221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1102908
Đề án ghi 20 tiến sĩ, thực tế chỉ có...1!
1
Article
null
Sai phạm ở các trường ĐH, CĐ mới thành lập:
Đề án ghi 20 tiến sĩ, thực tế chỉ có...1!
,

 - Trong tờ trình của Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân gửi Bộ GD-ĐT có ghi giảng viên cơ hữu tại trường có 20 tiến sĩ, nhưng thực tế chỉ có 01 người. Nhiều sai phạm của các trường ĐH, CĐ mới thành lập được công bố. Vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH Trần Thị Hà cho biết, sẽ ngừng tuyển sinh những trường sau 3-5 năm thành lập không đáp ứng chất lượng.

"Hội nghị xây dựng và hoạt động của các trường ĐH, CĐ thành lập từ năm 1998 đến 2008" diễn ra sáng 30/8 tại Hà Nội đã đưa ra nhiều bất cập còn tồn tại trong hệ thống những trường ĐH, CĐ non trẻ.

Những thí sinh trong cuộc đua chạy vào ĐH, CĐ năm 2008. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo Vụ ĐH và sau ĐH, quy mô và tốc độ phát triển các trường ĐH bình quân trong 10 năm qua là một năm có 7,8 trường ra đời, riêng 2 năm 2006, 2007 có 39 trường ra đời, bằng tốc độ mở trường trong 5 năm. Khối CĐ cũng có tỷ lệ 13 trường ra đời/năm. Khối ngoài công lập tăng gấp 4 lần, từ 16 trường lên 64 trường. Trong 10 năm, tổng số trường ra đời là 78 ĐH, 130 CĐ. Nhờ đó, tổng số giảng viên ĐH, CĐ của cũng tăng lên gấp 2 lần, hiện nay là hơn 56 nghìn người.

Vụ trưởng Trần Thị Hà nhấn mạnh, các trường đã góp phần đáp ứng về cơ bản yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng miền và mỗi địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu học tập của nhân dân; giảm tải lượng SV ở 2 thành phố lớn, giảm sức ép đáng kể việc tăng quy mô tuyển sinh hàng năm, tạo cơ hội nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn cho người lao động. Năm học 2007-2008, cả nước có 1,6 triệu sinh viên ĐH, CĐ (gần 1,2 triệu sinh viên ĐH) và đạt 188 SV/ 1 vạn dân.

Tuy nhiên, do thời gian trưởng thành còn non trẻ nên các trường ĐH, CĐ này hiện còn tồn tại khá nhiều bất cập, thậm chí còn mắc khá nhiều sai phạm gây khó khăn cho cơ quan quản lý, không đáp ứng chất lượng đào tạo cho sinh viên. Trong đợt kiểm tra 59 trường, Phó Chánh thanh tra Trần Bá Giao nhấn mạnh, hầu hết các trường đều gặp khó khăn về đất đai, đặc biệt các trường đóng trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM. Cá biệt, một số trường CĐ Viễn Đông, CĐ Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân, ĐH tự thục CNTT Gia Định, ĐH Đông Đô vẫn phải hoàn toàn thuê mướn cơ sở đào tạo.

Thư viện của các trường đều chật hẹp, số đầu sách ít, chưa đáp ứng nhu cầu của giảng viên và sinh viên, nhiều trường chưa triển khai thư viện điện tử.

Một tiến sĩ, báo cáo thành 20

Không chỉ chật vật về cơ sở vật chất mà đội ngũ giảng viên cũng thiếu trầm trọng, một số trường không có chương trình, giáo trình. Theo đánh giá của ông Giao, riêng khối trường ngoài công lập, đội ngũ giảng viên nhìn chung vừa thiếu, vừa yếu và thường xuyên biến động. Thậm chí, qua kiểm tra còn phát hiện tình trạng gian lận là số lượng giảng viên cơ hữu thấp hơn số liệu gửi báo cáo Bộ để đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh. Đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cũng thấp hơn so với đề án xin mở ngành đào tạo, đặc biệt các trường có đào tạo chuyên ngành kỹ thuật.

Cụ thể, trong tờ trình của Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân có ghi giảng viên cơ hữu tại trường có 20 tiến sĩ, 105 thạc sĩ, 62 cử nhân nhưng khi kiểm tra bảng lương thực tế chỉ có 18 người với 1 tiến sĩ, 6 thạc sĩ và 11 cử nhân.

Ông Giao dẫn giải tiếp, Trường ĐH DL Phú Xuân tuyển sinh đào tạo trình độ ĐH ngành Tài chính-ngân hàng trong khi mới có 01 giảng viên cơ hữu có trình độ cử nhân đại học. Thậm chí, trường được phép tuyển sinh và đào tạo trình độ ĐH 12 ngành, chuyên ngành song thực tế chí có 3 giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ.

Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Đông Du có 6 giảng viên cơ hữu là cử nhân ĐH ngành kế toán nhưng đào tạo đến 850 sinh viên CĐ. Trường ĐH tư thục CNTT Gia Định được phép tuyển sinh và đào tạo trình độ ĐH 7 ngành, song thực tế hiện nay chỉ có 1 giảng viên cơ hữu ngành Quản trị kinh doanh có trình độ tiến sỹ.

Không chỉ có thế, nhiều trường còn đào tạo vượt chỉ tiêu đăng ký, đào tạo những ngành chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ông Giao ví dụ, Trường CĐ Kinh tế - Công nghệ TP.HCM 3 năm liền đều tuyển vượt trên 70% chỉ tiêu. Trường ĐH DL Cửu Long, CĐ Đức Trí, CĐ Kinh tế kỹ thuật Đông Du đã thông báo tuyển sinh cả những ngành chưa được giao nhiệm vụ.

Trở lại sự việc của Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân, do đăng ký gian lận nên chỉ tiêu tuyển sinh không phù hợp với năng lực thực sự dẫn đến hậu quả, trường chỉ đào tạo hệ CĐ, hệ TCCN giao cho các cơ sở "liên kết" như Viện Nghiên cứu phát triển văn hóa và giáo dục Đông Nam Á, Viện CNTT và Quản trị tài chính tổ chức đào tạo, trong khi các cơ sở này không có chức năng đào tạo TCCN.

Cũng về các sai phạm của các trường, Vụ trưởng Hà cho biết, do không nắm vững quy chế và buông lỏng quản lý nên một số trường đã gặp phải sai sót và lúng túng trong điều hành. Trường CĐ BC Công nghệ và Quản trị Doanh nghiệp tuyển sinh, đào tạo và cấp phát văn bằng cho 5 ngành đào tạo khi chưa có quyết định mở ngành...

Tiếp tục sai phạm trong hoạt động đào tạo, ông Giao còn chỉ ra việc một số trường chưa xây dựng đề cương chi tiết bài giảng (Trường ĐH tư thục CNTT Gia Định). Việc này cũng xảy ra ở khối trường công lập khi chỉ tiêu đã được giao nhưng thẩm định và phê duyệt đề cương chi tiết chưa thực hiện xong như Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh, CĐ Y tế Phú Thọ...

Ngừng tuyển sinh các trường 3-5 thành lập không đủ chất lượng

Để hạn chế những sai phạm này, theo bà Hà, sẽ ngừng tuyển sinh đối với các trường sau 3-5 năm thành lập không đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện như đã cam kết. Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra và giám sát để phát hiện các trường hợp vi phạm quy định tuyển sinh hoặc khai man số lượng giảng viên.

Năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 8,5-9 triệu thanh niên trong độ tuổi học ĐH. Do đó, xác định phấn đấu năm 2010 đạt 200 SV/1 vạn dân; 300 SV/1 vạn dân vào năm 2015 và 450 SV/1vạn dân vào năm 2020.

Lúc đó, quy mô đào tạo ĐH, CĐ cần đạt theo các mốc trên là: 1,8 triệu SV - 3 triệu SV và 4,5 triệu SV. Cũng mốc thời gian này, cần có trong hệ thống với quy mô hợp lý là: 386 trường (171 ĐH, 215 CĐ) - 410 trường (195 ĐH, 285 CĐ) và 600 trường (225 ĐH, 375 CĐ).

Còn ông Giao kiến nghị, cần kiên quyết chấm dứt tình trạng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ đầu tư xây dựng nhà trường, dẫn đến giảm sút chất lượng đào tạo, gây lãng phí lớn cho xã hội cũng như ảnh hưởng xấu đến uy tín của cả mạng lưới giáo dục.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nói rõ, trước khi nói về chương trình phải nói rõ về chuẩn đào tạo mà hiện nay các trường chưa nói được. Ví dụ, cử nhân, kỹ sư khi tốt nghiệp ngành của mình ra trường làm được cái gì. Từ chuẩn đào tạo này thì chương trình phải đi theo để phù hợp.

Giáo trình cũng phải thống nhất hoặc là tự viết, liên kết đặt hàng, dịch hoặc sử dụng trên mạng. Tới đây, Vụ ĐH sẽ có hướng dẫn cụ thể về giáo trình, ai được viết, thẩm định, ông Nhân cho biết. Khẳng định, tháng 8/2009, trước khi tuyển sinh các trường phải công bố mục tiêu đào tạo, chương trình học, giáo trình. Nếu không có các yếu tố đó thì không cho tuyển sinh.

Bồi dưỡng hiệu trưởng đã làm được 2 khóa rồi và tiếp tục làm, ông Nhân nhấn mạnh, phấn đấu đến năm 2010, tất cả hiệu trưởng đều phải được qua đào tạo. Không để tình trạng không học mà vẫn được làm hiệu trưởng.

  • Bảo Anh

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,