Các thi thể đi đâu sau thảm hoạ động đất Haiti
Bốn ngày sau trận động đất tàn phá ở Haiti, nỗ lực mai táng xác của hàng nghìn người đang bị phơi dưới ánh mặt trời hoặc phủ trong vải trắng, dưới những tấm bìa ở Port-au-Prince vẫn tiếp diễn.
Các thi thể bị chất đống trong những ngôi mộ tập thể (Ảnh Reuters) |
Hiên chưa rõ có tổng số bao nhiêu người thiệt mạng vì trận động đất hôm 12/1. Tuy nhiên, theo thủ tướng Haiti, con số tử vong có thể là hàng trăm nghìn người.
Phóng viên CNN Anderson Cooper hôm 15/1 đưa tin từ hiện trường một ngôi mộ tập thể ở ngoại ô Port-au-Prince đã mô tả cảnh xác của hàng trăm người lẫn cả rác bị vùi dưới những cái hố mở. Một số thi thể được xe xúc đất hất xuống những chiếc hố đã đầy một nửa.
"Những người này sẽ biến mất. Không ai biết điều gì đã xảy ra với họ. Đó là một trong hàng loạt điều rùng rợn", Cooper nói qua điện thoại. "Tại đây, không có một hệ thống ghi chép nào. Theo nghĩa đen thì những thi thể được thu dọn từ các phố, quăng lên xe tải và được đưa tới đây rồi bị chôn trong những chiếc hố như vậy".
Người chết không gây hoạ
Sợ bệnh dịch là lý do thường được viện dẫn cho việc khẩn trương chôn các xác chết trong những ngôi mộ tập thể. Tuy nhiên, trái với những điều mà mọi người tin tưởng, các thi thể không gây ra đại dịch nào sau khi những thảm hoạ thiên nhiên xảy ra, các chuyên gia cho biết.
"Sự thật là hầu hết bệnh tật trú trong người chúng ta, và một khi cơ thể đã chết thì bệnh tất cũng không thể sống lâu hơn", Oliver Morgan, một chuyên gia về bệnh học tại Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch nói.
Phân từ những thi thể thối rữa có thể làm ô nhiễm nguồn nước và gây ra những đe doạ. Tuy nhiên, việc những nạn nhân còn sống đang đối mặt với tình trạng mất vệ sinh mới là nguy cơ lớn, Morgan, người đóng góp cho những hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới về việc xử lý các thi thể sau một thảm hoạ thiên nhiên, nói.
Theo WHO, chưa có một đại dịch nào bùng phát sau thảm hoạ thiên nhiên liên quan tới những thi thể bị phơi dưới mặt trời. Ưu tiên hàng đầu hiện giờ là người sống, các chuyên gia cho biết.
"Thu dọn xác chết không phải là nhiệm vụ cấp bách nhất sau một thảm hoạ thiên nhiên", hướng dẫn năm 2006 của WHO về xử lý các thi thể sau thảm hoạ ghi rõ. "Ưu tiên hàng đầu là chăm lo cho những người còn sống. Không có đe doạ nào lớn với sức khoẻ công chúng do sự hiện diện của các thi thể. Dù vậy, việc dọn xác nên tiến hành nhanh nhất có thể và đưa đi nhận dạng".
Đeo khẩu trang để tránh mùi hôi (Ảnh CNN) |
Mộ tập thể: Giải pháp dễ dàng nhất
Các chuyên gia cảnh báo, việc chôn nạn nhân trong những ngôi mộ tập thể là không thể bào chữa được bằng những lý do y tế. Mau chóng chôn các xác chết mà không nhận diện hợp lý sẽ khiến các gia đình và cộng đồng bị tổn thương cũng như gây ra những hậu quả pháp lý nghiêm trọng.
"Luôn có những cuộc bàn luận về mộ tập thể vì đó là giải pháp dễ dàng nhất", theo Frank Ciaccio, phó chủ tịch thương vụ tại công ty khẩn cấp quốc tế Kenyon - công ty chuyên ứng phó với những trường hợp có thương vong quy mô lớn. "Chúng tôi không khuyến khích họ làm như vậy. Tuy nhiên, đôi khi những tình huống như vậy xảy ra tại các nước đang phát triển thì đó là cách duy nhất".
Khi buộc phải chôn nạn nhân trong các ngôi mộ tập thể, các đội nên ghi chép hoặc chụp ảnh từng nạn nhân để nhận diện trong tương lai, Frank nói. Kenyon đã phái một đội đánh giá phản ứng khẩn cấp tới Haiti. Ông Frank Ciaccio từng là thành viên đội phản ứng khi sóng thần xảy ra tại Đông Nam Á năm 2004 và ở New Orleans, Louisiana sau trận bão Katrina năm 2005.
Nhìn thấy người chết trên đường phố là điều khủng khiếp với người sống. "Nó khiến mọi người rất stress. Hiện thời trời rất nóng và đó là những cảnh tượng không hề dễ chịu. Đã có những thi thể bị phân huỷ. Trời càng nóng, các thi thể phân huỷ càng nhanh", ông Frank nói. Các thi thể phân huỷ ngay những ngày đầu mới chết, nó gây ra mùi hôi thối và kéo ruồi nhặng tới.
Tại một trong số những nghĩa trang trong thủ đô, mọi người mở các hầm mộ cũ, đẩy thi thể nạn nhân động đất vào trong trước khi tái niêm phong hầm mộ.
Mỹ đang phái một số đội nhận tang lễ tới nhận diện và chôn các xác chết tới Haiti, Kathleen Sebelius, Bộ trưởng Y tế và các dịch vụ con người Mỹ nói. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã có mặt tại Haiti.
-
Hoài Linh (Theo CNN)