Bản báo cáo dài 600 trang được soạn năm 2006 - tư liệu được Bộ Tư pháp Mỹ cố gắng giữ bí mật - đã miêu tả cái mà các tác giả gọi là "sự hợp tác với những kẻ khủng bố".
Báo cáo nêu chi tiết cuộc truy đuổi Josef Mengele (trái), một sĩ quan SS và một bác sĩ có biệt danh "Thiên sứ của Tử thần". |
Các điệp vụ thuộc Văn phòng Điều tra Đặc biệt truy lùng phát xít Đức của Bộ Tư pháp Mỹ (OSI) đã phát hiện ra rằng, những tên tội phạm chiến tranh "trên thực tế đã được cấp thị thực một cách chủ ý" vào Mỹ, ngay cả khi các quan chức chính phủ biết rõ về hành tung của họ, báo cáo kết luận.
"Mỹ, vốn tự hào là một nơi trú ẩn an toàn cho những người bị khủng bố - đã trở thành, ở một giới hạn nhỏ nào đó, một nơi trú ẩn an toàn cho chính những kẻ khủng bố".
Bản báo cáo mà tờ Thời báo New York có được nêu chi tiết các trường hợp Đức Quốc xã được các quan chức tình báo Mỹ giúp đỡ.
Cụ thể, năm 1954, CIA đã giúp Otto Von Bolschwing, trợ tá của Adolf Eichmann - nhân vật đã giúp phát triển các kế hoạch "thanh trừng người Do Thái khỏi nước Đức".
Trong một loạt ghi nhớ của CIA, các nhà chức trách đã cân nhắc cần phải làm gì nếu Von Bolschwing bị lật tẩy về quá khứ của mình, xem xét liệu có nên phủ nhận bất kỳ một tư cách phát xít nào hay "giải thích dựa trên các tình tiết giảm nhẹ", theo báo cáo nói trên.
Bộ Tư pháp Mỹ đã tìm cách trục xuất Von Bolschwing sau khi biết được thân phận của nhân vật này vào năm 1981. Tuy nhiên, ông ta đã chết cùng năm đó.
Một trường hợp khác liên quan tới Arthur L. Rudolph, một nhà khoa học của Đức Quốc xã và là người điều hành nhà máy đạn Mittelwerk. Ông này được đưa tới Mỹ năm 1945 vì khả năng chế tạo rocket như một phần của Chiến dịch Paperclip, một sáng kiến Mỹ nhằm tuyển mộ các nhà khoa học đã làm việc ở Đức thời phátxít.
Tài liệu trên nhấn mạnh một ghi chép năm 1949 của chính một quan chức cấp cao Bộ Tư pháp, kêu gọi các sĩ quan nhập cư để cho Rudolph trở lại Mỹ sau khi sang Mexico, bởi vì tống cổ nhân vật này sẽ "gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia".
Báo cáo cho biết, các công tố viên đã đưa ra một bản kiến nghị vào năm 1980 trong đó "tuyên bố không đúng sự thực" khi khẳng định rằng các hồ sơ của CIA và FBI không tiết lộ thông tin về quá khứ phát xít của Tscherim Soobzokov, một cựu binh Waffen-SS (lực lượng vũ trang SS).
Thay vào đó, Bộ Tư pháp "đã biết rõ rằng Soobzokov đã báo cho CIA về quan hệ SS của ông ta sau khi tới Mỹ", báo cáo kết luận.
Báo cáo nêu chi tiết vụ truy đuổi Josef Mengele, một sĩ quan SS và là một bác sĩ có biệt danh "Thiên sứ của Tử thần". Một mảnh da đầu của Mengele đã được cất trong ngăn kéo của một giám đốc OSI với hy vọng nó sẽ giúp xác định liệu bác sĩ này còn sống hay đã chết.
Theo báo cáo, các nhà điều tra đã sử dụng nhật ký và thư từ do Mengele viết cùng các hồ sơ răng của Đức để theo dấu Mengele. Sau khi kỹ thuật ADN phát triển, một mảnh da dầu đã giúp xác định rằng Mengele đã chết ở Brazil năm 1979 và ông này không hề tới Mỹ.
Chính phủ Mỹ đã ngăn không cho báo cáo trên được công khai sau khi nó được hoàn tất cách đây 4 năm. Đến tháng 10 vừa qua, chính phủ Mỹ đã cung cấp một bản chỉnh sửa cho Văn khố An ninh quốc gia, một nhóm nghiên cứu tư. Tuy nhiên, sau đó tờ Thời báo New York đã có trong tay bản đầy đủ.
Bộ Tư pháp Mỹ nói với Thời báo New York rằng, bản báo cáo trên - là sản phẩm của 6 năm nghiên cứu - chưa bao giờ được hoàn tất một cách chính thức và không đại diện cho những kết luận chính thức. Bộ này khẳng định tài liệu có "nhiều sai lầm và bỏ sót" song không giải thích cụ thể.
Kể từ khi ra OSI ra đời năm 1979, vài trăm thành viên phát xít Đức đã bị trục xuất khỏi Mỹ, tước quyền công dân Mỹ hoặc bị cấm vào nước này.
- Thanh Hảo (Theo Telegraph)