Người Haiti hấp hối trong đổ nát

Cập nhật lúc 11:38, 18/01/2010 (GMT+7)

Những người dân thường không ngớt lời cầu nguyện và kêu khóc cầu xin giúp đỡ khi ngày càng có nhiều người Haiti lâm vào cảnh mất nhà cửa. Sáu ngày sau cơn địa chấn, cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia nghèo khó này đang khiến cả thế giới quan tâm theo dõi.

s
Nỗi tuyệt vọng chờ viện trợ của người Haiti. (Ảnh: Reuters)

Cảnh sát Haiti phải vật lộn với nạn cướp bóc lan tràn ở Vieux Marche tại thủ đô. Ở những nơi đông đúc khác, cảnh tượng giống như địa ngục với những đám khói bốc nghi ngút từ việc đốt các thi thể không được thu nhặt, tiếng súng nổ, và những nhóm thanh niên trẻ cầm dao la hét.

Bên cạnh đống đổ nát của nhà thờ Port-Au-Prince, khi mặt trời chiếu qua những tấm kính vỡ, vị linh mục nói với đám đông giáo dân tập trung trong lễ cầu nguyện đầu tiên kể từ khi xảy ra động đất rằng: "Giờ đây, chúng ta ở trong tay Chúa".

Và nỗi tức giận của người dân thì ngày một dâng cao khi họ tuyệt vọng trông chờ vào những bàn tay khác để phân phát lương thực và nước uống.

"Chính phủ đang trêu đùa, LHQ cũng như vậy", Jacqueline Thermiti, 71 tuổi, nói khi bà nằm giữa bụi bặm với hàng chục người già hấp hối bên ngoài nhà dưỡng lão đã bị phá hủy vì động đất. "Chúng tôi chỉ cách sân bay khoảng 1km và chúng tôi đang chết vì đói".

Nước uống đã đươc cung cấp tới nhiều hơn ở thủ đô, nơi ước tính có khoảng 300.000 người sống ngoài trời nhưng lương thực và thuốc men vẫn thiếu trầm trọng.

Cả thành phố bị tê liệt bởi mùi hôi thối của xác người và rung chuyển vì những trận dư chấn liên tiếp xảy ra. Trên đường phố, người dân đang chết dần, người thì quỳ gối cầu xin giúp đỡ, phụ nữ mang thai sinh con trên vỉa hè, người bị thương chen chúc trên xe hàng và sau lưng họ, nhiều người đang hối hả sửa lại bệnh viện bị hư hỏng nặng. Chính quyền địa phương cảnh báo bạo lực có thể gia tăng.

Tại Vieux Marche, cảnh sát đang cố gắng giải tán đám đông tập trung cướp bóc quanh những chiếc xe tải trong khi đó hàng trăm thanh niên khác thì xúm vào các cửa hiệu đổ sập, thu nhặt tất cả những gì có thể. Chạy ra ngoài với một thùng lớn băng vệ sinh, Love Zedouni hét lên: "Tôi chưa biết làm gì với nó, nhưng tôi chắc sẽ có thể bán được nhiều tiền".

"Đây là một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất nhiều thập niên", Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói khi tới Thủ đô Haiti. "Hư hỏng, phá hủy và chết chóc khắp nơi".

Thống kê chính xác về số người thiệt mạng có thể mất vài tuần nữa mới được công bố, nhưng ước tính có khoảng 50.000 - 100.000 người đã chết trong trận động đất mạnh 7 độ richter, và quan chức Haiti tin là thống kê sẽ lớn hơn nhiều.

Tại nhà thờ, có người thì cầu nguyện xin Chúa cứu giúp, nhưng có người lại tỏ ra giận giữ. Jean-Andre Noel, 39 tuổi nói: "Đây là một tai ương Chúa bắt chúng ta phải chịu đựng. Những ai sống ở Haiti đều cần mọi thứ, chúng tôi cần lương thực, nước uống, thuốc men. Chúng tôi cần giúp đỡ".

Có một số sản phẩm lương thực được đem ra trao đổi mua bán, nhưng giá cao vót khiến hầu hết mọi người không thể đủ khả năng.

Theo nhà phân tích, khó khăn nhất hiện nay là việc tắc nghẽn tại sân bay do quân đội Mỹ kiểm soát. Trước đó, một số quan chức Pháp, Brazil đã than phiền việc Mỹ từ chối cho các máy bay chở hàng cung cấp hạ cánh xuống sân bay. Mỹ hoàn toàn chịu trách nhiệm kiểm soát không phận Port-au-Prince và các chuyến bay đến đều phải đăng ký với Căn cứ không quân Tyndall tại Florida.

Chỉ huy mặt đất của Mỹ tại Haiti, tướng Ken Keen, cũng thừa nhận vấn đề tắc nghẽn. "Chúng tôi đang nỗ lực mở ra các con đường mới. Cầu cảng là một phần trong đó".

Nhiều người dân đã nổi giận với Tổng thống Rene Preval, người không có mặt tại một địa điểm cứu hộ nào hay xuất hiện trên đài phát thanh để nói về tình hình thực tế kể từ khi động đất xảy ra.

Tại trụ sở LHQ đã bị động đất phá hủy, cứu hộ đã đưa được một nhân viên người Đan Mạch vẫn còn sống ra khỏi đống đổ nát, chỉ 15 phút sau khi Tổng Thư ký LHQ tới thăm nơi này. Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ, Hedi Annabi và ít nhất 39 nhân viên khác đã thiệt mạng. Hàng trăm thành viên gìn giữ hòa bình và nhiều nhân viên khác của LHQ vẫn đang mất tích.

Hôm qua (17/1), tại đống đổ nát của Siêu thị Caribbea, nơi các đội cứu hộ từ Florida và New York City làm việc thâu đêm, một cảnh sát cho biết, ba người đã được đưa ra khỏi đống đổ nát mà vẫn còn sống. Sau đó, một thiếu nữ Dominica 16 tuổi bị mắc kẹt năm ngày trời trong một khách sạn nhỏ tại Port-au-Prince cũng được cứu sống.

  • Kỳ Thư (Theo AP)

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác