Nhếch nhác khu lăng mộ độc đáo ở Hà Nội

Cập nhật lúc 09:52, 03/11/2010 (GMT+7)

- Nếu ai đã từng được chiêm ngưỡng khu lăng mộ Hoàng Cao Khải (ngõ 252, phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) chắn chắn không khỏi bất ngờ bởi những nét kiến trúc đẹp và độc đáo. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, khu lăng mộ này đang bị xâm hại rất nghiêm trọng khiến cảnh quan quanh khu vực trở nên nhếch nhác và hoang tàn.

Nhếch nhác và lãng quên

Lăng mộ Hoàng Cao Khải trước đây nằm trong khu ấp Hoàng Cao Khải (còn gọi là Ấp Thái Hà), được xây dựng từ năm 1893 bởi Tổng đốc Hoàng Cao Khải (1850- 1933). Hoàng Cao Khải là một đại thần dưới triều vua Thành Thái (nhà Nguyễn).

Ấp Hoàng Cao Khải là một quần thể di tích khá đẹp, gồm nhiều công trình có kiến trúc độc đáo (nằm phía tây Gò Đống Đa). Khu lăng mộ, dinh thự, đền thờ của quần thể này được đánh giá còn khá nguyên vẹn.

Mô tả ảnh.
Không hiểu từ bao giờ người dân "nhảy dù" vào khu khu lăng mộ

Đây là di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa nhưng chưa có khoanh vùng cụ thể. Chính vì điều này, nhiều năm nay khu di tích gần như bị lãng quên.
Khu vực lăng Hoàng Cao Khải và lăng Hoàng Trọng Phu (con trai cả của Hoàng Cao Khải) đang trong tình trạng bị xâm phạm nghiêm trọng. Riêng khu lăng mộ Hoàng Cao Khải được địa phương sử dụng làm trụ sở tuần tra của công an phường Trung Liệt. Hơn nữa sân của lăng còn được dùng để làm bãi gửi xe.
Bà Tạ Thị Xuân - Tổ trưởng tổ dân phố 9C, phường Trung Liệt cho biết: “Sân của khuôn viên lăng mộ được cho người khác thuê làm bãi gửi xe, số tiền có được sẽ cho vào quỹ phong trào thiếu nhi của tổ dân phố”.

Mô tả ảnh.
Phía mặt tiền của lăng mộ bị người dân sử dụng làm nơi buôn bán

Sân của lăng mộ Hoàng Cao Khải không chỉ được dùng làm bãi gửi xe, trong khi một số tượng đá đã biến mất mà không ai hay biết.

Điều đáng tiếc nhất là khu lăng Hoàng Trọng Phu bị người dân bịt gạch rất lem nhem, tự tạo thành nhà để sinh sống.

Những người dân sống tại đây lâu năm không khỏi xót xa bởi sự nhếch náhc của khu di tích. Nhiều bức tường đá được đục trạm tinh tế nay bị ám đen vì khói bếp than của một số gia đình sống “tạm”.

Không chỉ vậy, phía mặt tiền của lăng mộ bị các hộ dân dùng để bán thịt, phơi phóng, để xe máy và chậu cây cảnh…

Quần thể lăng mộ Hoàng Cao Khải không chỉ đẹp ở kiến trúc, sự tinh xảo mà còn đẹp ở không gian và địa thế. Lăng mộ nhìn ra hồ Tẩm Nguyệt (người dân gọi là hồ Bán Nguyệt), trước kia xung quanh hồ là nơi vui chơi giải trí cho nhân dân trong khu vực. Vài năm gần đây, đã tồn tại khu chợ xung quanh hồ nên rác thải bị vứt xuống bừa bãi khiến môi trường của hồ bị ô nhiễm nặng.

Mô tả ảnh.

Lăng mộ với kiến trúc đẹp nay bị người dân sử dụng

Bà Tạ Thị Xuân cho biết: “Hiện nay có một số hộ dân mở quán ăn ngay khu vực quanh hồ thiếu ý thức vứt bừa bãi phế thải xuống hồ (xỉ than tổ ong, xương lợn, túi bóng…)”.
Chị T. người sống gần khu vực hồ bức xúc khi bị vứt rác bẩn nên mùa khô nước có mùi hôi thối rất khó khó. "Chúng tôi không thể chịu được, con em không còn chỗ vui chơi nữa" - chị T. nói.
Không chỉ vậy, trên vỉa hè của hồ, các hộ dân căng bạt, bày biện bàn ghế bán hàng ăn. Việc bán hàng làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân.

Chị Hồ Mai Hoa, thuộc tổ 9C (chủ nhà nghỉ Mai Hoa) cho biết: “Có lần bố tôi đi cấp cứu nhưng ô tô không thể vào được nhà vì các hộ bày bừa hàng quán. Khi tôi phản ảnh tình trạng này còn bị các hộ làm khó dễ..”.

Vô tình hay bất lực?!

Trao đổi với UBND phường Trung Liệt, bà Nguyễn Cao Trang - cán bộ kinh tế phường cho biết, UBND phường đã phối hợp dẹp bỏ hàng quán, chợ cóc tại đây.

Tuy nhiên, cho đến nay, phường vẫn chưa thể làm triệt để. Hiện nay phường cũng kết hợp nhiều biện pháp nhưng vẫn lấy biện pháp thuyết phục người dân nâng cao ý thức là chính. Trường hợp các hộ dân ngoan cố không chấp hành thì sẽ sử dụng biện pháp mạnh tay.

Tuy nhiên, lãnh đạo phường Trung Liệt cũng chia sẻ, việc dẹp bỏ quyết liệt cũng khó làm mạnh tay vì liên quan đến "cơm áo gạo tiền" của các hộ dân nơi đây. Hơn nữa, người dân bán hàng ở đó cũng lâu rồi, nên cần có biện pháp thuyết phục trước.

Mô tả ảnh.
Lòng hồ Bán Nguyệt ngập tràn xỉ than và rác thả

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Trọng Hải, Phó phòng Văn hóa quận Đống Đa cho biết: Hiện nay những vi phạm mới là không có, còn những tồn tại nêu trên là do “lịch sử” để lại (những vi phạm này tồn tại vài chục năm gần đây).
Theo ông Hải, ý thức được giá trị của lăng mộ Hoàng Cao Khải, năm 2008, quận Đống Đa đã lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, trong đó lựa chọn 7 công trình cần được lưu giữ: Lăng Hoàng Cao Khải, lăng Hoàng Trọng Phu, đền thờ, dinh thự…
Theo ông Hải, đây là công trình còn giữ được khá nguyên vẹn và có tính khả thi trong việc bảo tồn. Hồ sơ đề nghị điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận.
Tuy nhiên, phương án bảo vệ di tích không biết đã và sẽ được thực thi như thế nào, nhưng hàng ngày, khu lăng mộ Hoàng Cao Khai đang bị "tàn phá" không thương tiếc bởi sự thiếu ý thức của một số người dân, cũng như sự dễ dãi của chính quyền sở tại.
  • Quang Anh

Ý kiến của bạn

Các tin khác