221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
193311
Đầu năm, lại “rộn” chuyện tranh chấp lao động
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Đầu năm, lại “rộn” chuyện tranh chấp lao động
,

(VietNamNet) - Ngay những ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người lao động và người sử dụng lao động ở một số công ty, doanh nghiệp đã ầm ĩ xung quanh chuyện quyền và nghĩa vụ trong sản xuất. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, những đòi hỏi bất hợp lý về quyền lợi, trách nhiệm... vẫn là “chuyện nóng” trong thị trường lao động.

 

"Tại anh, tại ả hay tại cả đôi bên"?

 

Những công ty TNHH, doanh nghiệp (DN) liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài là nơi xảy ra tranh chấp giữa người lao động (NLD) và người sử dụng (NSD) lao động nhiều nhất. Hầu như không ngày nào không xảy ra những vụ đình công, hay phản đối giữa công nhân và ban giám đốc tại các nhà máy, khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN). Cá biệt, vào những thời điểm “nóng” dịp cuối năm, lễ, Tết, có ngày đồng loạt xảy ra 4 - 5 vụ đình công tại khắp các nơi.

Vụ tranh chấp "xông đất" thị trường lao động năm 2004 tại Công ty E.LAND VN sáng 30/1.

 

Bình quân một ngày, Tòa án Nhân dân TP.HCM xét xử từ 1đến 2 vụ việc về tranh chấp lao động. Xét về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, phần lớn đều nghĩ ngay đến sự “chèn ép, bắt nạt” của giới chủ nước ngoài đối với người lao động Việt Nam. Trong đó, chủ yếu là đòi tăng ca, giảm lương, cắt chế độ hỗ trợ, xúc phạm thể chất, nhân phẩm, danh dự người lao động... Tất cả những điều đó trên thực tế đều đã xảy ra, thậm chí xảy ra nhiều lần và trở thành việc bình thường trong mối quan hệ xung khắc giữa hai bên. NSD lao động nước ngoài đã dựa vào tâm lý mong muốn có việc làm và hiểu biết hạn chế của NLĐ để đưa họ vào “thế đã rồi”. Rất nhiều công nhân làm việc tại các công ty TNHH, DN… mà không hề được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) hay bất cứ thỏa ước nào. Tất cả đều được hai bên thỏa hiệp "miệng" hay chỉ là một mảnh giấy không có giá trị pháp lý. Vì vậy, khá nhiều NLĐ khi bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ đâm đơn kiện ra tòa đã đành “ngậm đắng nuốt cay” vì “tình ngay lý gian”.

 

Tuy nhiên, nói như vậy không phải chỉ có những ông chủ nước ngoài mới là người có lỗi và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong chuyện này. Người lao động Việt Nam tại các nhà máy, DN sản xuất hầu hết là công nhân bậc thấp, trình độ văn hóa, nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân chính đẩy người lao động từ thế bị lấn át, bị phạm lỗi đến những hành động sai quy định pháp luật. Khi ban giám đốc nhà máy, công ty đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi khác với quy định hàng ngày thì ngay lập tức hàng loạt công nhân “rủ” nhau đình công, lãn công mà không bàn bạc để đưa ra một kế hoạch cụ thể nào. Để đến khi hai bên gặp nhau nói chuyện thì mọi bức xúc đã được đẩy lên đỉnh điểm và nếu không có sự can thiệp của một tổ chức nào đó thì mọi việc khó mà giải quyết êm thấm, ổn thỏa được.

 

Vì thế, sự tồn tại và hoạt động hiệu quả của công đoàn (CĐ) cơ sở là rất cần thiết tại các DN nước ngoài, công ty liên doanh, TNHH. Nhưng, hiện nay hoạt động CĐ tại những nơi này còn khá hạn chế, thậm chí có nơi còn không có tổ chức CĐ hoặc những người nằm trong ban hội đồng quản trị của DN cũng là CĐ?!

 

Biện pháp chế tài chưa đủ mạnh?

 

Phần lớn những vi phạm trong tranh chấp lao động hiện nay chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính, kiểm điểm cá nhân. Trong khi đó, hậu quả những tranh chấp này để lại cho cả NLĐ và NSD lao động không phải là nhỏ. Chị Hà Minh Hoa, nguyên đơn trong một vụ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cho biết, chị làm việc trong một công ty của Hàn Quốc đã gần 3 năm, do xích mích nhỏ với người thân của ông chủ, công ty đã buộc chị thôi việc trong thời gian nghỉ sinh con, trong khi thời hạn hợp đồng vẫn còn. Ra tòa, chị thắng kiện nhưng phần bồi thường mà công ty phải trả cho chị chưa đến 10 triệu đồng. Quá ít so với thiệt hại mà chị phải gánh chịu, và cũng quá nhỏ so với những gì công ty đó đạt được trong thời gian chị làm việc.

 

Ban Thường vụ Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TPHCM cho rằng: Nếu không thành lập CĐ cơ sở dẫn đến việc không có thỏa ước lao động tập thể thì NSD lao động đã vi phạm Luật Lao động. Không ký HĐLĐ với NLĐ; trong quản lý lao động không có nội quy lao động, nhiều DN còn tự đề ra các quy định xử phạt NLĐ trái pháp luật (cắt tiền lương, sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật), tự ý buộc NLĐ tăng ca quá mức. Đáng nói, trong số các vụ tranh chấp đông người, có nhiều trường hợp DN không chịu thực hiện các chính sách như trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) cho NLĐ, hoặc buộc thôi việc trái pháp luật hàng loạt NLĐ, trì hoãn trả lương.

 

Từ những tồn tại trên, LĐLĐ TP.HCM đã chỉ đạo các CĐ cấp trên cơ sở và CĐ trực thuộc phải có báo cáo hoạt động từ cấp cơ sở lên LĐLĐ thành phố về tình hình tăng ca, nhịp độ sản xuất và kế hoạch trả lương, thưởng cho CN, để kịp thời lường trước tranh chấp có thể xảy ra. Đặc biệt, các CĐ cấp trên cơ sở phải bám sát địa bàn và dự báo được những DN có nhiều khả năng xảy ra tranh chấp, từ đó cùng phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương can thiệp, buộc phía NSD lao động và NLĐ chấp hành pháp luật.

 

Hiện nay, Bộ luật Lao động chưa có quy định tại thời điểm phát sinh tranh chấp đông người thì ai có trách nhiệm đứng ra giải quyết, để khắc phục tình trạng này, LĐLĐ TP.HCM đã tiến hành song song việc ký kết Liên tịch giữa CĐ với UBND các cấp với việc chỉ đạo CĐ các KCX, KCN tổ chức ký kết Liên tịch với Ban quản lý của từng KCX, từng KCN và với chính quyền địa phương (nơi có các DN trú đóng), trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bên, để cùng có trách nhiệm tham gia giải quyết khi tranh chấp xảy ra.

Bên cạnh các giải pháp trên, LĐLĐ TP.HCM sẽ thực hiện biện pháp cứng rắn để xử lý những vụ NSD lao động vi phạm pháp luật kéo dài, cụ thể là: Đề nghị chính quyền cùng các cơ quan chức năng tổ chức thanh kiểm tra DN để xử lý, từ phạt tiền đến rút giấy phép hoạt động.

 

Nguyên nhân của những vụ tranh chấp lao động đều xuất phát từ quyền lợi và nghĩa vụ của NLĐ và NSD lao động. Một khi những xung đột này không thể giải quyết êm thấm giữa 2 phía thì một biện pháp chế tài thật nghiêm khắc, đủ tác dụng răn đe, ngăn ngừa là vô cùng cần thiết. Thế nhưng, như thế nào là “đủ tác dụng” và đến bao giờ thì sự “đủ tác dụng” ấy mới thành hiện thực để thị trường lao động Việt Nam lành mạnh hơn?!

  • Linh Trúc
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,