221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1096796
Tập đoàn kinh tế phản đối bị "siết" đặc quyền
1
Article
null
Tập đoàn kinh tế phản đối bị 'siết' đặc quyền
,

 - "Còn chưa tổng kết việc thí điểm 8 tổng công ty (TCT) được rút lên thành tập đoàn (TĐ), chưa tìm ra một bức tranh tổng thể đã vội  ban hành Nghị định về tổ chức, giám sát TĐ là quá vội vàng", một đại diện của TCT Lắp máy VN bày tỏ ý kiến trong một ngày thảo luận (12/8) về việc hình thành khung pháp lý để quản trị TĐ kinh tế nhà nước.

Ảnh minh hoạ: Inteves.com

"Trình diện" lần đầu tại cuộc gặp của Thủ tướng với lãnh đạo TĐ Kinh tế nhà nước cuối tuần qua, bản dự thảo Nghị định đáng lẽ phải được ban hành từ cuối 2007 này đã "vấp" ngay phải sự phản ứng của lãnh đạo các TĐ vì cho rằng "đang cố quay trở lại với Luật Doanh nghiệp Nhà nước trước đây".

Ngày 12/8, đại diện các DNNN tiếp tục bóc tách những quy định "quá ôm đồm" nhằm "quản" và "siết" thay vì tạo hành lang pháp lý cho mô hình này hoàn thiện, phát triển.

Chẳng hạn, quy định không được đặt tên là "tập đoàn", "tập đoàn kinh tế" hoặc bất cứ tên nào với tiền tố "tập đoàn" đối với mọi doanh nghiệp trong TĐKT, ban hành danh mục 21 ngành nghề kinh doanh chính. Hoặc để chuyển đổi thành tập đoàn, công ty mẹ phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, trong đó có việc vốn sở hữu nhà nước không thấp hơn 7.000 tỷ đồng v.v...

Không ít DNNN "than thở" vì dự thảo Nghị định đã "siết" lại khá nhiều đặc quyền.

Nắn lại đầu tư tràn lan

"Làm doanh nghiệp, quan trọng nhất là hiệu quả. Như tập đoàn Petronas (Malaysia), trên 40% doanh thu là từ các lĩnh vực ngoài dầu khí. Biết là tập trung ngành chính nhưng nếu đầu tư không hiệu quả lắm, tại sao cứ buộc chúng tôi phải đầu tư ngành chính?", Trưởng ban Tổ chức nhân sự TĐ Dầu khí VN Lê Xuân Vệ kiến nghị.

Về cơ cấu đầu tư, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, nơi đề xuất Nghị định nêu rõ, TĐ kinh doanh ngành liên quan phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh ngành nghề chính, hỗ trợ và phát triển các ngành nghề chính; thực hiện nghĩa vụ báo cáo và chịu giám sát của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Tỷ lệ đầu tư và thị phần của TĐ trong các ngành chính không thấp hơn mức quy định của Thủ tướng. Trường hợp tiến hành những ngành có nguy cơ rủi ro hoặc ảnh hưởng đến ngành chính phải được Thủ tướng hoặc người được ủy quyền phê duyệt.

Đại diện Tập đoàn Dầu khí cho rằng "quy định như vậy có vẻ siết rất chặt" nhưng việc phân định ranh giới giữa ngành nghề kinh doanh chính và liên quan lại chưa rành mạch. Như dầu khí, sản phẩm chính là "khí" nhưng được Chính phủ chỉ đạo sản xuất điện. "Từ khí chạy ra điện, vậy là chính hay  phụ đây?", ông Vệ thắc mắc.

Một đại diện của TCT Hóa chất VN cũng phân vân: "Yêu cầu quy định ngay tỷ lệ phần trăm nhất định cũng rất khó vì tùy thuộc quy mô TĐ, TCT. Như dầu khí, 10 - 15% của họ cũng bằng vốn của cả một TCT khác. Không thể có một chuẩn mực chung".

Đại diện TCT Lắp máy VN thì cho rằng: "TĐ đang bị chệch hướng do kinh doanh đa ngành nên việc ban hành Nghị định này nhằm nắn lại. Tuy nhiên, ban soạn thảo lại chưa tính tới việc sơ kết để có bức tranh toàn cảnh, từ đó đưa ra những yêu cầu khả thi hơn".

Sao bộ không tin tưởng?

Ông Trần Tiến Cường: "Chúng tôi không có tư tưởng kiềm chế quyền tự chủ của các TĐ". Ảnh: MC

Sau khi chỉ trích việc Chính phủ bắt đầu "thít" khá chặt một việc lâu nay vẫn cho phép làm là đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính, Trưởng ban Tổ chức nhân sự TĐ Dầu khí VN nhân tiện "phê bình": "Ngoài chức năng quản lý nhà nước, các bộ còn được giao các quyền chủ sở hữu. Nhưng hình như bộ lo thực hiện quyền chủ sở hữu còn chăm chú hơn vai trò quản lý nhà nước".

Ông Vệ nói thêm: "Các bộ chủ quản cũng phải xác định vai trò trọng tâm. Đã có hội đồng quản trị rồi, cũng là những người có uy tín, sao bộ còn không tin tưởng mà vẫn cứ can thiệp sâu?".

Theo ông Vệ, Thủ tướng nên trao toàn quyền cho người đại diện là HĐQT các tập đoàn để bộ "rảnh tay" tập trung vào chức năng quản lý nhà nước.

Ông Phạm Tuấn Anh (Ban chỉ đạo đổi mới DN, Văn phòng Chính phủ) đặt vấn đề: Ngay cả ngân sách Nhà nước hàng năm vẫn phải để Quốc hội giám sát. DNNN cũng phải chấp nhận luật chơi, sân chơi, không thể vừa đá bóng vừa tự thổi còi. Các TĐ đang nắm giữ những ngành chủ chốt phải được Nhà nước và nhân dân giám sát, không thể tự do giao hết cho HĐQT".

"Lúng túng" chia vai chủ sở hữu - quản lý

Trao đổi với báo giới, trưởng ban soạn thảo Trần Tiến Cường cam kết: "Chúng tôi không có tư tưởng kiềm chế quyền tự chủ của các TĐ. Nghị định chỉ hướng dẫn trong thẩm quyền của chủ sở hữu nhà nước, để đảm bảo cho các DN có một qui định rõ ràng về quyền của chủ sở hữu và ai là đại diện chủ sở hữu".

Để quản lý TĐ, ông Cường nói ban soạn thảo đã đề xuất người được Thủ tướng ủy quyền và người được cử làm thành viên, ủy viên hội đồng quản trị của công ty mẹ - tập đoàn, sẽ là đại diện chủ sở hữu.

Đáng chú ý là dự thảo quy định trách nhiệm của từng bộ trong việc giám sát, quản lý các tập đoàn. Như Bộ Kế hoạch và đầu tư thì giám sát công ty mẹ thành lập doanh nghiệp mới, góp vốn vào doanh nghiệp khác thuộc lĩnh vực có nguy cơ rủi ro; Bộ Nội vụ theo dõi, đánh giá năng lực cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp; Bộ Tài chính giám sát, đánh giá hoạt động tài chính, kết quả kinh doanh của công ty mẹ, việc vay và đầu tư vốn trong lĩnh vực kinh doanh chính cũng như ngoài lĩnh vực...

Về lâu dài, học theo mô hình các nước, Chính phủ sẽ thành lập một cơ quan chuyên trách trực thuộc Chính phủ để thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại các TĐ, TCT. Người được cử đại diện chủ sở hữu vốn sẽ theo dõi, giám sát về tình hình kinh doanh, tài chính tại DN. Người đại diện sẽ phải xin ý kiến Thủ tướng trước khi họp hành, biểu quyết các vấn đề tại DN.

Đại diện nhiều DNNN cho rằng, có thể củng cố và phát triển Ban chỉ đạo đổi mới DN đang trực thuộc VP Chính phủ, thay vì thành lập một cơ quan chuyên trách mới.

Việc quản lý nguồn vốn nhà nước tại các tập đoàn như thế nào thực sự là vấn đề lớn, trong bối cảnh các tập đoàn hình thành bằng các quyết định hành chính thay vì chuyển đổi về bản chất và việc đầu tư đa ngành đã đến mức báo động.

Tổng số tiền mà các TĐ, TCT đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, theo công bố của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN hồi tháng 6 là 7.370 tỉ đồng.

 

Còn nếu căn cứ theo con số mà chính cơ quan này công bố tại Hội nghị sắp xếp, đổi mới DN 100% vốn Nhà nước  lại là 15 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên quản lý bằng cách nào, có thể tiếp tục duy trì mệnh lệnh hành chính hay không vẫn là một câu hỏi "đau đầu" với các nhà quản lý. 

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,