– Đêm 7/8, sau khi suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vịnh Bắc Bộ, bão số 6 bất ngờ trở lại khi vùng áp thấp này ngày một mạnh lên thành bão.
Bão còn cách bờ biển Thanh Hóa – Nghệ An 270km
Vị trí hiện tại của bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển khu vực miền Trung của Việt Nam.
Bão số 6 đã suy yếu nhưng rạng sáng nay lại bất ngờ mạnh lên, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển nước ta (Ảnh: NCHMF) |
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vào 4h sáng nay (8/8), vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 108,3 Kinh Đông, cách bờ biển Thanh Hoá - Nghệ An khoảng 270 km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 6 di chuyển theo hướng giữa Tây Nam và Nam Tây Nam, sau đó đổi hướng di chuyển giữa Nam Đông Nam và Đông Nam mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Nam vịnh Bắc Bộ và còn có khả năng mạnh thêm.
Dự báo đến 4 giờ ngày mai (9/8) vị trí bão ở vào khoảng 18,0 độ vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Trị – Thừa Thiên Huế khoảng 220 km về phía Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 150 km.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 6 di chuyển theo hướng Đông sau đó là giữa Đông Đông Bắc và Đông Bắc mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Nam vịnh Bắc Bộ và phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa.
Đến 4 giờ ngày 10/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 260 km về phía Tây Bắc.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 150 km.
Bão số 6 chưa ảnh hưởng đến đất liền
Hiện nay, bão số 6 chủ yếu ảnh hưởng đến các vùng biển của Việt Nam. Khu vực đất liền từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to, có nơi mưa rất to. Cần chủ động đề phòng lũ lớn trên các sông suối, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Nam vịnh Bắc Bộ và phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động mạnh.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: “Bão số 6 suy yếu thành một vùng áp thấp, nhưng vùng áp thấp này vẫn tồn tại trên biển. Nhờ có sức gió, độ ẩm nên nó được “tiếp sức” và dần dần mạnh lên. Nếu áp thấp này đi vào đất liền, nó sẽ bị ma sát, suy yếu và tan biến”.
Hiện nay, ở phía Bắc đảo Đài Loan có một cơn bão rất mạnh (có tên quốc tế là Morakot) đang hoạt động. Do ảnh hưởng của cơn bão này, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam biển Đông có gió mạnh cấp 7, cấp 8, riêng khu vực Đông Bắc biển Đông mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Sóng biển cao 3 – 5 mét.
Ông Hải cho hay: “Vì là một cơn bão rất lớn, bão Morakot có khả năng sẽ tương tác với cơn bão số 6, khiến bão số 6 có thể đổi hướng hoặc mạnh thêm”.
Theo kinh nghiệm cá nhân sau nhiều năm làm trong nghề, ông Hải cho biết rất hiếm khi gặp những cơn bão bất thường theo kiểu “chết đi sống lại” như bão số 6 hiện nay.
Diễn biến bão số 6 còn rất phức tạp. Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ các bản tin tiếp theo để ứng phó kịp thời với tình hình bão.
Công điện khẩn phóng tránh bão số 6 Trước diễn biến của cơn bão số 6, sáng 8/8, ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện khẩn gửi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh tới Cà Mau yêu cầu các tỉnh chủ động triển khai phòng tránh bão số 6 và thời tiết xấu trên biển. Theo đó, các tỉnh này phải quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, thông báo và hướng dẫn cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm và tìm nơi trú tránh. Đặc biệt lưu ý các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, cần theo dõi sát diễn biến mưa lũ, kiểm tra, rà soát các phương án để sẵn sàng đối phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất đảm bảo an toàn cho người, tài sản. Tất cả các địa phương trên phải duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên ngành. Huy động phương tiện của nhân dân tại cơ sở để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu và bố trí trực ban 24/24, có báo cáo thường xuyên. |
-
Cẩm Quyên