221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
242715
Ngoài ấy, Trường Sa quê ta!
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Ngoài ấy, Trường Sa quê ta!
,

(VietNamNet) – Sau 2 ngày đêm lênh đênh trên biển, xa xa phía Đông chân trời, một hòn đảo nhô lên. Chiếc tàu như muốn vỡ tung bởi những tiếng thét: “A…! Trường Sa…! Đến rồi…!”.

 

Từ thuở thiếu thời, truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ, đẻ bọc trứng, nở ra 100 con, 50 xuống biển, 50 lên non đã “ăn” sâu vào tiềm thức của tôi. Cả kiếp người, tôi cũng như hàng chục triệu đồng bào chung nòi giống “con rồng, cháu tiên” luôn mong được ít nhất một lần lên non, một lần xuống biển, một lần được dạo khắp đất, trời, biển, đảo quê hương mà ông cha để lại. Và chúng tôi bật khóc vì hạnh phúc khi đặt chân đến một phần quê hương ở giữa biển trời mênh mông. Nơi ấy là Trường Sa!

 

Đến với một phần đất mẹ

 

Cột mốc chủ quyền ở đảo Trường Sa. Ảnh: Thái Công.

Những nắng, gió, sóng triều, cảm giác mệt nhoài khi lênh đênh qua hàng trăm hải lý dường như đã tan biến khi tàu chuẩn bị cập cảng Trường Sa lớn (được mệnh danh là “trái tim'' của Trường Sa). Thay vào đó là cảm giác lâng lâng, lòng dậy lên bao điều khó thể hiện bằng lời. Bài ca “nối vòng tay lớn” tôi thuộc nằm lòng, bỗng hát lên chồng chéo, đoạn nọ xọ đoạn kia, hòa trong dàn đồng ca ngẫu hứng trên bong tàu. Chỉ mỗi đoạn “Rừng núi dang tay nối liền biển xa, ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà…” hát trơn tru với giọng run run xúc động. Tất cả như muốn vỡ òa cảm xúc. Trên trăm con người chuẩn bị đặt chân xuống Trường Sa cũng có trên trăm cảm xúc khác nhau. Cả bong tàu bỗng nhiệt náo hẳn lên. Có người cuống chân, cứ hết chạy tới, rồi chạy lui. Có người đang cất cao giọng hát, bất ngờ trầm lặng khó hiểu… Và có người cứ đăm chiêu về phía đảo, mặc cho mắt đỏ ngấn lệ… Dưới cảng, quân và dân Trường Sa xếp hàng chào đón đồng bào đến từ đất liền.

 

Bờ biển trắng ngần và đảo đã được phủ xanh. Ảnh: Thái Công.

Nhìn Trường Sa lớn được bao phủ bởi một màu xanh, khó có ai tưởng tượng được rằng, cách đây vừa tròn 29 năm, ngày Trường Sa được giải phóng, nơi đây chỉ tòan một màu trắng bạc của cát, san hô hòa cùng màu nắng. Biết vậy lại càng thêm quý công sức của cha ông ở những thế kỷ trước, cam chịu sự khắc nghiệt của khí hậu nơi đảo xa này, sống chung với nó, vừa canh giữ một vùng biển, trời của tổ quốc vừa khai thác nguồn tài nguyên ở khu vực này. Và càng tự hào hơn với những thế hệ người Việt đi sau, không chỉ tiếp tục gìn giữ vùng biển, đảo quê hương mà còn cải tạo được môi trường sống nơi đây, kéo biển đảo gần với đất liền hơn.

 

Nhìn những khuôn mặt hớn hở của dân trên đảo dưới những tán cây phong ba, bàng trái vuông, hoa giấy…, hay bên những luống rau xanh mơn mởn lại càng thấm thía hơn câu “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

 

Nhiều người đã rớm lệ vì hạnh phúc khi lần đầu đặt chân đến một phần đất mẹ - nơi "đầu sóng, ngọn gió" của tổ quốc. Ảnh: Thái Công.

Sau khi đặt chân lên đảo, mọi người chen nhau chụp ảnh lưu niệm nơi cổng chào, cột mốc chủ quyền của tổ quốc. Bác Nguyễn Trọng Huấn, 69 tuổi, người Hà Nội vừa cẩn thận ghi lại từng hình ảnh trước cột mốc chủ quyền vừa trầm ngâm suy nghĩ. Cả đời bác Huấn, ở cái tuổi gần đất xa trời này, được đặt chân đến Trường Sa - một vùng đất thiêng liêng của tổ quốc là một ước nguyện lớn trong đời đã thành hiện thực. Bác gọi chuyến đi này là “chuyến đi đời người”. Và chỉ biết bày tỏ cảm xúc của mình bằng một câu: “Thiêng liêng quá!”. Đoàn người vội vã chia nhau thăm quan đảo, một phần đất mẹ nơi “đầu sóng, ngọn gió” của tổ quốc. Nhóm thì xuyên qua những hàng cây, đến thăm từng nhà của dân, quân trên đảo. Nhóm rảo bước dọc bãi biển nhặt từng hòn sỏi, nhánh san hô về làm kỷ niệm. Tôi tranh thủ ghi hình, rồi vội vã lao xuống bãi tắm, vùng vẫy trong nước biển mặn chát giữa cái nắng đảo, mà lòng dâng niềm tự hào. Không kìm được lòng mình, tôi và mọi người gào lên trong gió và sóng biển: “Biển của ta, đất trời của ta là đây!”, rồi nhìn nhau cười hạnh phúc…

 

“Đảo là nhà, biển cả là quê hương”

 

Những người xem "đảo là nhà, biển cả là quê hương". Ảnh: Thái Công.

Có đặt chân đến tận vùng đất xa xôi này của tổ quốc mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của quê hương, con người nước Việt. Nhìn những bãi biển trắng ngần bao quanh các hòn đảo, hay rặng san hô muôn màu dưới đáy biển, cùng những đàn cá sặc sỡ đủ màu mà muốn siết chặt tất cả vào người không buông ra. Anh Nguyễn Văn Quảng, làm việc tại một công ty du lịch tại TP.HCM, đến Trường Sa khảo sát môi trường du lịch, sau khi vừa lặn biển trở về không kiềm được cảm xúc, thốt lên: “Biển, đảo Trường Sa đẹp quá!”.

 

Trong khi chúng tôi đang vô tư ngụp lặn tại biển Trường Sa lớn, chợt ngoái đầu về phía đảo, nhìn những chàng lính đảo, đầu đội nắng đứng sừng sững, mắt vẫn đăm đăm ra phía biển mà thấy chạnh lòng. Ngày nào cũng vậy, bất kể trời nắng, mưa hay bảo táp những tốp lính đảo luôn thay phiên nhau tuần tra, quan sát, canh giữ vùng biển đảo của quê hương. Tôi rảo bước đến chỗ những người lính trò chuyện. Chàng lính trẻ Nguyễn Ngọc Giang, 21 tuổi, quê Thái Bình tâm sự: “Những ngày đầu tiên lên đảo nhớ đất liền lắm, nhưng sau một thời gian ngắn đã quen với cuộc sống ở đây, giờ lại không muốn rời đảo. Điều kiện sống trên đảo giờ không còn thiếu thốn như xưa nữa, cây xanh, nước ngọt đầy đủ, chẳng khác gì mấy so với đất liền. Với lính đảo chúng tôi xem “đảo là nhà, biển cả là quê hương” nên càng thấy yêu nơi nắng, gió này lắm. Hơn nữa, chúng tôi luôn nhận thức rõ một điều, không chỉ chúng tôi đang bảo vệ cho gia đình, bạn bè, mọi người ở đất liền mà còn canh giữ, bảo vệ cả một vùng biển, đảo, trời của tổ quốc, nhiệm vụ thiên liêng đó đâu phải ai cũng có được”.

 

Còn Trung sĩ Mai Đình Khóa, 23 tuổi, quê Thanh Hóa, đã gắn bó với đảo trên 2 năm dốc lòng: “Mơ ước của em từ nhỏ là muốn được làm hải quân, ngày đầu tiên nhận được tin mình trở thành lính đảo mừng lắm. Nhất là khi biết mình được công tác tại Trường Sa, em vui đến mức không ngủ được. Hãnh diện lắm. Vì vậy nên 2 năm qua, em luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để được gắn bó với đảo lâu hơn”.

 

Lặn biển để xem những rặng san hô và những đàn cá sặc sỡ ở Trường Sa. Ảnh: TTD

Một ngày sống hòa cùng lính đảo Trường Sa, chúng tôi nhận ra một điều chung nhất giữa những người lính đảo: Họ có một tình yêu mãnh liệt với biển, đảo. Cái nắng, cái gió không hề làm sờn tình yêu của lính. Họ xem biển, đảo như chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình ở đất liền. Tôi nhớ mãi lời của anh Phạm Văn Mừng, 23 tuổi, quê Hải Phòng, nói: “Đến giờ em không muốn rời đảo. Ở đất liền cũng là quê hương mình; ở biển, đảo cũng là tổ quốc mình, thì ở đâu cũng vậy. Hơn 2 năm sống ở đây, thật lòng không muốn xa nơi này”.

 

Chia tay Trường Sa, chúng tôi trở lại đất liền. Những cánh tay vẫy chào quyến luyến, những dòng chữ lưu niệm vội vàng trên cuốn sổ tay. Còi tàu rú lên. Trường Sa nhỏ dần. Rồi nhòa đi. Dường như mắt đã ướt. Trên chặng đường về, hình ảnh bãi biển trắng ngần bao quanh đảo, rặng san hô nhiều màu… và khuôn mặt những người anh em trên đảo… theo tôi đến đất liền.

 

  • Phan Công
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,