(VietNamNet) - "Từ 1/4, Việt Nam đã hết dịch cúm gia cầm trên phạm vi cả nước. Mọi hoạt động về chăn nuôi, vận chuyển, chế biến, lưu thông, tiêu dùng gia cầm trở lại bình thường", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm Lê Huy Ngọ đã công bố như vậy tại cuộc họp báo chiều 30/3.
Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cho rằng, thời điểm để Việt Nam công bố hết dịch cúm gia cầm là phù hợp, vì "Việt Nam đã cân nhắc rất nhiều về việc thông báo này. Chúng tôi đã chờ 30 ngày sau khi các tỉnh, thành hoàn toàn khống chế được dịch, không có dấu hiệu tái phát. Làm thế nào để duy trì được kết quả này mới khó". Riêng việc đến 15/3 vẫn còn một bệnh nhân ở Tây Ninh bị chết do cúm H5N1, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm giải thích, mặc dù rõ ràng là có sự liên quan giữa bệnh cúm do virus ở người và cúm gà, nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa xác định được cơ chế lây bệnh. Trong khi đó, Tây Ninh đã khống chế được dịch cúm gia cầm từ 18/2 nên trường hợp này chưa thể kết luận được.
Chia sẻ rủi ro
Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cho biết, tính đến hôm nay, tất cả 57 tỉnh, thành đã đảm bảo thời gian không chế dịch trên 30 ngày, không để dịch tái phát, đủ điều kiện để công bố hết dịch. Song, chúng ta thiệt hại đáng kể về số gia cầm bị chết và tiêu hủy, với 43,2 triệu con (gà gần 30 triệu con; vịt, ngan, ngỗng 13,5 triệu con; chim cút, bổ câu và các loại khác là 13,9 triệu con). Tổng mức thiệt hại lên tới 1.300 tỷ đồng, trong đó, thiệt hại trực tiếp về gia cầm bị chết, tiêu hủy là 1.000 tỷ đồng.
Song, thiệt hại gián tiếp mà dịch cúm gia cầm gây ra là đã làm tăng giá thực phẩm trên thị trường. 3 tháng, món thịt gà thiếu vắng trên bàn ăn của mọi nhà. Không những thế, việc tiêu hủy gia cầm còn đe dọa trực tiếp đến môi trường ở khu vực xảy ra dịch bệnh.
''Công bố hết dịch không có nghĩa đã hết mầm bệnh'' |
Xảy ra trên phạm vi rộng, dịch cúm gia cầm đã gây thiệt hại lớn cho người sản xuất. Do vậy, Việt Nam xác định rằng, Chính phủ và người sản xuất sẽ cùng chia sẻ rủi ro. Bộ trưởng Lê Huy Ngọ nói rằng, trong buổi làm việc sáng nay, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần đến được với người dân một cách nhanh chóng và thuận tiện; đồng thời, chính sách này phải khuyến khích được người chăn nuôi yên tâm và nhanh chóng phục hồi sản xuất.
Với phương châm đó, Chính phủ quyết định hỗ trợ người sản xuất 5.000 đồng/con gia cầm bị chết hoặc tiêu hủy, với số tiền ước tính khoảng 215 tỷ đồng. Nhà nước cũng bù 100% chi phí cho công tác phòng chống dịch thời gian qua. Đặc biệt, khi khôi phục sản xuất, người chăn nuôi được hỗ trợ 2.000 đồng/con giống gia cầm. Các cơ sở sản xuất giống, việc nhập khẩu giống cũng sẽ được hỗ trợ nhằm đảm bảo chất lượng. Hiện nay, giá gia cầm giống gốc cũng chỉ trên dưới 2.000 đồng/con. Để tránh nguy cơ sốt giá do người dân sẽ ồ ạt đăng ký mua, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ khuyến cáo, bà con nên tẩy trùng, vệ sinh chuồng trại thật cẩn thận trước khi nuôi, không nên vội vàng. Với 130 cơ sở sản xuất hiện nay, ông Ngọ khẳng định, chúng ta sẽ đảm bảo được đàn giống gốc để khôi phục sản xuất, nhất là tại các vùng bị dịch.
"Số tiền 215 tỷ trên, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 50%, ngân sách tỉnh chịu trách nhiệm 50%. Đối với các tỉnh khó khăn, mức hỗ trợ từ Trung ương sẽ lớn hơn", ông Ngọ nói. Việc hỗ trợ này sẽ được thực hiện thông qua đầu mối là chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể và lực lượng thú y trên địa bàn, vì trước khi đưa gà đi tiêu hủy, người dân sẽ phải đăng ký với một trong ba cơ sở này. Với lập luận đó, Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm hy vọng, tất cả những người chăn nuôi bị thiệt hại đều sẽ được hỗ trợ. Tuy nhiên, chính Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cũng thừa nhận rằng, đến nay, ông gần như cũng chưa nắm được số hộ nông dân hiện đã được đền bù hoặc chưa được đền bù.
Cần cảnh giác cao độ
Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến nhận xét, chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam lại xả ra đại dịch có quy mô lớn như dịch cúm gia cầm vừa qua nên việc triển khai dập dịch là hết sức khó khăn. Thậm chí, dịch còn gây sang người thông qua biến thể virus với tỷ lệ tử vong cao, và xảy ra đúng thời điểm thuận lợi vì đang là lúc bùng phát dịch cúm. Việc dập tắt dịch trong thời gian ngắn đã thể hiện sự nỗ lực lớn của ngành thú y, chính quyền địa phương và lực lượng đoàn thể trong cả nước. Song, cần tiếp tục đề phòng và ngăn chặn, không để dịch tái phát vẫn được coi là nhiệm vụ nặng nề, không được chủ quan, xem nhẹ. Đồng thời, công tác nâng cao năng lực công tác thú y cũng được đặt ra cấp bách nhằm nhanh chóng phát hiện dịch bệnh, có biện pháp đối phó kịp thời để tránh dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng, gây thiệt hại như vừa qua.
Đến nay, dịch cúm gia cầm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. TS. Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y, vẫn khẳng định, dịch cúm gia cầm có thể tái phát tại Việt Nam. Song, chính ông cũng tự tin nói rằng, với khả năng dập dịch thời gian qua, chúng ta sẽ nhanh chóng kiểm soát được tình hình.
Khó khăn nhất hiện nay vẫn là khâu giết mổ, vì ở Việt Nam, người dân chưa quen với việc giết mổ tập trung, và chúng ta cũng chưa có một hệ thống giết mổ tập trung hiện đại. Ông Bùi Quang Anh cho biết, ở Đồng Nai mới có một khu giết mổ của Công ty CP; TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng đang chuẩn bị xây dựng lò mổ; Hà Nội mới đang quy hoạch. Một khía cạnh khác cũng đáng lo ngại hiện nay mà lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Cục Thú y đã tránh trả lời các nhà báo, đó là việc dán tem kiểm dịch để đảm bảo cho người tiêu dùng không ăn phải gà bệnh. Do đó, việc công bố hoàn toàn hết dịch hôm nay (vì dịch đã không phát sinh trong 30 ngày qua) mặc dù vẫn được tiến hành, nhưng chưa hẳn người tiêu dùng đã yên tâm vì họ đâu có phân biệt được, liệu trong con gà mình mua về (tự giết mổ theo thói quen) sẽ không còn virus H5N1(?!)
-
Hà Yên