221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
430480
Hàng trăm mét vuông đất tiếp tục "nhảy"... xuống sông!
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Bán đảo Bình Qưới - Thanh Đa (TP.HCM)
Hàng trăm mét vuông đất tiếp tục 'nhảy'... xuống sông!
,

(VietNamNet) - Rạng sáng ngày 26/5, một phần diện tích sân tenis Lý Hoàng (khoảng 300m2) đã “không cánh mà nhảy” xuống dòng sông. Đây là lần thứ 3 câu lạc bộ Lý Hoàng mất đất dạng này .  Cách đó không xa, một nhà thờ cũng có nguy cơ "nhảy"... xuống sông bất cứ lúc nào vì kế bên là miệng một “hàm ếch” dài 3 – 4m đã chờ chực đổ sập.

 

Sạt lở ở diện rộng..

 

Sân tenis Lý Hoàng "biến mất" chỉ  trong 15 phút đồng hồ.    

Chiều ngày 27/05 tại CLB Tennis Lý Hoàng chúng tôi chứng kiến một cảnh tượng tiêu điều, khoảng 1/3 diện tích sử dụng của CLB phía cặp bờ sông bao gồm quán ăn, sân tenis, phòng karaoke đã bị xé nát, còn trơ những vết nứt, hàm ếch… CLB đã ngưng hoạt động kể từ ngày hôm nay. Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Trần Thanh Đạm – quản lý CLB tenis Lý Hoàng vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng: “Sự việc xảy ra rất nhanh, chỉ trong vòng 15 phút, trước đó khu vực sân đã xuất hiện rạn nứt và rồi tôi nghe... ”bùm” một tiếng động dưới lòng đất và thế là đất đá, bê tông cứ tuồn tuột trôi xuống lòng sông…".

 

Ông Đạm cho biết đây là lần thứ hai CLB này tiến hành kè bờ sông, nhưng đầu tư cả trên trăm triệu đồng mua bao cát, đóng cừ tràm... vậy mà đều vô hiệu. Đất vẫn cứ lở không ngừng.

 

Tại khu vực nhà thờ La San Mai Thôn, theo quan sát của chúng tôi từ phía cây si chạy về phía cuối nhà thờ 40m, xa bờ 10m xuất hiện vực thẳm hàm ếch cao 4 – 5m, ngang 3m, sâu 1,5m. Toàn bộ khu vực đất cặp bờ sông của nhà thờ có nguy cơ sạt lở cao, nếu sạt lở nhà thờ sẽ bị ảnh hưởng nặng. Theo đại điện nhà thờ này, cách đây 3 năm, một tòa nhà lớn của nhà thờ đã bất ngờ đổ ập xuống sông chỉ trong vòng vài chục phút. Tòa nhà còn lại nằm cách tòa nhà cũ vào chục mét cũng có nguy cơ biến mất bất cứ lúc nào. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người sống trong nhà thờ, hiện nay tòa nhà này buộc phải để trống…

 

Còn nhớ liên tục trong các năm 2002, 2003, khu vực các phường 25, 26,27 và 28 tình hình sạt lở diễn biến rất phức tạp, nhất là thời điểm từ tháng 5 đến tháng 9 (triều cường thấp nhất trong năm). Điển hình là các vụ  tại khu vực chân cầu kinh Thanh Đa đã xảy ra sạt lở vào ngày 03/04/2003 làm 2 căn nhà sạt lở hoàn toàn, 8 hộ sạt lở một phần. Ngày 14/07/2002, tại khu vực quán cháo vịt Bích Liên bị sạt lở hoàn toàn và quán bánh canh Hoàng Ty cũng bị sạt lở làm thiệt mạng 2 người. Ngày 29/06/2003, quán Lý Hoàng, hẻm 762 cũng bị cuốn xuống sông một phần quán ăn và sân tenis, diện tích rộng 35, dài 40... khiến tất cả nhà và vật dụng đều trôi sông.

 

Khu vực cặp bờ sông đang tiếp tục sạt lở.  

Năm 2004 này, việc sạt lở ở khu Bình Qưới – Thanh Đa lại tiếp tục nhưng trên diện rộng hơn. Theo thống kê của hai phường 27 và 28 thì trên địa bàn có tới 14 khu vực sạt lở nghiêm trọng, trong đó có 7 khu vực cảnh báo rất nguy hiểm. Theo văn bản mới nhất ngày 26/05 của UBND quận Bình Thạnh thì giải pháp trước mắt là buộc di dời tất cả các hộ dân trong khu vực; đối với hộ đang kinh doanh, UB quận yêu cầu các phường thống kê con số để quận ra quyết định đình chỉ kinh doanh tại khu vực này. Điều đặc biệt lưu ý là yêu cầu các phường có khu vực, điểm sạt lở nguy hiểm cần tổ chức chốt chặn miễn người không có nhiệm vụ ra vào khu vực và không cho người dân cư ngụ tại khu vực này vào ban đêm.

 

Kế hoạch chống sạt lở vẫn còn trên giấy?!

Ngăn sạt lở bằng các bao cát: không giải quyết được sạt lở trầm trọng tại khu bán đảo Bình Qưới - Thanh Đa.   

Ngày 28/07/2003, giữa Khu Đường sông (Sở GTCC TP.HCM) và Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi II đã ký kết hợp đồng thực hiện dự án chống xói lở bán đảo Thanh Đa. Theo tính toán của các cơ quan chức năng, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 400 tỷ đồng. Đến nay, dự án này vẫn còn đang ở giai đoạn chỉnh sửa. Vì qua nhiều lần phản biện, các cơ quan chức năng đã không đồng ý với phương án được đưa ra của đơn vị tư vấn. Giải thích về sự chậm trễ này, ông Vũ Ngọc Luyện (GĐ Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi II) cho rằng, trở ngại lớn nhất trong dự án chống xói lở bán đảo Thanh Đa là: TP.HCM chưa có quy hoạch tổng thể cho toàn bộ bán đảo. 

Theo khuyến cáo của ông Luyện: hiện nay, tình trạng sạt lở ở khu vực bán đảo Thanh Đa xảy ra hàng giờ. Đặc biệt, khi mưa xuống, đất ngậm nước sẽ làm độ kết dính kém.

Được biết, nguyên nhân chính của xói lở bờ sông là do vận tốc dòng chảy lớn hơn vận tốc kháng xói của lòng dẫn. Bởi vậy, phương án khắc phục bằng cách gia cố mái dốc bằng vật liệu cứng như thảm đá sẽ không mang lại hiệu quả cao. Các hộ dân sống quanh khu vực bán đảo thường áp dụng phương cách khắc phục này, thực tế cho thấy nhiều hộ đã phải bỏ ra hàng trăm triệu và công sức cũng chỉ như "dã tràng xe cát biển Đông"! 

Cư dân sinh sống ở bán đảo Thanh Đa đang mong mỏi hệ thống bờ kè sẽ được triển khai sớm. Không thể viện lý do vì chưa có quy hoạch chung cho toàn bộ bán đảo. Đến P27, 28, chúng tôi thấy bảng khuyến cáo: "Khu vực có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào" được cắm ở nhiều nơi. Điều đó chứng tỏ, mạng sống của nhiều người dân đang bị rình rập hàng ngày, hàng giờ bởi nguy cơ sạt lở. 

Nhiều bức tường nhà dân cặp bờ sông tiếp tục nứt.  
Không chỉ riêng khu vực Thanh Đa, bờ Mương Chuối (Hóc Môn) và nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM cũng có những hiện tượng sạt lở tương tự. Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, tình trạng sạt lở đang xảy ra nhiều nơi trên cả nước, tập trung tại nhiều bờ biển ở khu vực Nam bộ. Nhiều nơi sạt lở nghiêm trọng như ở: Hồng Ngự, Sa Đéc (Đồng Tháp), Vàm Nao, Tân Châu (An Giang), Thanh Đa, sông Mương Chuối (TP.HCM), bờ sông Tiền (thị xã Vĩnh Long), Tuy Phong (Bình Thuận)... Trong 7 tháng đầu năm 2003 cả nước đã xả ra trên 80 vụ sạt lở, làm chết 2 người, làm sập 27 căn nhà, hàng chục hecta đất biến mất chỉ trong vài giờ.

·         Hoài Nguyễn – Trần Duy

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,