Nguyễn Đức Nghĩa chờ đợi vận may?
Phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của Nguyễn Đức Nghĩa dự định sẽ diễn ra vào hôm nay (13/10), tuy nhiên, đến phút chót, phiên xử đã bị hoãn do vắng mặt luật sư của bị cáo.
Mặc dù trong phiên xử sơ thẩm trước đó, Nghĩa vẫn tỏ ra thản nhiên và kể về tội ác của mình một cách lạnh lùng. Mặc dù đã thừa nhận hết tội lỗi và sẵn sàng chấp nhận một bản án “chết”, nhưng khi gặp Nghĩa trong trại giam, người ta không còn thấy một bộ mặt thản nhiên, lạnh lùng của kẻ sát nhân máu lạnh trước đó nữa. Thay vào đó, là một Nguyễn Đức Nghĩa hốc hác với những dằn vặt, giằng xé về những tội lỗi cùng với niềm hy vọng được sống, dù biết điều đó là rất mong manh.
Hy vọng được sống
"Tôi thèm khát tự do hơn bao giờ hết. Nếu là ngày xưa, chắc tôi đang háo hức sửa soạn để cùng người yêu đi dạo phố. Giờ ngày đó không bao giờ xảy ra với tôi nữa”, Nghĩa tâm sự.
Nguyễn Đức Nghĩa: Ảnh: VietNamNet |
Theo lời kể của một cán bộ quản giáo, có lần Nghĩa đã từng nói với họ: Mặc dù đã xác định là mình sẽ phải chết rồi nhưng tôi vẫn nhớ điều cha tôi nói: "Cha chỉ có mình con, nếu con chết, cha cũng không sống nổi mất".
Nghĩa từng tỏ ra thản nhiên suốt phiên xử sơ thẩm, y khai tường tận về hành vi giết người yêu cũ, sau đó cắt từng bộ phận cơ thể của nạn nhân, đem giấu lên tầng thượng khu chung cư G4. Thế nhưng, khi về đến cổng trại giam, Nghĩa đột ngột ngã lăn ra đất, giãy đành đạch, vật vã. Các bác sĩ xúm vào cấp cứu, điều trị vài tiếng sau thì Nghĩa hồi tỉnh dần.
Sau khi được đưa về trại giam, cả tuần sau đó, Nghĩa không ăn gì, cũng không ngủ được, người gầy rộc đi. Quá khứ tội lỗi thực sự khiến Nghĩa kiệt quệ tinh thần. Theo Nghĩa, những gì y biểu hiện ra trước chốn đông người chỉ là sự cố gắng chống đỡ cuối cùng.
Sau trận ốm thập tử nhất sinh ấy, Nghĩa hiểu hơn ai hết tội ác mà mình gây ra phải chịu kết quả như thế nào và chấp nhận cả cái chết đang từ từ đến với mình. Nhưng cũng may vì tôi luôn có bố mẹ động viên và tha thứ cho tôi.
Kháng cáo vì cha
Trước đó, tại phiên xử sơ thẩm, Nghĩa đã khai nhận hết tội lội và thừa nhận "có chết hàng ngàn lần cũng không rửa hết tội lỗi" và thề sẽ không kháng án cho dù có bất cứ tác động nào. Nghĩa nói, đó là những lời nói rất thật lòng, và y cũng không muốn bào chữa, thanh minh cho những hành vi mất hết nhân tính của mình.
Nhưng ngay sau đó, cha Nghĩa đã khóc: "Cha chỉ có mình con, nếu con chết, cha cũng không sống nổi mất", vẻ mặt đau đớn cùng câu nói của ông đã làm Nghĩa phải chấp nhận viết đơn xin kháng cáo. Từ đó, một hy vọng sống cũng cứ nhen nhóm dần trong Nghĩa, dù Nghĩa biết điều đó là rất mong manh. Những điều Nghĩa nghĩ đến nhiều hơn, khao khát nhiều hơn đó là nhận được sự tha thứ của gia đình nạn nhân.
Nguyễn Đức Nghĩa tại tòa sáng 13/10. Ảnh: VietNamNet |
Nghĩa nói: "Thực ra tôi thấy hình phạt mà HĐXX phiên sơ thẩm tuyên là hoàn toàn thích đáng. Vì thế nên tôi đã không làm đơn chống án ngay. Mãi tận hơn 10 ngày sau, nghĩ lại lời người cha tôi nói tôi mới viết".
Nghĩa bộc bạch với cán bộ quản giáo: "Hàng ngày tôi vẫn cầu nguyện, tạ lỗi với vong hồn người đã khuất và chờ đợi vận may, chờ đợi sự đồng cảm, tha thứ". Tuy nhiên, bản thân Nghĩa cũng tự thấy rằng điều đó không phải chuyện dễ dàng, thấy một chút hi vọng nhưng nó mong manh kiểu như hồi sinh sau khi chết.
"Thật ra tôi chỉ có cha mẹ. Ruột thịt thì không thể bỏ được. Ban đầu tôi nghĩ chờ người ta tuyên án rồi sẽ viết đơn xin thi hành án. Đó là ý định thực sự của tôi. Nhưng sau phiên xử kết thúc, cha tôi cứ lẽo đẽo chạy theo tôi. Ông nói "con không được như thế, phải chống án nhé". Tuần sau, ông lại cùng luật sư vào gặp tôi và nhắc đi nhắc lại chuyện này. Tôi viết đơn chống án là vì cha".
Nghĩa nói với cán bộ quản giáo: "Tôi ở trong tâm trạng của một người chờ chết, còn cha tôi ở cương vị là một người cha sắp mất đứa con trai duy nhất thì niềm hi vọng, khát khao được sống dù rất mong manh, nhỏ nhoi thôi nhưng có thể hiểu được. Nếu được làm lại cuộc đời, tôi sẽ sống chết với những điều tử tế".
Diễn biến vụ án "Xác cô gái không đầu...":
Sáng 17/5 trên tầng thượng của chung cư G4 (phố Trung Yên 1, Hà Nội) thi thể cô gái không mảnh vải che thân đang trong giai đoạn phân hủy đã được phát hiện. Ngày 18/5, Nguyễn Đức Nghĩa bị công an Hà Nội bắt giữ khi đang lẩn trốn tại Thái Nguyên. Ngày 7/6, tìm thấy phần thi thể bị vứt xuống sông Cấm của nạn nhân. Ngày 14/7, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Đức Nghĩa tử hình, đồng thời bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân Nguyễn Phương Linh 113 triệu đồng. Hoàng Thị Yến bị tuyên phạt 15 tháng tù treo vì tội "Không tố giác tội phạm". Trong suốt phiên tòa bị cáo đã một mực khẳng định sẽ không kháng cáo dù cho bản án thế nào đi nữa và đã bật khóc thừa nhận “Với tội ác của tôi, chết cũng không hết tội”. Tuy nhiên vào ngày 27/7, Nguyễn Đức Nghĩa bất ngờ gửi đơn kháng cáo lên VKSND tối cao trong đó nhấn mạnh bị cáo không phạm tội giết người với tình tiết man rợ như phán quyết của tòa. Hành động này của Nguyễn Đức Nghĩa ngay lập tức đã vấp phải làn sóng phẫn nộ của dư luận và gia đình nạn nhân. Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty luật hợp danh Hồng Bách cho rằng việc Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo là hoàn toàn bình thường và đã được quy định cụ thể tại điểm I khoản 2 điều 50 Bộ luật Tố tụng hình sự. Hơn nữa trong kháng cáo Nguyễn Đức Nghĩa chỉ yêu cầu xem xét lại hành vi của bị cáo trên cơ sở pháp luật và theo nguyên tắc công bằng chứ không phải là xem xét lại toàn bộ bản án. Nghĩa sẽ phải chịu trách nhiệm tương xứng với hành vi phạm tội mà mình gây ra còn phán quyết cuối cùng thuộc về hội đồng xét xử. |