World Cup buồn nhưng vẫn xin gặp lại
Các fan hâm mộ bóng đá dầu sao cũng cần sớm lấy lại thăng bằng và trở về với thực tại cuộc sống, như sự thật nhãn tiền trước mắt, rằng: mưa làm tắc đường, ngập xe, chết máy ô tô và những cú điện thoại í ới xin phép đến muộn, nghỉ làm buổi sáng. World Cup đã kết thúc. Và đã đến lúc con người cần lắng đọng những cảm xúc mà họ đã trải qua trong suốt một tháng bóng đá đã qua.
World Cup chỉ như V- League
Ai đó khi đọc đến tiêu đề phụ này có thể bất bình với người viết về cách ví von khập khiễng. Nhưng thực tế, đó là cảm giác của tôi khi chứng kiến đến trận đấu cuối cùng của kỳ World Cup đã qua.
Tôi nhận thấy điều này qua sự tính toán bộc lộ trong lời phát biểu của HLV Bert Van Marwijk khi muốn đưa trận chung kết đến kết cục giải quyết thắng thua trên chấm phạt đền.
Tôi cũng tin rằng nhận định của mình đúng khi các trọng tài FIFA, được đánh giá là có đẳng cấp hàng đầu thế giới, vẫn mắc những sai lầm thô thiển và ngớ ngẩn không khác các đồng nghiệp ở Việt Nam – điển hình là trọng tài Roberto Rosetti từng được ông Chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc gia Việt Nam đánh giá “biết sai lầm mà vẫn không thay đổi quyết định của mình là rất… con người”.
Tôi e rằng chất lượng bóng đá trong đa số của 64 trận đấu tại World Cup cũng không khác mấy so với những trận đấu diễn ra mỗi buổi chiều cuối tuần tại Hàng Đẫy, Thiên Trường, Lạch Tray, Chi Lăng, Nha Trang, Gò Đậu hay Gia Lai…
Tôi sợ hãi nhận ra rằng hình như cứ sau mỗi kỳ World Cup, lượng bàn thắng càng ngày càng ít đi.
Nếu lấy mốc Mexico 1986 là năm đầu tiên tôi chính thức xem các trận đấu World Cup để so sánh, mọi người sẽ cảm thông cho nỗi sợ hãi của tôi: 1986 – 132 bàn thắng; 1990 – 115 bàn thắng; 1994 – 141 bàn thắng; 1998 – 171 bàn thắng; 2002 – 161 bàn thắng; 2006 – 147 bàn thắng.
Kỳ World Cup năm nay, chỉ có 145 bàn thắng được ghi sau 64 trận đấu, và đội tuyển Tây Ban Nha chỉ ghi vẻn vẹn 8 bàn thắng vào lưới đối phương, trước khi lên ngôi vô địch thế giới.
Nếu đúng là các cổ động viên bóng đá đến sân và thích thú các trận đấu kết thúc với tỉ số hòa 2- 2 hay 3- 3, hoặc 4- 1 hay 4- 0, ắt hẳn họ sẽ có lý do để dè bỉu cách người Tây Ban Nha vô địch bằng những trận thắng đều đều 1- 0.
Và khi đó, tôi xin có lời khuyên là nên đi xem V- League, nhiều bàn thắng hơn và càng về cuối giải sẽ càng có nhiều trận đấu kịch… tính cả theo nghĩa thể thao cũng như dưới cách nhìn nghệ thuật sân khấu, chứ không phải sân cỏ.
Khi xưa ta trẻ
Vâng, không thể phủ nhận tính chất của một giải đấu (tournament), nơi mỗi đội tuyển chơi nhiều nhất cũng chỉ là 7 trận, hoàn toàn khác so với một mùa giải (league) có tới 26- 38 trận dành cho các câu lạc bộ.
Họ không có quyền mắc sai lầm, điều mà chính Del Bosque từng phải thốt lên: “May mắn là chúng tôi sai lầm vào thời điểm vẫn còn thời gian để sửa chữa” – đó là khi Tây Ban Nha thua Thụy Sĩ 0- 1 trong giai đoạn vòng bảng, ở trận đầu ra quân.
Chính vì sự khác biệt đó mà chất lượng các trận đấu World Cup ngày một nghèo nàn. Chứng cứ? Các đội quá sợ hãi khi để thua trận.
Còn bạn? Bạn có thấy trận đấu nào đó hấp dẫn đặc biệt không? Có thể, cách nhìn mỗi người mỗi khác, bởi Tây Ban Nha thắng Đức cũng là một trận đấu đáng nhớ, hay cách Hà Lan thắng Uruguay đã tốn nhiều giấy mực của báo chí và nước bọt của người hâm mộ để bàn tán…
Với tôi, các trận đấu World Cup trong quá khứ vẫn hấp dẫn và thú vị hơn. Một phần của điều này có lẽ là bởi chúng ta luôn có xu hướng nhớ tới những điều tốt đẹp, làm cứu cánh cho hiện thực xám xịt (hoặc cũng có thể, bởi 4 hay 8 hay 12 năm về trước, ta trẻ hơn!).
Một anh bạn sống ngay giữa thủ đô London của nước Anh và giải Premier League sôi động nhất hành tinh đã email cho tôi và hỏi: CR9 là ai? Tôi ngờ rằng, anh ấy nằm trong nhóm thiểu số những người dửng dưng với World Cup, và có lẽ anh ấy hiếm khi rờ tới mục thể thao của các tờ báo.
Bởi nếu không, ngoài CR9, với mỗi đội bóng, anh bạn ấy cũng sẽ kể ra được tên vài người (có thể ngoại trừ đội Triều Tiên), đa phần đều đang chơi bóng ở các giải đấu hàng đầu châu Âu như Anh, Tây Ban Nha, Italia, Đức, Pháp….
Và bởi vậy, từ trong sâu thẳm suy nghĩ của mình, người đọc hẳn cũng sẽ đồng tình với nhiều cây viết thể thao khi liên tưởng World Cup tới Champions League.
Chỉ có điều, bạn sẽ không tìm được niềm hưng phấn thường thấy trong những trận cầu Champions League, khi mà World Cup có chất lượng không khác V- League, giải đấu bị không ít người hâm mộ thể thao hàng ngày dè bỉu.
Ở giai đoạn quyết định của mùa giải La Liga hay Premier League, và đặc biệt là Champions League, các đội bóng thường chơi cống hiến với chất lượng trình diễn đẹp mắt hơn thứ bóng đá tính toán kiểu “giết” nhau trên chấm phạt đền kia.
Các câu lạc bộ không chỉ là tập hợp các cầu thủ tốt nhất lắp ráp vào những vị trí khác nhau của một bộ máy, mà còn có xu hướng bổ trợ để nó vận hành tốt hơn. Không có gì bí ẩn trong cách lý giải chiến thắng của một câu lạc bộ. Họ huấn luyện cùng nhau không chỉ trong 6 hay 8 tuần, mà là 11 tháng của một năm.
Và tới đây, chúng ta tìm được lời giải cho chiến thắng của Tây Ban Nha tại World Cup.
Cám ơn Tây Ban Nha
Madrid hôm qua ngập tràn sắc đỏ dưới ánh nắng vàng khi hơn 2,5 triệu người đổ ra các đường phố ăn mừng chiến thắng vĩ đại, lịch sử của đội tuyển Tây Ban Nha.
Vua Juan Carlos và Hoàng hậu Sofia đã ra đứng tận ngoài hành lang cung điện Hoàng gia để ôm hôn và chúc mừng từng nhà vô địch thế giới. Còn Thủ tướng Zapatero chỉ có thể nói được rằng: “Các bạn là những công dân mẫu mực của Tây Ban Nha. Xin cảm ơn!”.
Có lẽ, chỉ những công dân Tây Ban Nha sinh sống trên một đất nước với quá nhiều cộng đồng dân cư, nói thứ phương ngữ riêng của vùng, sinh hoạt và làm việc trong phạm vi từng xứ, hướng lý tưởng của mình theo những khẩu hiệu sặc tính địa phương… mới thấm và hiểu ơn hai hết cụm từ “công dân mẫu mực”.
Họ, các cầu thủ Tây Ban Nha, thực sự là những công dân mẫu mực, yêu quý lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau và biết cùng nhau hướng về một đích đến vĩ đại: chiến thắng.
Đội tuyển Tây Ban Nha, với 7 cầu thủ Barcelona trấn giữ các tuyến và vị trí then chốt, đã hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn: giữ vững bình tĩnh và ngẩng cao đầu chơi một trận “fair- play” theo mọi ý nghĩa trước người Hà Lan để trở thành đội bóng vô địch thế giới, với rất nhiều kỷ lục đi kèm theo đó.
Danh hiệu và chiến thắng này không phải là lý do duy nhất giúp họ sống trong trái tim người dân Tây Ban Nha, mà vì chưa bao giờ họ được chứng kiến một đội tuyển Tây Ban Nha đoàn kết đến thế tại một kỳ World Cup.
Cuối cùng, Tây Ban Nha cũng đã gia nhập câu lạc bộ những nhà vô địch thế giới.
Đội tuyển Tây Ban Nha đã giành chiến thắng với một phong cách, thái độ và những giá trị khiến họ sẽ mãi mãi đi vào lịch sử của đất nước này.
Ngày hôm qua, hơn 2,5 triệu người đứng tràn ngập các đường phố Madrid và nhiều triệu người khác trên toàn bộ đất nước, tất cả đoàn kết hơn bao giờ hết vì một ý nghĩ duy nhất: Tây Ban Nha.