Chỉ là những ngôi sao truyền thông
Hãy gạt bỏ những tranh cãi về quyết định của trọng tài Jorge Larrionda hay trợ lý Espinosa sang một bên.
Đúng, cú lốp bóng của Frank Lampard đã vào sau vạch vôi tới 2m.
Đúng, khi mà công nghệ “mắt ó” đã được áp dụng vào tennis hàng năm nay, FIFA vẫn khăng khăng từ chối áp dụng công nghệ đó, hoặc ít nhất là một hệ thống video giám sát, chỉ để bảo đảm rằng những thời khắc quan trọng như thế không bị một quyết định mang tính nhận định đảo ngược.
Đúng, Manuel Neuer đã thú nhận ngay sau trận đấu: “Tôi đã cố không phản ứng với trọng tài theo cách phân bua và chỉ tập trung vào diễn biến trên sân. Điều đó khiến trọng tài tin rằng bóng chưa vào trong lưới…”.
Đúng, cựu HLV đội tuyển Đức Jurgen Klinsmann phải thừa nhận trên ESPN rằng: “Đó là một bàn thắng. Mỗi nỗi sỉ nhục…”…
Sỉ nhục cho ai?
Mối hận thù giữa bóng đá Anh và Đức đâu chỉ mới khởi nguồn từ trận đấu trên sân Free State ở Bloemfontein. Có rất nhiều “nếu” và “thì” xảy ra sau trận đấu này, một khi tỉ số là 2-2.
Khi đó, trận đấu sẽ diễn ra theo một chiều hướng hoàn toàn khác, người Đức sẽ không thể phòng ngự phản công như trong hiệp 2, để rồi ghi thêm 2 bàn thắng theo đúng cách họ mong muốn.
Cũng có thể, đội tuyển Anh sẽ giành chiến thắng 3-2 trong lúc khí thế đang lên, hoặc nếu các học trò trẻ của Joachim Loew đủ khả năng cầm cự và đưa đôi bên tới loạt đá luân lưu quyết định thắng thua.
Trước khi bàn tới chuyện đó, hãy nói về chính Fabio Capello với những phát biểu trái ngược nhau trên báo chí, rằng “chỉ lựa chọn cầu thủ có phong độ và thể lực tốt nhất”.
Vậy tại sao lại chọn Gareth Barry? Tại sao Ledley King? Sao Joe Hart không phải là người bắt chính thay vì một Robert Green yếu đuối tâm lý một cách thảm hại hay David James thiếu tập trung đã thành lệ?
Nếu Rio Ferdinand không bị chấn thương vào phút chót, khi đó Capello hẳn đã không phải loay hoay lựa chọn từ Ledley King, đến Jamie Carragher, trước khi chấm đúng người chơi tồi nhất – Mattherw Upson.
Sự thật là tuyển Anh đơn giản không đủ mạnh để chiến thắng một đội bóng có tới 6 cầu thủ dưới 25 tuổi, và 4 trong số đó vừa mới tham dự trận chung kết U21 châu Âu 364 ngày trước đó.
Sự thật là tuyển Đức đã ghi tới 4 bàn thắng vào lưới tuyển Anh, như cách họ đè bẹp Australia trong trận đầu tiên ở vòng bảng.
Và nếu tỉ số có là 6-1 hay 7-1 thì nhiều cổ động viên Anh trên khán đài sân Free State cũng không quá ngạc nhiên, có chăng là chỉ thêm đau khổ và tiếc nuối cho công sức, tiền bạc, thời gian của mình vì một chiến thắng đã không bao giờ thành hiện thực.
’Không thể tệ hơn’
Sự thật là tuyển Anh đã chơi không thể tệ hơn trong suốt thời gian diễn ra World Cup. Họ thắng duy nhất một trận trong một bảng đấu mà người ta kỳ vọng được chứng kiến những trận thắng thuyết phục của Tam sư, để rồi phải chấp nhận cú sốc với kết quả phũ phàng đó.
Sự thật là tuyển Anh có giá trị trên trăm triệu bảng, với những cầu thủ lĩnh lương hàng trăm ngàn bảng/tuần chỉ là những ngôi sao của giới truyền thông Anh và nhiều quốc gia có số đông cổ động viên yêu thích lối chơi bóng khoáng đạt của Premier League – vốn hấp dẫn và chất lượng bởi tài năng và số đông cầu thủ… nước ngoài.
Tại sao tuyển Anh lại tồi tệ như vậy?
Bởi vì, thẳng thắn mà nói, tuyển Anh đã không là một khối thống nhất ngay từ thời điểm đặt chân tới Nam Phi.
Báo chí Anh lần này đã đoàn kết, thống nhất để cố ém nhẹm những lục đục nội bộ, thay vì triệt để khai thác như cách giới truyền thông Pháp “đập” tuyển Pháp te tua.
Dẫu sao, báo Tây Ban Nha, Đức, Italia vẫn tiết lộ đôi chút về chuyện Michael Dawson chưa bao giờ được ngó ngàng, dù là sự lựa chọn thay thế Rio Ferdinand – ngay cả khi chỉ để đủ số quân.
Cho tới khi, John Terry thực hiện “cuộc đảo chính một người” bất thành, người ta mới biết không chỉ có cựu đội trưởng tuyển Anh, mà có một cơ số cầu thủ Anh không hài lòng với cách lên đấu pháp của HLV người Italia.
’Buồn chán rò rỉ’
Người ta biết nói gì khi cầu thủ Anh than phàn về sự buồn chán ở Nam Phi, nỗi nhớ nhà rò rỉ ra bên ngoài, trong lúc cả nước Anh sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để ủng hộ họ.
Anh em hoàng tử William và Harry cất công sang tận Nam Phi để cổ vũ tuyển Anh thi đấu. Thậm chí, tân Thủ tướng Anh David Cameron, dẫu đang bận rộn giải quyết vụ BP với nước Mỹ, cũng sẵn sàng hợp tác với giới truyền thông để thực hiện video clip “Come on England”.
Bởi vì, những người được kỳ vọng như Steven Gerrard, Frank Lampard hay Wayne Rooney chưa bao giờ đủ khả năng trở thành cầu thủ có thể xoay chuyển tình thế - dẫu viết ra những dòng chữ khiến tôi cảm thấy quặn lòng.
Tôi là một fan hâm mộ tài năng và đạo đức của Steven Gerrard. Nhưng điều đó không ngăn cản tôi nói rằng anh đã bỏ lỡ cơ hội cuối cùng để chứng tỏ cho cả thế giới thấy tài năng đích thực của anh là thế nào, như chính anh cổ vũ đồng đội trước khi World Cup diễn ra.
Tôi là một cổ động viên nhiệt thành của Manchester United và đương nhiên rất tự hào về tài năng ghi bàn của Wayne Rooney.
Tuần này qua tuần khác, tôi luôn theo dõi MU thi đấu và hạnh phúc ngất ngây với những bàn thắng của tài năng bóng đá thiên phú này. Nhưng ở World Cup này, tôi cũng như anh ấy, từ trong sâu thẳm trái tim, đều phải thừa nhận rằng R10 đã chơi những trận đấu không thể tệ hơn.
Lý do vì sao thì chỉ có những người trong cuộc mới lý giải nổi?
Frank Lampard đã bị tước đi bàn thắng đầu tiên của anh tại World Cup. Nỗ lực chứng tỏ 27 bàn thắng ghi được cho Chelsea trong mùa giải qua là lý do vì sao Don Fabio xếp anh thi đấu ở vị trí tiền vệ trung tâm, thay vì chọn Gerrard.
Nhưng tôi vẫn phải nói rằng anh mờ nhạt, nếu không muốn nói đã bị chìm lấp dưới những pha đan bóng như thêu hoa dệt gấm của các cầu thủ Đức – trẻ trung, tài năng và rất có tổ chức.
’Khát khao chiến thắng’
Những Neuer, Sami Khedira, Jerome Boateng, Mesut Ozil, Thomas Mueller đá chính trận vừa qua, hay Dennis Aogo, Marko Marin, Toni Kroos… ngồi trên ghế dự bị thực sự là những cầu thủ khao khát chiến thắng, tham vọng chứng minh tài năng.
Đây là những yếu tố giúp họ có được tốc độ xuất phát vượt trội hơn đối thủ ngay từ những phút đầu tiên của trận đấu.
Premier League là giải đấu hấp dẫn và chất lượng nhất hành tinh? Điều đó khó có thể phủ nhận, dưới mọi góc độ. Có điều, đóng góp của các cầu thủ Anh là vô cùng bé nhỏ.
Nếu không tin, các bạn có thể cất công lật lại danh sách các đội bóng tham dự Premiership mùa vừa qua, và mùa này cũng vậy. Các cầu thủ Anh chiếm tỉ lệ khiêm tốn đến thảm hại.
Có nên liên tưởng điều này tới thất bại vừa qua của tuyển Anh? Còn biết nói sao khi người Đức đã chiến thắng bằng 100% tài năng đều đang thi đấu tại Bundesliga.
Điều tồi tệ nhất? Tôi buộc phải nói, giải Ngoại hạng Anh sẽ còn hấp dẫn hơn, nhưng điều đó có lẽ không tỉ lệ thuận với thành công của tuyển Anh tại các giải đấu lớn.
Không có ánh sáng cuối đường hầm.