- 2 mạch đường dây 500 kV đã bị bão đánh hỏng, nhiều đoàn tàu đã phải dừng chuyến giữa chừng, hàng chục chuyến bay phải huỷ, hơn 500 hộ dân ở Quảng Ngãi đang bị cô lập hoàn toàn, 25 người chết và mất tích vì bão số 9.
37 người chết, mất tích
Theo báo cáo của các địa phương về Ban chỉ đạo tiền phương đặt tại Đà Nẵng, tính đến 3h chiều nay đã có 22 người chết, 3 người mất tích, 12 người bị thương do bão số 9.
Tường thuật trực tiếp từ điểm tâm bão Quảng Nam
Tường thuật trực tiếp từ Đà Nẵng, nơi bão số 9 đang hoành hành
Tường thuật trực tiếp thông tin về bão số 9 từ Quảng Trị |
Trong số 12 người bị thương, Huế có 7 người, Phú yên: 2 người và Quảng Ngãi: 3 người.
Tính đến 16h chiều ngày 29/9, đã có 80 nhà sập và , 6.423 ngôi nhà bị ngập, 1.718 nhà tốc mái, hư hỏng, có 8 trường học và trạm y tế ngập và hư hỏng.
Người dân di chuyển đồ đạc để chạy bão. Ảnh chụp tại Huế trưa 29/9: LAD |
Diện tích lúa bị ngập và ngã đổ là 1.822 ha, 1.88ha hoa màu ngập úng, trên 2.200ha diện tích cây công nghiệp bị hư hại, 6 tàu thuyền bị đánh chìm, 5 cột điện bị đổ và một số trâu bò chết.
Bão đánh hỏng đường dây 500kV Bắc-Nam
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, ảnh hưởng của cơn bão số 9 với sức gió cấp 12, giật trên cấp 12 đổ bộ trực tiếp vào khu vực miền Trung đã gây sự cố 2 mạch đường dây 500 kV Bắc - Nam (đoạn Đà Nẵng - Hà Tĩnh) từ chiều và tối ngày 28/9/2009.
Hai mạch đường dây 500 kV này cung cấp 25% sản lượng điện cho miền Bắc. Với sự cố này, khu vực miền Bắc phải hạn chế công suất ở mức 400-500 MW trong giờ cao điểm sáng và chiều ngày 29/9 cho đến khi khôi phục vận hành hoàn toàn hệ thống 500 kV liên kết.
Hiện nay, hai hệ thống điện miền Bắc và miền Nam đang phải vận hành độc lập.
Trên địa bàn các tỉnh miền Trung, bão số 9 đã gây sự cố nhiều đường dây 220, 110 kV (đường dây 220 kV Hòa Khánh - Huế, 220 kV Quy Nhơn - Pleiku, 110 kV Đà Nẵng - Hòa Khánh, Đà Nẵng - Liên Trì - Quận 3, Dốc Sỏi - Quảng Ngãi, v.v...) và nhiều trạm biến áp và đường dây trung và hạ thế.
Phần lớn các phương tiện cá nhân không thể di chuyển được trong vùng bão. Ảnh: LAD
Do đó, đã ảnh hưởng cung cấp điện nhiều khu vực trên địa bàn các tỉnh từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Phú Yên.
EVN cam kết sẽ hết sức nỗ lực để khôi phục cấp điện trong thời gian nhanh nhất sau khi cơn bão đi qua.
Lũ lên cao, nhiều xã bị cô lập
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, sáng 29/9, UBND tỉnh đã chỉ đạo di dời khẩn cấp trên 1.000 hộ dân ở các xã ven biển từ huyện Bình Sơn tới huyện Đức Phổ
Riêng huyện đảo Lý Sơn - nơi tâm bão đi qua gió giật cấp 12, cây cối hoa màu bị thiệt hại nặng. Hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái phải di dời tới trường học, trụ sở ủy ban các xã. Hiện thiệt hại chưa thống kê được, do phương tiên liên lạc giữa Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão của tỉnh và huyện đảo Lý Sơn chỉ duy nhất qua máy bộ đàm.
Chạy bão với tài sản chỉ có xô nhựa và gói mì tôm. Ảnh: Vũ Trung
Theo ghi nhận của VietNamNet, tại khu vực nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện gió mạnh cấp 10, cấp 11, sóng biển cao từ 5 – 7m. Theo thống kê sơ bộ có hàng trăm tàu cá nằm ở các bãi ngang ven biển Quãng Ngãi bị đánh chìm. Tuy nhiên, việc cứu hộ các tàu này là không thể, do gió bão và mưa rất mạnh..
Tuyến đường quốc lộ 24B xuống các xã Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ (huyện Sơn Tịnh), xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) cây cối bị ngã rạp, nước lũ lên cao khiến các địa phương này bị cô lập hoàn toàn.
Cũng theo ghi nhận, tại địa bàn TP Quãng Ngãi, gió mạnh cấp 10 -11 đã khiến các bảng hiệu quảng cáo bị hất tung, bay khắp đường. Giao thông một số tuyến đường bị ắch tắc do cột điện, cây cối ngã.
Đến 11h sáng 29/9, mực nước trên các sông như Trà Khúc, Trà Bồng lên cao và ở mức báo động 3. Lũ lên cao bất ngờ ngoài dự đoán khiến người dân bị động, vừa phải đối phó với bão, vừa đối phó với mưa lũ..
Tình hình nước lũ lên cao khiến hàng ngàn hộ dân ở xã Bình Chánh, Bình Dương (huyện Bình Sơn) bị ngập chìm trong nước, chính quyền địa phương các xã này đang tìm cách sơ tán dân tới các điểm cao, an toàn…
Toàn tỉnh mất điện từ tối qua. Gió rất mạnh, phương tiên liên lạc với bên ngoài chủ yếu qua điện thoại cố định, tuy nhiên tại nhiều xã, đường dây đứt nên liên lạc bị cắt đứt.
Còn 500 hộ dân cô lập giữa lúc thủy triều đang lên
Lúc 14h30 chiều 29/9, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Đào Xuân Học báo cáo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: "Bão số 9 đã đổ bộ vào đất liền tại khu vực Dung Quất (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) và đã đi sâu vào đất liền 10km. Gió vẫn rất mạnh và mưa vẫn rất lớn Thủy triều và lũ dâng còn rất phức tạp".
Theo Phó Thủ tướng, hiện có 3 trường hợp đáng phải lo ngại.
Đó là trường hợp trại nuôi tôm xã Hòa Liên (quận Liên Chiểu) Đà Nẵng có 6 người bị cô lập. Ban chỉ đạo tiền phương đã báo cho bộ đội biên phòng Đà Nẵng đến ứng cứu.
Tại đầm nuôi tôm Dốc Phú (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) có 12 hộ đang bị cô lập thủy triều đang lên. Ban chỉ đạo tiền phương đã báo cho lãnh đạo tỉnh để điều lực lượng ứng cứu.
Đặc biệt tại thôn Thạch An xã Bình Mỹ huyện Bình Sơn có 500 hộ bị lũ sông Trà Bồng chia cắt cô lập. Ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn cũng có 100 hộ ở vùng nuôi tôm cũng bị thủy triều cô lập.
Nhiều tuyến đường tại Nam miền Trung bị nghẽn do nước ngập cao. Ảnh: LAD
Phó Thủ tướng chỉ đạo: "Cần nhanh chóng đẩy mạnh việc ứng cứu. Hiện nay tập cần trung ứng cứu cao nhất cho 500 hộ thôn Thạch An, xã Bình Mỹ bị nước lũ sông Trà Bồng cô lập".
Hiện nay, lũ trên sông Trà Bồng đã vượt mức lũ trong lịch sử trước đây.
Theo thông tin từ lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, đường bộ lên nơi 500 hộ này trú ngụ có 3 đoạn ngập rất nặng, không có phương tiện nào qua được. Nếu đi đường bộ đến nơi cách 500 hộ đó 20km vẫn phải dừng lại.
Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Quảng Ngãi và quân khu 5 cần triển khai phương tiện cứu hộ bằng đường sông để tìm cách tiếp cận và cứu hộ 500 hộ này
Theo báo cáo của BCĐ tiền phương, hiện đã có 2 người chết, 5 người bị thương ở Quảng Ngãi, Quảng Nam có 3 người chết.
-
Nhóm phóng viên thời sự