớn. Tôi là người phải đảm nhiệm nhiều việc nhất. Truyền hình có đặc thù, trước 7 giờ phải đưa tin lên, và những bài nói về hoạt động Thủ Tướng, mình phải đưa đầu tiên. Tôi luôn xác định phải nhanh, nhưng độ chính xác vẫn phải cao. Nếu viết văn tự không, thì rất nhanh, song truyền hình còn phải ghép hình, nên tôi thường phải rất khẩn trương. Thực tế, đến bây giờ, dù chuyển khỏi truyền hình, bản thân tôi nhận thấy, thật may mắn là tôi chưa có sự cố nghề nghiệp nào. Song để hoàn thiện bản thân, tôi thấy mình phải học hỏi rất nhiều. Tôi luôn mong muốn đưa thông tin tới bạn đọc một cách chính xác nhất. Tôi mong một bài viết của tôi chỉ cần 1-2 hình ảnh ấn tượng đọng lại trong lòng người đọc, người xem, hoặc 50 từ đọng lại trong lòng người đọc là tôi hạnh phúc lắm rồi. Nhiều khi tôi viết mà không kịp nghĩ rằng mình viết gì. Với cương vị phát ngôn Thủ Tướng, dựa trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng, tôi tổng hợp và viết lại, truyền đạt một cách chính xác ý kiến của Thủ Tướng.

- Đấy là những công việc trên mặt báo ai cũng thấy. Còn những công việc sau mặt báo?

- Công việc chính thức của tôi là người phát ngôn. Ngoài ra có những công việc đột xuất thủ tướng, bộ trưởng giao tôi cũng phải hoàn thành. Tôi luôn nghĩ mình là người giúp việccho Thủ tướng.  Có những việc thực tế tôi vẫn làm, có những việc báo chí chưa nêu ra nhưng khi tôi biết được, tôi xử lý trước khi đề đạt lên Thủ tướng.
Tôi tâm niệm mình là một kênh thông tin để truyền đạt, báo cáo lại thủ tướng nắm được dư luận, báo chí từ đó xử lý công việc.

- Quay trở lại những vấn đề hoạt động của Thủ tướng liên quan đến nước ngoài, quốc tế. Cũng có những hãng tin, tờ báo quốc tế đưa tin không chính xác, bình luận hơi tuỳ tiện. Nôm na là không đúng với những gì chúng ta làm. Trong trách nhiệm của mình, anh có phải giải quyết những vấn đề này không?

- Thật ra trong quy định, tôi không có trách nhiệm chỉnh sửa những thông tin do báo chí nước ngoài đưa ra. Vấn đề này do người phát ngôn Bộ Ngoại giao, bây giờ là anh Dũng phụ trách. Song chúng tôi vẫn trao đổi với nhau, trợ giúp cho nhau. Có những khi phóng viên nước ngoài hỏi: Tại sao cuộc họp chính phủ chúng tôi không được tham gia đưa tin? Anh Dũng sau khi trao đổi với tôi đã trả lời: Đó là do quy chế, hàng tuần người phát ngôn Bộ Ngoại giao đều có cuộc gặp với các phóng viên nước ngoài và thông tin đầy đủ về tình hình Việt Nam. Thực ra, chúng tôi không hề phân biệt đối xử.

16- VietNamNet năm tới sẽ đẩy mạnh bàn tròn trực tuyến. Đây là hình thức trao đổi ý kiến rất hữu ích. Khi trao đổi thấy có những vấn đề nào đó chính xác, VietNamNet sẽ truyền tải tới các cấp có thẩm quyền, chức năng thông qua anh?

Tôi luôn sẵn sàng và xin cảm ơn Vietnamnet. Quan niệm của tôi, ngay cả đối với chính phủ có những kiến nghị cho các bộ mình cũng đưa ra cho báo chí để dư luận cùng bàn bạc. Trong chừng mực nào đó, nên đưa ra những thôngCái gì phù hợp với thực tiễn, các cơ quan cũng thấy được tránh tình trạng cái ra sau phủ định cái ra trước. Không để khi đưa ra mọi người phản đối, lại phải đưa các giải pháp tình thế, và theo cách nhìn của  tôi như vậy không hay.

- Lâu nay, cũng có những tờ báo đưa tin chưa hẳn chính xác, nhưng nhiều tờ báo đưa tin đúng. Tuy nhiên, có những cơ quan chính phủ chưa giải quyết phù hợp những trường hợp này, thậm chí thách thức cơ quan báo chí. Vậy trong tương lai, anh em nhà báo có thể nhờ anh giúp để giải quyết được không?

Tôi đã đề cập vấn đề này từ lúc tôi mới được giao nhiệm vụ người phát ngôn thủ tướng. Thực ra nhiều cơ quan quản lý chưa có thông tin kịp thời cho báo chí và hai bên chưa có sự  hợp tác ăn ý với nhau. Với thẩm quyền của mình, tôi có thể giúp báo chí tiếp cận đúng thông tin. Nhiều khi báo chí nắm không hết thông tin, cũng có những khi cơ quan quản  lý chưa cung cấp đầy đủ thông tin, thì dựa trên thẩm quyền, tôi có thể giúp anh em. Nhưng quan trọng là phải cung cấp thông tin chính xác và báo chí phải tiếp cận đúng thông tin. Vấn đề là chưa có sự ăn ý giữa cơ quan quản lý với báo chí. Theo tôi, cơ quan quản lý và báo chí cần phải xích lại gần nhau, điều này không vì lợi ích riêng của ai, mà là lợi ích chung của đất nước. Và quan trọng là cả hai bên phải nhận ra những gì chưa đúng, biết tiếp thu đóng góp ý kiến và phải biết sửa sai.

- VietNamNet sẵn sàng là một kênh để thu thập ý kiến cho Chính phủ. Chúng tôi nhận được nhiều ý kiến bạn đọc, chúng tôi sẽ đóng vai trò làm một kênh nắm bắt thông tin giúp chính phủ.

Tôi xin cảm ơn VietNamNet về vai trò làm một kênh thông tin chính thống giúp Chính phủ. Tôi nghĩ nhiều khi báo chí rất khổ khi muốn tìm một kênh thông tin chính thống. Nhiều khi không biết hỏi ai, hỏi mỗi người lại ra một thông tin khác nhau. Như vậy quan trọng là phải có một kênh thông tin chính thống. Tôi nghĩ, với một người làm báo khi đã có đầy đủ thông tin, cả thuận cả nghịch thì cách viết của họ sẽ khác ngay. Trên thực tế, có những cái thiếu thông tin chính thống, có những cái nhạy cảm. Việc định hướng thông tin thuộc về các cơ quan quản lý, phải cung cấp thế nào, định hướng thế nào để báo chí nắm được cách đưa vấn đề. Thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng này, tình trạng kia, nói chung là do việc chưa hiểu ý nhau, làm việc chưa ăn ý giữa cơ quan quản lý và báo chí.

- Năm nay tôi được biết  Thủ Tướng ăn tết ở Tp HCM?

- Thủ tướng đi vào TP.HCM từ 25 tết. Hôm nay là về đến Long An. Các bạn theo dõi trên truyền hình thì có thể thấy, trước khi nghỉ tết Thủ Tướng còn thăm 6 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Thủ Tướng muốn đốc thúc việc chuẩn bị ăn tết cho bà con nông dân, đốc thúc việc triển khai kế hoạch năm 2004, chỉ đạo việc ngăn chặn dịch cúm gà ở Tiền Giang, Long An. Đây là một việc không may xảy ra vào dịp cuối năm. Song điều kiện của mình còn nhiều hạn chế. Về phía Chính Phủ đã có công điện chỉ đạo ngăn chặn dịch cúm, phê duyệt ngân sách nông nghiệp dự phòng năm 2004 để giúp bà con nông dân khắc phục phần nào thiệt hại. Tuy nhiên, quan trọng là phải giáo dục người dân nuôi gia cầm nhận thức được điều này.

Nãy giờ chúng ta nói chuyện công việc khá nhiều. Quay sang ngày Tết, anh có thời gian dành cho gia đình nhiều không?

- Tôi cũng không có nhiều htời gian dành cho gia đình. So với mọi năm, năm nay công việc không bức bách lắm nên có thời gian dọn nhà, dọn cửa cho vợ con, mua cây đào cây quất.

- Trước thềm năm mới, anh có những ước vọng, hoài bão, dự cảm gì cho một năm mới đang đến?

- Đối với tôi, ước vọng cho một năm mới cũng nho nhỏ thôi là cuộc sống, gia đình vui vẻ. Đối với xã hội, với cái đà thắng lợi như hiện nay, mọi người tiến bộ, cuộc sống đi lên. Đương nhiên khó khăn còn rất nhiều.

Trên cơ sở những yếu kém đã được chỉ ra, tôi nghĩ chúng ta phải xác định bước đi cụ thể hơn, tính toán chặt chẽ hơn, ví dụ như chống thất thoát trong đầu tư cơ bản, chống tham nhũng, sách nhiễu. Trong đó,  xác định doanh nghiệp là chủ thể có đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội, tạo công ăn việc làm.

- Xin cảm ơn anh Quốc. Nhân dịp năm mới, chúc anh và gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng. Xin chúc sự hợp tác giữa người phát ngôn Thủ tướng và VietNamNet ngày càng tốt đẹp. Chúc công việc của anh tại văn phòng Thủ tướng đạt được nhiều thuận lợi và thành công!

(Bàn tròn trực tuyến VietNamNet sáng nay đã nhận được nhiều câu hỏi của khán, độc giả từ khắp nơi. Vì thời gian có hạn và có những câu hỏi trùng lặp nên một số câu hỏi đã không được trả lời, rất mong quý vị thông cảm)

  • VietNamNet
,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

Tin khác của 'Trực tuyến'

,
Quảng cáo
,
,
,