Mặc dù Trung Quốc có nhiều đàn ông hơn hẳn phụ nữ nhưng nước này vẫn thiếu những người hiến tặng tinh trùng. Các cặp vợ chồng hiếm muộn muốn thụ tinh nhân tạo phải chờ trung bình tới 9 tháng.
Wang Jian là một thanh niên trẻ, lực lưỡng, thông minh. Điều này khiến cậu gần như là một ứng viên hoàn hảo cho nhiều phụ nữ Trung Quốc đang muốn lập gia đình, ngay cả khi họ chưa bao giờ gặp Wang.
Chàng sinh viên ở Bắc Kinh này là một trong số ít những người đàn ông đáp lại tiếng gọi tuyệt vọng cần người hiến tinh trùng. Thậm chí, Wang còn là đối tượng hiếm có khi vượt qua mọi đòi hỏi khắt khe của nhà nước. "Không phải ai muốn cũng có thể hiến tặng tinh trùng, ngay cả khi họ muốn như vậy", Wang, 24 tuổi, cho biết sau khi được nhân viên thu nhận thông báo, mẫu tinh trùng của cậu thật tuyệt hảo.
"Tôi rất tự hào. Các ngân hàng tinh trùng luôn muốn những con giống hiến tặng có chất lượng như của tôi", Wang kể.
80% không đạt chuẩn tinh trùng
Trên thực tế, theo yêu cầu của các phòng khám có giấy phép tại Trung Quốc, người tặng con giống phải đáp ứng tiêu chuẩn 60 triệu tinh trùng trên một milimet, gấp 3 số tinh trùng của một nam giới khoẻ mạnh theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới.
Theo Chen Zhenwen, cố vấn trưởng của ngân hàng tinh trùng duy nhất tại Bắc Kinh, hơn 80% số người muốn hiến tặng trượt từ vòng thử nghiệm đầu.
Với những vấn đề về văn hoá cũng như sự giới hạn về đối tượng hiến tinh trùng, không chấp nhận nam giới trên 45 tuổi và người đồng tính, nên tình trạng thiếu hụt tinh trùng dẫn tới việc các cặp vợ chồng vô sinh phải chờ trung bình là 9 tháng để được thụ tinh nhân tạo.
Bộ Y tế Trung Quốc bắt đầu cho phép các ngân hàng tinh trùng mở cửa từ năm 2001, ấn định giới hạn tối đa là 1 ngân hàng/tỉnh hoặc vùng tự trị. Hiện nay, trên toàn Trung Quốc có 10 ngân hàng, tất cả đều của nhà nước.
"Tôi ước có nhiều người như Wang Jian. Điều đó sẽ giúp chúng tôi tránh tình trạng thiếu hụt tinh trùng ở các ngân hàng", ông Chen cho biết. Theo bác sĩ này, tình trạng vô sinh ở Trung Quốc và chất lượng tinh trùng của đàn ông giảm sút là do lối sống hiện đại, như ngồi lâu trước máy tính, lái xe suốt nhiều giờ.
Ngay cả khi không có những đòi hỏi cao, các ngân hàng vẫn vật lộn để thu hút những người hảo tâm. Hiện nay, dù ngày càng có nhiều nam giới Trung Quốc sẵn sàng hiến máu nhưng hầu hết đều ngượng ngùng khi nói về tinh trùng, chứ chưa nói tới đưa ra một mẫu con giống. Một số người từ chối vì vấn đề đạo đức, trong khi số khác lại sợ bạn bè và gia đình biết được.
Wang thừa nhận, không nói chuyện hiến tặng tinh trùng cho bố mẹ hoặc bạn gái nghe vì sợ "họ sẽ giết tôi nếu biết tôi cho một người lạ mặt hạt giống quý báu của gia đình".
"Tôi chỉ thấy vui nếu giúp đỡ được một cặp vợ chồng vô sinh", chàng sinh viên của Đại học Mỏ và Công nghệ Trung Quốc nói. "Thực ra, tôi nên cảm ơn họ vì đã duy trì nòi giống gia đình tôi".
Ngân hàng tinh trùng Bắc Kinh, do Viện nghiên cứu quốc gia về kế hoạch gia đình điều hành, mỗi ngày, đón trung bình hai khách, dù một nhân viên tại đây nói, số lượng khách đang bắt đầu tăng lên.
Số lượng người hiến tặng tăng lên nhờ có sự xây dựng lòng tin, những người thu nhận trong thành phố đảm bảo giữ kín tên tuổi người hiến bằng cách cung cấp mẫu trực tiếp cho bệnh viện để thụ tinh nhân tạo thay vì chuyển luôn cho các cặp vợ chồng
Chuyện ở phòng lấy tinh trùng.
Hiện, vẫn còn những hiểu nhầm về những gì diễn ra tại ngân hàng tinh trùng. Các nhân viên tại ngân hàng tinh trùng Bắc Kinh cho biết, họ thường xuyên nhận được điện thoại từ những nam giới hỏi liệu có "nữ y tá nào giúp người hiến tinh trùng không". Các nhân viên đổ lỗi sự hiểu sai này cho các bức ảnh giả đăng trên mạng hồi năm ngoái.
"Nhiều người hiểu nhầm", cố vấn trưởng Chen nói. "Đàn ông phải tự mình làm mọi việc trong phòng thu nhận. Chúng tôi thậm chí còn không cung cấp tạp chí hay băng hình khiêu dâm vì điều đó là bất hợp pháp tại Trung Quốc. Những gì chúng tôi làm đều nghiêm túc và tuân thủ quy định".
Những quy định của việc hiến tặng tinh trùng do Bộ Y tế đưa ra chỉ đơn giản như sau: chỉ đàn ông trong độ tuổi 22 tới 45 mới được phép hiến tặng tinh trùng một lần suốt đời. Nam giới đồng tính và người ngoại quốc bị cấm.
Một số ngân hàng khuyến khích các nhóm thiểu số ở Trung Quốc cho con giống và họ thường "thích" những người hiến tặng phải cao ít nhất 1m70 và có bằng cấp, vốn là những mong muốn của các cặp vợ chồng hiếm muộn.
Tuy nhiên, trở thành một người hiến tặng con giống không dễ dàng như vậy.
"Tôi cho rằng chỉ mất một lần đi lại, nhưng thực tế lại không phải như vậy", Feng, 23 tuổi, bạn học của Wang Jian, cũng tới ngân hàng tinh trùng nói. "Rất tốn thời gian". Feng cho biết, đã thay đổi suy nghĩ vì hiến tặng khi biết quá trình này kéo dài hơn 10 tháng.
Nam giới phải tới một ngân hàng tinh trùng 3 lần cho những xét nghiệm đầu tiên, tiến tới là thử máu nếu mẫu tinh trùng đạt yêu cầu. Tiếp đó, họ sẽ phải đi lại từ 10 tới 15 lần để hiến tặng. 6 tháng sau lần cho con giống lần cuối, những người hiến tặng phải thử HIV.
Các sinh viên đại học như Wang và Feng đã tạo lập nòng cốt cho hệ thống hiến tinh trùng quốc gia Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy, những người như Wang và Feng đại diện cho hơn 50% số nam giới tới các ngân hàng tinh trùng ở Trung Quốc. Tại Thượng Hải, con số này là 70% và ở tỉnh Sơn Đông, đông Trung Quốc là 85%. Nam giới đã kết hôn chiếm phần còn lại.
"Sinh viên cởi mở hơn thế hệ lớn tuổi", ông Chen nói dù ông thừa nhận, người hiến tặng lý tưởng phải là một nam giới đã kết hôn và có con.
Giá của con giống quý báu
Có một thứ giúp thu hút những người trẻ tuổi hiến tặng tinh trùng đó là tiền đáp lễ. Các ngân hàng tinh trùng trả 200 NDT cho mỗi lần hiến, dựa vào chất lượng và khoản tiền cảm ơn lên tới 1.500 NDT sau lần thử máu cuối cùng.
"Đó chỉ là một phần lý do mà tôi hiến tặng con giống. Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rằng 3.500 NDT là một số tiền lớn vì nó có thể trang trải một năm học phí. Những gì tôi cần làm không quá khó", Wang nói.
Ông Chen giải thích, việc mua bán tinh trùng ở Trung Quốc là bất hợp pháp, "vì vậy, chúng tôi không trả tiền để mua tinh trùng. Thay vào đó, chúng tôi trao cho người hiến tặng một số tiền tương đối để trang trải chi phí đi lại và tạ ơn họ vì đã thực hiện một việc khó khăn".
Ngân hàng tinh trùng Trùng Khánh, cơ sở duy nhất tại tây nam Trung Quốc, đã bị đóng cửa hồi cuối năm ngoái do bê bối mua bán tinh trùng. 3 quản lý, 2 nhân viên bị kết án từ 7 tới 12 năm tù vì bán 1.000 mẫu tinh trùng cho hầu hết các cơ sở thụ tinh nhân tạo không giấy phép để lấy 440.000 NDT.
Theo luật Trung Quốc, tinh trùng của một người hiến tặng chỉ được phép cung cấp tối đa cho 5 phụ nữ đã kết hôn (độc thân là chưa đủ tiêu chuẩn) và không phân phát lại sau khi một người được cho xác nhận đã mang bầu. Hạn chế này nhằm ngăn ngừa nguy cơ kết hôn giữa nam và nữ được sinh ra từ cùng một cha.
-
Hoài Linh (Theo ChinaDaily)