Ông Lê Hưng Quốc, cục trưởng Cục Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), ước tính giá trị sản xuất hàng năm của ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam đạt khoảng 13.000-15.000 tỷ đồng. Như vậy, số gia cầm bị thiệt hại chiếm khoảng 1/5 tổng số đàn.
Trong số 38,3 triệu con gia cầm bị tiêu hủy, số gà chiếm 50%; vịt, ngan là 30%, còn lại là chim cút và các loại chim khác. Theo ông Bùi Quang Anh, cục trưởng Cục Thú y, tổn thất do đại dịch cúm gia cầm gây ra rất nặng nề. Nhiều hộ, trang trại, DN chăn nuôi gia cầm lâm vào cảnh mất trắng do toàn bộ gia cầm bị tiêu hủy. Một số vùng tuy không có dịch, nhưng việc duy trì đàn gia cầm rất khó khăn, đặc biệt đối với những cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, do không tiêu thụ được gia cầm và sản phẩm gia cầm nên người chăn nuôi không có vốn để mua thức ăn. Ngân sách địa phương đã phải chi hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ người chăn nuôi, chi phí chống dịch và tiêu hủy gia cầm.
Cùng với thói quen tiêu dùng bị thay đổi, dịch cúm còn gây hoang mang, lo lắng trong xã hội vì nguy cơ lây nhiễm sang con người. Trong khi đó, việc khôi phục đàn gia cầm lại cần nhiều thời gian, khiến cho các loại thực phẩm khác tăng giá.
Tại cuộc họp báo hôm nay, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ chính thức thông báo: mục tiêu khống chế và dập tắt dịch trong tháng 2 đã thành công. Điều quan trọng là những người đã trực tiếp tham gia phòng chống dịch được bảo đảm an toàn. Đến hôm nay, cả nước có 53 tỉnh, thành không có ổ dịch mới phát sinh từ 6-26 ngày; trong đó có mười tỉnh không phát sinh ổ dịch mới được 26 ngày. Cục Thú y dự báo: Đầu tháng 3, sẽ có 700 xã, 150 huyện, 20 tỉnh công bố hết dịch; giữa tháng 3 có thêm 700 xã, 150 huyện, 20 tỉnh và cuối tháng 3, tất cả các tỉnh trong nước sẽ công bố hết dịch gia cầm. Lâm Đồng có thể sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước sẽ được công bố hết dịch trong một - hai ngày tới.
Trả lời báo giới về việc liệu Việt Nam có nên công bố hết dịch sớm như vậy không, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cho rằng: Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm đã cân nhắc mức thời gian công bố hết dịch cho phù hợp. Việc công bố này không thể chậm trễ, kéo dài, vì chúng ta cần có thời gian chuẩn bị nhằm khôi phục đàn gia cầm. Đồng thời, tăng cường khả năng chẩn đoán, kiểm dịch, chủ động phòng chống dịch bệnh ở gia cầm, gia súc.
Tuy nhiên, ông Bùi Quang Anh vẫn cảnh báo: Nếu chính quyền các địa phương lơ là, mất cảnh giác, thì khi dịch cúm bùng phát trở lại sẽ rất khó ngăn chặn. Hơn nữa, cái khó hiện nay là việc tiêu thụ sản phẩm, một mặt thúc đẩy phát triển chăn nuôi trở lại, nhưng mặt khác cũng là yếu tố dễ làm dịch bùng phát.
"Nếu tập trung gia cầm đông, trong khi không tiêu thụ được sẽ gây phát sinh ra bệnh. Cục Thú y khuyến cáo: Việc sử dụng thực phẩm, kể cả đối với gia cầm, gia súc, đều phải qua kiểm soát của cơ quan thú y. Sản phẩm gia cầm lưu hành trên thị trường, chúng tôi không dám chắc là có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không." - ông Bùi Quang Anh nói.
Hơn nữa, nguy cơ về sự tái phát dịch vẫn còn tiềm ẩn, như mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong môi trường (nguồn nước, phân gia cầm... chưa được khử trùng, tiêu độc triệt để) trong đàn gia cầm, và chim hoang dã. Việc nhập lậu gia cầm cũng làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các nước xung quanh.
Đến nay, mặc dù Chính phủ đã có chỉ thị về chấn chỉnh công tác giết mổ nhưng việc thực hiện chưa được tốt, kể cả giết mổ gia súc chứ chưa nói đến gia cầm. Do vậy lần này, bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo, các tỉnh thành phải quy hoạch lại việc giết mổ. Những trang trại, vùng nuôi lớn phải có dây chuyền, nhà máy chế biến chế biến. Ông Quang Anh thừa nhận: "Hiện nay, có thành phố chưa công bố hết dịch nhưng việc tiêu thụ gia cầm đã quay trở lại, mà lại là giết mổ tại chỗ. Như thế thì vấn đề khống chế, thanh toán dịch bệnh sẽ khó có hiệu quả. Việc giết mổ không nên chỉ để nguyên con, mà có thể chế biến thành nửa con, bọc hộp, nylon, bày bán trong các chợ, siêu thị. Chúng tôi nghĩ dần dần làm thế nào để khuyến khích người dân tiêu thụ gà sạch, làm sẵn, bày bán trong siêu thị".
Ông Anh đề xuất: Tại các tỉnh, thành, thịt gia cầm tiêu thụ được phép lưu hành trên thị trường sau khi có tem của Cục Thú y, hoặc có dấu đóng trên gia cầm, tức là đã qua kiểm dịch. Song song đó, phải có chính sách giải quyết công ăn việc làm với những người buôn bán gia cầm trước đây, hoặc quy hoạch, tập hợp lại họ thành HTX, thành tập thể.
Trong tháng 3-4 tới, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ lưu ý: Cần tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt chú trọng khâu giám sát dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm; tiếp tục tiêu độc, khử độc chuồng trại, vệ sinh môi trường; tổ chức kiểm tra, thẩm dịnh các địa phương đủ điều kiện để công bố hết dịch; xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất. Ông Ngọ cho biết: Ngành sẽ tổ chức điều tra, thống kê để đánh giá lại toàn diện mức nguồn gốc phát sinh dịch bệnh tại Việt Nam; mức thiệt hại do đại dịch cúm gia cầm gây ra và rút kinh nghiệm cho công tác phòng chống dịch.
- Hà Yên