221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
933452
Sự thịnh vượng phải là mục tiêu lớn nhất
1
Article
null
Sự thịnh vượng phải là mục tiêu lớn nhất
,

(VietNamNet) - “Sự thịnh vượng về đời sống vật chất và tinh thần của người dân mới là điều mà tất cả các quốc gia phải hướng đến”. Bạn đọc Nguyễn Minh Hưng trao đổi về chủ đề “Đi tìm triết lý phát triển cho Việt Nam”.

 

>>>Triết lý phát triển: Vai trò tiên phong của hệ thống

>>> Yêu cầu khẩn thiết của đột phá

>>> Đi tìm triết lý phát triển cho Việt Nam

>>> Triết lý phát triển cho VN trên khía cạnh xã hội

>>> Góp thêm tiếng nói "Đi tìm triết lý phát triển cho VN"

>>> Tránh sai lầm: Triết lý cần theo đuổi của Việt Nam

>>> Có cần thiết một nền dân chủ kiểu phương Tây ở VN?

 

a.jpg

Sự thịnh vượng về đời sống vật chất và tinh thần của người dân là điều mà các quốc gia phải nghĩ đến.

Nhiều người dường như đang hiểu không đúng về mối liên quan giữa dân chủ, nhân quyền, đa đảng và sự thịnh vượng của một dân tộc.

Trước hết, dân chủ phải được hiểu là quyền làm chủ đất nước và lựa chọn người tài của đại đa số người dân phải được bảo đảm và thực thi một cách hiệu quả, đúng theo pháp luật quy định. Và tuyệt nhiên không có liên quan với việc quốc gia đó có đa nguyên, đa đảng hay không.

Thứ hai, đa đảng hay một đảng thực chất không phải là mục tiêu hướng đến của mọi quốc gia, mọi dân tộc mà tùy hoàn cảnh lịch sử cụ thể và lợi ích tối cao của từng quốc gia để có sự lựa chọn. Lợi ích đó trong hoàn cảnh Việt Nam chính là yêu cầu ổn định để phát triển. Trong thực tế, sự thịnh vượng về đời sống vật chất và tinh thần của người dân mới là điều mà tất cả các quốc gia phải nghĩ đến.

Singapore không cần phải đa nguyên, đa đảng vẫn có thể thịnh vượng.

Mỗi quốc gia có một quá trình hình thành lịch sử lâu dài khác nhau, giá trị bản sắc văn hoá đặc thù đa dạng không tương đồng. Chính điều ấy mới cần phải hoà hợp sao cho có phát triển vẫn không mất gốc, có hiện đại vẫn giữ được giá trị truyền thống đặc trưng của mỗi quốc gia. Và cũng chính điều ấy mới là việc mỗi chúng ta nên bận tâm đến.

Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, việc chạy đua học đòi theo kiểu phương Tây phải chăng là điều chúng ta nên thận trọng?

Không phải ngẫu nhiên mà một trong những cuốn sách nổi đình đám nhất tại Nhật Bản năm 2006, “Phẩm Cách Quốc Gia” của Fujiwara Masahiko, GS. Vật lý ĐH Ochanomizu lại thu hút nhiều độc giả đến như thế.

Trong tác phẩm của mình, ông nói mô hình phát triển kiểu phương Tây mặc dù mang đến cho Nhật Bản sự phát triển thần kỳ về kinh tế, nhưng nó đã và đang làm băng hoại các giá trị đạo đức của xã hội truyền thống Nhật Bản. Chính sự đua đòi thái quá kiểu phương Tây, theo ông, đã khiến các giá trị đặc thù rất riêng của Nhật Bản, như tinh thần võ sĩ đạo, không có cơ hội phát huy, mà ngày càng bị đẩy lùi, hủy diệt.

Không còn giữ được chân giá trị và bản sắc đích thực rất riêng của mình thì dù có giàu về vật chất đến mấy cũng chỉ như cái xác không hồn, lệ thuộc.

Bao nhiêu bạn trẻ ngày nay còn quan tâm đến các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc và bao nhiêu người Việt Nam ngày nay còn nắm vững kiến thức lịch sử về quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta trong suốt hơn 4000 năm qua? Phải chăng hơn bao giờ hết, đó mới là điều cấp bách nhất mà mỗi chúng ta nên nghĩ đến?

Sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia, dĩ nhiên không thể và không chỉ được tính bằng chỉ số GDP. Chúng ta, mỗi người Việt Nam, đều có thể có được mức sống đầy đủ về mặt vật chất và tinh thần bằng hoặc vượt qua các nước trong khu vực và nhiều nước khác trên thế giới chỉ trong vòng 5-10 năm tới nếu tất cả mỗi người chúng ta đều một lòng quyết tâm, tự vạch ra những hướng đi cụ thể cho mình, dám đứng lên đối mặt với những căn bệnh của xã hội như tham nhũng, lười nhác, chậm chạp và lỗi thời bảo thủ. Có như thế, chúng ta mới có thể tạo ra được bước đột phá mạnh mẽ cho chính mình, cho quê hương và cho dân tộc được.

Chuyện cần làm ngay bây giờ, theo tôi, là ý thức hành động và thực thi ngay những điều có thể vào ngày hôm nay, để thế hệ mai sau con cháu chúng ta sẽ không phải tủi hổ về sự lưỡng lự, đắn đo của các bậc cha anh của chúng ngày nay.

  •  Nguyễn Minh Hưng, SV Đại học Meio, Nhật Bản

Mời các bạn tiếp tục tranh luận “Đi tìm triết lý phát triển cho Việt Nam”:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,