HS lớp 5 "quyết" bỏ nhà đi nếu không có "dế"
- Con trai chị T. (thị trấn Mộc Châu, Sơn La) năm nay mới lên lớp… 5 mà đã sống chết đòi mua điện thoại di động, khi không xin được điện thoại thì cậu bé… viết thư từ biệt bố mẹ và quyết…bỏ nhà ra đi.
Bị thu cái này, mua cái khác… xịn hơn
“Mốt" sắm điện thoại trong học đường không chỉ quét qua các thành phố lớn, mà ngay tại những vùng miền núi xa xôi, nó cũng đang “làm mưa làm gió”.
Mấy năm trở lại đây, tại phố núi Mộc Châu (Sơn La), nhắc đến việc phần nhiều học sinh từ cấp 2 đến cấp 3 đều sử dụng những chiếc điện thoại di động đắt tiền không còn có gì đáng để ngặc nhiên với nhiều người.
Chuyện sử dụng chiếc điện thoại đắt tiền để chứng tỏ độ sành điệu với bạn bè dường như đang trở thành “mốt” với các cô cậu học sinh nơi phố núi. Còn là học sinh, nhưng không ít em dùng những chiếc điện thoại đắt tiền.
Trẻ em dùng điện thoại di động (Ảnh nguồn internet) |
Thầy Hoài, giáo viên trường THPT Mộc Lỵ (thị trấn Mộc Châu) cho biết: thầy đã từng thu được của học sinh chiếc điện thoại có trị giá trên 11 triệu đồng. Nhà trường luôn nghiêm cấm việc sử dụng điện thoại di động trong giờ học, tuy nhiên một số học sinh vẫn ngang nhiên dùng máy nhắn tin, nghe nhạc nên các thầy cô “tha hồ” mỏi tay tịch thu các loại điện thoại đủ kiểu dáng, thể loại.
Thầy Hoài cho biết, đến cuối năm học vừa rồi, tại trường THPT Mộc Lỵ, các thầy cô đã thu được đến hơn 50 chiếc điện thoại di động. Những chiếc điện thoại bị thu sẽ được lập biên bản, niêm phong và trả lại cho học sinh khi hết năm học. “Hiện nay, tại trường THPT Mộc Lỵ có khoảng 70 đến 80% học sinh có điện thoại di động” - thầy Hoài nói.
Các em vẫn mang máy đến trường nhưng nhà trường chỉ tiến hành thu máy nếu sử dụng trong giờ học. Tuy nhiên, khi học sinh bị thu máy, một số phụ huynh còn đến tận trường để “xin” lại điện thoại cho con. Còn một số học sinh thì đối phó thầy cô theo kiểu “mất cái này ta dùng cái khác”, mới bị thu điện thoại nhưng chỉ một hai hôm sau đã có ngay cái mới, và những cái mới thì đều…xịn hơn cái đã bị thu.
Cô Nguyễn Thị Sinh, giáo viên trường THCS Đông Sang - một trường thuộc vùng 2 của huyện với hơn 70% học sinh là người dân tộc thì cho biết: “Cả trường có đến 1/3 số học sinh có điện thoại di động và đa phần là những chiếc điện thoại có giá không dưới 2,5 triệu đồng”.
Câu chuyện dùng điện thoại di động không chỉ dừng ở học sinh cấp 2, 3 mà tại phố núi Mộc Châu, một số em học sinh vừa mới “tốt nghiệp” trường…mầm non cũng đã có thể sử dụng điện thoại di động khá thành thạo.
Chị Thùy (tiểu khu 2, thị trấn Mộc Châu) vừa cười vừa kể chuyện cô con gái 6 tuổi: “Nó vẫn thường lấy máy của chị nhắn tin nói chuyện với anh họ (cũng bằng tuổi cô bé), hai anh em suốt ngày nhắn tin trêu đùa nhau như người lớn”.
Còn tôi đã có một phen “không khỏi ngỡ ngàng” khi đến nhà cô bạn chơi đã bắt gặp cậu bé mới lên lớp 3 đang cầm chiếc điện thoại hí hoáy… nhắn tin. Không biết cậu bé đang giận dỗi gì với người được nhận tin nhắn nhưng cậu viết: “Em đừng có “láo toét” nhé, anh không thèm nhắn tin với em nữa…”.
Những quái chiêu để “vòi” điện thoại di động
Một số học sinh vẫn còn thói “ăn chơi đua đòi”, nếu thấy bạn bè có điện thoại mà bản thân không có thì các em nghĩ ra đủ trò để xin bằng được điện thoại di động.
Anh Thắng (tiểu khu 2 thị trấn Mộc Châu), đã phát cáu khi cậu con trai đang học lớp 9 trường THCS Lê Quý Đôn một hôm về nhà cứ khăng khăng đòi mua di động với lý do: “Lớp con đứa nào cũng có điện thoại hết rồi”. Nhưng vốn nghiêm khắc với con cái, anh nhất định không mua điện thoại, không được nuông chiều, lại sợ bố nên cậu con ngậm ngùi đành chịu “thua kém bạn bè”.
Điện thoại đang trở thành phương tiện liên lạc thiết yếu của HS (Nguồn internet) |
Cô Hà (tiểu khu 10, thị trấn Mộc Châu) chỉ có một cậu quý tử. Mới học lớp 7 mà khi sắp hè cậu chàng khăng khăng đòi mẹ mua điện thoại vì: “Sắp hè đến nơi, sắp phải chia tay bạn bè, con cần điện thoại liên lạc với bạn cho…đỡ nhớ”.
Đòi hỏi không được cậu chàng giận dỗi bố mẹ và quyết định…tuyệt thực. Vậy là vì xót con, ngay chiều hôm sau bố mẹ đã phải đưa cậu quý tử ra quán “rinh” về chiếc Nokia 6300 mầu bạc.
Kể lại câu chuyện cậu con trai mới học hết lớp 4, chuẩn bị lên lớp 5 đã sống chết đòi mua điện thoại di động vẫn còn khiến chị Nguyễn Thị T. (tiểu khu 2 thị trấn Mộc Châu) không khỏi bật cười. Không hiểu đến lớp nghe bạn bè nói gì mà về nhà cậu chàng nằng nặc đòi bố mẹ mua điện thoại di động, khi không xin được chiếc điện thoại thì cậu bé…viết thư từ biệt bố mẹ và quyết…bỏ nhà ra đi.
Trong thư là những dòng tâm sự “đầy nước mắt” của cậu chàng với những lời trách móc vì bố mẹ không yêu thương con cái. Hối hoảng, vợ chồng chị T. đi đủ nhà bạn bè, họ hàng để tìm, cả nhà lo đến nỗi suýt chút nữa là gọi điện báo công an thì tìm thấy cậu chàng trốn ngay trong… tủ quần áo.
Tuy nhiên, sau khi bố mẹ dọa sẽ “mách” cô giáo và được “thưởng” một trận đòn nhớ đời thì cậu chàng sợ rối rít và không dám đòi điện thoại nữa.
Hiện nay, một số bậc phụ huynh trang bị điện thoại cho con cái để có thể quản lý con em mình tốt hơn, nhưng thực tế, việc quản lý chưa chắc thực hiện được mà có khi còn có tác dụng ngược. Hơn nữa, dù chưa có những nghiên cứu chính xác được công bố về tác hại của việc sử dụng điện thoại di động, nhưng ít hay nhiều chắc chắn tác hại của nó là có thật, đặc biệt là với việc phát triển trí não của trẻ.
Vì vậy, các bậc phụ huynh cần cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định sắm điện thoại di động cho những cô cậu bé còn đang ở độ tuổi cắp sách đến trường.
- Cao Thùy Thơm
Kỳ 6: Cấm học sinh dùng di động trong trường thế nào?