221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1292531
Việt - Mỹ sẽ trở thành đối tác chiến lược?
1
Photo
null
Việt - Mỹ sẽ trở thành đối tác chiến lược?
,

- Báo cáo quốc phòng tứ niên năm 2010 của Bộ Quốc phòng Mỹ đã xếp quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam là quan hệ chiến lược. Đâu là cơ sở xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược này? Câu hỏi được nêu ở hội thảo khoa học nhìn lại quan hệ Việt - Mỹ sau 15 năm bình thường hóa, do Viện nghiên cứu châu Mỹ tổ chức hôm nay (12/7).

>> 15 năm Việt - Mỹ: Nhìn lại để mạnh bước hơn nữa
>> Bang giao Việt - Mỹ thực ra là quan hệ đối tác chiến lược

Việt Nam và Mỹ có quan điểm hợp tác song phương rõ ràng, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
Việt Nam và Mỹ có quan điểm hợp tác song phương rõ ràng, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
Theo TS Cù Chí Lợi - Viện Nghiên cứu châu Mỹ, mặc dù quan hệ đã được khẳng định như vậy, nhưng người ta thấy rằng vẫn còn những khác biệt trong quan niệm cũng như cách ứng xử về một số vấn đề.

Ông Lợi nói, về tổng quát, người ta không thấy có mâu thuẫn giữa lợi ích quốc gia của Mỹ và Việt Nam. Cả hai nước đều theo đuổi mục tiêu bảo đảm an ninh và phát triển kinh tế.

Thực tế cho thấy, Việt Nam chưa bao giờ là mối đe dọa về an ninh đối với Mỹ. Hơn thế nữa, hai bên đã và đang có nhiều chương trình hợp tác về quốc phòng, an ninh ngày càng sâu rộng.

Quan sát tiến trình hợp tác, ông Cù Chí Lợi cho rằng xét về mặt lợi ích và các cách ứng xử của Mỹ cũng như của Việt Nam trong thời gian gần đây, khó có thể kết luận rằng hai nước có những xung đột về lợi ích quốc gia, và ngay cả vấn đề tự do và dân chủ, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, người Mỹ cũng sẵn sàng đối thoại và giải quyết các vấn đề khác biệt để quan hệ giữa hai nước trở nên gần gũi, tin cậy hơn.

"Hiện đại hóa quan hệ song phương"

PGS.TS Nguyễn Thiết Sơn, Viện Nghiên cứu châu Mỹ dẫn một tài liệu của Mỹ cho hay những nhân tố tạo nên lợi ích của Mỹ trong quan hệ với Việt Nam bao gồm quan hệ thương mại và đầu tư, cộng đồng người Mỹ gốc Việt, các di sản của chiến tranh Việt Nam, quan hệ thông qua các thể chế đa phương như LHQ, APEC, ARF, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)..., và chia sẻ quan tâm về sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc.

Trong khi đó, quan điểm của Việt Nam về lợi ích và mục tiêu trong quan hệ với Mỹ, đó là Mỹ có tiềm lực kinh tế, an ninh quân sự, chính trị, khoa học công nghệ, đào tạo... đều đứng hàng đầu thế giới. Việt Nam nhất quán thúc đẩy các quan hệ hữu nghị tích cực với Mỹ trên tinh thần đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn của tất cả các nước trên thế giới, hướng tới một mối quan hệ hữu nghị lâu dài, bền vững, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, không ảnh hưởng đến một bên thứ ba nào khác,

Theo ông Sơn, vì lợi ích của mình, Việt Nam và Mỹ đã có quan điểm hợp tác song phương rõ ràng và tích cực, có khả năng đưa hai dân tộc hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

"Có thể còn có những trở ngại trong thực tiễn quan hệ giữa hai nước, nhưng đó không còn hay không phải là những trở ngại thuộc loại chủ yếu nữa". Ông Sơn cho rằng, về chính sách, Việt Nam nên coi Mỹ là đối tác chiến lược quan trọng, với các quan hệ được nâng tầm tương xứng, hợp lý...

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương - Bộ Công an cũng đồng tình việc nâng tầm và "công khai" quan hệ Việt -Mỹ là quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Ông Cương cho rằng cả Việt Nam và Mỹ đều cần và có thể xác định tính chất của mối quan hệ song phương như trên. Điều đó phù hợp với lợi ích chiến lược của hai nước và sẽ góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, ổn định và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, trên thế giới nói chung.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến nói quan hệ với Mỹ là một trong những mối quan hệ quốc tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong tiến trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa vì an ninh và phát triển đất nước. Và đến nay, thay vì một cuộc chiến, hai bên đã có một mối quan hệ bình thường hóa trên hầu hết các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự.

Tuy nhiên, ông Chiến cho rằng nếu nói quan hệ đã bình thường hóa hoàn toàn thì "vẫn còn những suy ngẫm". Vẫn còn tồn tại một số hậu quả chiến tranh cần hợp tác và hỗ trợ nhiều hơn nữa để khắc phục. Một vài vấn đề khác phải trở nên "bình thường" để không còn cản trở sự phát triển quan hệ hai bên.

Theo ông Chiến, cần nghiên cứu sâu quá trình ra quyết định của mỗi bên, nhất là vai trò và mối liên hệ, tác động qua lại của mỗi mắt xích, trung tâm quyền lực, nên thiết lập nhiều cơ chế đối thoại và xử lý các vấn đề nảy sinh một cách kịp thời....

Nguyên Đại sứ cũng lưu ý phía Việt Nam cần tranh thủ tốt nhất sự hiểu biết và các mạng quan hệ của cộng đồng người Việt đã sống lâu năm với các giới của Mỹ, để gia tăng tư vấn, hợp tác xử lý các vấn đề, phù hợp với lợi ích của Việt Nam nhưng "trúng" cơ chế, môi trường... ra quyết định ở cấp liên bang cũng như ở các địa phương của Mỹ.

"Hiện đại hóa quan hệ Việt - Mỹ" là mục tiêu mà ông Chiến cho rằng không có cản trở gì lớn. Việc hiểu biết cơ chế ra quyết định của hai bên sẽ đóng góp thiết thực cho tiến trình đó.

  • X.Linh
,
Ý kiến của bạn
,
,
,
,