Phú Yên:

Chạy lũ như “chạy giặc”

Cập nhật lúc 17:49, 04/11/2010 (GMT+7)

– Nước lũ đang “chặn đầu, chặn đuôi”, ngược lên phía trên gặp tràn ngập sâu 3m, đi xuống phía dưới nước chảy xiết bọt tung trắng xóa cả lối đi. Người dân mệt mỏi chạy lũ liên tục như chạy giặc.

Lũ cũ chưa rút, lũ mới chồng lên

Các hồ thủy điện trên sông Ba Hạ (Phú Yên) đã cắt giảm lưu lượng xả lũ, tuy nhiên do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới trên địa bàn tỉnh có mưa to, người dân vùng trũng lại hứng chịu đợt lũ mới.

Trước đó, trận mưa rạng sáng ngày 2/11 làm nước lũ “ngâm” hàng trăm hộ dân ở vùng dân cư này kéo dài cho đến chiều ngày 3/11. Nước rút chưa được bao lâu thì ngay tối 3/11, mưa to lại ập xuống khiến nước lại dâng lên.

Mô tả ảnh.
Sáng ngày 4-11, nước lũ lên nhanh, tuyến đường ĐT 641 từ thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An)- thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) ngập sâu trong nước. Các khu vùng dân cư xã An Dân, An Định (huyện Tuy An); Tân Hòa, Tân Long (xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân) chìm trong nước lũ

Lũ xuống rồi lại lên khiến người dân mệt mỏi vì chạy lũ. Nhiều cụ già ở khóm 4 (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) đã 3 ngày liên tiếp tối đi trốn lũ, sáng về nhà mỏi rả rời đôi chân.

Cụ Võ Thị Hồng, 73 tuổi, ở khóm 4 chống gậy đi trốn lũ than vãn: “Ở đây ban ngày trời mưa to không dám ngồi trong nhà mà ra ngòai đứng xem, chừng nào thấy nước tràn vào cánh đồng trước nhà là gánh mùng mền, chén bát “đầu treo, đầu trễ” đi tránh lũ”.

Các thôn vùng trũng như Tân Long, xã Xuân Sơn Nam; Chợ Lùng, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) chính quyền địa phương đã nỗ lực vận động sơ tán hàng trăm hộ dân vào UBND xã trú tạm. Riêng thôn thôn Mỹ, Long Hòa (xã Xuân Long, Đồng Xuân), cây cầu bắc qua thôn này bị trôi nên chưa thể đi lại ra bên ngoài được.

Khu vực Lưới Gõ, Hiệp Đồng, xã Hòa Xuân Đông và khu dân cư ốc đảo Hòa Tâm (huyện Đông Hòa) nước rút phần nào nhưng vẫn còn mênh mông.

Đi bộ 10km để mua thức ăn

Hàng trăm hộ dân ở xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) bị nước lũ bao vây cô lập nhiều ngày liên tiếp. Người dân thôn Tân Phước (xã Xuân Sơn Bắc) để có thức ăn cầm cự chống chọi với lũ phải đi bộ hơn 10 cây số vượt qua đèo Cây Cưa xuống chợ xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu) mua thức ăn đem về. Tuyến đường này do mưa lũ sạt lở nghiêm trọng không thể đi xe máy được.

Ông Trịnh Hoài Bình, Phó Bí thư Đảng ủy xã Xuân Sơn Bắc cho biết: “Đến phiên, chợ ở đây vẫn họp bình thường, sau lũ 3 ngày phiên chợ có khoảng 15-20 người, sau đó thưa dần, đến nay không còn gì để bán nên chỉ có vài người lót dép ngồi bán sắn nước. Ngày bình thường chợ ở đây họp hàng trăm người”.

Mô tả ảnh.
Người dân đã hết cái ăn, phải ăn sắn cầm hơi

“Nhà có 4 miệng ăn, biết trước mưa to, lũ sẽ cô lập nên nhà tôi chuẩn bị sẵn gạo thức ăn và một số nhu yếu phẩm khác dự trữ, tuy nhiên do lũ cô lập kéo dài, đến nay thức ăn đã hết chỉ còn duy nhất 1 con cá mặn ăn bữa trưa nay. Gạo trong nhà gần như đã cạn, lúa dự trữ đưa gác lửng, điện cúp, vì thế có lúa nhưng không thể xay gạo”- chị Nguyễn Thị Ánh giãi bày.

PCLB&TKCN huyện Đồng Xuân cho biết: “Trước khi lũ đến chúng tôi đã chỉ đạo cho UBND các xã vùng trũng vận động nhân dân mua thức ăn, gạo dự trữ, tuy nhiên do lũ kéo dài nên đời sống nhân dân đang thiếu thốn. Thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện nay có 70 ngôi nhà ngập sâu trong nước”.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Điện lực Đồng Xuân Trần Văn Huynh, giải thích: “Hiện nay khu vực xã Xuân Sơn Bắc nước lũ ngập sâu nên chưa có kế hoạch đóng điện, vì chưa kiểm tra được nên đóng điện sẽ rất nguy hiểm. Nếu tình hình tiếp tục có mưa to như thế này xã Xuân Bắc sẽ tiếp tục mất điện trong vài ngày tới”.

13 người chết, 28 tàu chìm vì áp thấp, địa phương chủ động cấm biển

Trận lũ tại Nam Trung bộ đã khiến 13 người chết, 4 người mất tích.

Áp thấp nhiệt đới trên khu vực quần đảo Trường Sa đã khiến 28 tàu của ngư dân bị chìm, 8 tàu bị hỏng máy trôi dạt. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TW yêu cầu các tỉnh chủ động triển khai phương án đối phó với mưa lũ và áp thấp nhiệt đới, chủ động cấm biển tàu thuyền.

Hiện nay đã có 30.005 tầu/143.623 lao động đã được thông báo về vị trí, diễn biến của áp thấp nhiệt đới gần bờ để chủ động phòng tránh. Trong đó: Hoạt động ở khu vực Hoàng Sa: 2 tàu/29 lao động; Hoạt động ở khu vực Trường Sa: 270 tàu/3.164 lao động; Hoạt động ở khu vực các tỉnh phía Nam từ Bình Định đến Kiên Giang và neo đậu tại bến: 29.733 tầu/143.594 lao động.

Mô tả ảnh.
Tâm vùng áp thấp (trắng đậm nhất) đang hoạt động ngay tại vị trí cách bờ biển các tỉnh Phú Yên - Ninh Thuận 110km về phía Đông (Ảnh: NCHMF)

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới hầu như ít dịch chuyển hoặc di chuyển chậm theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km.

Đến 13 giờ ngày 5/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc; 109,3 đến 110,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh Phú Yên – Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.


Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với đới gió đông bắc mạnh và nhiễu động trong đới gió đông trên cao, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9 – 10 và có mưa dông mạnh. Biển động rất mạnh.


Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to đến rất to, Tây Nguyên có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương dự báo lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, Gia Lai và Đăk Lăk tiếp tục lên. Đêm nay, ngày mai (5/11), lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam có khả năng lên lại, các sông ở Thừa Thiên Huế, Gia Lai lên mức BĐ1– BĐ2, có nơi trên BĐ2.

Cẩm Quyên

  • Trâm Trân

Tin liên quan

Các tin khác