221
1601
Bình luận quốc tế
binhluan
/thegioi/binhluan/
39183
Đơn cực hay đa cực?
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Cuộc chiến tranh Iraq: Tác động và hệ luỵ
Đơn cực hay đa cực?
,

(VietNamNet) - Cuộc chiến tranh ở Iraq làm cho một câu hỏi vốn đã được tranh luận từ hơn một thập niên nay bỗng chốc trở thành thời sự trong giới nghiên cứu, trong những tính toán chiến lược và trong hoạch định chính sách của các nước: Cục diện thế giới và quan hệ quốc tế sẽ diễn biến theo chiều hướng nào? Tới đơn cực hay đa cực?

 

Việc Mỹ và Anh tiến hành cuộc chiến tranh này, bất chấp LHQ, luật pháp quốc tế và phong trào phản đối sâu rộng trên thế giới, cũng như việc các đối tác thuộc diện có sừng có mỏ, ăn nói có gang có thép trên thế giới không ngăn cản được hoặc đã không làm hết khả năng của mình để ngăn cản – vì thật ra không muốn đối đầu trực diện với Mỹ – cho thấy cục diện – hay trật tự – một siêu đa cường đã được khẳng định và tiếp tục củng cố. Hiện tại và trong thời gian tới, thế đơn cực của Mỹ có phần áp đảo trong quan hệ quốc tế và triển vọng của một thế đa cực – hay trật tự - tồn tại trên lý thuyết nhiều hơn trên thực tế.

 

Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ đã triệt để lợi dụng những ưu thế của Mỹ trên nhiều lĩnh vực so với các đối tác khác để thực hiện ý đồ chiến lược của Mỹ, và đồng thời – như nhiều nhà phân tích đã chỉ rõ – biến những ưu thế đó thành lợi ích cụ thể và thiết thân đối với Mỹ. Trong cái gọi là Chiến lược an ninh quốc gia mới, Mỹ đã tuyên bố từ nay không để cho bất cứ ai đuổi kịp và vượt Mỹ trong những lĩnh vực chiến lược mà Mỹ có ưu thế. Từ đó có thể thấy Mỹ sẵn sàng tiến hành chiến tranh để thực hiện mục tiêu nói trên.

 

Từ đó cũng có thể thấy ba trụ cột cơ bản của thế đơn cực của Mỹ: Thứ nhất là ưu thế của Mỹ mà Mỹ ý thức được và tận dụng triệt để. Thứ hai là nhu cầu của các nước, đặc biệt các nước lớn và các nước phát triển, cần hợp tác với Mỹ và tránh trở thành đối tượng tấn công của Mỹ. Và thứ ba là sự lựa chọn đối tượng của Mỹ: Mỹ không thể gây hấn với tất cả các nước, nhưng Mỹ sẵn sàng gây chiến với những ai Mỹ cho rằng đe doạ hoặc cản trở lợi ích của Mỹ. Sự tương phản giữa vấn đề CHDCND Triều Tiên và Iraq là bằng chứng điển hình.

 

Nhưng cũng chính ở đó thể hiện những hạn chế và điểm yếu của thế độc tôn của Mỹ. Về lâu dài sẽ xuất hiện những hình thức và cấp độ tập hợp lực lượng mới theo hướng trở thành đối trọng với Mỹ; sự cọ sát lợi ích dân tộc sẽ ngày một gia tăng; cuộc chạy đua vũ trang ở phạm vi khu vực và toàn cầu sẽ gây ra những biến động mới khó lường trong vấn đề an ninh; những vấn đề an ninh phi truyền thống sẽ sâu sắc thêm. Nước Mỹ không phải là một ốc đảo "miễn dịch" trước những biến động đó. Và liệu nước Mỹ có đủ khả năng tài chính và nhân lực để duy trì thế độc tôn ấy được bao lâu. Sẽ có không ít quốc gia tận dụng tình hình đó để tăng cường  tiềm lực chờ thời. Và bài học từ lịch sử vẫn còn rất thời sự: các đế chế quân sự rồi cũng vị suy tàn vì không đủ khả năng để duy trì chính mình. Như vậy có thể thấy thách thức đối với thế đơn cực không hẳn chỉ từ khả năng hình thành thế đa cực, mà còn từ những điểm yếu và hạn chế của chính thế đơn cực đó. 

  • Lục Quán Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,