Phía sau ánh hào quang sân cỏ:

Những tay chơi cự phách trong làng bóng đá Việt (I)

Cập nhật lúc 11:48, 02/03/2010 (GMT+7)

- Cái tin Molina đột tử ngày 26/1 vì sử dụng ma tuý quá liều đã khiến làng bóng đá Việt Nam rúng động và buộc người hâm mộ phải đặt câu hỏi: Liệu còn bao nhiêu "con nghiện" đang thi đấu tại các giải đấu hàng đầu ở dải đất hình chữ S?

>> Molina chết do sử dụng ma túy quá liều
>> Tiền đạo đội Bình Dương đột ngột qua đời

Và phía sau ánh hào quang sân cỏ, có hoàn toàn là thiên đường như nhiều người lầm tưởng? Thể Thao VietNamNet xin gửi tới quý độc giả loạt bài về những câu chuyện hậu trường của ngoại binh cũng như các cầu thủ nội đang chơi bóng tại Việt Nam...

Bài 1: Khi ngoại binh "lầy"

Bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp cũng đã được gần 10 năm và cũng chừng đó mùa giải ngoại binh đã là một phần không thể thiếu của đời sống bóng đá nước nhà.

Bên cạnh những mặt tích cực đến từ lực lượng ngoại binh này như sự đi lên của chuyên môn, về chất lượng của giải đấu thì ở phía sau hậu trường, các "ông Tây đá bóng" đến từ rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng có nhiều chuyện để kể.

Thực ra, Molina không phải là ngoại binh đầu tiên tử nạn ở Việt Nam, mà trước đó Vedaste (Đồng Nai) và Atangana (QK4) mới là những người xấu số lìa đời ở nơi xa quê hương cả nửa vòng trái đất.

Thế nhưng, cái chết của Vedaste và Atangana chỉ đơn thuần về bệnh tật khác hoàn toàn so với cách "chia tay" cuộc sống của Molina, nói chính xác hơn đó là sự cố khiến nhiều người lương thiện phải lắc đầu: sốc thuốc vì dùng ma tuý quá liều.

Molina ăn mừng.Ảnh: Quốc An
Cái chết của Molina (bên trái) khiến nhiều người đặt dấu hỏi về ngoại binh ở Việt Nam.Ảnh: Quốc An

Và khi cái chết của Molina xảy ra, rất nhiều người tự hỏi: Liệu còn bao nhiêu "Molina" nữa đang chơi ở V-League, hạng Nhất (những giải đấu các CLB được phép sử dụng ngoại binh) câu hỏi đó chưa có được câu trả lời cụ thể. Nhưng, nếu xét về khía cạnh sống buông thả, và độ chơi "ngập lụt" thì không hề hiếm.

Cách đây vài năm, "tay chơi" nổi tiếng nhất V-League vào thời điểm ấy có lẽ là Musisi, ngoại binh đến từ Uganda đến Việt Nam khoác áo Đà Nẵng.

Rất nhiều người sông Hàn đến giờ vẫn nhớ cầu thủ này không chỉ ở kỹ năng chơi bóng rất ổn (từng khoác áo 1 đội chuyên nghiệp ở giải VĐQG Pháp) mà còn nhớ và lắc đầu với lối sống buông thả ở ngoài đời của Musisi.

Kết thúc mùa bóng 2003-2004, Musisi về thăm nhà và "mất tích" một cách đầy bí ẩn, vài năm sau thông qua Ronal Martin (đã nhập tịch với cái tên Trần Lê Martin - HP.HN) nhiều người mới vỡ lẽ, sở dĩ Musisi không trở lại Việt Nam nữa, bởi anh đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Qua những kênh truyền thông của Uganda, năm 2005 Musisi đã qua đời, và thời điểm mà Musisi dính căn bệnh thế kỷ lại là quãng thời gian chơi cho đội bóng sông Hàn... Một kết cục quá đau lòng cho cầu thủ từng được đánh giá là một trong những gương mặt xuất sắc của bóng đá Uganda thế kỷ 20.

Musisi.Ảnh:Internet
Musisi đã chết vì căn bệnh thế kỷ. Ảnh:Internet

Một đồng hương của Musisi là Iddi Batambuze thậm chí còn bước vào con đường sa ngã trước cả đàn anh, khi về khoác áo Đà Nẵng mùa 2002.

Và hậu quả của những đêm "thác loạn" ở vũ trường, những đêm say thuốc cùng gái làng chơi cầu thủ từng được bầu tiền vệ xuất sắc nhất V-League 2001 dần dần xuống phong độ và biến mất khỏi Việt Nam cũng đầy bí ẩn.

Cùng giai đoạn với Musisi, Iddi Batambuze còn có Blessing (một công thần của đội bóng đất Võ năm mà họ thăng hạng 2001), rồi Lulenti, Enock Kembe... đều dần dần rời V-League không kèm không trống vì xuống phong độ là một chuyện.

Nhưng quan trọng hơn các ngôi sao từng làm mưa làm gió ở giai đoạn đầu bóng đá Việt Nam bước lên chuyên này đều phải ra đi vì ăn chơi quá trớn.

Không "bết đến mức bất cần" như các ngoại binh đã kể trên, Achilefu cũng là một cái tên đáng nể trong giới cầu thủ ở Việt Nam. Tiền đạo từng khoác áo Nam Định, HN.ACB rồi Đà Nẵng này từng khiến BLĐ đội nhà "điên đầu" về thói ăn nhậu của mình.

Đỉnh điểm cho thói bê tha đó chính là việc Achilefu cùng thủ môn Esele trong một ngày đẹp trời chán cảnh tẻ nhạt ở đất thành Nam phi xe lên Thủ đô và ở đây ăn nhậu tới quên trời đất. Thậm chí, khi một trợ lý của Nam Định gọi điện thoại, Phu thản nhiên tắt máy, và 3 ngày sau mới liên lạc trở lại với đội.

Achilefu.Ảnh: TTVH
Achilefu (phải) cũng là một bậc thầy về khả năng ăn chơi.Ảnh: TTVH

Với vốn sống ở Việt Nam lâu năm rành tiếng bản địa ngoài chuyện nhậu nhẹt bê tha, tiền đạo này cũng nhiều phen khiến đội nhà đau đầu với những đêm cặp kè với các cô gái mà nhiều đồng đội ở Đà Nẵng của Phu khẳng định có "thân nhân không tốt".

Và sau những đêm ăn chơi thác loạn, Achilefu đã bị Đà Nẵng thanh lý hợp đồng sớm, mà nguyên nhân nhiều người khẳng định ngoài việc xuống phong độ, những nghi ngờ về bệnh tật là lý do lớn nhất khiến đội bóng sông Hàn chào tạm biệt với Phu (?!)

Sau này, giới cầu thủ đã bắt đầu chơi kín hơn, nhưng cũng không qua được mắt lãnh đạo đội bóng và người hâm mộ. Như vụ Sakda hồi đầu tháng 6 năm 2009 đã bị 1 nhóm côn đồ "hỏi thăm" mà nghe đâu tiền vệ của HA.GL đụng độ với những thanh niên hư hỏng này ở 1 quán nhậu tại phố Núi.

Cũng nhắc tới phố Núi, đồng hương của Sakda là Thonglao cũng nổi tiếng chẳng kém, thậm chí còn chơi "kinh" hơn so với các đồng đội bản địa về khoản ăn nhậu. Chính Thonglao cũng có mặt trong bữa tiệc với Sakda trong đêm xảy ra sự cố đó.

Và sau những cuộc nhậu là gây hoạ, Jone Wole hiện đang chơi cho XM.HP là một điển hình, trong men say của bia và rượu trung vệ này đã không kiểm soát nổi bản thân và ra tay với đồng đội Ngọc Hùng, khiến hậu vệ này phải nhập viện với mặt mũi "tanh bành".

Ngoài những tấm gương kể trên, V-League hay giải hạng Nhất cũng còn rất đông các anh hào khác như Nsoga từng chơi cho Tây Ninh, Correira từng khoác áo HP.HN, rồi Da Silva ở Cần Thơ... đều là những tay chơi có số.

Và khi đã được mệnh danh là tay chơi, với những buổi đêm ăn chơi ở vũ trường, say khướt với rượu mạnh tự hỏi liệu có mấy cầu thủ nào giữ được mình không sa ngã tiếp vào những con đường đầy cám dỗ hơn là ma tuý và mại dâm? Không dám chắc...

  • Phương Anh

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Tôn Đức Sáu, TP Huế, 14:15, 03/03/2010

Tôi nghĩ rằng, không hoàn toàn như bạn Ngọc Hùng nói, Môi trường nào, xã hội nào cũng có những mặt trái của nó, vấn đề là khả năng tự kiểm soát bản thân. Hơn ai hết những con người đang hành nghề trong bóng đá chuyên nghiệp đầy khắc nghiệt, cần biết phải làm gì và sống ra sao để tồn tại . Chưa hẳn những cầu thủ này sang Việt Nam mới hư, mà có thể ở quê nhà họ đã mang trong mình căn bệnh trầm kha đó rồi. Vấn đề là cách thức quản lý con người của Lãnh đạo các đội bóng.

Nguyễn Hoàng Giang, hà nội, 13:52, 03/03/2010

Có một điều lạ là Ngoại binh nhiễm HIV mà vẫn được CLB sử dụng. Trong khi việc kiểm tra y tế phát hiện nhiễm HIV không hề khó. Qua đó cho thấy việc quản lý ở VN chưa chuyên nghiệp. Tại các nền bóng đá chuyên nghiệp, cầu thủ có được ra sân chơi bóng hay không, việc kiểm tra y tế là khâu bắt buộc và được làm rất cẩn thận.
Nền bóng đá muốn đi lên chuyên nghiệp thì việc quản lý phải làm được tốt trước.

Nguyễn Ngọc Hùng, Tp HCM, 10:06, 03/03/2010

Môi trường xã hội VN hiện nay nói chung, không riêng gì bóng đá, rất dễ làm hư con người. Các doanh nhân Nhật Bản nổi tiếng là nghiêm túc trong văn minh doanh nghiệp, mà sang VN thì trở thành những người đưa hối lộ nổi tiếng (vụ PMU 18) là 1 ví dụ điển hình.
Bởi thế, cầu thủ bóng đá ngoại có gì đặc biệt đâu mà không bị môi trường xã hội tệ hại của chúng ta "giết" như rệp!!!
NNH

Tran Phu Duc, Nha Trang, 21:17, 02/03/2010

Theo tôi bóng đá VN có 2 nhược điểm chính
1/ cơ chế của LDBDVN, những người không hiểu bóng đá mà đi làm bóng đá (tôi làm được)
2/ Kỹ luật chúng ta không tốt (kỹ thuật, thể lực...)
Và những điều xảy ra với ngoại binh vừa qua chúng ta cần có những chiến lược đào tạo thực sự chuyên nghiệp lấy nội lực làm chính. theo tôi thì ngoại binh chỉ có thể lực. còn nhược điểm thì nước sở tại biết rất rõ nhưng chúng ta lại welcome

sinhphu, 14:48, 02/03/2010

Cần phải loại bỏ hết những con sâu đó ra khỏi các đội bóng thì bóng đã Việt Nam mới phát triển tốt được. Hơn nữa ở trên mảnh đất hình chữ S này còn có rất nhiều cầu thủ chơi trên cơ các tay ngoai binh đó.

Các câu lạc bộ cần tổ chức thường xuyên các đợt thi tuyển cầu thủ ở trong nước để lựa chọn ra những cầu thủ có đức có tài và phải hiểu thế nào là bóng đá chuyên nghiệp? Có như thế thì bóng đá nước ta mới không có những hạt sạn như trên.

Tin liên quan

Các tin khác