221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
240919
95% cử tri cả nước đã đi bầu cử
1
Article
null
95% cử tri cả nước đã đi bầu cử
,

(VietNamNet) - Tính đến 18h ngày 25/4, tỷ lệ cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 -2009 đạt khoảng 95%. Trong đó có 6 tỉnh có số cử tri đi bầu cử đạt tỷ lệ 95% trở lên là Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Hậu Giang, Bến Tre. 

Niêm phong hòm phiếu.

Riêng tỉnh Trà Vinh có tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,98%. Ở nhiều tỉnh, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt cao, trong đó tỉnh Quảng Nam đạt 96%... Nhiều khu vực bỏ phiếu thuộc các đơn vị lực lượng vũ trang có số cử tri đi bầu đạt 100% ngay sau giờ khai mạc và sớm hoàn thành việc bỏ phiếu.

Ở một số địa phương thuộc các tỉnh Nghệ An, Kon Tum, Đăk Lăk, Cao Bằng, trước ngày bầu cử có mưa to, đường lầy lội, ảnh hưởng phần nào tới việc bỏ phiếu của cử tri. Tại huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An) mưa to, có lốc lớn ở một số nơi trước ngày bỏ phiếu, gây thiệt hại về cơ sở vật chất. Một số khu vực ở tỉnh Cao Bằng, do có mưa lớn nên hệ thống thông tin bị gián đoạn, các xã phải báo cáo kết quả bầu cử bằng đường bộ.

TP.HCM đạt tỷ lệ 99,94% cử tri đi bỏ phiếu

Thông báo của HĐBC TP.HCM lúc 21h cùng ngày, gần 4 triệu cử tri của 24 quận, huyện đã tham gia đi bầu cử đại biểu HĐND ba cấp, với tỷ lệ khá cao: 99,94%.

Giáo dân giáo xứ Bùi Chu, xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, Nam Định đi bầu cử từ sáng sớm. Ảnh: Quang Minh

Trao đổi với báo chí, ngay khi có kết quả cuối cùng từ 24 quận huyện về tình hình cử tri đi bầu cử, ông Lê Minh Nhựt, Phó chủ tịch HĐBC TP.HCM cho rằng: Đây là một tỷ lệ rất cao và điều này cũng thể hiện một khí thế sôi nổi, hăng hái tham gia, xây dựng chính quyền các cấp của gần 4 triệu cử tri thành phố. Mặt khác, kết quả này cũng thể hiện đầy đủ không khí của một ngày hội dân chủ. Hầu hết cử tri thành phố đều trực tiếp đến 2.670 khu vực bỏ phiếu, tại 24 quận huyện để tự mình lựa chọn những đại biểu xứng đáng.

Trong 24 quận huyện, có 6 nơi đạt 100% tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu. Đó là quận 1, 7, 10,11 và huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè. Củ Chi là địa phương vừa có tỷ lệ cử tri đi bầu 100% và cũng là nơi hoàn thành công tác bỏ phiếu sớm nhất, vào lúc 18h30, với số lượng cử tri là 205.709 người. Trong khi đó, quận Bình Tân (một đơn vị tách ra từ huyện Bình Chánh) có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất, 99,25%.

Về công tác kiểm phiếu, ông Lê Minh Nhựt cho biết, theo điều 55 của Luật Bầu cử sẽ được tiến hành ngay tại phòng bỏ phiếu, sau khi công tác bỏ phiếu hoàn tất. Công tác này được hoàn tất sơ bộ vào lúc 23 giờ đêm 25/4. Dự kiến, chậm nhất đến ngày 5/5 HĐBC sẽ chính thức công bố kết quả bầu cử của cả ba cấp. Về tình hình an ninh, HĐBC cho biết, không có biến động gì lớn làm ảnh hưởng đến công tác bầu cử.    

Hà Nội: 99,5% cử tri đi bầu cử

Theo thông tin ban đầu của Sở Nội Vụ Hà Nội, tính đến 19h ngày 25/4, số lượng cử tri đi bầu là 2.168.476 cử tri, đạt tỷ lệ 99,5%. Trong đó, đơn vị có tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất là quận Hai Bà Trưng: 99,99% với 138/139 khu vực bỏ phiếu đạt 100% cử tri đi bầu. Quận Đống Đa đạt 99,99% với 158/159 khu vực đạt 100% cử tri đi bầu. Tỷ lệ cử tri đi bầu thấp nhất là huyện Sóc Sơn - đạt 98,56% với 179/240 khu vực có 100% cử tri đi bầu.

Tổng số khu vực bỏ phiếu đạt 100% cử tri đi bầu là 1668/1947. Tình hình an ninh trật tự ở tất cả các khu vực bỏ phiếu, các xã, phường, thị trấn ngày bầu cử đều an toàn, không xảy ra cháy nổ, trật tự giao thông, vệ sinh môi trường tốt. Những điểm nóng đáng chú ý như thôn Tả Thanh Oai đã có 1 đơn vị đạt 76% cử tri đi bầu, 1 đơn vị đạt tỷ lệ 87%; thôn Bắc Hạ, xã Quảng Tiến, Sóc Sơn đạt 76,6 cử tri đi bầu.

Ngày hội bắt đầu từ tinh mơ...

Sáng 25/4, dù trời lất phất mưa thì Hà Nội vẫn tràn ngập không khí ngày hội toàn dân với cờ, hoa, biểu ngữ, tiếng loa phóng thanh và những dòng người tấp nấp đi đến các điểm bầu cử.

Những "công dân đặc biệt" đã có mặt tại các điểm bầu cử rất sớm.

Toàn thành phố có 3 quận, huyện tiến hành khai mạc lúc 5h30  2 đơn vị khai mạc lúc 6h và 1914 đơn vị khai mạc đúng giờ quy định - 7h. 760.034/ 2.171.528 cử tri toàn thành phố đã đi bỏ phiếu trước 8 giờ sáng.  Đã có đến 15 đơn vị lực lượng vũ trang có 100% số cử tri đi bỏ phiếu.

Tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - nơi nhiều năm "bị tiếng" là khu vực có nhiều tệ nạn xã hội,  mới 6h sáng, các cử tri cũng đã đến khu vực  bỏ phiếu rất đông.

Cụ Nguyễn Minh Kha, 78 tuổi, cử tri cao tuổi nhất của cụm 6 cho biết: "Theo tôi,  ĐB HĐND được bầu chắc chắn là phải có tư cách đạo đức tốt, nắm rõ đường lối của Nhà nước để xây dựng cuộc sống ổn định, tích cực chống tham nhũng, đặc biệt là khắc phục tệ nạn xã hội, đây là vấn đề nhức nhối nhất của phường Thanh Nhàn chúng tôi".

Còn bác Đỗ Thanh Quả, 66 tuổi rất tâm đắc với việc kê khai tài sản của các ứng cử viên: "Tôi rất hoan nghênh việc kê khai tài sản của các UCV. Về lựa chọn đại biểu thì tôi sẽ ưu tiên chọn những người về hưu, dân lao động, bởi họ thường gần gũi và có trách nhiệm với chúng tôi hơn. Còn người người đương chức, đương nhiệm thì thưòng khó thực hiện được những vấn đề mà dân chúng tôi bức xúc".

Anh Hà, một cử tri trẻ tuổi hiện làm ở Công ty Tư vấn của Bộ Xây dựng có vẻ am hiểu: "Theo mình nghề nghiệp, học vấn và trình độ chính trị của đại biểu HĐND là tiêu chuẩn quan trọng đầu tiên. Sau đó, sẽ đến tuổi tác và kinh nghiệm. Vừa trẻ tuổi lại vừa có kinh nghiệm thì rất tốt".

Mặc dù cử tri đi bầu mỗi lúc một đông, nhưng các tổ viên tổ bầu cử đã điều chỉnh, hướng dẫn nhiệt tình cho các cử tri, tránh xảy ra xáo động, đảm bảo không khí vui vẻ, an tâm cho cử tri đi bầu. Tính đến 11h30 trưa 25/4, phường Thanh Nhàn đã đạt được tỷ lệ cao cử tri đi bỏ phiếu: 97%.

Điểm nổi bật nhất của Hà Nội là sự "ra quân" háo hức của lực lượng sinh viên các trường Đại học, nơi có rất nhiều người lần đầu tiên được thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi  công dân. Đỗ Thị Vinh, sinh viên lớp FT 102, cử tri của khu vực bỏ phiếu số 8, trường ĐH Ngoại ngữ Thanh Xuân Hà Nội có vẻ rất hồi hộp: "Em hy vọng mình sẽ là cử tri đến sớm nhất trong ngày bầu cử hôm nay nhưng không được, vẫn còn nhiều bạn đến sớm hơn. Hôm nay em rất hài lòng vì sự lựa chọn của mình. Thế mà không hiểu sao, bỏ phiếu xong em vẫn muốn xem lại các ứng viên một lần nữa, sợ nhỡ đâu mình chọn nhầm thì ... phí mất quyền công dân".

Không riêng gì Vinh, đây cũng là tâm trạng thường thấy ở những cử tri trẻ lần đầu tiên được đi bầu cử HĐND các cấp. Phạm Quang Huy, lớp Tin học 14A, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, một trong những thành viên của đội xung kích tình nguyện của trường trong ngày bầu cử kể lại: "Em có mặt ở đây từ 6h30, tưởng rằng mình sẽ là người đến sớm nhất, ai ngờ khắp các khu vực bỏ phiếu của trường (4 khu vực: 10, 11, 12, 13), đâu cũng đã có khoảng 50 cử tri hăm hở chờ được bỏ phiếu".

Không khí của ngày hội bao trùm lên các khu vực bỏ phiếu của trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Có lẽ, đây cũng là trường có số cử tri tham gia bầu cử tại điểm trường đông nhất tại Hà Nội. Mặc dù đã chia làm 4 khu vực bỏ phiếu theo các khoa, số cử tri tại đây vẫn phải chen lấn, chờ đợi vì ... quá tải. Ngoài lý do muốn được tận tay bỏ lá phiếu hy vọng vào hòm phiếu càng sớm càng tốt, nhiều bạn còn cho biết "phải hoàn thành sớm nhiệm vụ để còn kiếm chút gì lót dạ vì sáng nay đi bầu cử sớm quá, giờ đã mệt lả".

Theo thống kê, đến thời điểm 10h30, tỷ lệ cử tri sinh viên bầu cử ở các trường đạt rất cao (trung bình trên 90%). Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có tỷ lệ sinh viên bỏ phiếu lên tới 7768/7887 người đăng ký (đạt 98,5%); Khu vực bỏ phiếu trường ĐH Ngoại thương Hà Nội có 3500/3647 cử tri bỏ phiếu (đạt khoảng 97%); Tổ bầu cử số 4, phường Quan Hoa, Cầu Giấy (tập trung tại Phân viện Báo chí tuyên truyền) đạt 82%; trường ĐH Sư phạm Hà Nội đạt 84,6%; KV bỏ phiếu số 7, số 8 (trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội) đạt 90%; Tại điểm bỏ phiếu số 5 (ĐH Quốc gia Hà Nội) có 3565 cử tri sinh viên đăng ký bầu cử thì có tới 82% đã đi bầu cử.

Người dân Điện Biên đi bầu cử.

Ngay từ sáng sớm, đông đảo cử tri của tỉnh Điện Biên đã có mặt tại 807 tổ bầu cử để bỏ phiếu bầu chọn 2.560 ĐB cho HĐND các cấp (50 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 264 ĐB cấp huyện, 2.246 ĐB cấp xã).

Trao đổi với đặc phái viên của VietNamNet tại Điện Biên Phủ, ông Hoàng Trọng Xén, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên cho biết: "Năm nay 65 tuổi, đây là lần thứ 5 tôi tham gia bầu cử HĐND ba cấp. Tôi thấy cuộc bầu cử HĐND 3 cấp lần này thứ nhất phải nói là thật sự sôi động. Đây là sự kiện chính trị quan trọng lớn của cả nước nói chung và của tỉnh Điện Biên nói riêng. Năm nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Năm du lịch Điện Biên Phủ nên cuộc bầu cử HĐND 3 cấp càng có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố chính quyền địa phương ngày một vững mạnh, tiếp tục đưa công cuộc đổi mới đất nước và của tỉnh tiến lên".

Ông Xèng nhận xét: "Cuộc bầu cử HĐND 3 cấp lần này có nhiều đổi mới hơn. Công tác triển khai bầu cử được chuẩn bị rất chu đáo và kỹ lưỡng như: hòm phiếu, khu vực bỏ phiếu, thẻ cử tri... an ninh trật tự trên địa bàn được bảo đảm cũng như việc tuyên truyền Luật Bầu cử đến các cử tri được các đơn vị chức năng làm rất tốt. Trình độ của đại biểu đều được nâng cao rất nhiều cả về chuyên môn cũng như lý luận chính trị. Đã có nhiều đại biểu là người dân tộc thiểu số và đặc biệt là đại biểu nữ đã được quan tâm hơn" .

Tính đến 12 giờ ngày 25/4, toàn tỉnh Điện Biên đã có 85% số cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử. Không khí  hội hè của Điện Biên trong ngày bầu cử lại có vẻ như sôi động hơn.

Đúng 6h45 sáng 25/4 toàn bộ 2670 khu vực bỏ phiếu trên toàn địa bàn TP.HCM đã tổ chức lễ khai mạc cuộc bầu cử HĐND ba cấp nhiệm kỳ 2004 – 2009. Mười lăm phút sau, tại 365 đơn vị bầu cử từ thành phố đến quận huyện phường xã đã đón tiếp hàng vạn công dân, trong tổng số gần 4 triệu cử tri đi thực hiện quyền công dân của mình.

Tại khu vực bỏ phiếu số 45, phường 7, quận 3, nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh, và đông đảo bà con cử tri trong phường đã thực hiện quyền công dân công dân của mình ngay sau lễ khai mạc bầu cử.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trò chuyện: “Mong muốn lớn nhất của tôi là các ĐB được bầu phải hoàn thành nhiệm vụ của mình với dân". Theo ông thì những người đắc cử phải làm đầy đủ trách nhiệm của mình, góp phần làm thay đổi cũng như tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước, và giám sát việc thực của tổ chức bộ máy nhà nước chính quyền các cấp.

"Còn đối với cử tri cả nước, tôi nghĩ rằng không phải bỏ lá phiếu hôm nay là hết nhiệm vụ, mà phải tiếp tục giám sát người mình tín nhiệm và không ngừng góp ý kiến đối với tất cả những đại biểu mình đã bầu” - Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói.

Ý kiến của ông Võ Viết Thanh khiến nhiều cử tri tâm đắc: “Đối với bầu cử HĐND lần này, tôi đặc biệt rất hy vọng vào những đại biểu trẻ. Bởi đối với họ, thời gian công tác còn dài nên hết sức quan tâm đến công việc của mình, làm sao để có hiệu quả hơn những thế hệ trước. Một điều quan trọng nữa theo tôi, đại biểu nào được dân giao trọng trách đứng đầu chính quyền các cấp. Bên cạnh trách nhiệm phát triển kinh tế phải hết sức coi trọng những vấn đề về xã hội, môi trường, đảm bảo cho được an ninh trật tự xã hội, thì sự phát triển kinh tế mới bền vững”. 

Theo ông Thanh, một đại biểu HĐND đủ đức đủ tài phải là những người: "Đặt mình vào vị trí những người dân bình thường nhất trong xã hội, đặc biệt là tầng lớp đồng bào nghèo khổ. Vì từ thực tiễn như vậy, mới thôi thúc các đại biểu có những bức xúc, để rồi phải năng động, sáng tạo trong từng hoàn cảnh cụ thể. Có như vậy mới đáp ứng được những nguyện vọng mà người dân gửi gắm". "Còn nếu khi trở thành người công chức, mà quá xa rời thực tế, “vô cảm” trước những bất công, bức xúc của người dân thì tốt nhất, nên tự nguyện rút lui, không làm nữa". Ông gay gắt. 

Ông Thanh cũng hy vọng bầu cử chính quyền các cấp sau này sẽ được thực hiện, bằng hình thức phổ thông đầu phiếu. Khi đó, người dân có thể chọn lựa đại biểu của mình để bầu và đồng thời người dân cũng dùng lá phiếu đưa họ xuống, khi thấy họ không đáp ứng nguyện vọng của mình.    

phường 17, quận Phú Nhuận, TP.HCM, ngay từ sáng sớm gần 250 cử tri là đồng bào người Chăm đã có mặt tại địa điểm bầu cử. Ông Châu Jackphoeu, Hội trưởng Hội Chữ thập đỏ sắc tộc Chăm thành phố cho biết: “Đồng bào người Chăm rất vui mừng được cầm lá phiếu đi chọn người hiền tài, bầu vào chính quyền các cấp. Mong muốn lớn nhất của người Chăm chúng tôi, là khi nào gặp khó khăn, thì có người đại diện của mình giúp đỡ”. 

Tại TP. Cần Thơ trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, không khí bầu cử rất sôi động. Ông Phạm Thanh Vận, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐBC thành phố trao với chúng tôi: Từ nhiều ngày nay trên khắp địa bàn thành phố các cấp chính quyền đã tổ chức nhiều xe thông tin lưu động để thông báo rộng rãi cuộc bầu cử HĐND 3 cấp cho 700.000 cử tri miền “gạo trắng nước trong” này.

Theo ông Vận nhiều cử tri rất băn khoăn vì HĐND thành phố chỉ có 52 ghế, có đến 86 người "tranh" mà trong số đó ai cũng xứng đáng cả.

Tin từ Đại học An Giang gửi ra cho hay: Đúng 6h20 sau giờ khai mạc, GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng của trường đã dẫn đầu các cử tri vào làm nhiệm vụ công dân.

Giáo sư cho biết: "Cử tri thấy phấn khởi vì  kỳ này có nhiều ứng cử viên có trình độ hơn và có uy tín trong công tác chuyên ngành của mình. Chắc chắn kỳ này chúng tôi sẽ có được một HĐND mới, gồm những người có khả năng đóng góp tích cực xây dựng ngành hành pháp mẫu mực và hợp lòng dân An Giang".

Tại Sóc Trăng, ngay từ sáng sớm, gần 790.000 cử tri đã chuẩn bị ghe, xuồng để đến các khu vực bỏ phiếu.Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch HĐBC tỉnh Nguyễn Hồng Ân phấn khởi cho biết: Nằm trong khu vực đồng bằng sông cửu long, tỉnh Sóc Trăng có đồng bào người dân tộc Khơme chiếm gần 1/3 dân số cả tỉnh, HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2004 -2009 này, có 14 ứng cử viên là người dân tộc, trong tổng số 79 ứng viên (bầu 55), chiếm tỷ lệ 17,72%. Số ứng viên nữ địa phương này cũng đạt tỷ lệ khá 35,74% (28 người) và có 13 ứng viên là người ngoài Đảng".

Điều đáng vui mừng nhất theo ông Ân, từ những ngày đầu năm chuẩn bị cho công tác bầu cử, đến giờ phút này cử tri đang đi bỏ phiếu, toàn tỉnh chưa xảy ra điểm “nóng” nào. Nhìn không khí bà con hồ hởi, vừa chèo ghe vừa xem đi xem lại thẻ cử tri, ông Ân nói một cách chắn chắn: sẽ hơn 95% cử tri trong toàn tỉnh đi bầu cử. Bởi vì, theo ông từ nhiều ngày qua, ngoài tài liệu hướng dẩn bầu cử, tiểu sử ứng cử viên bằng tiếng Việt và tiếng Khơme được phát cho các hộ gia đình. Chính quyền các cấp, đã tổ chức hệ thống loa phát thanh tuyên truyền bầu cử đến hơn 900 ấp vùng sâu vùng xa, thời gian 90 phút/ngày.

Tại Bình Định, bầu cử đã trở thành ngày hội của học sinh, sinh viên  khắp các trường học trên toàn tỉnh. Tại Đại học Sư Phạm Qui Nhơn có hẳn một lực lượng thanh niên xung kích, bản tin và hệ thống phát thanh của trường thường xuyên tuyên truyền bầu cử cho hơn 7.500 cử tri sinh viên. Tại  xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn cách tỉnh lỵ gần 100 km, anh Phan Ngọc Nam, cán bộ bưu điện cho biết: toàn bộ học sinh cấp một, cấp hai của xã từ ngày 20/4 đến ngày bầu cử được ban giám hiệu các trường tổ chức thành từng đoàn, trung bình ngày một lần cầm cờ nước, đi dọc các đường làng, cổ động cho công tác bầu cử.

Bà con cử tri ở đây không ngần ngại khi nói  đến tiêu chuẩn chọn đại biểu: phải trẻ. Ông Phạm Đình Sinh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thư ký HĐBC tỉnh cho biết: Toàn tỉnh có 1.060.000 cử tri, 98 UCV tranh 61 ghế đại biểu tại 17 đơn vị bầu cử cấp tỉnh. Đối với cấp huyện, có hơn 5.400 của 3 huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão được thực hiện theo nghị quyết của UBTVQH đi bầu cử sớm (24/4) hơn các địa phương khác một ngày.

Tại Vĩnh Phúc, tính đến 2 giờ chiều 25/4 đã  có 92% cử tri đi bỏ phiếu, 348 tổ, 13 xã hoàn thành bỏ phiếu, trong đó, có 113 tổ đạt tỷ lệ 100%.

Tính đến 10h sáng 25/4, tỉnh Bình Dương đã có 235.210 cử tri đi bầu, đạt tỉ lệ 38,29%, có 22 tổ bầu cử đã hoàn tất cuộc bỏ phiếu với tỉ lệ cử tri đi bầu là 100%. Xã Tân Lập huyện Tân Uyên đã kết thúc cuộc bỏ phiếu vào lúc 9 giờ 30 phút.

Tại Đà Nẵng, 6h sáng, các điểm bỏ phiếu đồng loạt khai mạc. Với Đà Nẵng, cuộc bầu cử HĐND 3 cấp nhiệm kỳ 2004 – 2009 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì đây là năm đầu tiên, TP thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về “Xây dựng Đà Nẵng trong thời kỳ CNH- HĐH đất nước”. Trong đó, việc chọn ra 1.566 đại biểu HĐND 3 cấp từ 2.410 ứng cử viên được xem là trách nhiệm của từng cử tri trong việc chung tay góp sức xây dựng Đà Nẵng thực sự là đô thị loại 1 cấp quốc gia, xứng đáng là trung tâm kinh tế - văn hoá – xã hội của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Không khí sáng 25/4 tại 425 tổ bầu cử trên địa bàn TP rất sôi nổi, trang trọng để đón 512.800 cử tri tham gia bỏ phiếu. Đặc biệt, tại nhiều khu vực có nhiều hộ đang thực hiện di dời giải toả, tất cả các cử tri đều hăng hái đi bầu cử sớm. Ở phường Khuê Trung hiện có 11 dự án đang triển khai xây dựng, nên 75% dân số phải di dời giải toả đến nơi ở mới. Tuy khó khăn như vậy song địa phương vẫn không bỏ sót quyền lợi của một cử tri nào. Phường Thuận Phước cũng có nhiều dự án chỉnh trang đô thị, song chỉ đến 7h30, tại khối phố Đa Phước, nơi hầu hết các hộ phải di dời, giải toả đã có gần 70% số cử tri đi bỏ phiếu. Nhiều hộ đã di dời từ trước đó cả tháng vẫn quay trở về làm nghĩa vụ công dân tại địa phương.

Tại phường Hoà Hải, nơi có nhiều chùa chiền, các tăng ni, Phật tử cũng rất hăng hái thực hiện quyền công dân của mình. Tại phường ven biển An Hải Tây, 100% ngư dân đều tạm ngưng các chuyến đi biển từ cách đây vài hôm để sáng nay nô nức thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân. Đặc biệt, đến 10h sáng, nhiều xã miền núi ở huyện Hoà Vang như Hoà Phú có 100% cử tri, Hoà Ninh có 98% cử tri, Hoà Bắc có 98% cử tri đã tham gia đi bỏ phiếu...

Được biết, trước giờ bỏ phiếu, Hội đồng bầu cử các địa phương trên toàn TP. Đà Nẵng đã bổ sung gấp rút thủ tục bầu cử cho hơn 25.000 cử tri thuộc 3 đối tượng: người vừa đi làm ăn xa về, sinh viên ngoại thành và khách vãng lai. Nhờ vậy, toàn thể cử tri đã có cơ hội thực hiện trọn vẹn quyền và nghĩa vụ công dân của mình.

Đến 10h, toàn TP. Đà Nẵng đã có 87% cử tri đi bỏ phiếu. Đạt cao nhất là quận Thanh Khê 96,39%, quận Sơn Trà và huyện đảo Hoàng Sa 93,79%, các quận Hải Châu 88,73%, Ngũ Hành Sơn 84%, Liên Chiểu 75,75% và huyện Hoà Vang 74,24%. Cũng đến 10h, toàn TP có 4 xã phường hoàn tất việc bỏ phiếu là xã Hoà Phú (huyện Hoà Vang), phường Nam Dương (quận Hải Châu), phường Tân Chính (quận Thanh Khê) và phường Hoà Quý (quận Ngũ Hành Sơn).

Tại Quảng Nam, ngoài 13.000 cử tri của 18 xã vùng cao đã đi bầu cử sớm vào Chủ nhật tuần trước, ngày 25/4, hơn 1,1 triệu cử tri đã hăng hái tham gia bầu cử tại 1.638 tổ bầu cử để lựa chọn 6.326 đại biểu trên tổng số 9.980 ứng cử viên vào HĐND 3 cấp. Nhiệm kỳ này số ứng cử viên HĐND 3 cấp tăng 1.387 người so với nhiệm kỳ trước. Nét riêng trong kỳ bầu cử của Quảng Nam là có hơn 1.000 cán bộ, công chức có hộ khẩu ở Đà Nẵng. Hầu hết số cử tri này đều ở lại Quảng Nam tham gia đi bầu cử sớm để góp phần xây dựng chính quyền nơi mình công tác.

Tính đến 10h30 cùng ngày, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên toàn tỉnh đã đạt 85%. Trong đó có 25/207 xã, phường đã hoàn thành xong công tác bầu cử. Đặc biệt, nhiều đơn vị bầu cử ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Đông Giang, Đại Lộc và Hiệp Đức đã hoàn thành công tác bầu cử vào lúc 7h30 với tỉ lệ cử tri đi bầu đạt 100%.

  • Nhóm PV thời sự

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,