V-League ơi, coi chừng loạn!

Cập nhật lúc 06:10, 12/03/2010 (GMT+7)

- Bạo lực sân cỏ có dấu hiệu gia tăng, chất lượng về trọng tài vẫn là vấn đề nóng, và đương nhiên còn nhiều chuyện không phải nhỏ khác đến từ khán đài, đạo đức cầu thủ...Có lẽ V-League đang bước vào thời loạn.

>> Vụ loạn đả ở sân Pleiku: Chỉ BTC sân bị phạt! 
>> Loạn đả trên sân Pleiku: Ban kỷ luật vào cuộc 
>>
Loạn đả ở sân Pleiku: Hồi hộp chờ báo cáo! 
>> Sân Pleiku: Chủ nhà thắng trong loạn đả
>> Tiền đạo đội Bình Dương đột ngột qua đời

>>
Chưa giảm án cho CĐV Hải Phòng 

>>
Cầu thủ Hải Phòng ’choảng’ nhau vì mất 2 điểm

1. Mùa bóng 2010 mới đi được vài vòng đấu, nhưng vấn đề bạo lực sân cỏ đã căng hơn rất nhiều so với những gì mà nhà tổ chức, người hâm mộ dự tính. Không ít các cuộc đọ sức giống võ đài hơn là một trận đấu bóng đá.

Nói ra điều đó chẳng phải là quá đáng, cứ nhìn trận đấu giữa HA.GL và Bình Dương trên sân Pleiku ở vòng 3, hay trước đó là Khánh Hòa - HA.GL ở lượt trận đầu tiên của V-League thì đủ hiểu khi nó diễn ra như cái chợ vỡ với những pha lao vào nhau, cự cãi ẩu đả...

HA.GL - Bình Dương. Ảnh: Gia Khánh
Những cảnh thế này không còn hiếm ở V-League. Ảnh: Gia Khánh

Đó là hai trận đấu điển hình nhất cho thấy vẻ đẹp của bóng đá đã bị phá vỡ bởi máu ăn thua, của những cái đầu nóng cùng với vô số thẻ phạt... Các trận đấu khác, dù không đến nỗi căng như thế nhưng cũng diễn ra hỗn loạn chẳng kém.

Mới nhất, trên sân Ninh Bình nhiều khán giả thích xem kịch tính cũng được mãn nhãn với việc Aniekan và Quang Huy tan trận bay vào ẩu đả như "phim chưởng". Chứng kiến cảnh đó và nếu không rành về bóng đá đố ai nghĩ 2 cầu thủ này khoác chung một màu áo.

2. Trọng tài Phạm Bá Hoà là người phải nhận án "treo còi" đầu tiên ở mùa bóng năm nay khi giải đấu mới đi qua 2 vòng, với sự cố "bẻ còi" trên sân Bình Dương trong trận đấu giữa đội chủ nhà và Nam Định.

Có thể, ở tình huống khiến trọng tài trẻ này "dính án" đơn thuần là về mặt chuyên môn. Nhưng nếu sai kiểu đó thì quả thực là "hơi căng" khi đánh giá năng lực của vị vua áo đen này, bởi lẽ đó là một pha bóng không khó với giới cầm còi.

Đỗ Quốc Hoài.Ảnh: Đức Anh
Trọng tài Đỗ Quốc Hoài (cầm bóng). Ảnh: Đức Anh

Kết thúc vòng 4, trọng tài Đỗ Quốc Hoài cũng bị phản ứng dữ dội, mà sự bất mãn đó không chỉ đến từ đội khách HP.HN mà cả cổ động viên Navibank SG cũng phải bực mình khi thấy đội nhà được hưởng lợi từ những quyết định rất "ngô nghê" của vị vua này.

Và đây cũng là những trường hợp đã và có thể bị kỷ luật của HĐTT QG, một phần không nhỏ ở số các trọng tài còn lại dù chưa thể nói là sai nhưng cũng bị phản ứng gay gắt từ các đội bóng, cầu thủ và khán giả với những quyết định không thực sự chính xác một cách có hệ thống của mình.

3. Bên cạnh những lo âu về bạo lực sân cỏ, từ những phán quyết không thực sự công tâm của nhiều vị vua áo đen... thì vấn đề khiến cho BTC đau đầu không kém là việc một bộ phận nhỏ cổ động viên của Hải Phòng lại làm loạn khán đài với pháo sáng trong và ngoài sân Ninh Bình cuối tuần rồi.

Rồi một chuyện nữa cũng khiến cho nhiều người phải "quan tâm" tới V-League hơn khi tiền đạo Molina của Bình Dương đột tử ngay trước vòng đấu thứ 3 vì sử dụng ma tuý quá liều đã đẩy giải đấu vào vòng xoáy hỗn loạn thực sự.

Nói thế chẳng phải là quá, bởi tất cả những vấn đề trên không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã có từ vài mùa giải gần đây. Thậm chí "hỗn loạn" tới mức nhiều cổ động viên, những nhà văn hoá, thậm chí là chính trị không dưới một lần đề cập chuyện có nên dừng V-League cho tới khi giải quyết những vấn đề nổi cộm đó xong hay không.

Hải Phòng. Ảnh: V.S.I
Cổ động viên quá khích của Hải Phòng lại làm loạn. Ảnh: V.S.I

Đương nhiên là không thể dừng giải đấu, bởi nó ảnh hưởng tới rất nhiều doanh nghiệp đang đầu tư vào bóng đá, tới cầu thủ hay cả một nền bóng đá vốn đang được đánh giá phát triển khá mạnh mẽ như thế.

Căng vậy đấy, nhưng rốt cuộc BTC giải vẫn giải quyết thiếu triệt để ở tất cả các vấn đề nổi cộm đó. Điển hình chính là sự thờ ơ của những nhà làm giải sau cái chết của Molina. Một cái chết khiến nhiều người giật mình, bởi từ trước tới giờ bóng đá nước nhà chưa có tiền lệ thử doping nhằm hạn chế những "đại dịch" ma tuý có thể xảy ra.

Hay cái cách mà ban kỷ luật của VFF định xem xét giảm án cho cổ động viên Hải Phòng được đến sân trở lại, thì chỉ ngày hôm sau 1 nhóm khán giả quá khích đến từ đất Cảng lại quậy "nhặng xị" lên để rồi đến giờ những người có trách nhiệm đổ lỗi thẳng cho BTC sân Ninh Bình.

Không giải quyết được, hay làm ngơ với cái xấu để V-League được quan tâm nhiều hơn, thu hút người xem hơn bằng hiệu ứng ngược?

Không khó để trả lời, nhưng chắc chắn bây giờ V-League đang loạn và đang khó kiểm soát...

  • Mai Anh

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

otronhangian, Phố Hiến, 07:46, 13/03/2010

Tôi rất đồng tình với ý kiến của bạn "phamtuyenrg, Rạch Giá - Kiên Giang". Mong Liên đoàn bóng đá Việt Nam làm hãy trả lại sự công bằng cho những CĐV chân chính Hải Phòng, đừng cậy mình có quyền chức mà cấm đoán người vô tội vạ như thế.

Xuân Đô, Bỉm Sơn, Thanh Hoá, 14:32, 12/03/2010

V-League loạn! Bạn Mai Anh nói đúng. Cái loạn đầu tiên từ VFF, từ BTC giải, từ BKL. Điều lệ không rõ ràng, điều hành không khoa học, xử lý kỷ luật theo cảm tính- sẽ lại tiếp tục cảnh "thấp cổ, bé họng" thì bị xử nặng...thử hỏi có loạn không. Ở trên loạn (cũng là bất chính đấy) dẫn tới cái loạn thứ hai là ở dưới "tác loạn" bằng những hành động cụ thể, nhẹ thì võ mồm, nặng hơn thì thượng cẳng tay, nặng nữa thì hạ cẳng chân. Cái loạn thứ ba là loạn thông tin, một số bài viết gọi là bình luận có tính võ đoán; không những chẳng có tác dụng tích cực gì mà còn làm cho tình hình loạn thêm. Có loạn thì phải dẹp. Ai dẹp?

sonbien2000, 13:54, 12/03/2010

V League lên chuyên cả chục năm mà tình hình cũng thế mà thôi. BTC khôn có tí đổi mới sáng tạo nào, cách xử lý mỗi khi đụng chuyện vẫn là ưu tiên "phe" BTC, trọng tài.... còn đội bóng và CĐV vẫn phải chịu thiệt thòi; vẫn chưa có cách nào đưa tên những hooligan vào sổ đen để phối hợp với bên công an và btc sân mà cấm tiệt không cho vào sân, lại quay ra đụng ai nấy cấm. Thế nên bóng đá VN mãi vẫn chỉ bơi trong ao làng chứ không ra suối được chứ đừng nói là biển với hồ nào cả

phamtuyenrg, Rạch Giá - Kiên Giang, 08:36, 12/03/2010

Thực sự mà nói, là 1 CDV tôi cũng không muốn xảy ra chuyện đốt pháo sáng hay 1 hội CDV nào đó bị cấm đến sân khách hoặc chuyện loạn đả trên sân. Nhưng nói đi thì cũng phải ngẫm lại xem BTC giải VL đã làm được gì gọi là tiến bộ sau mấy năm lên chuyên nghiệp của bóng đá VN (?!), nếu không muốn nói là tình hình còn xấu đi. Người hâm mộ cảm thấy có những chuyện BTC đưa ra cách giải quyết chứng tỏ sự bất lực của mình, chẳng hạn: CDV XMHP đốt pháo sáng, đó là sai; nhưng đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ quá khích thôi, còn lại đa số họ thực sự yêu bóng đá đến cuồng nhiệt mà hiếm có CDV của 1 CLB ở VN nào sánh được. Thay vì BTC giải phải "nghĩ" ra biện pháp để ngăn chặn "đúng người, đúng tội" những kẻ quá khích đó để răn đe thì đằng này họ lại "nảy" ra cái án phạt hết sức kỳ cục, vô lý và ở khía cạnh nào đó là sai luật - đó là cấm tất cả CDV XMHP đến sân khách (cả những CDV chân chính), trong khi những kẻ quá khích cần phải xử lý thì vẫn ngang nhiên tiếp tục tới các sân khách để phá hoại mà BTC vẫn bó tay. Tôi xin có 1 số ý kiến gửi tới BTC VL như sau:
- Hãy dỡ bỏ cái án phạt lập dị đó đối với các CDV của XMHP để trả lại quyền tự do cổ vũ bóng đá chính đáng của họ - những CDV chân chính - vì họ là những người tạo nên cho giải VL trở nên sôi động và lôi cuốn người hâm mộ cả nước tới sân cỏ (thử hỏi bóng đá mà không có CDV thì còn hấp dẫn nữa hay không?). Lẽ ra họ phải được ủng hộ và khuyến khích đến các sân khách để cổ vũ.
- Đưa ra các biện pháp ngăn chặn và xử lý triệt để những kẻ quá khích đốt pháo sáng, như: "gài" trinh sát ngồi cùng với CDV theo dõi và kết hợp với lực lượng CA bảo vệ trên khán đài bắt tại chỗ thủ phạm và xử lý thật nghiêm để răn đe về sau này. Theo tôi biện pháp này không khó mà nó đảm bảo được sự công bằng cho các CDV chân chính, chứ không thể vi phạm do một số người làm mà bắt tất cả các CDV khác phải chịu hậu quả thay, như thế sẽ gây bất bình trong dư luận người hâm mộ đối với BTC giải.
Chúc VL 2010 thành công tốt đẹp!...

Minh Đức, Nam Định, 08:27, 12/03/2010

Văn hoá của các CĐV Việt Nam kém quá. Hãy nhìn cách người nước ngoài họ đến sân xem.... Chúng ta lên học

Nguyễn Văn Lang, Đống Đa - Hà Nội, 08:02, 12/03/2010

Bóng đá Việt Nam được gắn cái mác "chuyên nghiệp" cả chục năm nay rồi vẫn mang đậm nét nghiệp dư :
1. Cầu thủ đá chuyên nghiệp như "bóng phủi", chém giò, ẩu đả,cự cãi trọng tài,.. là chuyện như cơm bữa. Câu giờ thì vừa lộ liễu, vừa "thô". Tóm lại là thiếu 1 chữ "FAIR"
2. Trọng tài không có uy, không kiểm soát được trận đấu, tiếng còi thường "méo" . 1 phần vì chuyên môn non kém, 1 phần vì "run tay" không dám rút thẻ và 1 phần vì luôn được bảo vệ bởi câu "trọng tài cũng là con người, không tránh khỏi sai sót".
3. Các CLB cũng chưa chuyên nghiệp, cũng phản ứng trọng tài như cầu thủ, thậm chí gây sức ép để trọng tài bẻ còi.
4. Ban kỉ luật hoạt động chưa mang tính trung lập, công bằng, không đưa ra 1 án phạt nào có tính răn đe, hầu hết là chỉ "giơ cao đánh khẽ". Ngoài ra còn có những án phạt chỉ có ở Việt Nam kiểu như "cấm cổ động viên đến sân khách",..
5. VFF thì khỏi nói, hiệu quả đến đâu thì nhìn vào thực trạng bóng đá Việt Nam hiện nay là đủ hiểu. Chừng nào còn những suy nghĩ như "hạn chế cầu thủ nhập tịch ra sân" thì chuyên nghiệp vẫn chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài mà thôi!

HỒ VĂN SINH, BÌNH DƯƠNG, 05:46, 12/03/2010

V-league đã trải qua 4 vòng đấu chúng ta có thể nhận xét rằng chất lượng ngày càng tăng,khán giả ngày một đông hơn. Nhưng chúng ta thử nghỉ mà xem đâu có cầu thủ người Thái thì luôn luôn có sự xung đột không ít thì nhiều. Giống như kiểu con sâu làm sầu nồi canh cho giả V-league chúng ta vậy!

Tin liên quan

Các tin khác