Những tay chơi "sấm sét" trong làng bóng đá Việt (II)
>> Molina chết do sử dụng ma túy quá liều
>> Tiền đạo đội Bình Dương đột ngột qua đời
>> Bài 1: Khi ngoại binh ’lầy’
Sự thay đổi về cơ chế, bóng đá Việt Nam đã có sự góp mặt của các doanh nghiệp, cùng với điều đó ngoài sự phát triển về chất lượng của giải đấu, đời sống của các cầu thủ cũng thay đổi. Để giờ đây, nghề cầu thủ đã trở thành một trong những nghề thu nhập cao ngất ngưởng so với mặt bằng chung của xã hội.
Cầu thủ bây giờ, không nói đến ngôi sao chỉ tính những người thường thường bậc trung thôi một tháng cũng kiếm vài chục triệu 1 tháng là chuyện thường, còn có tên tuổi thì vô chừng. Và vô hình chung, rất nhiều người đã trở thành tỷ phú.
Có tiền nhiều, ngoài chuyện sắm xe xịn, mua nhà to và lấy vợ đẹp thì nhiều người trong số ấy cũng bắt đầu bay vào những cuộc chơi bất tận và nhanh chóng trở thành những "tay chơi" khét tiếng trong làng bóng đá Việt, rồi cũng từ đấy rất nhiều tài năng đã phải dừng lại trước những cám dỗ khó lường của cuộc đời.
Nào ta cùng "phê"
Nói đến bóng đá xứ Nghệ, rất ít người không đồng ý rằng đây là địa phương sản sinh ra rất nhiều cầu thủ giỏi cho bóng đá Việt Nam. Và cũng không ở đâu tài năng "sớm nở, tối tàn" vì ăn chơi quá đà như ở mảnh đất miền Trung này.
Hồng Việt là một ví dụ điển hình nhất của tài và tật. Cùng lứa với Trọng Hoàng, Văn Bình, Đình Đồng (những tuyển thủ U-23, ĐTVN hiện tại) nhưng Việt nổi trội hơn hẳn so với chúng bạn về cả tài năng tới "chất chơi".
Hồng Việt (7) hứa hẹn tài năng nhưng lại đánh mất mình vì nàng tiên nâu |
Sở hữu cái chân trái "ma thuật" Việt nổi danh từ rất sớm trong màu áo U-17, U-21 SLNA...rồi khoác áo U-20 Việt Nam, rất nhiều chuyên gia đã khẳng định tương lai của tiền vệ này rộng mở chẳng kém các đàn anh Văn Quyến, Quốc Vượng...là bao.
Thế nhưng, điều ấy đã không thể thành hiện thực khi mới bước vào tuổi 19 Việt đã dính sâu vào ma tuý cùng với đồng đội Văn Hiền, và bị phát hiện năm 2006. Để rồi, khi chưa kịp bước tiếp trên con đường sự nghiệp của mình, Việt và Hiền đã sớm bị SLNA sa thải.
Mà đây không phải là câu chuyện buồn đầu tiên của bóng đá xứ Nghệ, bởi trước đó bóng đá Việt Nam cũng tiếc nuối cho một tài năng khác - Phan Thanh Tuấn, tiền vệ được nhiều người đánh giá toàn diện hơn Hồng Sơn rất nhiều, nhưng rốt cuộc tương lai cũng lụi tàn vì dính vào cái chết trắng.
Nằm trong vòng xoay của ma tuý ấy, Đ (Khánh Hoà) cũng đang dần đánh mất dần mình sau những đêm quay cuồng với nhạc, rượu mạnh và gái trong vũ trường. Rất đáng tiếc, bởi tiền vệ trẻ này có tài, và từng khoác áo các đội tuyển trẻ QG.
Đó không phải là những trường hợp hiếm hoi của bóng đá Việt Nam chơi chất trắng. Năm 2008 một nhóm cầu thủ của T&T.HN cũng đã bị CA bắt trong một động lắc tại Q7-TP.HCM. Dù sau này cả nhóm đều được tha , nhưng ở hậu trường không ai tin đó là kết quả chính xác khi trong nhóm có Lê Hoàng Anh Thi - cầu thủ đã có "tì vết".
Xuân Thành (16) cũng từng "dính đạn" |
Cũng không dừng ở đó, nghe đâu sau chiến công đoạt HCĐ mùa bóng 2008, các "ngôi sao" của Hải Phòng cũng có mặt trong một vũ trường tại thành phố hoa phượng đỏ mà trên bàn có vài viên thuốc "lạ".
Nói đến cầu thủ nghiện, hay bay lắc càng không thể không nói tới Xuân Thành, tiền vệ của HN.ACB khi chính cầu thủ này tàng trữ cả chục viên thuốc lắc trong người và chuẩn bị sử dụng ở vũ trường New Century tại Hà Nội.
Tất cả những nhân vật kể trên đều đã được phanh phui, còn phía sau những cuộc chơi ở vũ trường "hên" chưa bị bắt thì còn rất nhiều. Bởi trong giới bóng đá, cùng giới với nhau chẳng ai lạ gì tính của người này, cách chơi của người kia.
Và nhiều khi trong những cuộc nhậu, một loạt cái tên của những "đại ca" ăn chơi, bay lắc được đưa ra. Thông tin chưa được kiểm chứng, nhưng từ những "nhân tố" kể trên xuất thân từ giới cầu thủ thì xem ra cũng đúng chứ chẳng sai.
... rồi ta cùng "dzô"
"Nói về chuyện nhậu của cầu thủ có mà hết ngày, giờ đố kiếm được thằng nào mà không biết nhậu đấy" - T một cầu thủ khẳng định. Mả quả thực, có nhìn mới có thấy tửu lượng của giới quần đùi áo số kinh hoàng thế nào.
Vũ trường - "điểm hẹn" thư giãn của không ít các cầu thủ |
Điểm đến của giới quần đùi áo số thường đến nhất ở TP.HCM là khu Nguyễn Tri Phương, Hải Triều... nếu "lành" lắm thì ngồi tại đây rồi làm "sơ sơ" tới 2-3 giờ sáng rồi về, còn thường thì các khu ăn uống này chỉ lót dạ mà thôi, điểm đến vẫn là vũ trường, quán bar.
Mỗi lần vào bar, bèo nhất cũng phải làm cặp rượu ngoại giá chục triệu, vài đĩa trái cây hay bia để "giải rượu". Tính sơ sơ mỗi tối đi chơi, giải trí "bay" của ai đó đứng ra làm chủ cuộc chơi cũng cỡ 1 tháng lương là chuyện thường.
Đó là nói chung, còn "dị nhân" trong làng bóng Việt Nam về khoản nhậu có lẽ phải kể tới H cầu thủ từng khoác áo TP.HCM này có thể nhậu từ sáng tới đêm mà vẫn tỉnh bơ, chỉ có điều vào buổi tập là coi như đuối.
Thậm chí có giai thoại mà các đàn anh của H kể rằng "nhiều khi nó rủ đi ăn sáng, ra thấy bia xếp lớp ở đấy rồi mà thấy sợ. Chưa hết,đang nhậu mà đến giờ giới nghiêm của đội, kiểu gì nó cũng làm vài chai đế mang về phòng uống tiếp".
Một ngôi sao của bóng đá Việt Nam đến từ miền Tây thì khác, không "đam mê" nhậu tới mức H, nhưng đêm mà không có vài chai là khó ngủ. Thậm chí, có lần đội nhà đi thi đấu ở nước ngoài HLV trưởng cấm trại, cầu thủ này đành nhờ người quen ra ngoài mua bia bỏ vào bình thuỷ để uống đỡ ghiền thì đủ hiểu.
Mà không chỉ ở cấp CLB, ở cấp ĐTQG trong thời kỳ tập chung chuẩn bị cho giải đấu nào đó, các tuyển thủ cũng nhậu nếu như có dịp. Hồi thày trò HLV Calisto tập trung ở Hàm Rồng, dù tập rất nặng nhưng khi xả trại 1 tối, rất đông các "anh hào" đã bắt taxi lên Pleiku xả strees bằng những trận nhậu vô bờ bến.
Và sau những trận nhậu đó, đương nhiên là khó có thể khác khi rất đông các cầu thủ đã tìm cho mình bãi đáp mới riêng tư hơn, mà không nói cũng rất nhiều người đã hiểu họ đi đâu khi đêm đã về khuya...
Và từ những cuộc nhậu như thế, đã xảy ra bao chuyện đáng buồn. Hẳn nhiều người không quên được Ngọc Thế, thủ môn khá tài năng của Đà Nẵng năm nào, bây giờ thì Thế đã giải nghệ, không phải vì chấn thương mà do bi "đâm nhầm" trong vũ trường Phương Đông năm 2003.
Sự vụ mà sau này CA Đà Nẵng đã vào cuộc và bắt được kẻ đâm trọng thương Ngọc Thế, qua lời khai hung thủ đã cho biết đêm đó hai nhóm sau khi đã uống khá nhiều đã có lời qua tiếng lại về chỗ ngồi, cũng như tranh giành "đào".
Cũng bắt nguồn từ các mối quan hệ không lành mạnh, và môi trường phức tạp cựu tuyển thủ Phi Hùng của SLNA đã từng bị chém vài lần trong quán Karaoke, trong vũ trường ngay tại TP Vinh cũng vì các mâu thuẫn ngoài sân cỏ.
Trường hợp của Ngọc Thế, Phi Hùng vẫn là còn may khi không để xảy ra án mạng. Còn với M, thủ môn dự bị của 1 đội bóng miền Trung giờ đã chuyển sang đội bóng khác thì có lẽ mãi ám ảnh về chuyện ăn nhậu trong cuộc đời mình khi đã khiến 1 cô gái làng chơi ngồi sau tay lái của mình tử nạn vì lao thẳng xe vào vách núi...
Có thể nói, chuyện chơi của các cầu thủ Việt giờ là vô cùng và đủ thể loại chơi. Thậm chí, trong giới "quần đùi, áo số" còn râm ran chuyện môt vài cầu thủ nổi tiếng ngoài chuyện bay lắc ở vũ trường, ăn nhậu ra còn có thú vui "đánh bóng" ở các giải quốc tế.
Thậm chí đã có người phải bán nhà để trả nợ chỉ sau 1 tháng EURO, nhưng cũng may với khả năng ở trên sân bóng của mình ngôi sao này cũng sớm trả được nợ sau mùa chuyển nhượng vừa qua...
Bóng đá càng phát triển, cuộc sống của cầu thủ cũng vì thế càng cao hơn, không phải là tất cả đều là những "tay chơi" nhưng cũng một bộ phận lớn đã và đang bước vào những con đường dẫn tới cái chết, huỷ hoại sự nghiệp. Và càng như thế, những giai thoại về "thú vui tao nhã" của cầu thủ Việt càng dày lên... Rất đáng lo.
- Phương Anh