Ngọt ngào, cay đắng
Hiếm có kỳ World Cup nào như vòng chung kết bóng đá Thế giới 1978, tổ chức tại Argentina với thật nhiều tranh cãi và dư âm xấu đến tồi tệ.
Chức vô địch World Cup lần đầu tiên của tuyển Argentina đã bị bôi nhọ bởi hàng loạt các sự kiện tiêu cực: bất ổn chính trị, dàn xếp tỷ số và cả các âm mưu bát cóc cầu thủ.
Tháng 6.1978. Đó là quãng thời gian tồi tệ nhất của Argentina dưới chế độ độc tài. Nhưng, cũng có người nói rằng đây chính là thời điểm hạnh phúc nhất của người dân đất nước này, vốn bị trái bóng tròn ám ảnh.
Trên con đường tiến tới trận chung kết, chiến thắng đội tuyển Hà Lan của Johan Cruyff, Argentina đã làm tất cả những gì có thể, bằng ảnh hưởng, sức mạnh và thủ đoạn của tướng độc tài Jorge Rafael Videla, để gạt người láng giềng Nam Mỹ - Brazil – ra khỏi giải đấu.
Và trận đấu giữa Argentina và Peru ở World Cup 1978 trở thành một ví dụ điển hình, tồi tệ và xấu xa nhất trong lịch sử những trận đấu bị dàn xếp tỉ số.
Dàn xếp?
Khi đó Argentina cần một chiến thắng với 4 bàn cách biệt để vượt qua Brazil, một cách biệt khổng lồ và khó ngờ tới đối với các đội tham dự World Cup, đặc biệt là trong hoàn cảnh Argentina có một hàng tấn công yếu (6 bàn thắng trong 5 trận đấu) và Peru sở hữu một hàng phòng ngự mạnh (6 bàn thua trong 5 trận đấu).
Có rất nhiều giả thuyết được đề cập, nhưng tất cả đều thiếu bằng chứng cụ thể, chỉ biết rằng, Argentina thắng 6-0, quá đủ để họ đi tiếp vào vòng sau, còn Brazil khăn gói về nước.
Sau này, người ta nói rằng trận thua đó xuất phát từ việc thủ môn của đội tuyển Peru đã được sinh ra tại Argentina, và Peru phụ thuộc vào lượng lúa mỳ nhập khẩu từ Argentina. Bằng chứng? Không.
Argentina đã đoạt chức vô địch đầu tiên của mình với người hùng Mario Kempes và HLV huyền thoại Cesar Luis Menotti, khi mà Diego Armando Maradona vào phút chót bị loại khỏi đội tuyển vì Menotti cho rằng anh còn quá trẻ để thi đấu World Cup.
Người dân Argentina sung sướng đổ ra đường hân hoan chào đón chiến thắng của đội bóng. Nhưng những người trúng thưởng lớn nhất có lẽ lại là những nhà lãnh đạo quân phiệt.
Đây là những người đã ghi điểm lớn trong chiến dịch quảng bá hình ảnh đất nước Argentina hân hoan hạnh phúc, dập tắt mọi nỗ lực quốc tế bày tỏ sự phẫn nộ đối với các cuộc trấn áp đẫm máu của phe quân đội trước đó.
Videla và chính quyền quân sự của nhà độc tài này đã hướng sự quan tâm của quốc tế đến bóng đá, thay vì những bản danh sách dài dằng dặc các nạn nhân chính trị, được coi là “mất tích”, trong các vụ thảm sát hàng loạt.
PR hoàn hảo
Năm 2008, nhiều người Argentina, trong đó có một số từng là thành viên của đội tuyển quốc gia vào năm 1978, trong nỗ lực đòi hỏi xem xét lại những vấn đề chính trị vốn được khỏa lấp bởi chiến thắng World Cup khi đó, quyết định tổ chức một trận đấu bóng đá để tưởng niệm nạn nhân của chế độ.
Địa điểm diễn ra trận đấu là sân vận động hoành tráng River Plate - cùng một địa điểm nơi Argentina đánh bại Hà Lan với tỉ số 3-1 vào ngày 25/6/1978.
Một số nhà bình luận so sánh rằng chức vô địch World Cup mà Argentina giành được khi đó không khác gì kỳ Olympic Berlin 1936 – sự kiện thể thao được tổ chức để tôn vinh chế độ quốc xã và tư tưởng phát xít của Hitler.
"World Cup 1978 chính là chiếc màn phủ lên bầu không khí đàn áp đẫm máu ở Argentina lúc bấy giờ. Nó thực sự là một cốc nước thánh dùng để rửa tội cho những kẻ giết người… trước toàn thế giới", Mabel Gutierrez, một trong số những người tổ chức các sự kiện kỷ niệm, tập trung vào lĩnh vực nhân quyền, nhận xét.
Sân vận động River Plate nằm cách khu trại tập trung, vốn được biến thành một nhà tù tra tấn khét tiếng thảm khốc của chế độ độc tài, chưa đầy 2 km.
Đó là trường Cơ khí Hải quân, nơi giam giữ khoảng 5.000 người và được cho là đã "biến mất." Tại đó, tù nhân có thể nghe thấy những tiếng gầm vang dội của đám đông hâm mộ bóng đá reo hò cuồng nhiệt trong sân vận động.
Khi đội tuyển Argentina thắng Peru 6-0 và giành quyền đi tiếp vào vòng sau, người ta nói rằng chính quyền đã quyết định “ân xá” cho khoảng 1.000 tù nhân. Không ai biết họ đi đâu khi rời trại tập trung này. Chỉ biết rằng, những người này không bao giờ xuất hiện trở lại.
Trong ngày diễn ra chiến thắng 3-1 của Argentina trước Hà Lan, những tù nhân còn sống nhớ lại và kể rằng vệ binh thậm chí khuyến khích tù nhân đội mũ trùm đầu, cởi bỏ xích chân và tham gia vào các cuộc diễu hành ăn mừng trên đường phố, theo một tuyến đường được quy định.
"Chúng ta đã thắng. Chúng ta chiến thắng!", gã cai ngục khét tiếng của trại giam, Jorge "El Tigre" Acosta, hét toáng lên. Graciela Daleo, một tù nhân sống sót, kể lại. "Khi hắn ta nói chúng ta chiến thắng, tôi biết chắc chắn rằng chúng tôi đã thua".
Daleo hồi tưởng lại những tháng ngày nóng bỏng và đẫm máu trong một bộ phim tài liệu được thực hiện nhân sự kiện kỷ niệm 30 năm Argentina giành chức vô địch năm 1978. "Chúng tôi đã thua vì Argentina giành chiến thắng trong trận chung kết ấy”, Daleo kết luận về sự mâu thuẫn của kỳ World Cup tai tiếng ấy.
Lúc này, các nhà phân tích nói rằng chiến thắng của đội tuyển Argentina tại World Cup 1978 là cực kỳ quan trọng. Các nhà lãnh đạo quân phiệt đã làm tất cả những gì có thể để Argentina có thể thắng Peru với cách biệt 4 bàn, qua đó loại bỏ Brazil - ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vô địch kỳ World Cup đó.
Trước thềm trận chung kết, đội tuyển Hà Lan cũng không thoát khỏi cảnh bị tra tấn tinh thần bởi những tin đồn về việc Johan Cruyff và một vài trụ cột có thể bị bắt cóc.
Chức vô địch thế giới đã giúp Videla và những kẻ ủng hộ ông ta củng cố quyền lực, làm suy yếu nỗ lực của một số nước châu Âu và Hoa Kỳ trong việc cô lập họ. Chế độ độc tài ở Argentina đã nắm quyền lực thêm 5 năm nữa, rồi mới sụp đổ.
Ám ảnh
Trong chiến dịch vòng loại World Cup 2010 khu vực Nam Mỹ vừa qua, một lần nữa, bóng ma của sự kiện “ Argentina – Peru: 6-0” lại tái hiện.
Tháng 10. 2009, huyền thoại bóng đá Peru, Hugo Sotil, một thành viên của đội tuyển Peru tại World Cup 1978, lên tiếng bày tỏ e ngại về tin đồn rằng cầu thủ Peru có thể bị mua chuộc để giúp Argentina giành chiến thắng.
Trước đó, tờ nhật báo uy tín của Peru, El Bocon, đưa tin các cầu thủ và HLV đội tuyển Peru đã được Liên đoàn bóng đá Argentina tặng thưởng 75 ngàn bảng sau khi Peru thắng Uruguay hồi tháng 9.2009.
Sotil, 61 tuổi, từng thi đấu cho Barcelona, nói trên kênh phát thanh địa phương rằng: “Tôi có thông tin về việc đội tuyển có thể được thưởng những khoản tiền bất thường để nỗ lực giành chiến thắng. Cụ thể là ai thì tôi không biết, nhưng việc đề nghị thưởng là có thật”.
Phát biểu của Sotil trùng hợp với việc báo chí Argentina đồng loạt đưa tin Uruguay và Colombia sẽ thưởng cho đội tuyển Peru 125 ngàn bảng, nếu họ đánh bại Argentina – thời điểm đó, Uruguay chỉ kém Argentina 1 điểm, còn Colombia kém 2 điểm.
Không ai biết đằng sau những phát biểu và thông tin đăng tải công khai trên mặt báo có mục tiêu gì, dẫu sao, Argentina và Uruguay cũng đã giành quyền tham dự World Cup 2010.
Về sự kiện 6- 0 năm 1978, đến nay, cả Argentina và Peru vẫn một mực phủ nhận rằng họ đã có thỏa thuận dàn xếp tỉ số trận đấu, để loại Brazil, rộng đường cho Argentina tiến đến trận chung kết và giành chiến thắng cuối cùng.
Tuy nhiên, năm 2008, Fernando Rodriguez, con trai của trùm buôn bán ma túy nổi tiếng của Colombia Gilberto Rodríguez Orejuela, tuyên bố rằng có các bằng chứng cho thấy bố anh ta chính là người đạo diễn, dàn xếp và đứng đằng sau việc trả tiền cho các cầu thủ Peru hồi năm 1978.