221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
430502
TP.HCM bất lực trước sạt lở?
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
TP.HCM bất lực trước sạt lở?
,

(VietNamNet) - Mỗi năm, TP.HCM bị cuốn trôi hàng vạn mét vuông đất, hàng trăm mét bờ bao, nhà sập, người chết do các vụ sạt lở. Thế nhưng, tiếng chuông cảnh báo từ nhiều năm nay vẫn chưa cho có hồi kết, và tai ương vẫn thường trực đe dọa người dân mỗi khi mùa mưa đến...

 

Mất đất - tai ương rình rập!

 

Vụ sạt lở tại Bình Quới, Thanh Đa vào rạng sáng 26/5 như hồi chuông báo "mùa"... sạt lở đã đến!
Vụ 300m2 đất "nhảy" xuống sông  tại phường 27, quận Bình Thạnh vào rạng sáng ngày 26/5 thuộc khuôn viên CLB Tenis Lý Hoàng số 164/17 Bình Quới, nằm trên bán đảo Thanh Đa như hồi chuông báo “mùa… mất đất" đã đến.

 

Vào thời điểm này, miền Nam bắt đầu bước vào mùa mưa và chế độ thủy triều có sự thay đổi, chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chế độ thủy lưu, làm thay đổi dòng chảy, tạo những dòng nước xoáy tác động vào những khu vực có cấu tạo địa chất yếu, hình thành những hàm ếch và gây nên sạt lở.

 
Người dân tự dùng bao cát, cọc giữ bờ ở khu sạt lở Tầm Vu (kho tang vật), Q.Bình Thạnh.

Từ 1989 đến nay, khi bắt đầu xảy ra tình trạng đất bị chìm xuống nước ngày càng nhiều, chính quyền địa phương đã ra hàng loạt thông báo, quyết định, đề xuất hiện pháp khắc phục, phòng tránh lâu dài… Nhưng hầu hết những điều đã đưa ra vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Tình trạng lấn chiếm bờ bao, khai thác cát trái phép vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn, bất chấp những lời cảnh báo, đe đọa tính mạng con người và đất đai ngày càng bị thu hẹp.

 

Lặp lại những “dự án giấy”!

 

Nhưng sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra!
Mặc dù tình trạng sạt lở tại TP.HCM đã diễn ra gần 15 năm nay, và đặc biệt trầm trọng hơn kể từ năm 2002, nhưng đến nay, chính quyền TP.HCM vẫn chưa có một động thái cụ thể nào. Sau mỗi lần đất mất, nhà trôi, người thiệt mạng…, tất cả nháo nhào lên lo chuyện di dân, đóng cọc gia cố bờ bao, nhưng cũng chỉ đến thế mà thôi! Những dự án lập bờ kè… lại theo con nước ròng nước lớn… trôi đi và chỉ tồn tại trên giấy (?).

 

Sau hàng loạt vụ sạt lở ở khu vực Bình Quới, quận Bình Thạnh vào giữa năm 2002, UBND TP.HCM đã có Văn bản số 261/TB-VP ra ngày 21/8/2002 nếu rõ: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương tổ chức việc nghiên cứu bổ sung về tình hình bờ sông Sài Gòn, qua đó đề xuất các chương trình, kế hoạch khắc phục một cách căn cơ, triệt để. Sở Giao thông Công chánh chỉ đạo Khu Đường sông tăng cường công tác quản lý, triển khai cắm mốc chỉ giới đường sông.

 

Kết hợp với Cục Đường sông, các ngành thành phố, UBND các quận, huyện xây dựng qui chế quản lý vùng đất ven bờ, vùng nước dưới sông, phân công trách nhiệm cụ thể để kiểm tra chặt chẽ, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm sử dụng, khai thác tài nguyên và xây dựng trái phép. UBND quận Bình Thạnh cần chủ động khảo sát, lập kế hoạch, dự án đầu tư, di dân ra khỏi vùng bị đe dọa nguy hiểm.

 

Những bao cát không đủ sức chống chọi lại tình trạng sạt lở.

Nhưng qua ngần ấy thời gian, sau vụ 300m2 đất bị nuốt chửng xuống dòng sông tại phường 27,  quận Bình Thạnh vào rạng sáng ngày 26/5, chúng ta giật mình nhìn lại và nhận ra, nhiều điều trong chỉ đạo trên, đến nay vẫn chưa được thực hiện. Công tác ngăn ngừa, di dời dân trong khu vực nguy hiểm ở bán đảo Thanh Đa vẫn chưa được triển khai. Thậm chí, chương trình gia cố bờ bao (ngoại trừ những bờ bao do người dân tự đắp để bảo vệ tính mạng và tài sản của mình) vẫn chưa được thực hiện đến nơi đến chốn (?)

 

Không chỉ có ở bán đảo Thanh Đa, tại khu vực bờ sông Mương Chuối, huyện Nhà Bè đã từng xảy ra nhiều vụ tương tự, làm sụp và trôi nhiều nền nhà cùng với nhiều vật dụng của người dân. Sau đó, từ tháng 8/2003 UBND TP.HCM đã có quyết định duyệt dự án đầu tư xây dựng bờ kè với chiều dài gần 1km, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 17,25 tỉ đồng. Nhưng đến nay, bờ kè tại khu vực sông Mương Chuối vẫn chưa sẵn sàng giữ đất khi mùa mưa đã đến (?)

 

“Điệp khúc” di dân... đến hẹn lại lên!

 

Sau sự vụ vào rạng sáng 26/5 vừa qua, chính quyền địa phương lại “cuống cuồng” lo chuyện di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong kế hoạch di dân năm 2002, có 300 hộ dân (trong đó có 120 hộ trong tình trạng phải di dời khẩn cấp) trong khu vực nguy hiểm ở bán đảo Thanh Đa, nhưng kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện triệt để. Để đến nay, “điệp khúc” di dân cứ đến hẹn lại lên.

 

Nhưng người dân vẫn cố giữ đất, giữ bờ để bảo vệ tính mạng và tài sản của họ.
Hiện thành phố có trên 10 điểm thuộc bờ sông Sài Gòn có nguy cơ sạt lở cao, gồm khu biệt thự Lý Hoàng, kho tang vật quận Bình Thạnh (cùng nguy hiểm cấp 1); Cầu Kinh, Thanh Đa, quận Bình Thạnh; rạch Gò Dưa, quận Thủ Đức (cùng nguy hiểm cấp 2); sáu điểm còn lại: khu nhà thờ La San Mai Thôn, hạ lưu công viên nước Sài Gòn, khu biệt thự An Phú (thuộc quận 2), nhà hàng Hoàng Ty, Bãi than, Trung tâm Cai nghiện ma túy (hội quán APT), (thuộc quận Bình Thạnh) nguy cơ cấp 3.
 
Những điểm “nguy cơ cao” trên được công bố từ tháng 7/2003, nhưng đến nay, tại những điểm này vẫn chưa được “phòng thủ” chắc chắn. Thậm chí, nhiều hộ dân hiện vẫn bình chân sinh sống trên những khu vực nguy hiểm cao, đối mặt với tử thần như tại khu vực trường Tầm Vu (kho tang vật), quận Bình Thạnh. Bởi họ cũng chẳng biết mình sẽ được di dời đi đâu?

 

Đã đến lúc các cơ quan chức năng và chính quyền TP.HCM phải hành động cụ thể, có những biện pháp thực hiện triệt để, ngăn chặn tình trạng sạt lở. Vì không ai khác, chính người dân sẽ tiếp tục hứng chịu những hậu quả khôn lường do sự ách tắc của các cơ quan chức năng.

 

  • Phan Công
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,