221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
1240878
Kỳ 2: Cạn khô nước mắt những làng chài
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Kỳ 2: Cạn khô nước mắt những làng chài
,

 Trong suốt 192 giờ đối mặt với thần chết giữa biển khơi xa, hơn 200 con người đã may mắn trở về trong nước mắt của người thân trên bờ chờ đợi. Câu chuyện thấm đẫm nước mắt của những người vợ, người con, người cha, người mẹ và bà con nơi những làng chài An Hải, huyện đảo Lý Sơn và Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi chờ đợi trong vô vọng. Có lúc những người trên bờ không tin nỗi những ngư phủ giữa biển khơi xa thoát chết trở về…

 

216 giờ nghẹt thở nơi những làng chài

 

Chị Phan Thị Hạnh, vợ thuyền trưởng Trương Minh Quang, chủ của chiếc tàu  QNg-90078-TS đến bây giờ vẫn chưa hết bàng hoàng, vẫn chưa tin chồng mình còn sống trở về.

khoc 2.JPG
Gia tài còn lại của anh Trương Minh Quang là chiếc tàu tơi tả và mãnh bao tời không bị cướp

 Dẫu rằng anh Quang đang ngồi trước mặt chị và 3 đứa con nhỏ trong căn nhà cấp 4 nơi làng Gành, thôn Châu Thuận, xã Bình Châu để kể lại chuyện 3 lần thoát chết trong bão số 9 vừa qua.

Đã có hơn 20 năm cưỡi sóng, đạp gió nơi biển khơi xa, từng bị Trung Quốc bắt giữ, từng bị trấn cướp, đánh đập nhưng theo anh Quang, đến chết anh vẫn không thể quên được chuyến ra khơi hãi hùng này.

 

Sau những ngày bị bão số 9 quật tơi bời, những tưởng sẽ bình yên sau khi tìm được chỗ trú ẩn tại quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam thì tàu anh Quang cùng 16 tàu bạn lại tiếp tục bị trấn cướp, đánh đập trong suốt buổi chiều 30-9 sau khi bão tan.

 

Hết rồi, trắng tay rồi...
Hết rồi, trắng tay rồi...

 Để rồi đến khi cướp xong, đập phá đồ đạc, đổ nước uống, thu lương thực… những kẻ này đã cho tàu của các ngư dân trở về giữa biển khơi mờ mịt không một phương tiện định vị, tìm đường.

 

Tất cả 200 con người trên 17 con tàu ấy đã phải gồng mình giữa sóng to gió lớn ngoài khơi, mò mẫm tìm đường về đất liền suốt hơn 3 ngày đêm trong tình trạng đói khát, không phương tiện liên lạc, không máy định vị.

 

May thay, những đứa con của biển cũng về được đất mẹ trong cạn khô nước mắt của người thân trên bờ…

 

Cạn khô nước mắt những làng chài

 

Thuyền trưởng Trương Minh Quang kể: “Sáng ngày 2-10, khi trên đường chạy về, nhờ chiếc máy Icom duy nhất của anh Nguyễn Văn Tàu cất giấu được, nên tui nhờ liên lạc về nhà báo cho vợ con biết tui còn sống. Khi nghe không phải giọng của tui gọi về, vợ tui cùng bà con không tin tui còn sống. Cứ tưởng là ông Tàu giấu, nên bắt phải được nghe giọng nói của tui mới tin. Đến khi tui bảo Quang đây. Nghe được giọng tui nói qua máy Icom, vợ tui oà khóc, và lúc đó tui chỉ còn nghe tiếng khóc oà của nhiều người như nhà có đám…”

KHOC.JPG
Chị Phan Thị Hạnh cạn khô nước mắt trong những ngày chờ đợi chồng là thuyền trưởng Trương Minh Quang

Không riêng gì vợ con anh Quang, những người vợ, những đứa con, những người cha, người mẹ cùng bà con của các ngư dân ở các làng Gành, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn và  làng An Hải, Lý Sơn đều mất ăn, mất ngủ ngóng đợi tin tức.

Càng ngóng đợi tin tức, càng biệt tăm. “Suốt từ ngày 28-9 đến mãi sáng mùng 2-10, tui ngồi trực chiến tại đài canh. Mỗi khi nghe tiếng máy rọt rẹt là tui bật dậy. Suốt 5 ngày đêm chờ chẳngt hấy các tàu gọi về. Tui nghĩ chắc anh em gặp nạn rồi…” ông Bùi Hồng Vân, cán bộ phụ trách thuỷ sản của xã Bình Châu, người trực chiến đài canh của xã kể.

 

Ông Châu cũng như lãnh đạo của xã Bình Châu và xã An Hải đều nghĩ rằng toàn bộ 17 con tàu đánh bắt trên đã gặp nạn, cơ may sống sót trở về là rất ít.

 

Trong suốt những ngày mất liên lạc với chồng, chị Nguyễn Thị Hậu, vợ của thuyền viên Lê Văn Trầm đi trên tàu của anh Quang cho biết là chị thức trắng 5 đêm ôm con nhỏ ngồi khóc chờ tin chồng. Chị bảo: “Càng chờ, càng vô vọng. Chịu không nổi, tui ôm con ra bờ biển ngồi đợi. Mấy anh ở xã và bà con hàng xóm ra an ủi và đưa về. Những ngày đó sao mà dài lê thê, có lúc ngực em tưởng như nghẹt thở, không còn hy vọng ảnh trở về…”

Trong lúc tưởng chừng như tuyệt vọng ấy, cả làng Gành, Bình Châu và An Hải Lý Sơn nhận được tin từ chiếc máy Icom còn lại trên chiếc tàu ông Nguyễn Văn Tàu báo về tất cả đều còn sống, đang trên tìm đường trở về. Tất cả những người trên bờ oà khóc sau hơn 5 ngày đêm mất liên lạc.

Bà Nguyễn Thị Mai, vợ của lão tài công Nguyễn Văn Bay thì kể: “Từ hôm mất liên lạc tổng cộng 5 ngày đêm tui bỏ ăn, mất ngủ. Đến chiều ngày 2-10, nhận được tin báo ổng gọi về, lúc đó tui xỉu, may được bà con đưa đi viện…”

Nhưng rồi họ lại nín thở dõi theo những con tàu tiếp tục bị sóng biển đánh trôi dạt tứ tán ngoài khơi trên đường trở về do không còn máy móc định vị, liên lạc, thiếu dầu, thiếu lương thực.

 

Đến sáng ngày 6-10, tất cả các tàu lần lượt cập bến an toàn trong cảnh tả tơi, đói khát.

 

Những người thân trên bờ và những người trở về ôm nhau oà khóc nơi bến cảng Sa Kỳ và An Hải, Lý Sơn. Dường như nước mắt của những người dân trở về và những người thân trên bờ đã cạn trong hơn 9 ngày chờ đợi trong thấp thỏm âu lo.

Bà Nguyễn Thị Mai chờ chồng trở về sau 9 ngày nghẹt thở, cạn khô nước mắt
Bà Nguyễn Thị Mai chờ chồng trở về sau 9 ngày nghẹt thở, cạn khô nước mắt

 

Ông Nguyễn Năng, nhà ở làng An Hải, Lý Sơn kể cho tôi nghe qua điện thoại là làng ông suốt mấy ngày ni vui như hội vì 14 chiếc tàu của làng ông với hơn 140 con người trở về. Dẫu bị sóng đánh tơi bời, dẫu bị bầm tím mặt mày. Nhưng vẫn còn được mạng sống trở về.

 

Nhà cửa bị bão đánh sập, vẫn chẳn ai thèm dựng lại mà như lời nhiều người bảo là “người còn của còn”. Tất cả bà con trên đảo kéo đến nhà các ngư dân để mừng trở về.

 

Cả làng đều vui, những chủ tàu may mắn trở về thì lễ lạc hương đèn để đến cúng tạ thần linh nơi những miếu thờ nằm dọc bờ biển mà như lời cầu khấn lúc nguy nan của các ngư dân giữa biển khơi mịt mù. Chính đức tin mà như lời bao ngư dân thoát nạn bảo là thần linh đã giúp họ tai qua nạn khỏi của 3 lần thoát chết. Nên phải giữ lời hứa, dẫu nghèo và trắng tay cũng phải vay mượn để lo.

 

Trong khi đó, người thân của 3 chiếc tàu làng Gành, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn vẫn cứ ngỡ như trong mơ khi người thân trở về.

 

Chị Phan Thị Hạnh, vợ anh Quang kể: “Đến chừ tui vẫn không nghĩ ảnh còn sống trở về với mẹ con tui. Mấy đêm nay mấy mẹ con tui ôm ảnh ngủ, nhưng giữa khuya cứ giật mình choàng tỉnh tưởng ảnh không về. Khi thấy ảnh nằm ngủ, tui mới tin…”

 

Dường như nỗi ám ảnh về những cái chết giữa trùng khơi của bao ngư dân xấu số ám ảnh những người phụ nữ nơi vùng đất nghèo khó lắm bão này.

 

 

khoc3.JPG
Trắng tay rồi, ngày mai biết sống ra sao? Lời than của thuyền trưởng Trương Minh Quang

 

 

Rời làng Gềnh, Bình Châu, Bình Sơn, tôi ngước nhìn về cảng Sa Kỳ, nơi có hàng trăm con tàu vừa trở về từ biển khơi xa trong cảnh tả tơi vì bị sóng bão dập vùi mà lòng quặn thắt.

 

Tôi vẫn còn nhớ như in lời kể lại của bao ngư dân vừa trở về mà lòng tự hỏi đến bao giờ, những ngư dân làm ăn lương thiện trên vùng biển quê nhà không còn cảnh ức hiếp.

 

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi Nguyễn Thanh Hùng khẳng định, xã sẽ có báo cáo và kiến nghị với Đảng và Nhà nước có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ bà con ngư dân. Còn trước mắt, xã còn nghèo quá, không biết làm cách nào để giúp. Chỉ mong sự chia sẻ của đồng bào cả nước đối với những ngư dân vừa trở về để một phần nào an ủi.

 

Trong giấc ngủ chập chờn sau hơn 1 ngày đêm vượt hơn 130 km trở về từ những làng chài xơ xác, tôi vẫn còn nghe lời than vãn của ngư dân Trương Minh Quang: Không được hỗ trợ giúp đỡ kịp thời, chắc phải bán tàu ngồi nhà chịu đói thôi. Chớ biết mần răng chừ…


  • Hoàng Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
rrer_", r));