221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1158573
Đánh giá lại tài sản và vốn của các tập đoàn
1
Article
null
Đánh giá lại tài sản và vốn của các tập đoàn
,

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước, trình Chính phủ tại phiên họp tháng 2 tới. Bộ Tài chính chủ trì dự thảo Nghị định về đánh giá lại tài sản và tiền vốn của các tập đoàn. Đây là một trong những nội dung của Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2009, ban hành ngày 8/2.

Việt Nam hiện có 8 tập đoàn kinh tế nhà nước. Chưa có sơ kết về thí điểm cho mô hình này. Ảnh: VNN

Chính phủ thống nhất nhận định, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vẫn hoạt động ổn định và có hiệu quả kinh tế - xã hội khá, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2008 đều tăng, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về bình ổn giá cả vật tư, hàng hóa, kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô…

Tuy nhiên, hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thời gian qua còn bộc lộ một số mặt hạn chế cần được khắc phục. Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì đánh giá hiệu quả hoạt động của những doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá. 

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước hoàn chỉnh, bổ sung báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, kể cả các ngân hàng thương mại nhà nước, làm cơ sở để đánh giá hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này; đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa các tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp quy mô lớn một cách vững chắc, có hiệu quả, trình Bộ Chính trị cho ý kiến.

Trên cơ sở đó, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan dự thảo Nghị định của Chính phủ về đánh giá lại tài sản và tiền vốn của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 109/2007/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn chỉnh dự thảo Nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước, trình Chính phủ tại phiên họp tháng 2; tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 132/2005/NĐ-CP về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước, đề xuất giải pháp nâng cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn của doanh nghiệp trong khuôn khổ quản lý của nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước thực sự là lực lượng nòng cốt, chủ lực trong nền kinh tế; đồng thời dự thảo nghị định sửa đổi nghị định này, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc quyết liệt, sát thực tế, tích cực chủ động xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát để có giải pháp hỗ trợ đối với từng ngành công nghiệp, sản phẩm xuất khẩu đang có thị trường; quan tâm mở thị trường trong nước, nâng cao sức mua của người dân, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ…

Chính phủ cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy những dự án, công trình trọng điểm đầu tư với các mục tiêu giải quyết việc làm, kích cầu đầu tư.

Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành đề án xây dựng nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu bức xúc cho người dân, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp và sinh viên.

Về thu hút và quản lý vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thu hút và quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Về phát triển nông nghiệp và nông thôn, an ninh lương thực, Chính phủ xác định những thách thức mới về dân số, đất sản xuất nông nghiệp, biến đổi khí hậu toàn cầu, dịch bệnh… đang đòi hỏi cần phải có các giải pháp giải quyết đồng bộ để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia một cách vững chắc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan bổ sung quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp thích hợp với tình hình mới và tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, hoàn chỉnh Đề án an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trình Bộ Chính trị cho ý kiến; đồng thời dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành.

 Theo TTXVN

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,