"Giờ tôi mất hết rồi!"

Cập nhật lúc 06:52, 02/11/2010 (GMT+7)

- "...Giờ tôi mất hết rồi..." - tiếng của bà Chuân nghẹn ngào, nấc ứ đầy lên cổ, chìm dần vào tiếng "tút tút" của chiếc điện thoại...

>> Mẹ Nguyễn Đức Nghĩa xin giảm tội cho con
>> Nhiều người thương bố Nguyễn Đức Nghĩa
>> Bố Nguyễn Đức Nghĩa tử vong vì tai nạn

Ngày tột cùng đau khổ

Con trai phải đối mặt với án tử hình, chừng ấy thôi chưa phải đã hết đau đớn với bà Phạm Thị Chuân, mẹ hung thủ Nguyễn Đức Nghĩa. Ngày 30/10, người chồng đã gắn bó suốt 30 năm qua và là chỗ dựa tinh thần đã bỏ bà ra đi vì tai nạn giao thông, để lại gánh nặng tinh thần quá lớn.

Chiều tối 1/11, qua điện thoại, tôi cảm nhận được những gì mà chồng bà từng nhận xét về vợ mình quả không sai: Một người phụ nữ thật thà, vụng về, yếu đuối, chỉ biết lo chuyện nội trợ và hết lòng thương chồng con. Mọi việc lớn trong nhà đều do ông Nguyễn Đức Hùng, chồng bà gánh vác.

Và chuyện của Nghĩa, ông Hùng cũng là người đứng ra "lo liệu" từ đầu cho đến lúc ông trút hơi thở cuối vì tai nạn.

Nghẹn ngào, bà Chuân kể lại: Chiều hôm đó hai vợ chồng tôi đi có việc gia đình, khi trở về nhà, đến Thành phố Hải Dương thì đã xảy ra tai nạn. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, tôi cũng không thể nhớ rõ chuyện xảy ra như thế nào. Chỉ biết lúc hai vợ chồng tôi bị ngã lăn ra đường, mọi người xúm vào đỡ cả hai dậy.

Lúc đó tôi hoa hết cả mặt mày, nhìn phía sau chồng thấy một vũng máu. Lúc đó chồng tôi kêu lên: "Ôi anh đau quá, anh gẫy tay rồi!". Sau khi nói một câu duy nhất đó, chồng tôi không nói được gì nữa, đưa vào viện thì người ta bảo trụy mạch rồi. Lúc đó tôi bàng hòang và không còn nhớ gì nữa.

Tai nạn bất ngờ ập đến khiến bà Chuân như người mất hồn, rất may có nhiều người tốt đã giúp bà mang chiếc xe máy vào bệnh viện, rồi sau đó còn tử tế lấy tiền trong cốp xe theo sự chỉ dẫn của bà Chuân để bà trả tiền viện phí.

Chính bà cũng bị thương, nên sau đó mọi chuyện đưa ông Hùng về nhà, đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng đều do họ hàng, làng nước lo chu đáo cả.

tang..jpg
Đám ma ông Hùng tại giáo xứ Lãm Hà. Ảnh: A.T



Hiện bà Chuân vẫn còn đau đớn với những vết khâu trên đầu, chân tay sưng tấy, mắt thì mờ đục không nhìn rõ mọi thứ. Nhưng tất cả những nỗi đau thể xác do vụ tai nạn giao thông gây nên không thấm vào đâu so với nỗi đau tinh thần mà bà đang phải gánh chịu.

Không thể ngăn được tiếng nấc qua điện thoại, bà nghẹn lời: "Không biết còn ai đau khổ hơn tôi nữa không? Không biết tôi còn có thể sống tiếp được nữa không?".

Kẻ sát nhân trong mắt người mẹ khổ đau

Có được một người chồng hết lòng thương yêu vợ con, hai đứa con, một trai, một gái được học hành đến nơi đến chốn, tưởng chừng hạnh phúc vẹn toàn đối với người phụ nữ tên Chuân. Nhưng tất cả đã sụp đổ vào cái ngày bà nhận được điện thoại của con trai gọi về từ Thái Nguyên.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm sau khi hay tin bố Nguyễn Đức Nghĩa tử nạn, do quý trọng người cha hết lòng vì con đã đề nghị được tiếp tục bào chữa cho Nghĩa trong phiên phúc thẩm xử sắp tới.

"Hoàn cảnh gia đình Nghĩa lúc này may ra có thể được HĐXX xem xét phần nào, chứ tội của Nghĩa thì đã quá rõ" - Luật sư Thơm nói.



Nghe điện thoại, tai bà dần ù đi khi Nghĩa nói mình mới giết người. Rồi bà ngất lịm.

Tỉnh dậy, bà vẫn không thể tin nổi những gì vừa được nghe nên bảo chồng gọi lại cho con trai. Rồi bà lại phải ngất đi một lần nữa khi biết Nghĩa đã nói thật.

Bà bảo, đối với dư luận, Nghĩa là một kẻ sát nhân máu lạnh, nhiều người phẫn nộ trước hành vi tàn ác của hắn đối với nạn nhân, nhưng trong mắt người mẹ đáng thương này, Nguyễn Đức Nghĩa vẫn là một đứa con tình cảm.

"Mọi người cứ bảo nó gây án, không có tình cảm gì nhưng đối với tôi thì nó là người có tình cảm. Còn những việc nó gây ra cứ như là chuyện ở đâu đó, không biết tại sao nó lại như thế nữa", bà Chuân nói trong nước mắt.

Bà kể rằng, những lần hai vợ chồng bà đi thăm đứa con tội lỗi ở trại giam, Nghĩa khóc rất nhiều và không ngớt lời xin bố mẹ tha thứ. Giây phút đó, ông Hùng bà Chuân không trách con mà chỉ động viên Nghĩa cố sống, bởi đối với ông bà, Nghĩa vẫn là niềm hy vọng.

Rồi bà lại thanh minh cho Nghĩa: "Hôm phúc thẩm bị hoãn, Nghĩa cười là do lúc đó nó nhìn thấy bác nó, cố đưa tay bị còng lên vẫy và cười với bác".

"Bản án" xót lòng

Đối với bà Chuân, mất chồng trong lúc này là nỗi đau không có gì lớn hơn, khi trong mắt bà ông là một người chồng, người cha tuyệt vời.

"Ba mươi năm được làm vợ ông ấy, tôi thấy ông ấy là người tuyệt vời", bà Chuân nghẹn ngào.

Người phụ nữ giờ đang phải thay chồng gánh vác mọi việc và sống tiếp những ngày khó nhọc khi đứa con trai duy nhất của bà đang phải đối mặt với án chết.

Bà không biết làm gì khác hơn là viết một lá đơn gửi TAND tối cao và VKSND tối cao xin được xem xét hoàn cảnh mà giảm án cho con trai.

Trong suốt cuộc trò chuyện qua điện thoại, bà luôn nghẹn lời nhắc đi nhắc lại câu nói: "Không biết tôi có qua nổi không?".

Đối với bà Chuân, động lực để có thể sống tiếp những ngày sau là hy vọng con trai bà được giảm án. Những lời thống thiết đó cũng được bà ghi trong lá đơn xin giảm án cho con: "Định mệnh đã lấy đi người chồng của tôi. Còn người con trai duy nhất của gia đình tôi chỉ biết khẩn cầu tới các quý cơ quan xem xét để cho con trai tôi có cơ hội được sống, để tôi còn có được động lực sống nốt thời gian cuối của cuộc đời”.

"Chồng đã không còn, giờ không biết đứa con duy nhất sẽ ra sao, tôi chỉ mong cho nó được khoan hồng. Nếu nó mà y án thì đúng là tôi không thể sống nổi. Tội của nó thì đúng rồi, nhưng dù sao tôi vẫn hy vọng nó được chiếu cố để tôi còn có đường sống. Giờ tôi mất hết rồi..." - tiếng của bà Chuân chìm nghẹn trong tiếng nấc ứ đầy lên cổ, hoà dần vào tiếng "tút tút" của chiếc điện thoại...

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác