- 130 người vợ bị nạn bạo hành gia đình đã được Hội LHPN Đà Nẵng tư vấn để nâng cao vai trò trong xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc
Tiếp sau cuộc gặp gỡ, đối thoại của Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh với 130 ông chồng có hành vi bạo lực gia đình cách đây gần nửa tháng, ngày 18/8, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Đà Nẵng và các ngành chức năng TP tiếp tục có cuộc gặp với các bà vợ của họ. Đây là cuộc gặp mang tính chất tự nguyện, các đối tượng tham gia được chính quyền cơ sở vận động chứ không bắt buộc.
Những người vợ, nạn nhân của các hành vi bạo hành gia đình, tại cuộc gặp ngày 18/8 Ảnh: HC
Theo bà Đỗ Thị Kim Lĩnh, Chủ tịch Hội LHPN Đà Nẵng, từ trước đến nay, vấn đề bạo lực gia đình vẫn thường bị coi là việc riêng của mỗi gia đình và ít được công khai trước công luận. Người trong cuộc không nói ra thì người ngoài cũng không ai biết. Do vậy, tỷ lệ bạo hành gia đình liên tục gia tăng trên phạm vi cả nước.
Trong số 130 người vợ đến dự cuộc gặp mặt, gần một phần ba thuộc diện hộ nghèo, có trình độ học vấn thấp. Tuy nhiên, cũng có những người là vợ của giảng viên đại học mà vẫn phải gánh chịu nạn bạo lực trong gia đình. Không chỉ bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng mà những người vợ này còn bị chồng dùng lời lẽ lăng mạ, cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi hoặc thường xuyên gây áp lực tâm lý…
Chị L.T.H. ở phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) kể, gia đình chị cũng thuộc vào loại tương đối khá giả, công việc của chị ổn định. Vậy mà ông chồng cứ lôi vợ ra mắng, chửi, nhất là khi ông nhậu say về hoặc khi chị về nhà trễ. Mặc dù rất khổ tâm nhưng do thấy chồng không đánh đập nên chị cứ nghĩ mình không phải nạn nhân của nạn bạo hành trong gia đình. Đến dự cuộc gặp chị mới biết, mình cũng chung cảnh ngộ với 130 người vợ kia, dù mỗi người phải gánh chịu mỗi kiểu bạo hành khác nhau.
Cũng có những trường hợp người vợ bị bạo hành vì hay “đổ thêm dầu vào lửa”. Đơn cử như chị H.T.L. cũng ở phường Khuê Trung có chồng mê "người lạ" hơn vợ. Thấy mặt vợ là anh ta đánh, chửi vì "không ghiền". Thay vì tìm những phương thức khéo léo, thích hợp hơn để khuyên răn thì chị L. cứ thấy chồng ra khỏi nhà là "biến" thành "thám tử", theo dõi từng chỗ chồng lui tới, sau đó về nhà cằn nhằn, tru tréo. Nghe vậy, anh chồng càng nổi máu, dùng nắm đấm giải quyết chuyện gia đình!
Theo luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư Đà Nẵng), tuy nước ta đã có Luật Phòng chống bạo lực gia đình nhưng trên thực tế, việc tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực này còn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại và hầu như không hiệu quả bởi chưa có biện pháp chế tài cụ thể.
Do vậy, cuộc gặp đã dành phần lớn thời gian để các chuyên gia tâm lý, luật sư tư vấn cho các bà vợ về vai trò, trách nhiệm, thái độ ứng xử của người vợ, nhất là khi bị chồng ngược đãi để có các biện pháp ngăn ngừa, phòng chống hiệu quả và nâng cao vai trò của nữ giới trong việc góp phần xây dựng cuộc sống gia đình bình yên, hạnh phúc.
Tại cuộc gặp, Hội LHPN Đà Nẵng cũng tiến hành khảo sát tình hình thực hiện cam kết không tái phạm tình trạng bạo lực gia đình mà các ông chồng cá biệt đã ký trong cuộc đối thoại với Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng. Một số chị em cho biết, sau cuộc gặp của Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, các ông chồng của họ đã có chuyển biến đáng mừng, ít còn đánh đập, chửi mắng vợ con như trước.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp như chị P.T.N.L (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) bị chồng đánh đập suốt gần 20 năm nay, nhiều lần phải nhập viện. Chị cứ ngỡ sau buổi đối thoại của Bí thư Thành ủy, chồng chị sẽ khác đi, nhưng không ngờ đâu vẫn vào đấy.
Bà Đỗ Thị Kim Lĩnh cho hay, Hội LHPN Đà Nẵng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra các trường hợp vi phạm cam kết đã ký với lãnh đạo TP để có biện pháp xử lý thích đáng.
-
Hải Châu