Vì sao phiên xử Nguyễn Đức Nghĩa phải hoãn?

Cập nhật lúc 07:07, 18/10/2010 (GMT+7)

- Đột nhiên vắng mặt, đột nhiên bỏ về giữa chừng khi phiên tòa đang "nóng"- những "bài chuồn" muôn vẻ của các luật sư.


>> Hoãn phúc thẩm, Nguyễn Đức Nghĩa cười tươi
>> Nguyễn Đức Nghĩa đã ’hết sĩ diện’!
>> Nguyễn Đức Nghĩa có thoát án tử hình?

Luật sư vắng mặt, lý do nào được chấp nhận?

Phiên tòa phúc thẩm xử Nguyễn Đức Nghĩa được nhiều người quan tâm bắt đầu lúc 8h30 ngày 13/10 đã phải hoãn vì vắng mặt luật sư.

Trong phần thủ tục, chủ tọa đã công bố đơn xin hoãn phiên tòa của luật sư Ngô Ngọc Thủy, bào chữa cho bị cáo Nghĩa, với lý do "phải đi tham dự hội thảo quốc tế từ ngày 12 đến 25/10". Bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa cũng yêu cầu phải có luật sư vì không thể tự bào chữa cho mình, nên phiên tòa đã phải hoãn.

Báo ĐS&PL trích lời vị thẩm phán, chủ tọa phiên tòa: "Luật sư chỉ có một lá đơn xin hoãn phiên xử, đưa ra lý do tham dự hội nghị quốc tế nhưng không kèm theo giấy mời, tổ chức ở đâu. Sau đây, chúng tôi sẽ làm công văn gửi các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Tư pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội xác minh có phải luật sư Thủy tham gia hội nghị quốc tế hay không?".

d
Nguyễn Đức Nghĩa tại tòa sáng 13/10

Xoay quanh những câu chuyện vắng mặt tại tòa của các vị luật sư, VietNamNet đã có trao đổi với một vị thẩm phán có uy tín của TAND TP Hà Nội và một vị kiểm sát viên của Viện KSND TP Hà Nội.

Vị kiểm sát viên cho hay: Đối với những tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc đối với trường hợp bị can, bị cáo là trẻ vị thành niên, bắt buộc phiên xử phải có luật sư. Khi bị cáo yêu cầu cần có luật sư mà luật sư vắng mặt thì đương nhiên phiên tòa phải tạm hoãn.

Cụ thể, trong trường hợp xử Nguyễn Đức Nghĩa với tội đặc biệt nghiêm trọng, khung hình phạt ở mức tử hình thì bắt buộc phải có luật sư bào chữa.

Cũng theo ông này, bình thường luật sư vắng mặt sẽ đưa ra lý do. Tuy nhiên, cũng khó có thể làm rõ ngay việc lý do vắng mặt mà luật sư đưa ra là có xác thực hay đó chỉ là "chiêu câu giờ".

Còn vị thẩm phán của TAND TP Hà Nội, cũng nhiều năm kinh nghiệm cho biết: Trong luật thì không có quy định nào cho phép luật sư vắng mặt. Luật sư bảo vệ thân chủ về nguyên tắc phải có mặt. Tuy nhiên, luật sư hay dựa vào những lý do bất khả kháng để xin vắng mặt.

Nhiều khi luật sư lấy cớ vắng mặt là do chưa kịp nghiên cứu hồ sơ, hay vì một lý do nào đó. Lúc đó họ dựa vào quyền của bị can, bị cáo để khiến phiên xử phải tạm hoãn (bị can, bị cáo có quyền được có luật sư đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc đối với người phạm tội là trẻ vị thành niên).

Có những phiên tòa diễn ra vào lúc 8 giờ 30, trong phần làm thủ tục, không thấy mặt luật sư đâu, lúc đó trợ lý của luật sư mới trình ra cái giấy cho biết lý do luật sư không đến tòa được là vì đi viện. Lúc đó thẩm phán không thể chạy ra viện để kiểm tra xem luật sư có đang đi viện thật không.

Nói vậy không có nghĩa là tòa không thể xác minh tính xác thực của lý do mà luật sư đưa ra. Ví dụ như khi luật sư đưa ra lý do vắng mặt là để đi hội thảo, khi đó luật sư cần xuất trình giấy mời tham dự hội thảo chứ không thể nói suông là bận đi dự hội thảo.

Nếu không xuất trình được giấy mời tham dự hội thảo thì rõ ràng lý do đó là không chính đáng. Lý do chính đáng là phải có tài liệu chứng mình kèm theo chứ không phải là do ý thức chủ quan. Thậm chí, trong trường hợp này hòan tòan có thể yêu cầu thư ký tòa đến hội thảo để xem luật sư đó có thật sự đến dự hội thảo hay là không.

Vị thẩm phán cho biết thêm: Chế tài xử lý những luật sư khi đưa ra những lý do không xác đáng để tìm cách "hoãn binh" thì lại do Văn phòng Đoàn luật sư quản lý. Đoàn luật sư là tổ chức xã hội nên chế tài mang tính cưỡng bức cũng rất khó. Đạo đức nghề nghiệp là chính.

Chia sẻ với VietNamNet, vị thẩm phán không ngại cho biết tâm trạng của mình trong những phiên phải hoãn tòa vì luật sư vắng mặt: Không ai thỏai mái gì khi đã sẵn sàng tâm thế phải hoàn thành công việc, tâm thức tập trung nhưng rồi lại vì luật sư mà phải trì hoãn công việc lại. Thậm chí có những trường hợp còn cảm thấy bức xúc khi biết là lý do mà các luật sư đưa ra "rất vớ vẩn" nhưng vẫn phải hoãn tòa...

"Và một trong những nguyên nhân làm tồn đọng án mà không ai dám đề cập tới đó là một phần do luật sư gây khó khăn", lời vị thẩm phán.

Khi luật sư "dỗi hờn"

Không chỉ vắng mặt tại tòa với vô vàn lý do, trong nhiều phiên xử, các luật sư dù đã chuẩn bị rất đầy đủ tâm lý, tài liệu, luận điểm bào chữa, nhưng khi phiên tòa đang hồi "nóng" nhất thì đột nhiên bỏ về giữa chừng.

Còn nhớ cách đây ba năm, khi phiên xử sơ thẩm Bùi Tiến Dũng (nguyên Tổng giám đốc PMU 18) bước vào phần tranh tụng, nhiều luật sư đã giận dữ bỏ về, mặc kệ vị chủ tọa phiên tòa "níu giữ": “yêu cầu các luật sư quay lại”.

Trong số các luật sư bỏ về khi đó có cả luật sư Ngô Ngọc Thủy (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa).

Khi các luật sư bỏ về, vị chủ tọa cho rằng, việc này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các thân chủ của luật sư. Dường như ngộ ra được điều này nên có vài vị dù đã ra đến cổng tòa rồi vẫn quay lại bàn luật sư, trong đó cũng có ông Ngô Ngọc Thủy.

Nguồn cơn dẫn đến việc nhiều luật sư đồng loạt "bãi tòa" khi đó là do họ đã phải nổi cáu vì liên tục bị vị chủ tọa ngắt lời và giới hạn cho mỗi luật sư chỉ được phép trình bầy trong vòng 10 phút. Luật sư P.H.H bực bội tuyên bố: “Nếu quý tòa không cho luật sư chúng tôi được thoải mái trình bầy quan điểm của mình, chúng tôi sẽ bỏ về”. Và hôm đó các luật sư đã không "nói chơi".

Và sau màn "bãi tòa" đó, các luật sư khác đã được “thơm lây” khi phiên tòa vẫn tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư. Lúc này các luật sư được thoải mái trình bầy quan điểm của mình, không còn bị giới hạn về thời gian nữa.

Tuy nhiên, phiên tòa đó đã phải kéo dài hơn so với dự kiến. Ngày xét xử hôm đó vị chủ tọa đã "chốt" lại với câu nói: "Theo dự kiến, phiên tòa chỉ diễn ra trong ba ngày, nhưng do mất nhiều thời gian trong việc giải quyết “sự cố” các luật sư bỏ về, việc tuyên án sẽ được tiến hành vào 9 giờ thứ ba, ngày 7/8/2007".

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác