221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
1226650
Cúm A/H1N1 lan nhanh: Người thờ ơ, kẻ lo sốt vó
0
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
TP.HCM:
Cúm A/H1N1 lan nhanh: Người thờ ơ, kẻ lo sốt vó
,

 - Bộ Y tế đã chính thức công bố dịch cúm A/H1N1 đã lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên, nhiều người dân ở TP.HCM còn chủ quan, coi thường với nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng.

 

“Mù tịt” kiến thức về cúm A/H1N1

 

Theo ghi nhận của VietNamNet, tại những nơi đông người dễ lây lan dịch bệnh như các bến xe, bệnh viện… rất nhiều người dân vẫn tỏ ra thờ ơ với dịch cúm A/H1N1.

 

Khu vực bến xe Miền Đông có hàng ngàn người ra vào tấp nập từ sáng sớm; bên trong phía quầy vé tập trung khá đông người trên các ghế chờ, tuy nhiên rất ít người đeo khẩu trang phòng chống dịch lây lan. Thậm chí, các nhân viên tại khu vực bến xe Miền Đông là những người trực tiếp tiếp xúc với hàng ngàn lượt khách mỗi ngày cũng tỏ ra lơ là với dịch bệnh. 

Công tác phun hóa chất phòng chống dịch được tiến hành ở một số nơi. Ảnh: Từ Trực
Công tác phun hóa chất phòng chống dịch được tiến hành ở một số nơi. Ảnh: Từ Trực
Một nhân viên phòng vé tại đây cho biết: “Chúng tôi đã nghe cảnh báo về dịch cúm A/H1N1, nhưng không còn cách nào khác, bởi nếu đeo khẩu trang hay mặc quần áo phòng chống dịch sẽ rất khó giao tiếp với khách hàng”.

Phóng viên VietNamNet đã phỏng vấn ngắn một số người dân tại công viên 23/9: vì sao không có biện pháp phòng tránh cho riêng mình tại những nơi công cộng? Nhiều người tỏ ra thờ ơ, né tránh không trả lời. Có trường hợp trả lời thì nhận định “xanh rờn” rằng đó là bệnh chỉ có ở… trẻ em, không liên quan đến người lớn, bệnh do di truyền. Một số khác lại phó mặc cho số phận… “trời kêu ai người ấy dạ” !

 

Tuy nhiên, bên cạnh những người có tâm lý chủ quan, coi thường bệnh dịch, cũng có người tại các văn phòng, công ty… có cách phòng tránh thái quá, bằng cách đeo khẩu trang bất kể nơi đâu. Nhiều người thậm chí còn tránh hẳn việc tiếp xúc với những người xung quanh.

Chị Hồng N. làm việc tại Công ty Dịch vụ xuất nhập khẩu S.T (Q.4) cho biết, chị cảm thấy rất khó chịu vì thái độ quá căng thẳng của vị phó giám đốc công ty đối với dịch cúm. “Đã nửa tháng nay vì lo lắng dịch cúm nên chị phó giám đốc liên tục yêu cầu các nhân viên đeo khẩu trang trong phòng làm việc. Đã vậy khi mình đến bàn chuyện công việc lại bị cho ngồi cách xa 5m, gây rất nhiều khó khăn”.

 

Vấn đề này theo khuyến cáo của các bác sĩ: “Việc đeo khẩu trang chỉ nên thực hiện ở nơi công cộng, các khu vực sân bay, vùng có dịch… không nên lạm dụng thái quá, sẽ gây lãng phí cho ngành y tế nói chung. Còn gây khó thở cho chính bản thân người sử dụng”.

 

Lập “ban chỉ đạo chống cúm”… trong trường học

 

Ông Cao Đức Khoa - Hiệu phó Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1) cho biết: “Hiện tại trường đã lập ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A/H1N1, do hiệu trưởng làm chủ nhiệm. Ban chỉ đạo sẽ thường xuyên giám sát chặt chẽ những biểu hiện của học sinh trong lúc vào trường. Những trường hợp có biểu hiện nghi vấn sẽ trực tiếp tiến hành đo thân nhiệt, nếu phát hiện khả nghi sẽ cách ly và tiến hành khẩn cấp đưa lên trung tâm y tế dự phòng quận”.

 

Ông Khoa còn cho biết thêm, các khâu về vệ sinh, y tế tại trường đang được tiến hành xây dựng, nâng cấp làm mới nhằm đảm bảo không có dịch bệnh lây lan cho học sinh trước thềm năm học mới.

Người dân ở một số nơi đeo khẩu trang y tế phòng chống dịch cúm lây lan cộng đồng. Ảnh: Từ Trực

Còn tại Trường Tiểu học Nam Sơn (quận Bình Thạnh) đại diện trường cho biết: “Hiện tại trường đang đóng cửa do đây là thời gian nghỉ hè của học sinh, do đó việc phòng chống dịch cho học sinh chưa có biện pháp cụ thể. Tuy nhiên chúng tôi đã nhận được công văn của Sở GD-ĐT về vấn đề này. Chắc chắn trong nay mai chúng tôi sẽ có những biện pháp cụ thể phòng chống dịch cho các em, trước khi năm học mới bắt đầu”.

 

Hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo… gặp nhiều khó khăn

 

Về phía hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo, phụ huynh các em học sinh ở các khu vui chơi thiếu nhi, trường học... là những nơi dịch bệnh dễ lây lan. Tuy nhiên, nhiều nơi ở đây gặp khó khăn trong công tác phòng chống dịch.

 

Mô tả ảnh.
Trường học là những nơi dịch bệnh dễ lây lan. Ảnh: Tử Trực
Trao đổi với bà Ngô Phương Loan (một hiệu trưởng trường mầm non tư thục) nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) bà Loan thừa nhận: “Hiện tại trường tôi vẫn chưa có những vật dụng cần thiết nào để ngăn ngừa dịch cúm lây lan cho các em”.

 

Bà Loan lo lắng: “Nếu như có em nào mắc bệnh thì sẽ khó tránh khỏi lây lan ra toàn trường”.

Cũng theo bà Loan, sở dĩ trường không có biện pháp phòng tránh là do việc triển khai rất khó. “Đa số các em ở độ tuổi từ 3 đến 10 tuổi, khi đeo khẩu trang thì các em không chịu. Hơn nữa, cũng không thể nào cách ly sinh hoạt chung của các em. Nhà trường chỉ giám sát chặt chẽ những trường hợp nghi vấn có biểu hiện như sốt cao sẽ báo lên trung tâm y tế dự phòng, ngoài ra cũng không có biện pháp nào khác”.

Học sinh trong các trường học ở TP.HCM đeo khẩu trang phòng chống cúm. Ảnh:Thanh Huyền   
 

Về phía phụ huynh khi được hỏi vì sao không có những biện pháp phòng tránh cho trẻ thì đa số trả lời rằng có những cái “khó” khác nhau.

 

Anh Đoàn Văn Sáu (một phụ huynh tại trường thiếu nhi quận 1) cho biết: “Biết là dịch đang lan rộng nhưng không còn cách nào khác. Lẽ nào phải đeo khẩu trang phòng chống dịch cho con suốt ngày. Trong khi đó toàn trường không có bất kỳ em học sinh nào có khẩu trang”.

 

Trong khi đó, cả nhà trường, phụ huynh gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch lây lan sang các em ở độ tuổi nhỏ. Vấn đề này càng trở nên nguy hiểm hơn khi chính tại các nơi đây, sinh hoạt của các em được thắt chặt trong vòng “khép kín”. Nguy cơ bùng phát ổ dịch là rất lớn.

 

  • Tử Trực
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,