Messi, một "bung xung" lợi hại
Rất nhiều fan người Anh đã gởi email cho các báo thể thao để chỉ trích thành tích của Lionel Messi sau trận lượt đi gặp đội Arsenal ở vòng tứ kết của Champions League và đó cũng là một điều dễ hiểu thôi.
Đây cũng là một chỉ dấu cho thấy Lionel Messi sẽ bị áp lực nặng đến chừng nào trong vòng chung kết của World Cup sắp tới tại Nam Phi.
Áp lực này nặng ít ra cũng ngang bằng với áp lực mà đã "bẻ gãy" Ronaldinho người bạn và đồng đội với anh trong đội Barcelona cách đây bốn năm.
Khách mộ điệu kỳ vọng các ngôi sao sẽ giở trò ảo thuật đặc biệt mỗi khi ra sân và đây chính là cái thế tiến thoái lưỡng nan mà các ngôi sao gặp phải trong bóng đá ngày hôm nay.
Phải nói rằng ngành tiếp thị ngày nay đã biến hóa khôn lường để bán một món hàng với giá cao, trong trường hợp bóng đá là cầu thủ có kỹ năng cá nhân cao, vào lúc mà sự phát triển về mặt đấu pháp và thể lực cá nhân đòi hỏi bóng đá càng lúc càng phải chơi tập thể hơn.
Ngược dòng thời gian vào đầu thập niên 1950, khi đấu pháp WM mới được phát minh, thì bóng đá chủ yếu là các trận thư hùng cá nhân với nhau - hậu vệ phải chặn đứng cầu thủ chạy góc bên trái, hậu vệ trái truy cản cầu thủ chạy góc bên phải, trung vệ đọ sức với tiền đạo, vân vân.
Tuy nhiên, một vài năm sau đó, đội tuyển Hungary đã làm cho đấu pháp này vô dụng. Trung phong "cắm" đã lùi về vị trí sâu hơn và bỏ trống khu vực trung tuyến và hai tiền vệ tấn công dâng lên ghi bàn. Các cầu thủ trở nên quan trọng hơn không những xét theo vị trí của họ, mà còn vì sự năng nổ của họ ở vị trí mà họ được giao phó.
Đấu pháp WM
Dội tuyển Brazil đã tìm được cách để đối phó với đấu pháp WM : rút một tiền vệ về tham gia hàng phòng ngự do đó, họ ra sân với bốn hậu vệ. Nhưng khi rút thêm một người về phòng ngự, thì hai tiền vệ -lúc đó được gọi là tiếp ứng- phải "bao sân" rất rộng và do đó, mau thấm mệt hơn. Chính vì tình trạng này mà cầu thủ chạy góc bên trái của đội tuyển Brazil- được gọi là tả biên- Mario Zagallo đã phải lui về trợ giúp cho hàng tiếp ứng.
Như huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Pháp Aime Jacquet đã nói ra một vài thập niên sau là Zagallo đã chỉ ra cho thế giới thấy rằng mộtt cầu thủ có thể mặc hai áo cùng một lúc : một áo tấn công và một áo phòng thủ.
Zagallo là trụ cột đưa tuyển Brazil đến chỗ thắng hai World Cup năm 1968 và 1962. Dội tuyển Anh đã nhanh chóng chép theo khuôn mẫu này và bốn năm sau, đã có hai Zagallo ở hai đường biên: đó là Martin Peters và Alan Ball có nhiệm vụ đôi này. Như thế đấu pháp 4-4-2 ra đời và được coi là đấu pháp thành công nhất trong lịch sử của bộ môn bóng tròn.
Đấu pháp 4-4-2 và 1-10
Đấu pháp 4-4-2 được áp dụng mãi cho đến năm 1974 khi cả thế giới đều há hốc chiêm ngưỡng đấu pháp cách mạng của đội tuyển Hà Lan.
Hà Lan muốn tất cả các cầu thủ trên sân đều tham gia cùng một lúc trong một trận đấu, tất cả đều tranh bóng với đối phương, hoặc tạo ra nhiều giải pháp ghi bàn một khi giành được bóng.
Tất cả cầu thủ- ngay cả thủ môn- đều lên công xuống thủ cùng một lúc: đấu pháp này được gọi là 1-10 hay chính xác hơn "bóng đá tổng lực".
Theo sự đánh giá của ban huấn luyện đội tuyển Brazil, vào thời hoàng kim của đội tuyển Hà Lan, mỗi cầu thủ đều chạy năm ngàn thước mỗi trận đấu.
Vào giữa thập niên 1990, cự ly mà mỗi cầu thủ phải "bao sân" đã tăng gấp đôi và hiện nay, cự ly đã tăng lên 13 ngàn mét cho một số cầu thủ.
Rõ ràng với đấu pháp này, các cầu thủ ngôi sao không còn nhiều cơ hội để phô diễn kỹ xảo riêng lẽ của họ vì bóng đá không còn là trận thư hùng giữa hai cá nhân với nhau mà là một cuộc tranh giành thường trực của cả 11 người chọi với 11 người trên trên sân.
Hơn bao giờ hết, anh hùng hào kiệt chỉ xuất hiện khi cán cân sức mạnh giữa hai đội ngang bằng với nhau. Hầu như là không thể nào đánh giá một "đôi chân vàng" cống hiến gì cho đội nếu không xét tới sự thể vai trò của ngôi sao đó trong lối chơi của cả đội.
Yếu tố cá nhân
Tuy nhiên, trong bầu không khí của bóng đá hiện đại ngày hôm nay, yếu tố tập thể đã bị lu mờ vì càng ngày càng có các công ty thương mại dùng hình ảnh cá nhân để quảng cáo cho sản phẩm của họ, đó là chưa kể đến các giải thưởng cá nhân như là giải Cầu Thủ Xuất Sắc Nhất Thế Giới trong năm của FIFA vân vân, do đó thật là dễ dàng để chúng ta quên đi bóng đá là một trò chơi tập thể.
Xét cho cùng, thành tích của một cầu thủ không nên được xét theo số giải thưởng cá nhân, mà nên được xét theo kỹ xảo cá nhân của anh ta đóng góp gì được cho mục tiêu chung của cả đội.
Lionel Messi trong trận gặp Arsenal là một bằng chứng điển hình. Anh ta tác động sâu xa lên trận đấu. Anh ta muốn các đồng đội giao bóng cho anh ta, và đối thủ kinh hoàng vì lối đi bóng, lừa bóng, cho nên đã bố trí thêm người để khóa chặt anh ta.
Hàng hậu vệ đối phương đều tập trung vào chuyện "khóa" Messi, và điều này có nghĩa là nếu Ibrahimovic có thể thoát qua khỏi sự truy cản, thì gần như chắn chắn anh ta sẽ ghi bàn. Có thể nói là sự hiện diện của Messi đã vô hiệu hóa chiến thuật bọc lót của hàng hậu vệ gồm có bốn người của đối phương.
Dựa trên trận thắng 1-0 trước đội tuyển Đức hồi tháng qua, thì dường như ban huấn luyện của Argentina đang tập trung dùng Messi như là một con "bung xung". Trong trận này, Messi đã kéo nguyên cả hàng hậu vệ đối phương về phía phải, do đó, đã để trống cho Angel Di Maria một mình một ngựa bên phía trái lao xuống khung thành.
Đây là một điều mà huấn luyện viên trưởng của Argentina Diego Maradona hiểu rất rõ. Giới mộ điệu còn nhớ rất rõ hồi World Cup 1986, chính Maradona đơn thương độc mã đã dẫn Argentina đến trận chung sau khi loại đội tuyển Anh và Bỉ, và rồi sau đó, đành phải khuất phục trước sự truy cản dũng mãnh của Đức.
Năm đó, Maradona đã làm những gì? Anh đã lôi kéo các hậu vệ đối phương phải chạy theo truy cản anh và anh đã chuyền bóng cho các đồng đội như là Jorge Burruchaga ghi bàn.
Rõ ràng đây là một cá nhân tuyệt vời phục vụ cho tập thể và dây là dấu ấn của một cầu thủ thực sự xuất sắc.