- Trong tháng 9, bệnh tay chân miệng tăng 62%, ca tử vong do sốt xuất huyết tăng 50% so với cùng thời điểm năm 2008, đau mắt đỏ lan rộng và đang trở thành dịch, 80% các trường hợp bị cảm cúm tại TP.HCM có khả năng liên quan đến cúm A/H1N1. Có thể nói, tại TP.HCM nhiều dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Ngày 14/10, trong cuộc họp giao ban các quận, huyện về dịch bệnh tại Sở Y tế TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP cho biết: trong tháng 10 đã có một bệnh nhân tử vong vì sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay đã có 10 ca sốc nặng tử vong, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các quận, huyện trên địa bàn TP có số ca sốt xuất huyết liên tiếp trong nhiều tháng không giảm là Tân Bình, Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè, Tân Phú, Bình Tân.
Riêng quận Tân Bình, Thủ Đức, Bình Chánh, Tân Phú có số ca sốt xuất huyết tăng rất cao trong tháng 9.
Một ca sốt xuất huyết nặng đang được cấp cứu. Ảnh:Thanh Huyền
Những quận huyện tồn tại nhiều ca bệnh tay chân miệng là quận 7, 8, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức, Bình Chánh, Bình Tân.
Sau khi đi khảo sát việc phòng, chống bệnh tay chân miệng tại các tuyến cơ sở, đại diện đoàn kiểm tra số 4 cho biết phát hiện rất nhiều trẻ nhỏ dưới 5 tuổi sinh sống tại các phòng trọ trên địa bàn huyện Nhà Bè. Điều kiện sống của những em bé này chật chội, ô nhiễm nên nguy cơ lây nhiễm bệnh tật là rất cao.
Cùng ngày, Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết, từ tháng 9 đến nay, bệnh nhân đến khám do đau mắt đỏ đã là 7.000 lượt, cao hơn số ca bệnh trung bình của các tháng trước đến hơn 1.000 người.
Hằng ngày, các bác sĩ phải khám cho gần 300 bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ, trong đó người lớn chiếm 2/3 trên tổng số ca bệnh.
Một bệnh nhân đang được kiểm tra mắt tại BV Mắt TP.HCM. Ảnh: Thanh Huyền
Bác sĩ Trần Kế Tổ, giảng viên bộ môn Mắt, Đại học Y dược TP.HCM cho biết: đau mắt đỏ là một dạng dịch bệnh rất dễ lây lan. Để phòng ngừa căn bệnh này, người dân cần uống vitamin C, sinh hoạt điều độ để làm tăng sức đề kháng.
Khi có triệu chứng cộm trong mắt, chảy nước mắt, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời. Nếu mắt bị mờ, có thể virus gây bệnh đã làm biến chứng lên giác mạc.
Ngoài ra, bệnh nhân không nên tự dùng thuốc để điều trị bệnh đau mắt đỏ. Điều này có thể làm diễn biến bệnh xấu đi dẫn đến giảm thị lực, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể gây mù lòa.
Riêng diễn biến của đại dịch cúm A/H1N1 tại TP.HCM đang có dấu hiệu chững lại, thời gian gần đây không phát hiện thêm các ổ dịch mới. Tuy nhiên, nếu trên toàn quốc, 70% các ca có triệu chứng cảm cúm, dù không cần xét nghiệm vẫn có khả năng là do cúm A/H1N1 thì tại TP.HCM tỷ lệ này cao hơn, khoảng 80%.
-
Thanh Huyền