221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1143352
Cùng VietNamNet bình chọn 10 sự kiện của năm
1
Article
null
Cùng VietNamNet bình chọn 10 sự kiện của năm
,

 - 2008 sắp qua. Một năm đầy ắp sự kiện, bộn bề những âu lo, đồng thời vẫn loé lên những tia hy vọng. Mời độc giả bình chọn Top 10 sự kiện trong năm. Kết quả bình chọn sẽ được công bố vào ngày 31/12/2008.

>> Tham gia bình chọn 10 sự kiện nổi bật trong năm tại đây

1. Lạm phát và suy giảm kinh tế

Việt Nam chào năm 2008 bằng cú sốc đột ngột: Lạm phát quý I lên mức 2 con số là 16,37% so với cùng kỳ năm ngoái. Nền kinh tế đang trên đà tăng tốc thuận chiều với tốc độ trên 8%/năm đột ngột rơi vào khúc cua gấp.

Tháng 3/2008, Chính phủ đưa ra 8 giải pháp kiềm chế lạm phát, giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô, đặt trọng tâm vào thắt chặt tiền tệ và tài khoá, kiểm soát đầu tư công. Hệ quả là lãi suất tăng phi mã, lãi suất cho vay có lúc lên tới 21/%/năm.

 
Sau nhiều tháng quyết liệt, đến tháng 8, lạm phát có dấu hiệu tăng chậm lại, đến tháng 10 và 11 đã ở mức âm. Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế mới bắt đầu ngấm thuốc "giảm sốt lạm phát" thì khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tràn đến, đẩy kinh tế Việt Nam đối diện với nguy cơ "cảm lạnh" nghiêm trọng. Hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ, cắt giảm sản lượng và sa thải nhân công, phá sản hoặc hoạt động cầm chừng. Người dân thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu, nguy cơ thất nghiệp trên diện rộng.

Tháng 11, Chính phủ đã công bố nhóm 5 giải pháp chống suy giảm kinh tế, trên thực tế đã thay thế cho 8 nhóm giải pháp chống lạm phát và gói kích cầu dự định lên tới 6 tỷ USD. Thực tế đặt ra trước mắt các nhà điều hành một tình huống chưa từng có tiền lệ, mang tính "tiến thoái lưỡng nan": Vừa giảm tốc lại vừa phải tăng tốc, vừa uống thuốc giảm sốt đã chuyển ngay sang thuốc chống cảm lạnh, vừa phải giải quyết khó khăn cấp bách vừa phải có những giải pháp mang tính dài hạn, giải quyết được những khuyết tật mang tính cấu trúc của nền kinh tế để tiếp tục phát triển.

2. Đội tuyển bóng đá Việt Nam lần đầu tiên đoạt cúp vô địch AFF Suzuki Cup, lên ngôi vương bóng đá Đông Nam Á sau 49 năm chờ đợi

 Hàng triệu triệu trái tim Việt Nam sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc vỡ oà của bao cảm xúc dồn nén khi Công Vinh ghi bàn vào lưới đội Thái Lan ở những giây bù giờ cuối cùng trong trận chung kết lượt về cúp AFF Suzuki Cup. Một chiến thắng ngọt ngào đã đến như một giấc mơ, sau hàng chục năm khắc khoải đợi chờ, sau bao nhiêu lần hy vọng tràn đầy rồi thất vọng cay đắng.

 
Quên đi những chệch choạc ở vòng loại, các tuyển thủ Việt Nam càng vào sâu đá càng hay. Họ đã làm nên điều kỳ diệu: lần đầu tiên, Việt Nam giành cúp vô địch AFF Suzuki Cup, lên ngôi vương bóng đá Đông Nam Á. 49 năm chờ đợi, giấc mơ nay đã thành hiện thực. Thua sút đối phương về nhiều mặt, nhưng tuyển VN đã chiến thắng nhờ thứ “vũ khí” đã dệt nên kỳ tích của bóng đá VN qua nhiều giải đấu: tinh thần VN.

3. Sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội để mở rộng Thủ đô nước CHXHCNVN

 
Với 458/478 đại biểu tán thành, chiếm 92,9% số ĐBQH, 4 người không tán thành và 13 người không biểu quyết, chiều 29/5, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Đề án mở rộng Thủ đô trước đó là câu chuyện được bàn thảo sôi nổi rộng rãi trong công luận cũng như trên diễn đàn Quốc hội, thậm chí "trao đổi cả trong bữa ăn của từng gia đình" - nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Hàng loạt những tranh luận, phản biện ngược chiều nhưng thẳng thắn, xây dựng được đưa ra, trong đó có nhiều băn khoăn về luận cứ khoa học và thực tiễn, tính khả thi và đòi hỏi đối với năng lực quy hoạch một đại đô thị trong hoàn cảnh quy hoạch Hà Nội hiện tại còn nặng tính chắp vá, manh mún, bài toán xã hội đối với các khu vực nông thôn Hà Tây (cũ)...

Với nghị quyết được đánh giá mang tính "lịch sử" này, Thủ đô của Việt Nam đã được mở rộng gấp gần 4 lần, với diện tích trên 3.000 km2, chỉ thua kém quy mô với một vài đại đô thị - thủ đô khác trên thế giới.

Dù đã được Quốc hội bấm nút thông qua, nhưng quá trình mở rộng Hà Nội vẫn còn cả chặng đường dài trước mắt với bộn bề công việc phải hoàn tất.

4. Nghi án hối lộ PCI và những hệ lụy

Tháng 6/2008, báo chí Nhật Bản đăng tải thông tin quan chức Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) thừa nhận đã hối lộ ông Huỳnh Ngọc Sĩ - Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây của TP.HCM để nhận được hợp đồng tư vấn cho dự án này từ vốn ODA.

Công trường thi công dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP.HCM. Ảnh: VNN

Đại lộ Đông Tây được khởi công ngày 31/1/2005, bắt đầu từ quốc lộ 1A huyện Bình Chánh và kết thúc tại xa lộ Hà Nội quận 2, tổng chiều dài toàn tuyến gần 22 km. Dự án có hạng mục hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn lớn nhất Đông Nam Á. Dự án với tổng vốn đầu tư ban đầu gần 10.000 tỷ đồng, trong đó có 6.394 tỷ đồng vay ODA của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), số còn lại từ ngân sách thành phố.

Theo thông tin phía Nhật Bản cung cấp, khi thực hiện dự án ở TP HCM, các quan chức công ty PCI đã 2 lần đưa hối lộ cho ông Sĩ, lần đưa thứ nhất vào năm 2003 (600.000 USD) và lần thứ hai vào năm 2006 (220.000 USD).

Sau khi nhận được thông tin từ phía Nhật Bản, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu Bộ Công an điều tra. Ban chuyên án của Bộ Công an đã được thành lập. Ngày 19/11, ông Sĩ bị đình chỉ chức Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải kiêm Trưởng ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây. Vụ hối lộ liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sĩ đã chính thức được phía Việt Nam khởi tố vào ngày 9/12.

Tuy nhiên, hệ luỵ đầu tiên của vụ bê bối PCI đã bắt đầu với việc Nhật Bản tuyên bố tạm dừng các khoản vốn vay ưu đãi bổ sung hơn 700 triệu USD trong năm tài khoá 2008 và không cấp mới ODA trong năm 2009. Hầu hết nguồn vốn này tập trung cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.

5. Thị trường hóa giá xăng dầu

Ấn tượng lớn nhất về giá xăng dầu trong 2008 là cú sốc tăng giá lên đến 19.500 đồng/lít xăng vào ngày 21/7 sau gần nửa năm Nhà nước cố chịu lỗ để giữ giá xăng. Đến lúc ngân sách không còn chịu nổi, giá xăng dầu đã tăng 30%. Giá xăng thời điểm này đã gần bám sát giá thị trường quốc tế.

Chen lấn chờ mua xăng trước khi xăng tăng giá ở cây xăng Nam Đồng. Ảnh: VNN
Đến ngày 16/9, chính phủ đã quyết đinh chấm dứt bù lỗ đối với tất cả mọi loại xăng dầu và thực thi giá cả thị trường. DN được tự quyết định giá với điều kiện thông báo cho cơ quản lý biết và nếu được chấp thuận thì thực hiện. Thực chất, đây là thời điểm mà mặt hàng cuối cùng là dầu diezen được thị trường hóa về giá cả, trước đó xăng và dầu hỏa và mazut đã được thả nổi.

Thật may mắn, từ khi thực hiện giá thị trường, giá xăng đầu thế giới đã giảm từ mức cao nhất 147 USD/thùng xuống còn dưới 40 USD/thùng. Giá xăng dầu trong nước cũng liên tục giảm, từ 19.500đồng/lít xuống còn 11.000 đồng/lít. Tuy nhiên mức giảm này vẫn được cho là chưa tương xứng so với mức giảm thế giới. Trao đổi với báo giới, các nhà nhập khẩu xăng dầu vẫn điệp khúc cũ: “Sở dĩ chưa thể giảm giá tương ứng là do lượng xăng dầu đang bán đã nhập trước đó với giá cao hơn hiện nay"!

6. Phanh phui vụ Vedan đầu độc sông Thị Vải suốt 14 năm, từ đó đưa ra ánh sáng hàng loạt vụ DN gây ô nhiễm môi trường

2008 có thể được coi là năm mà ô nhiễm môi trường trở thành điểm nóng bức bối. Bắt đầu từ vụ Vedan, hàng loạt các vụ DN đầu độc sông hồ và môi trường xung quanh được đưa ra ánh sáng.

Một con mương xả nước thải của Vedan.
Trong suốt 14 năm, nhà máy bột ngọt Vedan tại Đồng Nai đã xả thẳng ra sông Thị Vải một lượng nước thải khổng lồ chưa qua xử lý, trung bình 105.600m³ nước thải/tháng, thông qua một hệ thống đường ống bí mật. Ngay cả khi việc làm sai trái này bị phanh phui, Vedan đã tỏ ra bất hợp tác trong quá trình điều tra và chịu phạt. Rất nhiều bà con nông dân đã đứng lên kiện Vedan vì hành vi gây ô nhiễm môi trường gây thiệt hại cho cuộc sống và sản xuất của người dân.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng không tỏ ra "kém cạnh" khi cũng "đầu độc" các con sông khác: nhà máy Miwon xả thẳng nước thải ào ạt ra sông Hồng (Phú Thọ); Làng nghề Nha Xá, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Nhà máy bia Sài Gòn - Hà Nam, Công ty TNHH Đông Việt Hải, Công ty TNHH Đại Hùng cùng góp tay "giết chết" sông Nhuệ,...

Điều đáng nói, những sai phạm này đã kéo dài suốt một thời gian dài, người dân sống xung quanh đã không ít lần lên tiếng nhưng các cơ quan quản lý vẫn "không biết, không hay".

Dư luận chuyển từ bàng hoàng sang phẫn nộ. Diễn đàn Quốc hội "sôi sùng sục" vì vụ Vedan còn các nhà quản lý thì giật mình và thừa nhận: "Trước đây chúng ta không chú trọng vấn đề môi trường". Năm 2009, lần đầu tiên, chỉ tiêu về môi trường được đưa vào kế hoạch 5 năm.

7. Trận lụt lịch sử tại Hà Nội

Một trận mưa lớn kéo dài, được ví như con đại hồng thuỷ đã đổ ập xuống Hà Nội từ rạng sáng 31/10/2008 và kéo dài suốt 3 ngày liên tiếp đã khiến các nẻo đường biến thành những con sông. Những đoạn đường vừa ngập vừa tắc đã trở thành một ký ức khó quên đối với người dân Hà Nội. Nước tràn cả vào nhà, có những nơi ngập sâu đến hơn 1m và kéo dài trong nhiều ngày. Lần đầu tiên, người ta được chứng kiến những cảnh tượng hi hữu: đánh bắt cá ngay trên đường phố Thủ đô.

Kinh hoàng vệ sinh vùng lụt. Ảnh: Lê Anh Dũng
Người dân Hà Nội đối phó với trận ngập lụt đầy bỡ ngỡ nhưng ngay sau đó đã tìm ra được những cách khác nhau để thích nghi. Số người chết trong trận ngập đã lên tới 18 người, trong số đó có cả những em học sinh. Các trường học phải thông báo cho học sinh nghỉ để tránh nguy hiểm, có trường nghỉ đến tận ngày 10/11 mới tiếp tục đi học trở lại. Thực phẩm khan hiếm, trở nên vô cùng đắt đỏ, có nơi người dân phải mua 1 mớ rau muống với giá 40.000 đồng.

Cơn đại hồng thuỷ này đã đặt ra nhiều vấn đề cho Hà Nội: Hệ thống thoát nước của Hà Nội hoạt động hiệu quả đến đâu sau khi đã được đầu tư nhiều tỷ đồng? Khả năng chính xác của công tác dự báo thời tiết đạt được đến mức nào? Phản ứng của chính quyền Hà Nội đã thực sự kịp thời và xác đáng...?

8. Thị trường chứng khoán tuột dốc không phanh

 
Bất chấp mọi nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam đã giảm giá ở mức độ kinh hoàng nhất trong lịch sử với chỉ số VN-Index hiện tại dao động xung quanh mốc 300 điểm, so với mức 927,02 điểm vào cuối năm trước đó. Chỉ số HASTC-Index có lúc còn xuống dưới 100 điểm, so với 323,55 điểm cuối năm 2007.

Thị trường chứng khoán giảm là do trước đó đã tăng quá nóng và cuộc khủng hoảng tài chính thế giới tồi tệ nhất trong vòng nhiều thập kỷ qua đã ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Hầu hết các doanh nghiệp đã gặp khó khăn về xuất khẩu, về bán sản phẩm trong nước, về vốn và lãi suất cũng như các chi phí đầu vào tăng cường trước khi khủng hoảng diễn ra. Rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính và bất động sản đã thua lỗ hoặc buộc phải điều chỉnh giảm mạnh kế hoạch lợi nhuận trong năm 2008.

Nhiều dự báo cho thấy thị trường chứng khoán khó phục hồi trong ngắn hạn do các nguồn tiền đổ vào chứng khoán hiện vẫn khá hạn chế.

9. Thị trường bất động sản ảm đạm

Thị trường bất động sản trầm lắng, có lúc đóng băng và giá giảm thảm hại trên phạm vi toàn quốc trong gần như cả năm 2008. Tại TP.HCM, giá bất động sản có nơi giảm tới 60-70%, giao dịch gần như không có trong suốt 12 tháng qua.

Tại Hà Nội, tình hình bớt bi đát hơn khi giá cả giảm không nhiều, khoảng 25-30% tuy nhiên giao dịch cũng rất thưa thớt, chủ yếu tập trung vào các căn hộ ở đã hoặc sắp hoàn thành và nhà ở có giá trị thấp dưới 1,5 tỷ đồng.

Trong năm 2008, thị trường bất động sản Hà Nội có một vài điểm sáng nổi bật trong những tháng đầu năm là khu vực Hà Đông và các khu đất nhà dọc đường Láng - Hoà Lạc. Thị trường tại đây sôi động bất ngờ và giá tăng vọt hồi đầu năm do thông tin tỉnh Hà Tây được sáp nhập về Hà Nội. Tuy nhiên, thị trường sau đó cũng trầm lắng trở lại, giá giảm đôi chút so với đỉnh điểm. Giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh trong những tháng đầu năm nhưng giảm mạnh trở lại vào cuối năm.

10. Cắm mốc phân định biên giới trên bộ với Trung Quốc

Đại diện hai nước Việt Nam - Trung Quốc tại lễ cắm mốc ở Lào Cai tháng 12/2007. Ảnh: HT

Bắt đầu từ tháng 12/2007, công tác phân giới cắm mốc trên đất liền với Trung Quốc bắt đầu được triển khai và dự kiến hoàn tất trong năm 2008.

Đây sẽ là một thành tựu chung có ý nghĩa lịch sử của Trung Quốc và Việt Nam. Lần đầu tiên, hai nước có một đường biên giới do chính hai Đảng cộng sản, hai Chính phủ tự hoạch định.

Đường biên giới trước đây do nhà Thanh hoạch định với Pháp, còn nhiều chỗ chưa hoàn chỉnh, mật độ cột mốc thấp, có chỗ 40 km mới có một cột mốc, dễ dẫn đến tranh chấp.

Cùng với việc hoàn tất phân định biên giới trên đất liền, Việt Nam và Trung Quốc cũng bắt đầu xúc tiến đàm phán giải quyết tranh chấp và phân định ranh giới trên vịnh Bắc Bộ.

11. Bão melamine và những hệ luỵ

Vụ bê bối sữa nhiễm melamine gây bệnh sạn thận ở trẻ em của Trung Quốc đã lan rộng thành cơn khủng hoảng mang tính toàn cầu. Hàng loạt các nước, trong đó có Việt Nam phải mở cuộc truy lùng sữa độc có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Đau đầu chọn sữa an toàn cho con.
Các nhà quản lý "tá hoả" khi phát hiện hàng trăm lít sữa độc Trung Quốc đã được tiêu thụ trên thị trường. "Cơn bão" melamine đã khiến cho đời sống của người dân bị xáo trộn, nhất là đối với những ông bố, bà mẹ có con nhỏ. Một số bà mẹ đã cho con "nhịn" sữa và thay bằng sản phẩm khác. Một số trường học trên địa bàn thành phố đã ra quyết định ngưng sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa. Điều này khiến cho việc bán sản phẩm của các công ty sữa trong nước đạt chất lượng vốn đã bị ảnh hưởng từ vụ sữa độc Trung Quốc càng trở nên bị đình trệ, khốn đốn.

Trước sự nguy hiểm của các chất phụ gia có trong thực phẩm, các cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nhiều lần khuyến cáo người dân nên cố gắng trở thành người tiêu dùng thông thái để tự cứu lấy mình trong tình hình vệ sinh thực phẩm không kiểm soát được. Với lời kêu gọi này, dường như các cơ quan quản lý đã thừa nhận sự bất lực của mình và ở một khía cạnh nào đó còn chứng tỏ sự vô trách nhiệm trước sức khoẻ và tính mạng của người dân.

12. Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời

Ngày 11/6/2008, tin buồn loang đi gây chấn động: cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc thời kỳ Đổi Mới đã từ trần sau một thời gian lâm bệnh nặng.

Võ Văn Kiệt thuộc thế hệ lãnh đạo hàng đầu đi tiên phong trên con đường đổi mới đất nước. Ông quan niệm rõ ràng và nhất quán về đổi mới: “Đổi mới không phải là xóa bỏ hoàn toàn cái cũ hay từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà là nhận thức lại một cách đúng đắn hơn về một chủ nghĩa xã hội nhân bản, hoàn thiện, với lý tưởng phục vụ con người, vì con người”.

Hàng vạn người dân tiễn biệt chú Sáu Dân về nơi an nghỉ cuối cùng.
Trong 10 năm: 1997 – 2007, trước mỗi sự kiện nóng bỏng, quan trọng mang tầm quốc gia hoặc ảnh hưởng lớn đến quyền lợi nhân dân, lại thấy Công dân Võ Văn Kiệt lên tiếng. Có khi là một bài viết, có lúc là bài trả lời phỏng vấn, và đặc biệt có cả những bức thư ngỏ công khai gửi lên các cấp lãnh đạo đất nước. Những ý kiến của ông được trình bày thẳng thắn và chứa tâm huyết lớn với nước với dân.

Sự ra đi của nhà lãnh đạo được dân mến, dân yêu đã để lại khoảng trống to lớn đối với nhiều người Việt Nam. Hàng vạn người dân, trong đó có những người dân lao động chưa một lần gặp mặt đã tụ tập suốt dọc con đường từ dinh Thống Nhất ra nghĩa trang TP để tiễn đưa ông lần cuối.

13. Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục năm 2009-2020 sau hơn 1 năm soạn thảo

Sự tham gia sôi nổi, rộng khắp và nhiệt tình của nhiều bộ phận khác nhau trong xã hội đóng góp ý kiến vào công việc giáo dục nói chung và đối với những chủ trương cụ thể mà ngành giáo dục dự kiến sắp thực hiện nói riêng. Một số nhóm các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đã đề xuất tiến hành cuộc cải cách giáo dục mới. Bộ GD-ĐT công bố dự thảo chiến lược phát triển giáo dục năm 2009-2020 sau hơn 1 năm soạn thảo. Nhiều nội dung trong dự thảo có ý tưởng mới và nhìn thẳng hạn chế của nền giáo dục nước nhà. Dự kiến sẽ lấy ý kiến cho dự thảo này trong 2 tháng. Nhiều ý kiến đóng góp hoài nghi về các mục tiêu duy ý chí cũng như cơ sở khoa học của chiến lược.

14. Phóng thành công vệ tinh VINASAT-1

Vào lúc 5h17 phút sáng ngày 19/4/2008, vệ tinh viễn thông thương mại đầu tiên của Việt Nam đã được phóng thành công lên vũ trụ từ Trung tâm vũ trụ châu Âu tại Kourou, French Guiana, Nam Mỹ. Sự kiện này mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành viễn thông, thông tin của Việt Nam, là sự kiện nổi bật trong năm 2008 không chỉ của ngành TT-TT mà của cả đất nước.

15. Phát hiện hàng loạt vụ bạo hành trẻ em

Hàng loạt những vụ bạo hành trẻ em
Dư luận liên tục bàng hoàng trước hàng loạt các vụ bạo hành trẻ em. Tháng 1, những thước phim quay được về một nhà trẻ tư nhân tại Đồng Nai cho thấy bà giữ trẻ - cai ngục Quảng Thị Kim Hoa chửi mắng, tát tai không thương tiếc các cháu nhỏ. Ở Bình Phước, những vết thương chằng chịt trên người cháu bé 5 tuổi Nguyễn Thị Hảo khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Em đã bị người mẹ ruột của mình hành hạ suốt trong một thời gian dài, bị cắt gân chân, ngón tay, khuôn mặt biến dạng, lưng bị đâm rạch vô số sẹo, nhiều chỗ bị nhiễm trùng, mưng mủ..., thậm chí có dấu hiệu xâm hại và buộc phải đi ăn xin. Phạm Thị Mai (SN 1978, quê Tiền Giang, ngụ tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh - TPHCM) đã nhẫn tâm dùng bình gas mini, vá, nồi, soong đánh con là Phạm Huy Hoàng khiến cháu bị chấn thương sọ não dẫn đến tử vong. Em Hồ Hữu Lợi bị mẹ nuôi ngược đãi, đánh đập, dùng búa để dạy dỗ; Em Hồ Thị Bông (9 tuổi), thường xuyên bị "mẹ" là bà Hồ Thị Ba, 57 tuổi (Quận 2, TP.HCM) đánh đập bắt đi ăn xin. Không nộp đủ tiền, bé Bông bị bà Ba dội cả nước sôi lên người...

Một sự thật đáng buồn là phần lớn những trường hợp bạo hành trên đều do người dân tố cáo, đến lúc được đăng tải trên các phương tiện truyền thông thì chính quyền địa phương mới biết đến. Điều này đặt ra dấu hỏi lớn về trách nhiệm và năng lực quản lý của chính quyền đến đâu.

16. Hà Nội, TP.HCM cấm hàng rong và xe ba gác

Theo Nghị quyết 32 của Chính phủ, từ 1/1/2008 đình chỉ xe ô tô hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3 - 4 bánh. Thời hạn này đã được lùi đến hết tháng 6 để các cơ quan, địa phương có thời gian chuẩn bị thực hiện và chuyển đổi phương tiện. Thế nhưng, bài toán hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hàng triệu người dân mưu sinh nhờ xe ba gác vẫn làm đau đầu các nhà quản lý.

Niềm vui từ hàng hoa rong
Từ 19/1/2008, quyết định của thành phố Hà Nội về việc quản lý hoạt động bán hàng rong chính thức có hiệu lực, cấm kinh doanh tại các địa điểm như sân ga, bến tàu, bến xe, khu vực trường học, bệnh viện... Tháng 5, Hà Nội ban hành danh mục 62 tuyến phố và 48 di tích lịch sử văn hóa không được bán hàng rong. TP.HCM nối tiếp với quyết định cấm bán hàng rong trên 19 tuyến phố quận 1.

Quyết định này ngay từ khi ra đời đã nhận được nhiều lời khen, chê. Có ý kiến hoàn toàn ủng hộ, vì Hà Nội là một thành phố văn minh, không thể để những người bán hàng rong nghênh ngang giữa phố. Ý kiến khác lại cho rằng, gánh hàng rong là một nét văn hoá của Hà Nội. Nó là miếng cơm, manh áo của người nghèo. Lại có cả ý kiến của một nhà kinh tế rằng, đây là một cách lưu thông hàng hoá rất tốt. Nó thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất phát triển, đáp ứng nhu cầu cho mọi giai tầng của xã hội chứ không như siêu thị, nơi mà người nghèo ít có điều kiện đặt chân vào...

17. Hội thảo quốc gia về "Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX" l

Hội thảo đã xác lập nhận thức mới, công bằng - khách quan về một thời kỳ dài trong lịch sử. Trải qua rất nhiều "định kiến", nay mới là thời điểm để khoa học có vai trò độc lập. Nhận thức mới cũng giải tỏa nhiều "ẩn ức" trong xã hội, và là bước tiến trong hành trình nhìn nhận lịch sử công bằng và khoa học hơn.

18. Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long kịp đăng ký di sản văn hoá thế giới trong năm 2008, mở ra cơ hội được UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới đúng dip kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Trong Hội thảo quốc tế về HTTL được tổ chức vào cuối năm, các học giả quốc tế (Nhật, Pháp, Ý, Bỉ, Trung Quốc) yêu và gắn bó với di sản của Việt Nam còn hơn nhiều học giả Việt Nam, sẵn sàng giúp không việc bảo tồn phát huy giá trị, bởi chính giá trị có một không hai của di sản.

19. Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 lần đầu tiên tổ chức tại VN

Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 lần đầu tiên tổ chức tại VN đã khá thành công, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam hiện đại ra với thế giới. Việt Nam cũng chính thức đăng cai HHTG 2010, thành phố tổ chức chính là Nha Trang. Lần đầu tiên một đại diện Việt Nam chiến thắng tại đấu trường sắc đẹp thế giới, Ngô Tiến Đoàn đoạt Mister International 2008.

20. Tổng kết 10 năm thành lập các trường ĐH, CĐ mới, xuất hiện tình trạng "nở rộ ĐH"

39 trường ĐH mới, bằng tốc độ mở trường trong 5 năm. Khối ngoài công lập tăng gấp 4 lần, từ 16 trường lên 64 trường. Trong 10 năm, tổng số trường ra đời là 78 ĐH, 130 CĐ. Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội đã kiến nghị tạm dừng tuyển sinh những trường ĐH, CĐ không đủ điều kiện. Giải trình về điều này trước Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng việc nở rộ ĐH có trách nhiệm của địa phương. Để thực hiện các giải pháp đảm bảo chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT đã kiểm định chất lượng giáo dục, khuyến khích xếp hạng các trường ĐH. Các kết quả đánh giá và xếp hạng này dự kiến công bố trong đầu năm 2009.

  • VietNamNet
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,