221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1292106
Mỹ trông đợi chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Hillary Clinton
0
Photo
null
15 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ:
Mỹ trông đợi chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Hillary Clinton
,

- Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ đến Hà Nội dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đối tác, Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) khởi động cuối tuần này cũng như tiến hành các hoạt động song phương. VietNamNet trao đổi với quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khu vực châu Á - Thái Bình Dương Joe Yun từ Washington DC đúng ngày hai nước kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ (12/7/1995-12/7/2010).

>> Đàm phán Việt - Mỹ: Chuyện bây giờ mới kể
>> BTA và cơ hội bị bỏ lỡ
>> Bang giao Việt - Mỹ thực ra là quan hệ đối tác chiến lược

Trông đợi Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ

Có thể trông đợi gì từ chuyến thăm của bà Clinton trong mục tiêu thắt chặt hơn nữa quan hệ Việt - Mỹ và những thông điệp từ chuyến thăm này tới Việt Nam nói riêng, ASEAN nói chung?

Đây sẽ là chuyến thăm thứ tư của Ngoại trưởng Clinton đến Đông Á trong vòng một năm qua. Sự quan tâm của bà Clinton với khu vực này chứng tỏ tầm quan trọng sống còn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á, đối với tương lai của Mỹ. Ngoài các hoạt động trong khuôn khổ ASEAN và ARF, Ngoại trưởng Clinton sẽ tái khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ nhằm củng cố hợp tác trên các vấn đề khu vực quan trọng thông qua Sáng kiến hạ vùng Mekong.

Chuyến thăm cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương, cũng như hậu thuẫn của Mỹ đối với việc Việt Nam đóng một vai trò quan trọng hơn trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Một số cuộc gặp song phương và sự kiện chung sẽ cho phép bà Ngoại trưởng nhấn mạnh những thành công của 15 năm quan hệ, chỉ ra một số thách thức còn tồn tại, và bày tỏ lạc quan về tương lai quan hệ Mỹ - Việt.

Năm nay, Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN. Mỹ trông đợi gì ở vai trò của Việt Nam tại tổ chức này? Quan hệ Việt - Mỹ sẽ như thế nào trong bối cảnh Mỹ đang gia tăng sự hiện diện trở lại ở khu vực Đông Nam Á và ngày càng chú trọng hơn đến hợp tác với ASEAN?

Với tư cách Chủ tịch, Việt Nam đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng để thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực ASEAN, chúng tôi trông đợi Việt Nam vươn lên và có tiếng nói mạnh mẽ trong những vấn đề kinh tế khu vực và sáng kiến mở cửa mậu dịch.

Đồng thời, chúng tôi cũng hy vọng Việt Nam, với tư cách chủ tịch ASEAN, sẽ thực hiện vai trò lãnh đạo của mình, kể cả đối với những vấn đề nhạy cảm như vụ tàu Cheonan và Myanmar. Chúng tôi muốn Việt Nam dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy một cuộc đối thoại thực sự, làm sao để Myanmar vượt lên phía trước, thúc đẩy Myanmar thực hiện đầy đủ các nghị quyết số 1718 và 1874 của Hội đồng Bảo an LHQ, minh bạch trước cộng đồng quốc tế quan hệ của nước này với CHDCND Triều Tiên.

Bằng cách tăng cường cam kết của chúng tôi ở Đông Nam Á, Hoa Kỳ sẽ có thêm nhiều cơ hội làm việc với Việt Nam trước những thách thức khu vực và toàn cầu. Việt Nam tiếp tục khẳng định mình là quốc gia lãnh đạo APEC, ASEAN và ARF.

Mô tả ảnh.
Ngoại trưởng Hillary Clinton và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Phuket, Thái Lan năm 2009. Ảnh: AP

An ninh hàng hải và an ninh con người đang ngày càng trở nên nóng bỏng trên biển Đông Nam Á. Là cường quốc đóng trọng trách đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực, Mỹ nhìn nhận như thế nào về vấn đề này và sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc đảm bảo an ninh hàng hải và an ninh con người trong khu vực?

Mỹ không đứng về phía bên nào trong các đòi hỏi pháp lý về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tranh chấp đưa ra các đòi hỏi lãnh thổ phù hợp với luật quốc tế. Chúng tôi chia sẻ mối quan tâm của cộng đồng quốc tế và các thành viên ARF đối với việc duy trì ổn định khu vực, tự do hàng hải, đảm bảo cho các doanh nghiệp Mỹ và quốc tế được tham gia các hợp đồng kinh doanh chính đáng ở Biển Đông mà không bị quấy nhiễu hay bị can thiệp về chính trị.

Căng thẳng xung quanh tranh chấp ở Biển Đông không chỉ mang tính khu vực, mà còn là một quan ngại quốc tế có ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia hàng hải. Bởi vậy, Hoa Kỳ ủng hộ các nỗ lực đa phương như Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về ứng xử nhằm giảm bớt căng thẳng và tiến tới một giải pháp phù hợp với thông lệ luật pháp quốc tế.

Việt Nam - mục tiêu trọng tâm Sáng kiến xuất khẩu của Mỹ

Việt - Mỹ đã đi qua 15 năm bình thường hóa quan hệ, từ cựu thù chuyển sang đối tác. Đâu là chìa khóa then chốt để mở ra tiến trình hợp tác phong phú, sôi động như hiện nay, thưa ông?

Đầu những năm 1990, tiến triển trong quan hệ Mỹ - Việt tập trung vào vấn đề người tị nạn và tìm kiếm người Mỹ mất tích... Giai đoạn này đã củng cố thiện chí giữa hai chính phủ và tạo ra nền móng cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Từ đó đến nay, chúng ta đã mở rộng phạm vi hợp tác ra nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, biến đổi khí hậu, an ninh...

Quan hệ song phương hiện nay có thể nói là mang tính xây dựng nhất kể từ khi nối lại quan hệ năm 1995, những điều kiện căn bản đã hội đủ để kiến lập một quan hệ đối tác bền vững và toàn diện hơn. Sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ này trong 15 năm qua là bằng chứng cho những mối quan tâm chung của hai bên và tiềm năng hợp tác trong tương lai. Mặc dù còn những bất đồng trên một số lĩnh vực như nhân quyền, chúng ta hiện nay đã có thể đối thoại cởi mở trong sự tôn trọng lẫn nhau, thông qua việc làm sâu sắc thêm các mục tiêu chung nhằm xây dựng một nước Việt Nam cởi mở, phồn thịnh và an ninh.

Theo ông, đâu là viễn cảnh bức tranh quan hệ hai nước khi tham vọng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa hai bên ngày càng được mở rộng ở những sân chơi lớn hơn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)?

Trong thập niên vừa qua, chúng ta đã thấy quan hệ thương mại giữa hai nước đi từ cột mốc lịch sử là Hiệp định thương mại song phương năm 2001 đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương hiện đang trong quá trình đàm phán. Hợp tác trong các lĩnh vực khác như bầu trời mở và năng lượng hạt nhân dân sự, bao gồm cả vấn đề an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân, cũng đã mở ra cánh cửa cho các cơ hội thương mại và kinh doanh hai bên cùng có lợi. Thành công trong địa hạt kinh tế đã củng cố thêm các mối quan hệ song phương nói chung.

Mô tả ảnh.
Quan hệ song phương Việt - Mỹ mang tính xây dựng nhất kể từ khi nối lại quan hệ năm 1995. Ảnh: cựu Tổng thống Bill Clinton tại Hà Nội. Ảnh: VNN

Trong vòng 15 năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể nhờ quyết tâm đổi mới kinh tế. Hoa Kỳ góp phần vào tiến trình cải cách này bằng cách cung cấp trợ giúp kỹ thuật và pháp luật cho tự do hóa thương mại. Chúng tôi vui mừng chứng kiến quá trình chuyển đổi kinh tế tuyệt vời ở Việt Nam, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của GDP/đầu người và tỷ lệ hộ nghèo giảm một cách ấn tượng, và chúng tôi tự hào đã góp phần vào nỗ lực hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam.

Năm 2009, Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, mậu dịch hai chiều đạt 15,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam đã tăng trong bối cảnh rất khó khăn của thương mại thế giới. Với một quan hệ kinh tế hứa hẹn như vậy, không có gì ngạc nhiên khi chúng tôi xác định Việt Nam là quốc gia mục tiêu trọng tâm trong Sáng kiến của Tổng thống về xuất khẩu.

Song hành cùng những gia tăng hợp tác kinh tế, thương mại, dễ nhận thấy hai nước bắt đầu đi vào củng cố quan hệ hợp tác về quốc phòng, quân sự. Những động thái hợp tác mới đây của cả hai phía cho thấy Mỹ nhìn nhận vai trò của Việt Nam như thế nào trong chính sách của mình ở châu Á - Thái Bình Dương? Việc hai nước bắt đầu thực thi cơ chế đối thoại mới về chính trị -quốc phòng và chính sách có ý nghĩa như thế nào?

Trong gần hai thập niên vừa qua, hợp tác quân sự song phương đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tình hữu nghị và sự tôn trọng lẫn nhau giữa Mỹ và Việt Nam. Nỗ lực thành công của chúng ta trong việc hợp tác tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích là bằng chứng cho việc này.

Hiện nay, quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ - Việt được đặt trên mối quan tâm chung của hai bên vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và an ninh. Hai nước chúng ta đã đi những bước dài trong các cuộc đối thoại khác nhau về hợp tác đào tạo lực lượng giữ gìn hòa bình quốc tế, hợp tác nhân đạo và khắc phục thảm họa, an ninh hàng hải, không phổ biến vũ khí hạt nhân, quân y, khoa học quân sự và công nghệ.

Chúng ta đang xúc tiến mở rộng các mối liên hệ an ninh, với trọng tâm là nâng cao năng lực và kỹ năng mới trong các lĩnh vực đặc thù như giữ gìn hòa bình, an ninh môi trường, điều phối cứu hộ đa phương và ứng phó với thảm họa cấp khu vực.

Trong tương lai, chúng tôi hy vọng sẽ tạo thêm cơ hội cho các quan chức quốc phòng Việt Nam tham dự các khóa đào tạo chuyên nghiệp tại các trường đại học và học viện quân sự Hoa Kỳ. Chúng ta tiếp tục trao đổi các đoàn cấp cao, và quyết tâm thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau trong giới quân nhân hai nước.

  • Xuân Linh
,
Ý kiến của bạn
,
,
,
,