Nỗi lòng cô giáo bị "bầm dập" vì học trò

Cập nhật lúc 07:32, 20/11/2010 (GMT+7)

- "Những vết cắn sâu, thâm tím và hằn rất lâu. Có lúc đau, lặng người đến chảy nước mắt nhưng rồi khi các con buông ra, nét mặt vẫn ngây ngô lại thấy nhói lòng vì thương” - một giáo viên dạy trẻ tự kỷ tâm sự.

“Bầm dập” vì trò

Vừa cười vừa đưa cánh tay vẫn còn 2 vết thâm tím, Thu Hường (Khoa Giáo dục đặc biệt – ĐH Sư Phạm Hà Nội) chia sẻ: “Là một sinh viên của khoa Giáo dục đặc biệt, mình cũng hiểu được những khó khăn với những học trò của mình. Nhưng đi vào thực tế mình mới thực sự thấy thế nào là “chuyên biệt”.

Hường kể thêm: “Trước kia đi làm gia sư mình đã thấy dạy trẻ rất phức tạp và khó khăn. Nhưng khi được đến với những lớp học chuyên biệt có khi cả một buổi chiều mình chỉ dạy cho một bé cách cầm nắm một vật hay dạy bé phát âm một chữ cái... Đó chỉ một trong rất nhiều những “chuyên biệt” mà mình chưa thể hiểu hết được”.

Mới bước vào lớp học, vừa nhìn thấy người lạ, bé Anh Đức đang ngồi cuối lớp bỗng đứng ngay dậy, xua tay và kêu khóc ầm ĩ: “Ra đi! Ra đi”. Vội vàng đóng cửa, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh (Phó trưởng khoa Khoa Giáo dục đặc biệt Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội – Phụ trách chuyên môn Trường Mầm non Newstar) tâm sự:

“Dạy những trẻ chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ hay bại não…không hề có một bản giáo án cụ thể nào cả. Mỗi học sinh lại có một giáo án riêng mà ngày hôm nay không giống ngày hôm qua, hay ngày mai”.

d
Một lớp học của trẻ tự kỷ

Gắn bó hơn 10 năm với những học trò đặc biệt, cô Thanh không nhớ đã bao nhiêu lần bị các con đánh, cắn, cào cấu… Cô kể: “Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ lắm cảm giác lần đầu tiên tiếp xúc với các con. Học trò nhốn nháo. Những gương mặt ngây thơ đến ngơ ngác, đứa đấm thình thịch vào tường, đứa ngồi co ro nơi góc lớp, đứa la hét, kêu khóc ầm ĩ, đuổi cô ra khỏi lớp…

Sợ lắm, nhưng nhìn vào những gương mặt lơ ngơ, những ánh mắt trong veo, mình hiểu rằng các con đuổi mình nhưng đôi mắt lại như níu mình ở lại. Thế mà đã hơn 10 năm trôi qua, từ những sợ hãi, những lơ ngơ ban đầu như thế”.

Còn với cô Hồng Nhung, quá trình công tác gắn bó cùng các con tại lớp học chuyên biệt mới chỉ chưa đầy 1 năm nhưng cô cũng thấm thía: “Mình đã từng giật mình khi vừa đưa cho con đồ dùng học tập con đã vội giằng lấy, túm tay và cắn, khi thì túm áo, lôi và khóc thét lên.

Những vết cắn sâu, thâm tím và hằn rất lâu. Có lúc đau, lặng người đến chảy nước mắt nhưng rồi khi con buông ra, nét mặt vẫn ngây ngô lại thấy nhói lòng vì thương con”.

Tâm sự về quá trình dạy trẻ chuyên biệt, thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh cho biết: “Công việc của các cô là phá đi những nét tự kỷ của con, dạy con những nét rất sơ khai ban đầu đơn giản chỉ như việc cầm nắm, phát âm, cảm nhận… Xây đắp cho con từ những điều nhỏ nhất để giúp con biết nhận thức.

Nắm bắt được tâm lý, quá trình can thiệp cá nhân với từng học sinh là vô cùng quan trọng, nhưng cũng cần lắm ở mỗi giáo viên sự kiên trì, nhiệt tình, tình yêu thương và đặc biệt cả sự hy sinh”.

Đến với Trung tâm Hy vọng, nơi hỗ trợ cho 54 em khuyết tật, chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ… hỏi các cô về những khó khăn vất vả, ai cũng chỉ cười rồi xua tay: “Có tiếp xúc với các con, có thấy các con khóc cười trong mỗi giờ học, có khi nôn, chớ tè dầm ngay tại lớp học…mọi người mới hiểu. Các con là những học trò “chuyên biệt”, giáo viên cũng sẽ là những giáo viên “đặc biệt”.

Những niềm vui “chuyên biệt”

Vất vả với bao những khó khăn “chuyên biệt” nhưng niềm vui của những nhà giáo “chuyên biệt” như thế nhiều khi lại đặc biệt đến bất ngờ.

“Hình như mỗi chúng mình chỉ dạy các con những điều bình thường, đơn giản nên có lẽ những niềm vui mà các con mang đến cũng chỉ là những điều rất đỗi giản đơn. Cả tuần lên lớp, gắn bó, tận tụy cùng con chỉ cần thấy con gần mình, không sợ, không còn đuổi mình ra khỏi lớp. Đó cũng là niềm vui.

d
"Nắm bắt được tâm lý, quá trình can thiệp cá nhân với từng học sinh là vô cùng quan trọng, nhưng cũng cần lắm ở mỗi giáo viên sự kiên trì, nhiệt tình, tình yêu thương và đặc biệt cả sự hy sinh”.
Rồi con biết tên mình, bi bô gọi tên cô thì niềm vui lại được nhân lên. Biết chào cô khi đến lớp, khi về nhà…Chỉ thế thôi, những niềm vui nho nhỏ, giản đơn nhưng là niềm hạnh phúc” – cô Thanh tâm sự.

Khi kể về những đứa con đã rời trường, hòa nhập với các bạn bình thường, cô Thu Phương xúc động: “Mình đã khóc khi nghe cậu học trò kể chuyện trường, chuyện lớp, chuyện bạn bè. Đặc biệt khi đặc phụ huynh tiết lộ: Bây giờ đi đâu ai hỏi con học thầy cô nào bé cũng bảo: Con học cô Phương, giờ con đang học cô Vy. Vui lắm chứ, vì như thế là con luôn nhớ tới mình rồi”.

Tâm sự về ngày 20/10 khó quên vừa qua, một giáo viên trường mầm non Newstar kể: “Mình đã hướng dẫn lớp làm một món quà nhỏ về tặng mẹ, dạy các bé từ cách tặng đến những lời chúc. Nhưng rất bất ngờ khi ngày hôm sau đến lớp thấy các con cũng lấy từ trong cặp ra một món quà tương tự như thế, đưa tay và run run: Con tặng cô!

Những vết cắn thâm tím, những lần các con ném đồ dùng, rồi cả những khi con mắng đuổi cô tất cả như chẳng là gì. Lời chúc ngắn thôi, tiếng chúc vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng niềm vui ấy khó nói lắm...”.

Rời Trung tâm Hy Vọng, ám ảnh chúng tôi vẫn là những gương mặt con trẻ đang ngoan lành chìm vào giấc ngủ trưa. Có thể, các em sẽ không biết hôm nay là ngày 20/11 – ngày tôn vinh những cô giáo, những mẹ hiền đang cùng các em phá đi những nét sơ khai trên con đường nhận thức. Có thể ngày hôm nay, các cô sẽ bị thêm những vết cắn…

Nhưng niềm vui của thầy cô khi thấy học trò "đặc biệt" của mình mỗi ngày tiến thêm một bước trên con đường hòa nhập cộng đồng vẫn luôn còn mãi...

  • H.Khanh

Các tin khác