Vụ "người giàu nhất Quảng Ninh": Xã hội đen núp bóng DN?
Vụ án xét xử Nguyễn Tiến Phương - GĐ Cty Quang Phát, một người từng tuyên bố là giàu nhất Quảng Ninh chuẩn bị được đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND Quảng Ninh, Nguyễn Tiến Phương cùng em trai là Nguyễn Tiến Chung đã bị kết án tử hình vì phạm tội giết người tại bến Lục Chắn (xã Hải Sơn, TP Móng Cái, Quảng Ninh).
>> Bất ngờ vụ “người giàu nhất Quảng Ninh’
Tuy nhiên, người dân Quảng Ninh cùng nhiều người quan tâm theo dõi vụ án đều cho rằng, đây không đơn giản là vụ án giết người mà là vụ thanh trừng để tranh giành lãnh địa. Bài học rút ra từ vụ án, hai DN cùng xuất khẩu hàng đông lạnh sang Trung Quốc đáng nhẽ phải hỗ trợ nhau cùng hoạt động sản xuất kinh doanh, lại quay sang triệt hạ nhau theo kiểu xã hội đen.
DN hay băng nhóm ?
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Ninh, vụ việc xảy ra từ khoảng cuối tháng 5/2009. Cty Quang Phát của Nguyễn Tiến Phương có giấy phép kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, trong đó có mặt hàng đông lạnh.
Cty của Phương thường xuất khẩu hàng qua khu vực bến Lục Chắn. Ngày 27 – 28/5/2009, ông Lê Hữu Vinh - Phó giám đốc Cty TNHH Hồng Kông gọi điện thoại xin Nguyễn Tiến Phương cho sử dụng nhờ đường qua xã Hải Sơn để xuất khẩu hàng đông lạnh sang Trung Quốc nhưng Nguyễn Tiến Phương từ chối vì lý do đường và cầu đang được sửa chữa. Hai bên đã to tiếng và có lời đe dọa đánh nhau.
Khu vực bến Lục Chắn |
Chiều 30/5/2009, các nhân viên của anh Lê Hữu Vinh đi vào khu vực bến Lục Chắn để xin xuất hàng qua biên giới. Tại đây, anh Lê Văn Điệp và Nguyễn Minh Trí (tức Sỹ) ở lại chờ xuống hàng. Cũng lúc này, Nguyễn Tiến Phương cùng Bùi Hải Bài và Hà Quốc đang trên đường đi khảo sát làm cầu, đường (cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 341) thì nhận thấy có mấy thanh niên xuất hiện ở khu vực xuất hàng.
Phương bảo Bài gọi người lên giải quyết. Bài gọi điện cho Nguyễn Tiến Chung nói: “Có mấy thằng vác đồ chặn xe hàng, em lên giải quyết hộ anh”.
Tuy nhiên, phía Cty Hồng Kông cũng đã chuẩn bị hung khí gồm 2 quả mìn, một khẩu súng thể thao và một khẩu súng dạng bút. Khoảng 17 giờ ngày 30/5, cả hai nhóm có mặt tại khu vực bến Lục Chắn và một trận hỗn chiến xảy ra.
Đã có tiếng súng nổ, phía Cty Quang Phát đông người hơn đã thắng thế. Lê Văn Điệp và Nguyễn Minh Trí bị nhóm của Nguyễn Tiến Chung bắt lên xe và đưa qua biên giới Việt - Trung. Tại Trung Quốc, Lê Văn Điệp và Nguyễn Minh Trí đã bị 5 đối tượng người Trung Quốc ra tay sát hại.
Lọt người, lọt tội ?
Vụ án nghiêm trọng trên đã bị Công an tỉnh Quảng Ninh triệt phá trong một thời gian ngắn. Nguyễn Tiến Phương - GĐ Cty Quang Phát và em trai là Nguyễn Tiến Chung cùng bị khởi tố về tội “giết người”. Một loạt tội danh khác như: “sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”, “bắt, giữ người trái pháp luật”, “che giấu tội phạm”, “không tố giác tội phạm” được khởi tố để xử lý Nguyễn Tiến Phương và nhóm người đã được khởi tố, điều tra.
Kết quả, anh em Nguyễn Tiến Phương đã bị tuyên phạt tử hình vì tội “giết người”, bị cáo Bùi Bài Hải lĩnh án chung thân và các bị cáo khác cũng chịu mức án từ 2 đến 4 năm tù.
Theo hồ sơ vụ án mà Cơ quan điều tra thu thập được, sau khi nhóm anh Lê Văn Điệp, Nguyễn Minh Trí và Đoàn Quyết Chiến cũng đã chuẩn bị mìn, súng thể thao để chuẩn bị cho một vụ “đụng độ” nhưng khi đụng nhau thì họ đã thất thế dẫn đến cái chết của Lê Văn Điệp và Nguyễn Minh Trí. Thế nhưng, Cơ quan điều tra chưa điều tra và xử lý những người liên quan đến việc chỉ đạo và chuẩn bị hung khí nguy hiểm này.
Một vụ án hình sự nhưng lại có bóng dáng của sự thanh trừng, tranh giành lãnh địa giữa 2 DN. Theo LS Phạm Hồng Hải - Trưởng văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: “Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cũng như Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh khởi tố và truy tố bị cáo Nguyễn Tiến Phương phạm tội giết người theo các điển a, n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự là chưa đủ căn cứ, không phù hợp với những chứng cứ khách quan khác trong vụ án.
Trong cáo trạng chỉ thể hiện bị cáo Phương bảo bị cáo Bài gọi Chung lên giải quyết công vụ chặn hàng của Cty. Hơn nữa, theo cáo trạng, người bị hại là Lê Văn Điệp và Nguyễn Minh Trí cũng chuẩn bị mìn và súng chuẩn bị đánh nhau. Hơn nữa, việc Lê Văn Điệp và Nguyễn Minh Trí nói là ở lại chờ xuống hàng là không có cơ sở.
Vì thực tế như lời khai của thiếu tá Ninh Quốc Phương – nhân viên kiểm soát đồn biên phòng 15, hôm đó “anh Lê Hữu Vinh đến gặp tôi chỉ nói lên xem đất nhà anh Phong để mua làm bến bãi”. Tuy nhiên, việc những người phía Cty Hồng Kông ở lại cùng nhiều hung khí với mục đích gì đã không được tòa làm rõ”.
Đại diện các gia đình anh Lê Văn Điệp và Nguyễn Minh Trí đã có đơn đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét lại việc truy cứu trách nhiệm đối với anh em Nguyễn Tiến Phương vì hung thủ thực sự gây ra cái chết cho hai nạn nhân này không phải là hai bị cáo trên. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách hành xử đầy tính “giang hồ” của hai DN trên đã gióng lên hồi chuông về đạo đức, văn hóa DN.
(Theo DĐDN)