25 người chết, hàng nghìn người chạy lũ
– Đã có 15 người chết, 8 người mất tích vì mưa lũ ở Nam Trung bộ. Hiện mưa vẫn chưa ngớt, lũ trên các sông đã đạt đỉnh. Trong khi đó, các hồ thủy điện từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và Đắk Lắk đã tích đầy nước. Hiện tại các hồ từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam đang giảm dần lưu lượng xả, các hồ tại Phú Yên, Khánh Hòa mức xả cao hơn ngày 18/11 khiến tình trạng ngập lụt tại 2 tỉnh này thêm trầm trọng.
33 người chết, mất tích, lũ đã đạt đỉnh
Hiện đã có 25 người chết, tăng 3 người so với ngày 18/11. Trong đó Huế và Quảng Ngãi có số người chết nhiều nhất (mỗi tỉnh 7 người). Số người mất tích là 8 người.
Lũ ngập xóm Tân Hòa, xã Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân, Phú Yên). Đã có 25 người chết vì lũ |
Ngày 19/11/2010, mưa tập trung chủ yếu ở các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa, lượng mưa phổ biến từ 50mm đến 100mm; một số trạm có lượng mưa vừa và to như: Quy Nhơn 127mm, Sông Cầu 105mm, Củng Sơn 148mm, Tuy Hòa 177mm, Hòa Thịnh 267mm, Phú Lâm 186mm, Ninh Hòa 152mm, Nha Trang 125mm, Vạn Ninh 228mm, MĐrắck 121mm.
Mưa lớn kéo dài kết hợp với hồ thủy điện xả nước đã khiến lũ trên các sông lên nhanh và đã đạt đỉnh. Mực nước thực đo lúc 1h sáng ngày 20/11 trên sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng là 8,09m (dưới BĐII 0,41m); trên sông Ba tại Củng Sơn là 32,60m (trên BĐII 0,60m), tại Phú Lâm là 3,23m (dưới BĐIII 0,47m); lúc 4h ngày 20/11 trên sông Dinh tại Ninh Hòa là 6,03m (trên BĐIII 0,53m); trên sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng là 9,10m (dưới BĐII 0,4m).
Dự báo, lũ trên các sông từ Phú Yên đến Khánh Hòa tiếp tục xuống chậm. Đến trưa 20/11, mực nước sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng ở mức 7,2m (dưới BĐI 0,3m); sông Ba tại Củng Sơn ở mức 31,5m (dưới BĐII 0,50m), tại Phú Lâm ở mức 2,7m (BĐII); sông Dinh tại Ninh Hòa ở mức 5,8m (trên BĐIII 0,3m); sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng ở mức 8,0m (BĐI). Cần đề phòng lũ các sông Phú Yên, Khánh Hòa có khả năng lên lại.
Sạt lở kinh hoàng tại Phú Yên
Ở cạnh quốc lộ 1A (khu phố Bình Thạnh, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, Phú Yên), nhà chị Huỳnh Thị Thiên Hương dựa lưng vào vách núi, mưa to núi sau nhà sạt lở đổ ập xuống đè sập nhà.
Chị Hương chưa hết bàng hoàng, kể lại: “Tôi và đứa con nhỏ 2 tuổi đang ngồi ăn mía trước bậc thềm còn chồng ngủ trong phòng, bỗng dưng tôi nghe tiếng ầm ào, nhìn vào trong đất đá ngập phòng khách.Tôi hốt hoảng hô to, chồng tôi (anh Nguyễn Văn Lai) lồm cồm bò ra từ đống đổ nát”.
Nhà chị Hương giờ là một đống đổ nát sau khi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng |
Khu phố Trường Xuân, thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An, Phú Yên) xảy ra vụ sạt lở làm sập căn nhà của gia đình ông Phạm Thanh Ngọc và uy hiếp 5 căn nhà khác. Đây là lần sạt lở thứ 2 tại khu đất này. Trong 2 ngày qua, tình trạng sạt lở đất từ trên cao xuống đổ xuống khu vực dân cư cũng đã xảy ra tại thôn Phú Hội (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An), gây hư hại 3 căn nhà và có nguy cơ gây hại 8 nhà khác tại khu vực này.
Hàng chục hộ dân ở ven sông Bình Bá ở khu phố Bình Thạnh, phường Xuân Đài, thị xã Sông cầu mấy ngày qua mất ăn mất ngủ vì tình trạng sạt lở sông Bình Bá. Nước lũ sông Bình Bá lên nhanh bao vây xóm nhà, người dân chống chọi không nổi đành thả tay làm giàn cho bàn ghế “leo” lên cao rồi cả làng đôn đáo chạy tránh lũ.
Đuối sức chạy lũ
“6 lần chạy lũ rồi chú ơi”- bà Nguyễn Thị Huệ, ở thôn Hòa, xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) than thở. Từ đầu tháng 11 đến nay bà Huệ đã 6 lần chạy lũ.
Người dân đã đuối sức chạy lũ, đành cho đồ đạc leo lên trần nhà rồi chạy lũ |
Nước lũ dâng cao, phong tỏa và cô lập hoàn toàn các xã Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam. Công tác sơ tán dân đang được triển khai gấp rút. Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó chủ tịch, Trưởng Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Đồng Xuân cho biết: “Toàn huyện đã di dời gần 400 hộ đến nơi an toàn, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Trong đó xã Xuân Quang 2: 60 hộ; Xuân Sơn Bắc: 20 hộ; Xuân Sơn Nam: 180 hộ; Xuân Long: 70 hộ; Xuân Quang 3: 50 hộ. Các hộ dân được sơ tán lên núi Gò Cốc, Núi Đen và trụ sở các cơ quan, đơn vị, địa phương trú tạm”.
Hàng trăm hộ dân ở xã An Định, An Dân (huyện Tuy An) nước lũ tràn vào nhà ngập sâu 1-2m. Trước tình hình mưa lũ kéo dài nhiều ngày và diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự có công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, tiếp tục triển khai các phương án phòng tránh lũ, ngập lụt; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng ven sông suối, vùng trũng thấp để bảo vệ và sơ tán dân và thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh đề phòng nước các sông lên trở lại.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Phú Yên, mưa lớn kéo dài trên diện rộng, làm mực nước các sông trong tỉnh dâng nhanh trở lại. Dự báo trong 24 giờ tới, toàn tỉnh tiếp tục có mưa lớn, mực nước các sông tiếp tục dâng cao, có sông đạt lũ ở mức báo động II, báo động III, trên báo động III, như sông Kỳ Lộ tại, sông Ba, sông Đà Rằng. |
- Trâm Trân – Cẩm Quyên